Nhân kỷ niệm 55 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2023) HÀNH QUÂN XE ĐẠP ĐUỔI Ô TÔ


                           Đại tá Tô Bỉnh

         Những ngày đầu Xuân 1968, cả miền Bắc sục sôi đón chào tin thắng lợi, từ chiến trường miền Nam. Từng giờ, trên mạng truyền thanh công cộng vang lên những tin đại thắng của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy, hòa cùng lời thơ mừng Xuân của Bác Hồ: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua…”

           Hồi ấy, tôi là trợ lý Phòng Huấn luyện, Bộ Tư lệnh Pháo binh ở Hà Nội.

          Một buổi sáng đầu tuần, tôi chưa hết mệt mỏi vì chiều thứ bẩy đạp xe bẩy mươi cây số, tranh thủ về thăm vợ con ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và mới xuống cơ quan tối chủ nhật. Tám giờ sáng, tôi được gọi lên gặp Trưởng phòng Huấn luyện để nhận chỉ thị. Ông mời tôi vấn một điếu thuốc lá sợi vụn Thăng Long đựng trong túi nilon, bật lửa cho tôi châm thuốc rồi nói:

          - Để đề phòng địch bị thua đau ở miền Nam, liều lĩnh tấn công ra Nam Quân khu 4, Bộ Tư lệnh tăng cường một Tiểu đoàn pháo (Tiểu đoàn 11) của Trung đoàn 16, cho Trung đoàn pháo binh Bến Hải ở giới tuyến và Tiểu đoàn đã xuất phát hành quân tối hôm qua. Ở ngoài này, Tiểu đoàn trang bị pháo lựu 122 ly, nay lại nhận pháo lựu 105 ly; cán bộ, chiến sĩ chưa được huấn luyện thay đổi pháo. Đồng chí có nhiệm vụ đuổi theo đơn vị, cùng hành quân vào đó với anh em và trong thời gian chuẩn bị chiến trường, phải huấn luyện cho đơn vị sử dụng tốt loại pháo mới trang bị. Trước khi đi, sang Phòng Tác chiến tìm hiểu thêm tình hình.

           Thời chiến, mệnh lệnh chỉ ngắn gọn vậy, còn làm thế nào để thực hiện, đó là trách nhiệm của sĩ quan nhận lệnh.

           Vì phải đạp xe đuổi theo đoàn xe cơ giới nên tôi khẩn trương chuẩn bị mọi việc trong hơn một tiếng đồng hồ: Lấy giấy tờ, tài liệu huấn luyện, bản đồ hành quân, nhận tăng võng, vũ khí và lương thực, thực phẩm khô để tự nấu ăn dọc đường; lại còn phải săn sóc cho “con tuấn mã” là chiếc xe đạp Thống Nhất nữ, không quên đem theo đồ nghề sửa xe và chiếc bơm Tiệp. Không kịp viết thư về nhà vì viết dài thì không đủ thời gian mà viết ngắn không nói được rõ lại thêm lo lắng.

           Lúc ấy, đang thời bao cấp đâu có sẵn quán ăn như bây giờ. Tôi xuống nhà bếp nhận một suất bánh mỳ về nhai vội, chiêu với bát nước đường, thay cho bữa ăn trưa còn quá sớm. Và khoảng 10 giờ, tôi đạp xe nhằm phía Tây thẳng tiến. Đồng chí Trực ban tác chiến Bộ tư lệnh (nay đã quá cố) cho biết: Đơn vị từ Vĩnh Yên, qua Sơn Tây lên Hòa Bình, rồi ra Nho Quan - Rịa để bắt vào đường 15 và có khả năng lúc này đơn vị đang tập kết ở gần thị xã Hòa Bình để tối nay hành quân tiếp. Vì vậy, tôi hối hả đạp xe lên Hòa Bình, với hy vọng gặp được đơn vị trước giờ xuất phát hành quân chặng thứ hai. Nhưng tôi đã không tìm thấy Tiểu đoàn, đành nghỉ đêm tại thị xã Hòa Bình để hôm sau qua Dốc Cun, ra Nho Quan về Rịa. Lúc đổ Dốc Cun, tôi phải chặt một cành cây to bằng bắp tay, để nguyên cành lá, dùng giây dù buộc vào poóc ba ga, kéo lê trên mặt đường làm phanh bổ trợ. Lúc ấy, mạng thông tin còn kém phát triển, tôi không có cách nào liên lạc về cơ quan Bộ Tư lệnh nên cứ ngày đi đêm nghỉ, bám theo dấu vết đơn vị.

