"Kung fu" sau lũy tre làng


Tiếng lành đồn xa và có đến hơn 800 môn sinh từ khắp nơi tìm đến để học tuyệt kỹ “đao thương bất nhập” của môn phái Thiếu Lâm Tự.

Ông Tô Văn Hải, cha của Tô Văn Hồng, cho biết cách đây hơn 20 năm khi ông mới lập gia đình, gia đình chuyển đến đây và do lạ nước lạ cái nên cặp vợ chồng trẻ này hay bị bắt nạt. Bực mình, ông rời nhà đi tìm được một võ sư người dân tộc thiểu số truyền cho một vài chiêu thức Thiếu Lâm Tự phòng thân. Trở về làng sau mỗi chuyến đi xa, hằng ngày mỗi khi hoàng hôn buông xuống, dân làng thấy ông Hải ra sân luyện võ. Nhìn cha luyện võ, con trai lúc đó mới 6 tuổi cũng nhảy ra sân múa võ theo cha. Thấy con ham mê quyền cước và tính nết trầm tĩnh, ông Hải quyết định cho con theo nghề võ. Ông Hải lặng lẽ bán thóc lúa rồi ra Hà Nội tìm mua sách võ về dạy cho con.

Năm 16 tuổi, Hồng lần lượt lĩnh giáo và khổ luyện được bốn môn võ khác nữa là Vĩnh Xuân, Nhất Nam, võ cổ truyền VN và wushu.

Trở về quê, hằng ngày vẫn đi học văn hóa, đêm đến Hồng lại say mê luyện tuyệt kỹ kung fu đã được những nhà sư, huấn luyện viên võ thuật trong và ngoài tỉnh chỉ giáo. Mới 18 tuổi, tên tuổi chàng nông dân Tô Văn Hồng đã nổi như cồn. Ban đầu là những chàng trai, cô gái trong xã, trong huyện tìm đến Hồng xin học võ; sau có thêm cả người ngoài tỉnh và Hà Nội cũng tìm đến thọ giáo.

Năm 2002, Tô Văn Hồng lúc đó bước sang tuổi 20 đã chính thức được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN cấp văn bằng HLV cấp 16/18, đẳng cấp cao nhất trong võ thuật VN. Và anh quyết định lập võ đường Tô Gia.

Thế võ tre làng

Với 14 cơ sở dạy võ trong và ngoài tỉnh, trong đó hơn 800 môn sinh theo học, tên tuổi Tô Văn Hồng được các võ sư trong giới võ thuật cổ truyền VN biết tiếng.

Những tuyệt kỹ kung fu mà Hồng cùng các môn sinh biểu diễn đã thật sự chinh phục người hâm mộ. Chương trình “Những chuyện lạ VN” của VTV3 mới đây đã xác nhận kỷ lục công phá vỏ chai mới của Tô Văn Hồng. Hồng cho hay khi đăng ký vỗ miệng công phá vỏ chai, Hồng đã đăng ký trong hai phút công phá 60 vỏ chai. Nhưng khi thực hiện chỉ mới 1,25 phút, anh đã công phá 61 vỏ chai!

Luyện võ không chỉ để trở thành người có nội công thâm hậu mà còn có sức khỏe giúp đời, đó là nguyện vọng lớn của Tô Văn Hồng. Võ đường Tô Gia với tiêu chí sẵn sàng thâu nhận những môn sinh ham mê võ thuật “nhưng phải có tâm sáng”, còn mức đóng học phí thì tùy tâm, ai có hoàn cảnh khó khăn được miễn phí.

Nguyễn Bá Phương, 17 tuổi, quê xã Dũng Liệt (Yên Phong), cho biết sau khi học võ đường Tô Gia gần một năm, Phương đã có sức vác 50 bao ximăng di chuyển trong một giờ với khoảng cách 200m. Ngô Đình Sơn, biệt danh Sơn “còi”, chuyên ốm vặt, nay đã có sức khỏe một mình cấy, gặt hai mẫu ruộng mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của bố mẹ, anh chị. Về làng quê miền quan họ hôm nay, những chàng trai, cô gái trông hiền dịu, mộc mạc không chỉ nổi tiếng về hát quan họ mà còn là những thế võ sau lũy tre làng...

                                                                                  Theo Tuổi trẻ