Ký ức ngày Độc lập


Ngày 2-9-1945 đã trở thành ngày trọng đại trong lịch sử Việt Nam khi ngày hôm đó, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Ảnh TL).

Ngày Quốc khánh 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; trở thành một mốc son hào hùng của dân tộc Việt Nam trong gần tám thập kỷ qua.

Trong hồi ức của mỗi người Việt Nam còn in sâu hình ảnh từ sáng sớm, hàng chục vạn người từ ngoại thành và các tỉnh lân cận, hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa rợp trời dồn về phía Quảng trường Ba Đình. Các đội tự vệ vũ trang cùng những đơn vị Quân Giải phóng đội mũ ca lô, quân phục nghiêm trang, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài. Hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ phút khai sinh của chế độ mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng giờ này, nhiều cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Huế, Sài Gòn và các tỉnh, thành phố khác. Muôn triệu trái tim hồi hộp hướng về Hà Nội.

Đúng 14 giờ, Hồ Chủ tịch và các vị trong Chính phủ lâm thời ra Lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ kéo lên. Hàng chục vạn bàn tay nắm chặt giơ lên ngang tai, biểu thị lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc Lập và khẳng định: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc có phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập". Người tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Ông Vũ Kỳ - Thư ký giúp việc Bác Hồ từ năm 1945 đến 1969, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh viết trong cuốn “Nhớ mãi những giây phút đầu tiên” những đoạn mừng vui: “Chỉ mới cách đó hơn một tuần, Hà Nội còn là một thành phố bảo hộ, mật thám như rươi, thoáng thấy màu cờ đỏ là cả bộ máy cai trị của kẻ thù lồng lên như thú dữ. Thế mà giờ đây cờ đỏ phấp phới bay khắp phố phường. Đêm ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ngồi giữa lòng Hà Nội soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập, mở đầu một kỷ nguyên mới cho dân tộc: Kỷ nguyên Độc lập, Tự do. Thật là kỳ diệu. Cách mạng là một sự kỳ diệu. Và chính Người, từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh, đã cùng với toàn dân làm nên điều kỳ diệu đó. Từ buổi nhen nhóm phong trào cách mạng, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ra đời vào năm 1925, do chính Người sáng lập, để 5 năm sau, chính Đảng đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam bước lên vũ đài chính trị”.

Hai người phụ nữ được vinh dự kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn độc lập là Lê Thi và Đàm Thị Loan. Đàm Thị Loan là một nữ chiến sĩ trong số 34 đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Còn Lê Thi, là một nữ sinh hoạt động cách mạng từ năm 1945, trong Hội Phụ nữ cứu quốc và tham gia cướp chính quyền ngày 19-8-1945 tại Hà Nội. Trong cuốn hồi ký “Từ Việt Bắc đến Tây Ninh”, bà Đàm Thị Loan kể rằng: “Tôi nhớ hôm ấy đồng chí Đội trưởng Đàm Quang Trung gọi lên Ban chỉ huy giao nhiệm vụ: “Chi đội giao cho đồng chí Loan ngày mai 2-9, sẽ kéo lá cờ của Tổ quốc tại Quảng trường Ba Đình cùng với một nữ sinh Hà Nội. Hôm sau vào lúc 14 giờ, tôi và cô Thi được gọi lên đứng sẵn ở bục chân cột cờ, được một đồng chí hướng dẫn cách kéo cờ. Lát sau tôi thấy đoàn người lên Lễ đài. Tôi nhận ra Bác Hồ đi đầu, tới chân cột cờ, đột nhiên Bác dừng lại, nhìn tôi và hỏi:

-Cô Loan quân giải phóng phải không?

-Dạ, thưa Bác, cháu là Loan đây ạ!

-Cháu ơi, vinh dự lắm đấy! Vừa nói Bác vừa hướng theo Lễ đài mà đi, song Bác vẫn vẫy tay lại”.

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên là đội viên Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu kể lại: “Tôi đứng cạnh anh Hoàng Phương, phụ trạc bộ phận ở kỳ đài. Khi Bác Hồ đọc Lời thề Độc lập, không khí thật thiêng liêng, xúc động. Nhiều người vừa hô “xin thề” vừa khóc. Bởi lẽ từ thân phận vong quốc nô, “đất nước nghèo trong rơm rạ”, mà giờ đây đã vùng dậy đứng lên làm chủ giang sơn, trở thành người dân của nước Việt Nam độc lập. Đó là điều vô cùng sung sướng, vô cùng lớn lao”.

Ông Đỗ Quang Toại, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội - nguyên là cựu Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu nhớ lại: Giai đoạn chuẩn bị khởi nghĩa, những thanh niên cốt cán trong Đoàn được phân công đi phụ trách các tỉnh. Người thì lên Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, người thì xuống Nam Định… còn tôi được cử về phụ trách ở Hải Dương. Người của Việt Minh đi đến đâu là mọi người nhất nhất đi theo, đứng lên giành lại chính quyền. Không khí ngày ấy mới khẩn trương, sôi nổi và hào hùng. Ngày độc lập 2-9, chúng tôi phải đi mượn chiếc đài radio nối với Đài Phát thanh Hà Nội cho nhân dân nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Giây phút ấy, mọi người chăm chú nghe như nuốt từng lời của Bác. Rồi cả hội trường hô vang khẩu hiệu “Việt Nam muôn năm”, “Hồ Chủ Tịch muôn năm”… Miệng người nào cũng rạng rỡ nụ cười mà nước mắt cứ trào ra…

                                                           Tô Kiều Thẩm (tổng hợp)