
Đưa khách ra Nhà giàn DK/2
Chia xa đã hơn mười năm rồi mà từng khuôn mặt, giọng nói, dáng người của các thủy thủ trên con tàu HQ 996, Hải đội B11, Vùng 4 Hải quân, đã đưa Đoàn cán bộ của Tổng cục Chính trị (trong đó có tôi) ra thăm và làm việc tại Quần đảo Trường Sa tháng 4 năm 2010 cứ đêm đêm hiện về trong tiềm thức.
Bắt đầu vào một buổi chiều, tôi cùng mọi người trong Đoàn bước vào chiếc cầu gỗ để lên tàu; anh lính thủy tôi gặp đầu tiên và đỡ hộ chiếc ba lô là Trung úy Lê Ngọc Tân, một chàng trai Thanh Hóa cao to với khuôn mặt hiền hậu. Lê Ngọc Tân nhập ngũ năm 1994 vào Trường Kỹ thuật Hải quân (chuyên ngành VTĐ), ra trường thì về tàu HQ 611 công tác. Không may trong một chuyến đi biển tới khu vực đảo Phan Vinh, tàu HQ 611 có sự cố chập điện. Ngọc Tân bị bỏng ở đầu và mặt, nay còn cái sẹo như một chiếc lá vàng dán từ má trái ra tới gáy. Sau đó Lê Ngọc Tân chuyển qua các tàu HQ 613, HQ 671, Trường Sa 18… tháng 11 năm 2006 mới về HQ 996 làm báo vụ. Tháng 4 năm 2009, đang lênh đênh trên biển thì Tân nhận được điện mẹ mất. Tuy không được về chịu tang nhưng trên tàu có Đoàn cán bộ tỉnh Thanh Hóa ra thăm Trường Sa. Biết chuyện, sau chuyến đi, lãnh đạo tỉnh và huyện Tĩnh Gia đã về tận nhà thay Tân viếng mẹ.
Người “chị cả” của tàu HQ 996 là Thiếu tá Chính trị viên Nguyễn Văn Lưu, quê huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Anh sinh năm 1966, nhập ngũ rồi qua Học viện Hải quân, sau đó liên tục 24 năm công tác trên các tàu. Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, anh cho biết: Chi bộ tàu có 22 đảng viên, chia làm 2 tổ đảng; hàng năm bình xét, 100% đảng viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, chi bộ đạt trong sạch vững mạnh xuất sắc. Kết quả thi đua tuần này đoạt nhất là ngành Vũ khí, boong và Tổng hợp, thứ nhì là ngành Cơ điện. Tàu HQ 996 mỗi năm có 4, 5 chuyến ra Trường Sa, nhiều chuyến đi liên tục không có thời gian nghỉ, trong điều kiện mưa bão, sóng lớn nhưng vẫn bảo đảm thời gian, an toàn tuyệt đối, tiết kiệm được 25% công suất, nhất là tiết kiệm xăng dầu và giá trị sử dụng của các trang, thiết bị. Đặc biệt tháng 9 năm 2009, chương trình cầu truyền hình của Đài Phát thanh Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trong 8 ngày mưa to, sóng lớn, vận chuyển trang, thiết bị lên tàu, xuống xuồng, vào đảo và ngược lại hơn 40 tấn máy móc của Đài (riêng máy nổ đã nặng 2 tấn) cùng đưa đón an toàn 70 cán bộ, biên tập viên, phóng viên, các thủy thủ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mỗi năm HQ 996 được tặng 3 Bằng khen, 3 Giấy khen của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, tỉnh Khánh Hòa và nhiều cơ quan, địa phương khác.
