Hành trình mùa xuân


Canh Tý qua, Tân Sửu tới, sang năm mới. Nhân dịp đầu xuân, lãnh đạo xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội) nơi có Đền Văn Hiến thờ Đức Tổ  Thái úy Tô Hiến Thành, có một Đoàn gồm các ông Bùi Tất Thêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND; Nguyễn Đình Thụ - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND; Nguyễn Văn Hải – Đảng ủy viên, Trưởng Công an và Nguyễn Xuân Việt – Đảng ủy viên, công chức Văn hóa xã hội vào xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) vừa khánh thành Khu Di tích Đền Miếu Mây thờ Thái úy Tô Hiến Thành, được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 24-1-2018. Đón tiếp Đoàn, xã Lưu Vĩnh Sơn có các ông Ngô Văn Hảo – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND; Dương Anh Dũng – Huyện ủy viên, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND; Phạm Văn Hùng – Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND; Nguyễn Viết Sơn – Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch phụ trách Văn xã; Bùi Công Thư – Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND phụ trách Nông nghiệp và Ban quản lý Di tích. Cùng tham gia cuộc Hành trình mùa xuân này, Hội đồng Họ Tô Việt Nam có hai ông Phó Chủ tịch Tô Văn Thặm và Tô Quang Mậu và ông Tô Đình Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Tô Nghệ Tĩnh. Các Đoàn đại biểu kính cẩn dâng hương, thăm quan Khu Di tích với lòng nhiệt thành nhớ về tiên tổ linh thiêng.

Tương truyền Đền Miếu Mây được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, là một công trình kiến trúc tâm linh, thờ Thái úy Tô Đại Liêu (Tô Hiến Thành) – một danh nhân văn hóa lịch sử của đất nước, thế kỷ thứ XII. Do thiên tai và chiến tranh tàn phá nên dần dần bị xuống cấp và trở thành phế tích. Hiện nay, Khu Di tích lịch sử văn hóa Miếu Mây có diện tích trên 7.700m2, với hệ thống tường rào xây gạch khép kín, nhìn theo hướng Đông Bắc. Xây dựng dưới rừng cây cọ trên trăm tuổi, tạo nên sự yên tĩnh, tôn nghiêm gồm: Cổng chính, tắc môn, Hạ điện, Trung điện, Thượng điện, bái vọng tả hữu, với những đường nét, họa tiết cổ kính, tinh xảo. Giáp với tường bao hai bên là những hàng cây mới trồng nhưng đã xanh màu lá của các dòng họ, gia đình, cá nhân cung tiến như cây Đa của Họ Tô Nghệ Tĩnh; cũng là cây Đa của ông Vũ Chiến Thắng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ; cây Xoài của ông Trần Thế Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh; cây Đề của ông Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; cây Đa của ông Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an…

Trong không khí mùa xuân ấm áp, hoa lá tươi xanh, ông Dương Anh Dũng – Chủ tịch xã Lưu Vĩnh Sơn, thay mặt Đoàn “chủ nhà” cho biết: Lưu Vĩnh Sơn được sát nhập từ 3 xã Thạch Lưu, Thạch Vĩnh và Bắc Sơn; có diện tích tự nhiên là 41 km2, dân số trên 3.600 hộ và trên 12.600 nhân khẩu. Toàn xã có 19 thôn, 7 trường học, 1 đơn vị trạm y tế. Trước sáp nhập xã Thạch Vĩnh và xã Bắc Sơn đạt chuẩn xã Nông thôn mới năm 2017, xã Thạch Lưu về đích Nông thôn mới năm 2018. Nay toàn xã đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới cấp cao. Lưu Vĩnh Sơn là mảnh đất giàu truyền thống, với nhiều nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, nơi đây nổi tiếng với dưa và chè xanh, giò, đào, thanh long ruột đỏ, … Trên địa bàn có 3 Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, ngoài ra hầu hết các thôn đều có đền làng, miếu làng là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của bà con nhân dân. Khu Di tích lịch sử văn hóa Miếu Mây được tu bổ, xây dựng là niềm vinh, tự hào, là nơi sinh hoạt tâm linh của nhân dân địa phương. Trong dịp này, hai trường Phổ thông cơ sở và Trung học cơ sở của xã được mang tên Tô Hiến Thành. Mong rằng, từ nay xã Lưu Vĩnh Sơn – nơi Thái úy Tô Đại Liêu (tức Tô Hiến Thành) cùng các danh thần khác giúp dân dẹp loạn, giữ yên bờ cõi, lấn biển khai hoang, lập làng dựng trại, phát triển sản xuất, thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông” với xã Hạ Mỗ - quê hương của ngài ngày càng gắn bó “như cây một cội, như con một nhà”.

