Nhiều cánh tay giơ lên khi học sinh được hỏi “có bị áp lực vì học tập”


Bà Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, nói bà cảm thấy có sự gia tăng lo âu, căng thẳng ở học sinh sau thời gian dài học trực tuyến vì dịch bệnh

Áp lực về kết quả học tập, thi cử do học trực tuyến kéo dài, không được giao lưu với bạn bè; áp lực vì cha mẹ không chia sẻ, lắng nghe... là những chất chứa tâm sự của học sinh sau đại dịch.

Sáng 17.5. 2022, Hội đồng Đội Trung ương (T.Ư) phối hợp Báo Tiền Phong,  Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Ba Đình tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói” tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội).

Diễn đàn lần đầu tiên tổ chức có sự tham gia của khoảng 1.000 học sinh THCS, các chuyên gia, diễn giả, nhà quản lý giáo dục.

Khách mời là đại diện Bộ GD-ĐT, Bộ Lao đông - Thương binh -  Xã hội, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, các chuyên gia tâm lý, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nghệ sĩ Xuân Bắc, Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà…

Rất nhiều cánh tay giơ lên trước câu hỏi: “Có bị áp lực vì học tập?”

Trước khi các khách mời trao đổi, diễn đàn có sự chia sẻ trực tiếp của học sinh về những khó khăn trong cuộc sống, học tập; cũng như việc thích nghi hòa nhập cộng đồng sau dịch Covid-19.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc học trực tuyến kéo dài, khi quay trở lại trường học cũng là thời điểm học sinh trên địa bàn Hà Nội đối mặt với kỳ kiểm tra cuối năm học và các kỳ thi chuyển cấp quan trọng như thi vào lớp 10, thi tuyển sinh đại học… Thực tế này đã khiến không ít học sinh rơi vào khủng hoảng tâm lý, thậm chí đã có những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Rất nhiều cánh tay học sinh đã giơ lên tại sân Trường THCS Giảng Võ khi các em học sinh được hỏi “có cảm thấy bị áp lực về việc học tập?”.

Nhiều cánh tay giơ lên khi được hỏi các em có thấy bị áp lực bởi học tập

 

Em Trần Minh Tâm, học sinh lớp 9 của Trường THCS Giảng Võ, thừa nhận trong thời gian đầu học trực tuyến cảm thấy thoải mái, tự do nhưng cũng vì thế mà thấy buông lỏng hơn trong quá trình học tập và điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học và khả năng tiếp thu bài của em.

"Sau khi trở lại học trực tiếp, kết quả bài thi sẽ có thể bị ảnh hưởng. Điều này thực sự rất đáng lo, nhất là khi em sắp bước vào kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng. Khóa của em bị ảnh hưởng 3 năm bởi dịch Covid-19, em luôn mong muốn và hi vọng có thể quay trở lại trường học sớm nhất để gặp thầy cô bạn bè", học sinh Trần Minh Tâm nói.

Em P.T.K.A thì chia sẻ: "Câu chuyện của em đến giờ đã nhẹ nhàng hơn. Trước khi xảy ra dịch, em là học sinh có kết quả học tập tốt và tích cực tham gia các hoạt động và nhiều người bạn nhận xét em là hoàn hảo. Tuy nhiên, em cảm thấy không vui vì hoàn hảo nghĩa là sự kết thúc; em muốn mình vẫn có thể tốt lên từng ngày.

Thời điểm bùng nổ nhất là giai đoạn học trực tuyến khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Em rơi vào cảm xúc lo lắng, căng thẳng và mất cảm hứng đối với việc tham gia học tập và các hoạt động của lớp, trường khiến kết quả học tập không tốt, cảm xúc bị dồn nén.

Điều may mắn hơn so với nhiều bạn, em vẫn có thể chia sẻ với bố mẹ. Bố mẹ trao đổi, đưa ra nhiều giải pháp, nhưng em lại cảm thấy thiếu sự chia sẻ, đồng cảm. May mắn, việc đến trường lớp học trực tiếp giúp tình trạng căng thẳng của em giảm hơn".

Một học sinh khác tâm sự: "Điều bất lợi khi em mới học trực tuyến là không quen sử dụng các thiết bị điện tử nhưng sau 1 - 2 ngày thì em đã quen. Nhưng dùng thời gian dài em cảm thấy mệt mỏi, đau mắt. Kết quả là phải dùng kính cận".

"Lần đầu tiên học online em có cảm giác thiếu tập trung, khác hẳn với học trực tiếp trên trường. Mỗi khi có trục trặc về đường truyền, việc tiếp thu bài học sẽ bị gián đoạn. Bên cạnh đó, em cũng không thể gặp hay trò chuyện với các bạn trong lớp", một học sinh khác nói.

Học sinh không ngần ngại chia sẻ những suy nghĩ của mình

 

Em N.D.K, một học sinh mới chuyển từ Đức về Việt Nam vài năm, tâm sự: “Em là người khá mẫn cảm với những lời nói, dễ bị tổn thương, lạc lõng. Trong một lần bị cô giáo trách mắng vì không ghi chép bài đầy đủ, em cảm thấy cô hiểu sai mình và những lời nói của cô như những mảnh thủy tinh đâm thẳng vào tim em. Em đã cảm thấy tổn thương và căng thẳng vì những câu nói đó”.

N.D.K cho biết có thời điểm em chỉ nằm trên giường khóc và từng nghĩ muốn “biến khỏi thế giới này”. Nhưng khi gặp được cô chủ nhiệm, cô đã dạy em cách yêu bản thân mình bởi mọi người là một cá thể riêng, có điểm mạnh điểm yếu. Mỗi lần nói chuyện với cô giúp em thấy nhẹ nhõm lòng mình".

Tôi cảm thấy có sự gia tăng lo âu, căng thẳng

Bà Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, tâm sự: “Trong một thời gian rất dài, thầy cô giáo và học sinh giao tiếp trong một không gian rất hẹp; không tương tác được với thiên nhiên, với môi trường xung quanh là nguyên nhân khiến tâm lý bị ảnh hưởng.

 
 
Do vậy, bà Tô Thị Hải Yến cho hay khi học sinh trở lại trường, việc đầu tiên là làm thế nào để thầy và trò rút ngắn sự thích nghi với những thay đổi của hình thức học tập, thói quen sinh hoạt và học tập để giải tỏa tâm lý.

“Từ góc độ của nhà quản lý, tôi cảm thấy có sự gia tăng lo âu, gia tăng căng thẳng”, bà Yến nói.

                          Tuệ Nguyễn (Thanh niên)