Chuyện về cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Hiện nay, xưởng mộc của gia đình Cựu chiến binh Tô Đức Hợp (xóm Yên Thủy 1, xã Yên Lạc, Phú Lương) tạo việc làm cho 10 lao động, với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Khi chúng tôi đến, Hợp cựu chiến binh (CCB) Tô Đức Hợp, xóm Yên Thủy 1 (Yên Lạc, Phú Lương) đang cùng với những người thợ trong xưởng cặm cụi đưa những cây gỗ lên máy xẻ để kịp hoàn thiện bộ bàn ghế giao cho khách hàng. Mặc dù đã ở tuổi gần lục tuần nhưng cách làm việc, nói chuyện của ông vẫn nhanh nhẹn, đậm “chất thanh niên”. Ông bảo: "Xuất phát điểm là thợ, giờ không làm việc thấy chân tay nhàn rỗi quá. Hơn nữa, mình làm, anh em mới có khí thế, tinh thần để làm tốt hơn”. Có lẽ chính vì thế mà ông luôn được khách hàng và anh em trong xưởng rất tin tưởng, kính trọng. Hiện, xưởng mộc của gia đình ông tạo việc làm cho 10 lao động, với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng; nộp thuế cho Nhà nước trên 100 triệu đồng/năm... Để đạt được kết quả đó, ông cùng gia đình đã phải trải qua rất nhiều vất vả, gian truân.



Năm 1974, tại huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ nay là Hà Nội), tân binh Tô Đức Hợp mang trong mình niềm tự hào bởi được lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Sau gần 5 năm tham gia chiến đấu trên Chiến trường Tây Nguyên, năm 1978, ông được phục viên trở về quê hương rồi lập gia đình. Năm 1982, ông cùng vợ lên miền sơn cước Yên Lạc này làm ăn, sinh sống. Thời gian đầu, không có đất canh tác, khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều lúc ông đã có ý định bỏ về quê cũ. Với kinh nghiệm làm nghề mộc tích lũy được khi còn ở nhà phụ giúp ông nội và bố, ông đã nghĩ ra cách đổi công làm giường, bàn ghế gỗ cho bà con trong xã để lấy đất trồng cây. Làm việc cần cù, chịu khó, lại được bà con tin tưởng nên sau vài năm, ông bà đã đổi được hơn 3ha đất đồi rừng để trồng chè, cây lấy gỗ.


Nhờ làm việc trách nhiệm, sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt nên "tiếng lành đồn xa", khách hàng trong và ngoài tỉnh đến với xưởng gỗ của gia đình ông ngày càng đông. Theo ông, để sản phẩm đạt chất lượng, người làm mộc phải có kinh nghiệm chọn, ngâm và tẩm gỗ sao cho gỗ bền, thơm. Cùng với đó, việc giữ uy tín với khách hàng là rất cần thiết, phải chọn đúng loại gỗ khách yêu cầu và lấy giá thành hợp lý. Với cách làm đó, xưởng mộc của gia đình ông ngày càng làm ăn khấm khá, các sản phẩm bàn, ghế, tủ, ốp trần... đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã và chất lượng. Hiện nay, xưởng mộc đã được trang bị đầy đủ các loại phương tiện, máy móc phục vụ làm nghề như: máy đục, máy bào, máy cưa, máy phun sơn…

Không chỉ tập trung làm kinh tế, ông còn là Chi hội Trưởng Hội CCB xóm Yên Thủy 1 (từ năm 2006), sống gương mẫu, luôn đi đầu trong các phong trào địa phương. Từ những năm 1997 đến nay, ông đã tự nguyện hiến gần 1ha đất làm trường học, trụ sở Ủy ban nhân dân xã... Đầu năm 2012, khi Nhà nước có chủ trương làm đường bê tông qua xóm, nhiều hộ không hiến đất, ông đã đứng ra vận động, giải thích về lợi ích của con đường để bà con hiểu, nghe theo. Gia đình ông cũng xung phong hiến gần 500 m2 đất vườn. Với bà con làng xóm, ai khó khăn ông đều sẵn sàng giúp đỡ, có thể dạy nghề hay cho vay tiền không lấy lãi. Cũng nhờ có ông thường xuyên khuyên bảo, động viên, giúp đỡ nên anh N.V.T, một người hàng xóm đã từ bỏ ma túy, sống có ích. Trong gia đình, ông luôn là người chồng, người cha gương mẫu. Hiện, 3 người con của ông đều đã trưởng thành, trong đó có 2 người là đảng viên.


Mong muốn của ông là có thể thành lập Câu lạc bộ Cựu chiến binh làm kinh tế của xã để có thêm điều kiện chia sẻ, giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương; dạy nghề và tạo việc làm cho con em hội viên. Ông chia sẻ: "Được trở về với đời thường, tôi luôn tự nhủ phải sống sao cho đúng với phẩm chất của "lính Cụ Hồ", xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của đồng đội".

Nói về CCB Tô Đức Hợp, ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội CCB xã Yên Lạc cho biết: “Mang trong mình nghị lực của người lính, ông đã vượt qua nhiều khó khăn, gương mẫu xây dựng kinh tế gia đình giàu có, đồng thời ông còn là Chi hội trưởng Hội CCB nhiệt tình, trách nhiệm…”.

http://baothainguyen.vn

Phạm Tâm