Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3)


Đất nước và người Mẹ

trong thơ Tạ Hữu Yên

 

Đất nước tôi.

Thon thả giọt đàn bầu

Nghe dịu nỗi đau của mẹ

Ba lần tiễn con đi

Hai lần khóc thầm lặng lẽ

Các anh không về, mình mẹ lặng im.

Đất nước tôi,

Từ thuở còn nằm nôi

Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa

Lao xao trưa hè một giọng ca dao.

 

Xin hát về Người, Đất nước ơi

Xin hát về Mẹ, Tổ quốc ơi

Suốt đời lam lũ

Thương lũy tre làng bãi dâu bến nước

Yêu trọn tình đời muối mặn gừng cay.

 

Xin hát về Người, Đất nước ơi

Xin hát về mẹ, Tổ quốc ơi

Mấy mùa không ngủ

Ngăn bước quân thù phía Nam phía Bắc

Vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con.

 

Xin hát về Người, đất nước ơi

Xin hát về Mẹ, Tổ quốc ơi

Tảo tần chung thuỷ

Như những câu hò lắng trong tiếng sáo

Đêm lạnh dặt dìu tiếng mẹ ru con

 

Xin hát về Người, đất nước ơi

Xin hát về mẹ, Tổ quốc ơi

Vẫn còn gian khổ

Hạt thóc chia đều, dẫu no dẫu đói

Ta bạn vẹn tình đắng ngọt cùng vui

Đất nước tôi. Đất nước tôi

Sáng ngời muôn thuở

Khi “trăng đã vào cửa sổ đòi thơ”.

                  (Bài thơ “ Đất nước” của Tạ Hữu Yên)

 

Nhà thơ Tạ Hữu Yên (tháng 7 năm 1927 – tháng 5 năm 2013), người thôn Đông Hội, xã Ninh An, Hoa Lư, Ninh Bình. Ông nhập ngũ năm 1948 vào tỉnh đội Ninh Bình rồi về Ban Địch vận, Liên khu 3. Do yêu cầu công tác, ông thường làm ca dao binh vận, kêu gọi anh em đi lính cho Pháp quay súng trở về với quê hương. Sau đó ông học Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí - Tuyên truyền), rồi làm việc tại Phòng Phát thanh binh vận, Cục Địch vận, Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam. Hai năm 1966, 1967 ông có mặt ở vĩ tuyến 17 (Vĩnh Linh) tiếp tục làm thơ, viết báo, in truyền đơn kêu gọi những người lính Cộng hòa quay súng về với nhân dân. Đây là khoảng thời gian ông chịu nhiều gian khổ, ác liệt và có những kỷ niệm sâu sắc nhất. Ông thường kể: Bên bờ Nam Quân lực Việt Nam cộng hoà thường xuyên bắn pháo, máy bay Mỹ thả bom suốt ngày đêm, không có ngày nào ngớt tiếng bom pháo. Chúng tôi bên bờ Bắc ở trong một căn hầm sâu ba mét, được chứng kiến nhiều người đã hy sinh và tôi thấm thía từng giọt máu của đồng đội và từng tấc đất thân yêu…Sau 42 năm phục vụ quân đội, ông nghỉ hưu năm 1990, tại phường Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội. Tiếp tục làm thơ, viết báo, ông đã xuất bản được 64 đầu sách gồm các thể loại truyện, ký và thơ, văn các loại; trong đó có 10 tập về Chủ tịch Hồ Chí Minh và có 168 bài thơ được phổ nhạc. Riêng năm 2008, ông có 4 đầu sách do nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Thanh niên ấn hành.

Bài thơ “Đất nước” ông viết vào khoảng năm 1980, sau một chuyến đi thực tế ở Thái Bình. Ông kể: Tôi được gặp những bà mẹ tiêu biểu, quanh năm một nắng hai sương, vất vả nuôi con, nuôi cái. Khi con lớn thì vào bộ đội, thanh niên xung phong rồi hy sinh cho đất nước, để mẹ một mình nơi xóm vắng. Một trường hợp đã gây ấn tượng mạnh trong tôi là có bà mẹ sinh được ba người con trai, cả ba đều khôi ngô tuấn tú. Hai người con đầu vào miền Nam chiến đấu rồi lần lượt hy sinh. Người con thứ ba đang học phổ thông nằng nặc đòi lên đường để trả thù cho hai anh. Được mẹ đồng ý ký vào đơn tình nguyện, anh nhập ngũ rồi vào chiến trường miền Nam và lại hy sinh. Hai người con đầu hy sinh, mẹ khóc. Nhưng không dám khóc to, chỉ khóc vụng, khóc thầm, sợ ảnh hưởng đến các bà mẹ khác và tinh thần đầu quân giết giặc lập công của thanh niên. Đến người con thứ ba hy sinh thì mẹ không hề khóc. Đôi mắt cứ ráo hoảnh như nước mắt đã cạn khô, như mẹ chưa hề khóc bao giờ. Mẹ sống trong im lặng, đêm đêm nghe tiếng gió xào xạc ở bờ tre ngoài cổng, khóm chuối sau nhà hay tấm dại trước hiên, tưởng các con về,  mẹ dậy ra mở cửa. Một đêm trở dậy vài lần, không gặp được ai, mẹ trở lại giường thao thức, rồi lẩm bẩm một mình như chuyện trò, hờn rỗi với các anh. Từ câu chuyện đó mà tôi đã viết nên bài thơ “Đất nước”. Nhưng nếu viết thành thơ: Ba lần tiễn con đi, ba lần khóc thầm lặng lẽ thì nỗi đau lớn quá. Nên tôi viết chỉ hai anh hy sinh thôi, còn một anh sẽ trở về với mẹ. Dù là trở về trong tâm linh, trong tiếng gió xào xạc của đêm đêm.

Ban đầu, bài thơ dài hơn 40 câu, đọc cho một số bạn thơ nghe, ai cũng khen và bảo: Viết về người mẹ Việt Nam thì nên gửi cho Vĩnh Phú (nay là hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc - TG), là nơi đất Tổ của cha Lạc Long quân và mẹ Âu Cơ. Thế là bài thơ ra mắt ở Tạp chí Văn nghệ của Vĩnh Phú. Năm 1983, tôi vào thành phố Hồ Chí Minh công tác, nhà thơ Dương Trọng Dật và nhà văn Trần Văn Tuấn tiếp tục đăng ở báo Sài Gòn giải phóng sau khi tôi đã “chuốt” lại. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc và hình như ca sĩ Cẩm Vân hát lần đầu tiên. Bài hát đã nhanh chóng đi vào lòng người và được các nam, nữ ca sĩ chọn hát đơn ca dự thi trong các cuộc hội diễn của ngành, địa phương và đều đạt huy chương vàng và bạc hoặc giải A.

Có người cho là, tôi viết “ba lần tiễn con đi” ý nói; mẹ tiễn con đi một lần chống Pháp, một lần chống Mỹ và một lần trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhưng tôi đã nhân cách hoá Đất nước như người Mẹ. Người Mẹ và Đất nước hòa vào nhau. Thời kỳ nào cũng vậy, khi Đất nước có nắng lửa, bão giông và giặc giã thì Mẹ là người hy sinh nhiều nhất. Hy sinh cả cuộc đời mình, cả những giọt máu của mình, là những đứa con thân yêu cho Tổ quốc, cho Đất nước rạng ngời muôn thuở.

                                                              Thạch Cầu Dõi

                                                               Tô Kiều Thẩm