           Mấy đêm đầu, còn tìm được chỗ nghỉ trong nhà dân. Nhưng đến đoạn Nam Thanh -  Bắc Nghệ, có hôm trời gần tối, không tìm được làng bản, tôi đành phải vào rừng cây cách đường dăm chục mét hạ trại. Trước hết kiếm mấy cành củi thật khô dùng dao găm chẻ nhỏ, đóng hai cành cây có chạc xuống đất, treo ăng gô lên nấu cơm trước khi trời tối. Lấy nước sôi pha chút ruốc và mỳ chính làm canh, ăn cho qua bữa tối, rồi treo võng thật cao. Thời chiến tranh, nhưng an ninh rất tốt, không phải đề phòng con người mà đề phòng rắn rết, hoang thú. Nằm vắt vẻo trên võng, vừa nhả khói thuốc vừa ngắm những vì sao thấp thoáng qua tán lá rồi ngủ thiếp đi vì mệt nhọc, sau một ngày cùng “con tuấn mã” trèo đèo lội suối.

           Một hôm, trời đã về chiều, tìm trên bản đồ, thấy gần tới một bản nhỏ ghi tên Bản Chuối, tôi đi cố với hy vọng tìm được mấy mái nhà sàn để tá túc qua đêm. Nhưng khi đến nơi chỉ thấy mấy nền nhà cũ, vài ba bụi chuối hoang sơ mọc chen cây xấu hổ, tuyệt nhiên không có một bóng người.

           Tôi lại lên xe, vừa đi vừa ngó trước ngó sau để tìm một chỗ vừa ý lập “hành cung”. May sao trông thấy bên đường, có một vết lối mòn đi vào rừng. Tôi rẽ vào, lòng khấp khởi mừng thầm. Quả nhiên đi vào khoảng hai trăm mét, gặp một mái nhà tranh làm theo kiểu “nhà âm”, nền nhà đào sâu xuống, thành hầm thùng để tránh bom tọa độ. Ngó vào trong nhà, thấy một thanh niên khoảng hai mươi tuổi mặc bộ quần áo màu xanh công nhân, làm cho khuôn mặt xanh màu sốt rét rừng của anh như càng tái xanh hơn.

           Tôi hỏi xin nghỉ nhờ qua đêm nhưng lạ thay, anh một mực chối từ:

           - Nhà tôi chật lắm, không có chỗ nghỉ cho anh đâu!

            - Tôi mắc võng vào hai cột này cũng tốt lắm rồi.

            - Không được, lát nữa chỗ tôi còn mấy anh về.

           Tôi bần thần dắt xe ra cách vài chục mét định “hạ trại”. Vừa tháo ba lô ở sau xe ra, đang loay hoay tìm chỗ mắc võng và sửa soạn bữa chiều thì lại thấy anh ra gọi vào cho nghỉ nhờ. Anh bảo tôi góp gạo để anh nấu cơm. Tôi để ý đợi đến tối vẫn không thấy ai về thêm.

           Anh đặt một mảnh gỗ xẻ xuống nền nhà làm mâm và gọi tôi lại ăn cơm. Với tôi, từ hôm rời Hà Nội thì bữa cơm chiều đó là một bữa thịnh soạn. Hôm đó anh bắn được một con quạ và chúng tôi ăn cơm với thịt quạ nấu muối, canh rau cải đã hơi già, nấu với ruốc mặn và mì chính của tôi. Anh lại đem ra chai rượu chanh còn vài chén, chắc anh để lại từ Tết, cũng át đi được mùi hôi của thịt quạ.

            Cơm xong, lúc ngồi dưới ánh đèn dầu ma dút, bên bát nước chè Ba Đình nấu trong ăng gô và khói thuốc lá Tam Đảo là chút quà Hà Nội của tôi, chúng tôi mới có dịp chuyện trò cởi mở. Anh cho biết anh là người ốm, ở lại trông hậu cứ cho một tổ địa chất. Anh đang bị sốt rét nên được ưu tiên ở nhà “an dưỡng” và làm việc nhẹ. Việc của anh là trồng rau, nhận lương thực, thực phẩm chủ yếu là gạo, muối, cá khô của đơn vị cung cấp để anh em đang đi khảo sát trong bán kính vài chục ki lô mét, thỉnh thoảng về lấy. Khi tôi hỏi anh tại sao lúc chiều anh khăng khăng không cho tôi vào nghỉ nhờ, anh nói:

           - Vì tôi thấy anh kỳ lắm, tôi chưa thấy ai lại một mình đạp chiếc xe đạp nữ trên đường “Bò lăn” để đuổi theo một đoàn xe cơ giới. Tôi ngại anh là kẻ gian mà tôi chỉ có một mình, tôi sợ anh hại tôi - và anh với tay lấy khẩu súng trường dựng bên thành hầm, thận trọng kéo khóa nòng tháo ra năm viên đạn, có viên đã lên nòng và nói: “Anh xem, lúc anh quay ra tôi đã kịp lắp đạn để phòng thân”.