Thiếu tá Hồ Anh Tuấn, thuyền trưởng quê ở Phú Mỹ, tỉnh Bình Định. Bố anh là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, năm 1965 sinh ra anh ở Tuyên Quang. 10 tuổi (sau ngày giải phóng miền Nam) mới về quê cha rồi nhập ngũ tại Quân khu 5; được vào Học viện Hải quân, ra trường làm các chức vụ trung đội trưởng, thuyền phó, thuyền trưởng các tàu HQ 631, Trường Sa 18…tháng 8 năm 2008 thì về HQ 996. Ngồi nhâm nhi chén rượu, anh tâm sự: Trường Sa có đảo xa nhất là Tiên Lữ; đảo An Bang có bãi cát luôn di động xung quanh theo gió mùa, cứ hết một năm bãi cát lại về vị trí cũ. Đảo Song Tử Tây vừa xây một âu tàu lớn nhất khu vực; đường tới đảo Đá Tây cá heo nổi lên từng đàn chào đón các tàu thuyền; đảo Sinh Tồn Đông, bộ đội làm 10 chiếc hộp gỗ lớn ngoài bờ kè cho chim hải âu làm tổ, chiều về chúng lượn trắng một vùng trời… Người thuyền trưởng phải biết được đặc điểm từng đảo, luồng lạch, bãi san hô, đá ngầm để cho tàu đi đúng đường. Nguy hiểm nhất là tránh những trận bão trên biển khơi mênh mông, phải biết lựa tàu theo những đợt cuồng phong, dòng xoáy, sóng mái nhà, sóng thần mới an toàn. Để tàu bị đâm va, móp méo, mắc cạn, khách không an toàn là không hoàn thành nhiệm vụ. Một năm Trường Sa có tới 280 ngày nắng, nhưng lưu lượng mưa lại lớn nhất cả nước, nước mưa là nguồn nước ngọt cho quân và dân trên quần đảo, ngư dân tàu thuyền sinh sống. Năm 2007, khi là thuyền trưởng tàu Trường Sa 18, cơn bão số 8 ập đến. Các tàu khác vào bờ ẩn tránh, thì tàu Hồ Anh Tuấn được lệnh ra khơi cứu nạn một tàu cá có 12 ngư dân bị hỏng máy cách bờ 80 hải lý. Sau 2 ngày vật lộn với từng con sóng lớn, từng hút bão, mặc đói rét, đêm tối, các anh đón được tàu cùng 12 thuyền viên và 10 tấn cá vào bờ an toàn.
Có một người được vào bờ nghỉ hưu mà chưa về, đó là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, y sĩ Nguyễn Xuân Hòa, 42 tuổi, sinh trưởng trong một gia đình có nghề đi biển ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Vợ anh là Phan Thị Khuyên công nhân Nông trường chè Lâm Đồng, có hai người con đang đi học. Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng với tình yêu biển đảo, anh mang gửi vợ về quê ngoại trên vùng kinh tế huyện Krông Năng, Đắc Lắc rồi tình nguyện ở lại tàu thêm hai năm. Ngoài việc bảo đảm sức khoẻ cho thủy thủ và khách trên tàu, Nguyễn Xuân Hòa làm mọi việc khi được phân công. Anh còn có tài câu cá, thuộc từng vùng biển có loại cá gì. Mỗi buổi tàu dừng chờ khách lên đảo, Hòa thường mang xuồng đi câu cá. Tối ngày 13 tháng 4 tàu HQ 996 làm hơn 30 mâm chiêu đãi Đoàn công tác, ngoài rượu thịt, rau tươi, mỗi mâm còn có một con cá ngừ hấp chín, thơm phức do chính Hòa câu được…
Gần 30 thủy thủ, mỗi người một tính nết, một nét riêng, nhưng cùng chung một quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, chung tình yêu thương đồng đội, tàu là nhà, biển cả là quê hương. Các anh như những cánh chim vượt sóng, nối các miền bãi bờ của Tổ quốc thân yêu mà những ai đã một lần ra biển thì không thể nào quên.
Bài và ảnh : Tô Kiều Thẩm
- Bác Hồ và tình yêu thương con người
- Cảm hứng thơ ca về Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9
- Ra mắt Câu lạc bộ Dịch giả Đất Cảng
- Khai trương bếp ăn từ thiện tại Bệnh Viện Đa khoa Năm Căn, tỉnh Cà Mau
- Lễ chuyển giao, tiếp nhận tổ chức cơ sở Đảng và Đoàn các chi nhánh VietinBank tại Ninh Bình
- Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: An ninh để phát triển, phát triển để đảm bảo an ninh
- Cách mạng Tháng Tám, Tư tưởng Hồ Chí Minh về Khởi nghĩa vũ trang toàn dân
- Mộ và Nhà thờ Tô Khôi chính thức trở thành di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh
- Trường Đại học Luật Hà Nội Khai mạc “Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2023” hướng tới phát triển bền vững văn hoá đọc trong nhà Trường
- Bám sát cơ sở để nắm bắt tâm tư người lao động
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- DANH SÁCH TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐÃ GÓP TIỀN LÀM SÁCH HỌ TÔ VIỆT NAM TRONG QUÝ IV-2013
- Chúc văn mừng Hội nghị Họ Tô Hà Nội



