Những ngày lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945


 

          Quang cảnh mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội (Ảnh TL)

         Cách mạng Tháng Tám năm 1945, toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã nổi dậy Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền và tự do, độc lập, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến bóc lột. Đó là những ngày sôi động, khẩn trương và cũng đầy thử thách, khó khăn.

          Ngày 9-8: Sau khi chiến thắng phát xít Đức, Liên xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Chỉ trong một tuần lễ, quân đội Xô-viết anh hùng đã tiêu diệt hoàn toàn 1.000.000 quân Quan Đông thiện chiến. Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Đây là thời cơ chín muồi của cách mạng Việt Nam.

          Ngày 13-8: Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và hạ lệnh Tổng khởi nghĩa.

          Ngày 14-8: Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định khẩn trương Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai trước khi quân Đồng minh Anh, Tưởng vào Việt Nam.

          Tối 14 và trong ngày 15-8: Xứ ủy Bắc kỳ họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). Trên cơ sở phân tích tình hình chuyển biến rất mau lẹ của thời cuộc, căn cứ vào tinh thần Bản Chỉ thị: “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Thường vụ Trung ương Đảng, Xứ ủy đã quyết định lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền.

          Ngày 16 và 17-8: tại đình Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), diễn ra Đại hội đại biểu quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập gồm  60 đại biểu của cả ba miền Bắc, Nam, Trung và kiều bào ở nước ngoài. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng; nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh; bầu Ủy ban giải phóng dân tộc do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; quyết định lấy cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ và bài  Tiến quân ca làm Quốc ca. Đại hội bế mạc, Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa; Lời kêu gọi có đoạn:

“Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà giải phóng cho ta… Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!...”.

Cũng trong ngày 16-8, Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội (tức Ủy ban khởi nghĩa) được thành lập, gồm 5 đồng chí: Nguyễn Khang, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ; Nguyễn Huy Khôi (tức Trần Quang Huy), cán bộ Ban Công vận Xứ ủy; Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Duy Thân, Thành ủy viên và Lê Trọng Nghĩa, cán bộ Xứ ủy.

Trong các ngày 16, 17 và 18 Hà Nội diễn ra nhiều cuộc mít tinh, biểu tình do Việt Minh tổ chức. Tại Sài Gòn, có 50 nghìn đoàn viên thanh niên tiền phong mang cờ đỏ sao vàng biểu dương lực lượng, ca vang các bài hát: “Tiến quân ca”, “Lên đàng”, “Ta người Việt Nam”…

Từ ngày 14 đến 18-8, ở hầu hết các tỉnh miền Bắc, quần chúng cách mạng nổi dậy giành chính quyền ở cấp xã và huyện. Ngày 18 nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh,  Quảng Nam giành chính quyền.

Ngày 19-8, theo kế hoạch của Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội, hàng vạn nông dân, dân nghèo được tập hợp thành đội ngũ từ ngoại thành tiến vào nội thành. Quần chúng mang theo băng, cờ, khẩu hiệu và các loại vũ khí thô sơ như: mã tấu, dao phát bờ, câu liêm… Ở nội thành các nhà máy, công sở nghỉ việc, các chợ, hiệu buôn đóng cửa để xuống đường tham gia cùng đoàn biểu tình. Cả biển người tràn ngập các nẻo đường dẫn đến Quảng trường Nhà hát lớn. Cuộc mít tinh bắt đầu lúc 11 giờ. Sau lời hiệu triệu khởi nghĩa của Ủy ban quân sự cách mạng, đoàn biểu tình đã tuần hành vũ trang chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát, Trại Bảo an binh…Tối 19-8 Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố. Cuộc khởi nghĩa nơi trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của cả nước đã hoàn toàn thắng lợi. Tin khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội truyền nhanh khắp cả nước làm suy yếu toàn bộ hệ thống chính trị của phát xít Nhật và chính quyền tay sai; làm nức lòng đồng bào cả nước.

Cũng trong ngày 19-8, các tỉnh lỵ Yên Bái, Phúc Yên, Thái Bình, Thanh Hóa và Khánh Hòa khởi nghĩa thắng lợi.

Ngày 20-8: Các tỉnh lỵ Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngày 21-8: Khởi nghĩa thắng lợi ở các tỉnh lỵ Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn Tây, Kiến An, Nam Định, Nghệ An và Ninh Thuận.

Ngày 22-8, nhân dân tỉnh Hưng Yên và Quảng Yên giành chính quyền.   

Ngày 23-8: Một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại thành phố Huế. Quân khởi nghĩa chiếm trụ sở của Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim, vua Bảo Đại xin thoái vị.

Nhân dân Thừa Thiên - Huế tham gia giành chính quyền và kéo vào cửa Thượng Tứ ngày 23/8/1945, ngày cách mạng thắng lợi tại Huế (Ảnh TL)

Các tỉnh lỵ Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Bình Thuận, Bạc Liêu khởi nghĩa thắng lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trung ương Đảng và Ủy ban dân tộc giải phóng về đến Từ Liêm, Hà Nội.

Đêm 24-8: Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam kỳ và Việt Minh, từng đoàn quân khởi nghĩa gồm công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp lao động mang tầm vông, giáo mác từ các tỉnh lân cận tiến vào Sài Gòn.

Khởi nghĩa thắng lợi ở các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Đắc Lắc, Bình Thuận, Mỹ Tho, Gò Công.

Sáng 25-8, hơn một triệu người tuần hành thị uy và lần lượt chiếm các công sở quan trọng của địch. Quân đội Nhật “án binh bất động”. Cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn giành thắng lợi nhanh chóng. Và, có ý nghĩa quyết định đến cuộc khởi nghĩa của các tỉnh còn lại, như: Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tây Ninh, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25-8-1945 (Ảnh TL)

Ngày 28-8, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành được thắng lợi trên cả nước.

Ngày 30-8:  tại Ngọ Môn,  diễn ra cuộc mít tinh của hàng vạn nhân dân Thừa Thiên –Huế, chứng kiến vua Bảo Đại đọc lời thoái vị và trao ấn kiếm cho đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ngày 2-9: Hàng chục vạn nhân dân Hà Nội và các tỉnh, thuộc đủ mọi tâng lớp như thác lũ đổ về Quảng trường Ba Đình dự ngày Hội Độc lập của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố trước 25 triệu đồng bào cả nước và nhân dân thế giới: “… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy…”

                                                     Tô Kiều Thẩm (tổng hợp)