           Lúc ấy, tôi mới để ý đến mình. Chiếc ba lô màu xanh mới nhận, bộ quần áo ka ki Tô Châu năm ngày chưa thay đã ngả màu đỏ vì bụi đường, đưa bàn tay lên mặt thì râu ria tua tủa. Và tôi mỉm cười, nhớ lại ánh mắt nghi ngại của anh lúc mới gặp.

           Đêm hôm đó, tôi ngủ thật ngon. Mờ sáng hôm sau thức dậy, đã thấy anh dậy từ lúc nào, nấu cho tôi một ăng gô cơm để tôi ăn lót dạ một phần, còn lại mang theo cho bữa trưa. Anh không ăn và nói là không quen ăn sáng. Tôi lấy trong túi thuốc hành quân, hai mươi viên ký ninh và một trăm viên Vitamin tổng hợp làm quà cho anh. Rồi chúng tôi chia tay, anh khép cửa ra rẫy còn tôi lại lên xe đi tiếp.

           Cuối cùng, sau sáu ngày hành quân xe đạp đuổi ô tô, tôi cũng đã tìm được Tiểu đoàn, đang tập kết ở Nam Đàn để cơ quan Bộ Tư lệnh Pháo binh bàn giao cho Quân khu 4. Đơn vị cũng mới đến trước tôi hai ngày một đêm.

            Lúc đó, hỏi ra tôi mới biết, đơn vị đã lợi dụng thời gian địch tuyên bố ném bom hạn chế từ Nam vĩ tuyến hai mươi, để hành quân những chặng đầu theo đường số 1. Còn tôi, vì được thông tin sai lệch, mà lại do cơ quan tác chiến cung cấp, cứ cắm cúi đuổi theo đơn vị trên đường 15. Nhưng gặp được đơn vị là tôi mừng vui lắm, quên đi bao mệt nhọc trên đường và nỗi bực mình vì “được” chỉ dẫn sai.

            Bàn giao xong, các đồng chí trợ lý Phòng Tác chiến, Quân lực đi theo Tiểu đoàn từ Vĩnh Yên lại quay xe con ra Hà Nội, còn tôi mang xe đạp gửi vào nhà một trưởng xóm ở Nam Anh, lên ô tô cùng đơn vị hành quân vào giới tuyến.

           Tôi sống cùng đơn vị hơn một tháng ở Vĩnh Linh và dưới tán rừng cao su, trong tiếng bom đạn địch tập trung đánh phá ác liệt Nam Khu 4, tôi đã tập huấn cho cán bộ khẩu đội, tiểu đội trở lên về sử dụng pháo, tính toán phần tử và bắn pháo.

            Hoàn thành nhiệm vụ, chia tay đơn vị, tôi lại một mình đi bộ ra Nam Đàn lấy xe đạp và cũng một mình một xe về Hà Nội. Lần hành quân trở ra, không gấp gáp, tôi có dịp thưởng ngoạn phong cảnh bên đường, có thời gian vào thăm nhà Bác Hồ ở Kim Liên. Và chuyến ra, cũng thêm bao kỷ niệm khó quên.

             Từ ngày rời Hà Nội đến lúc trở về tròn hai tháng rưỡi. Hai tháng rưỡi bặt tin cũng làm vợ tôi ở quê bồn chồn lo lắng.

            Nửa năm sau, nhân có Đoàn cán bộ cơ quan Bộ Tư lệnh Pháo binh vào công tác, đồng chí Lương Phát, Tiểu đoàn trưởng gửi thư hết sức cám ơn Bộ Tư lệnh đã cử tôi vào giúp đơn vị huấn luyện chuyển loại pháo, làm cho đơn vị thêm vững vàng trong chiến đấu.

            Năm 1972, tôi lại có dịp cùng đơn vị tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị, anh em đã sử dụng pháo lựu 105 ly hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sau này được phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

             Năm mươi nhăm năm đã trôi qua, tôi vẫn chưa quên con đường “Bò lăn” đất đỏ, cái đêm một mình treo võng dưới tán cây rừng và bữa cơm thịt quạ mùa Xuân năm 1968.

                                                                      Tô Bỉnh