Đưa cây đào Tô Hiệu vào thơ


Đại tá, nhà thơ Tạ Hữu Yên sinh năm 1927, mất năm 2013, quê tại vùng đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.

Thơ Tạ Hữu Yên dung dị, hàm xúc, tài hoa, giàu nhạc điệu, lại gần gũi với thiên nhiên, với con người, đặc biệt là những tình cảm, lòng kính yêu mà nhà thơ đã dành cho quê hương, đất nước, với Bác Hồ và các chiến sỹ cách mạng. Ông được coi là một trong những nhà thơ có nhiều thơ phổ nhạc nhất, khoảng 160 bài, trong đó có những bài hát nổi tiếng như “Đất nước”, “Đôi dép Bác Hồ”, “Cảm xúc tháng 10”. Trong sách giáo khoa lớp 4 (bộ cũ) nhà thơ Tạ Hữu Yên còn được nhiều thế hệ học sinh nhớ đến bởi những câu thơ đẹp, giàu cảm xúc trong một lần “Trang thơ tôi đằm lại/ Giữa nhà tù Sơn La/ Tô Hiệu ơi có phải/ Anh về cùng mùa hoa?"

Từ nỗi ám ảnh về nhà ngục Sơn La

Khoảng năm 1978, nhà thơ Tạ Hữu Yên cùng với một số bạn thơ về thăm Điện Biên Phủ. Trên đường đi, mọi người ghé thăm nhà ngục Sơn La (xây dựng vào năm 1908), nơi địch giam cầm, đày ải nhằm thủ tiêu ý chí đấu tranh của những chiến sỹ cách mạng Việt Nam. 

Cây đào Tô Hiệu tại khu di tích nhà tù Sơn La

Cây đào Tô Hiệu tại khu di tích nhà tù Sơn La

Nhà thơ có lần tâm sự: Hôm ấy, nếu theo nguyên tắc của Ban quản lý thì chúng tôi chỉ có 30 phút để thăm nhà ngục. Tuy nhiên, khi biết chúng tôi từ Hà Nội lên, cô thuyết minh đã phá lệ dẫn chúng tôi đi thăm, thuyết minh quên cả giờ giấc. Cô thuyết minh dẫn anh em chúng tôi đến một kẽ tường nhà ngục. Bờ tường nhà ngục Sơn La được xây bằng đá hộc, xếp chồng lên nhau nên có rất nhiều kẽ hở. Cô thuyết minh kể: Khi đồng chí Tô Hiệu (1912 – 1944) bị giam ở đây, đồng chí đã lấy hột đào nhét vào kẽ hở trên tường. Sau một thời gian, hạt đào nảy mầm, chui qua kẽ tường vươn lên xanh tốt. Tên chúa ngục Sơn La và lính canh thấy đó là một hiện tượng vừa lạ, vừa như có gì đó thuộc về tâm linh nên mặc nhiên để cho cây đào “bám tường sống”. Đặc biệt, lính canh người Việt rất thích hoa đào nên không những không chặt bỏ mà còn chăm sóc rất chu đáo. 

Sau khi thăm nhà ngục Sơn La về, nhà thơ Tạ Hữu Yên chưa viết được gì mà chỉ thấy ám ảnh với những gì ông tận mắt thấy, tận tai nghe cô thuyết minh kể. Ông không quên được hình ảnh cây đào, cũng không quên được hình ảnh căn hầm tối với những sàn xi măng lạnh lẽo, nơi giam cầm rất nhiều chiến sỹ cách mạng kiên trung… 

Nỗi ám ảnh ấy theo ông hơn một năm. Năm 1980, báo Quân đội nhân dân mời ông viết bài cho số báo kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2), ông đã mang nỗi ám ảnh về nhà ngục Sơn La, về cây đào Tô Hiệu giãi bày lên trang giấy trong một tâm trạng hết sức xúc động. 

Đầu tiên, bài thơ mang tên Mùa hoa cộng sản.

 

Rớt xuống trang thơ tôi

Cánh hoa đào phớt đỏ

Chiều Sơn La lặng gió

Tôi nghe hoa thì thầm

 

Tôi nghe nụ nảy nầm

Từ kẽ tường nhà ngục

Trở trăn và khó nhọc

Trong giá lạnh mùa đông

 

Cái hạt non anh trồng

Nở mùa đào cộng sản

Nụ hoa chúm chím hồng

Khoảng trời bừng nắng rạng

 

Trái tim người cách mạng

Sẽ không héo bao giờ

Gieo ý nhạc vần thơ

Cho mai sau hát mãi

 

Trang thơ tôi đằm lại

Giữa nhà tù Sơn La

Tô Hiệu ơi có phải

Anh về cùng mùa hoa?".

 

Sau khi đăng báo, bài thơ được chọn in vào sách giáo khoa để phục vụ công tác giáo dục, Ban tuyển chọn lấy câu thơ cuối của bài thơ đặt lại thành Anh về cùng mùa hoa.

Cây đào bất tử

Ông từng nói: Tôi không nhớ bài thơ Mùa hoa cộng sản được đưa vào sách giáo khoa năm nào, cho các em học sinh lớp mấy mà chỉ biết có nhiều nơi tôi đến, đi qua không ít lần tôi nghe được học sinh đọc “thơ của mình” cho mình nghe bằng một tình cảm hết sức trân trọng, nhiều nơi đã dùng bài thơ đọc trong các buổi họp của các tổ chức đảng. Ngày nay, qua báo chí tôi được biết, nơi giam giữ những người cộng sản rộng hơn 2.000 m2, đã đày ải tới 500 tù nhân ấy đã có nhiều thay đổi, nhưng cây đào Tô Hiệu, biểu tượng gắn với tên tuổi người bí thư chi bộ Đảng kiên trung của nhà tù vẫn trổ hoa rực rỡ khi mùa Xuân về...

Vâng, cùng với “Anh về cùng mùa hoa”, cây đào Tô Hiệu bất tử, mãi mãi trổ hoa.

 

Hữu Tính