Ông Nguyễn Đình Thụ - Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ giới thiệu: Xã Hạ Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội) là vùng đất cổ. Đền Văn Hiến, xưa là văn chỉ thờ Khổng Tử, nơi biểu dương các danh nhân khoa bảng và tưởng niệm những người con ưu tú đã làm rạng rỡ cho quê hương, đất nước. Năm 1179 Thái úy Tô Hiến Thành qua đời, nhân dân xây mộ và thờ ông tại đây. Đền Văn Hiến còn phối thờ Hoàng giáp Đỗ Trí Trung; được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc Gia. Trong công cuộc đổi mới, Hạ Mỗ tập trung phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa sinh thái như: Vườn trại, trồng hoa, cây cảnh; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và từng bước hiện đại, tạo nên quang cảnh nông thôn xanh, sạch, đẹp. Phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, tích cực quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Năm 2014 xã được Thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Đoàn tặng xã Lưu Vĩnh Sơn, Trường Phổ thông cơ sở Tô Hiến Thành và Trường Trung học sơ sở Tô Hiến Thành hai cuốn sách “Lịch sử văn hóa, truyền thống xã Hạ Mỗ” và “Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Hạ Mỗ”. Chủ tịch Nguyễn Đình Thị chia sẻ sự gắn kết giữa hai địa phương sẽ cùng trao đổi, giúp đỡ nhau xây dựng quê hương theo hướng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công, bằng và văn minh.

Nhân dịp ngày, Hội đồng Họ Tô Việt Nam tặng xã Lưu Vĩnh Sơn và hai trường học các tập sách “Họ Tô Việt nam”, “20 năm chắp nối dòng họ, tìm về cội nguồn (1998 - 1018)”, “Kỷ niệm 10 năm suy tôn thần Long Đỗ - Tô Lịch là Thủy tổ Họ Tô Việt Nam (2010 - 2020)” và một số sách tư liệu khác.

Theo sự chủ trì của Chủ tịch Dương Anh Dũng, Đoàn đi thăm Trường Phổ thông cơ sở Tô Hiến Thành có 17 lớp học và 520 học sinh, đang được đầu tư xây dựng nhà thể dục đa năng. Hiệu trưởng Trần Thị Hồng cùng các thày, cô giáo cảm động, cảm ơn sự quan tâm của hai chính quyền và dòng Họ Tô Việt Nam. Thày Nguyễn Thái Phước – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tô Hiến Thành cho biết: Thời gian qua, Trường là điểm sáng của Ngành Giáo dục huyện, được tặng nhiều Bằng khen, Giấp khen của tỉnh và các cấp. Ngay khi vinh dự được đổi tên, Ban Giám hiệu đã phát động cuộc thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Tô Hiến Thành, nhằm giúp học sinh hiểu biết về Tô Hiến Thành, từ vinh dự đó mà cố gằng học tập tiến bộ, trở thành người có ích cho xã hội và đất nước. Đoàn tới thăm một số mô hình tiêu biểu như thôn văn hóa kiểu mẫu Vĩnh An, vườn chè thôn Kim Sơn, cánh đồng lúa cơ giới thôn Thiên Đình và thôn Xuân Sơn, gia đình ông thương binh chống Mỹ nay trồng đào và chăn nuôi có hiệu quả Trần Văn Binh và vợ là bà Dìu Thị Dụng (thôn Kim Sơn)…

Ngày hôm sau (14-3), Đoàn cán bộ xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cùng Đoàn Hội đồng Họ Tô Việt Nam về thăm Đền Đông, thuộc xã Đồng Môn, Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Nguyễn Văn Đông – Phó Chủ tịch xã Đồng Môn và ông Nguyễn Văn Hiểu Ban Quản lý Di tích cho biết:  Đền Đông thờ thần Tô Đại Liêu (tức Thái úy Tô Hiến Thành) - vị đại thần phụ chính thời vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông nắm giữ binh quyền có công lớn dẹp loạn các nơi, mở mang bờ cõi, chống quân Chân Lạp, chinh phạt Chiêm Thành. Ông được tám nơi ở Hà Tĩnh tôn là Thành hoàng làng và xây dựng đền miếu để thờ. Đền Đông được xây dựng khoảng từ thế kỷ XV - XVI với kiến trúc gồm ba phần: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Một trong những tài liệu hiện còn và được tôn tạo lại có ba sắc phong thời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917) và năm Khải Định thứ 9 (1924). Đền Đông còn là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử của xã Đồng Môn: Nơi cất dấu tài liệu, in truyền đơn, tổ chức các cuộc họp chi bộ Đảng. Nơi tập trận của Trung đoàn võ trang Phan Đình Phùng. Năm 1946 là nơi tổ chức việc bầu cử Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa đầu tiên. Từ những năm 1964 đến 1972 đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, khu vực quanh Đền Đông là nơi đặt trận địa pháo, ra đa phòng không của Đơn vị 13, Trung đoàn 291. Năm 1972 Đền Đông bị bom mỹ phá hoại một phần, sau nhiều năm tháng chiến tranh Đền Đông bị hư hại, xuống cấp và dần dần chỉ còn lại một phần rất nhỏ. Năm 2012 UBND tỉnh cho phép xã phục dựng lại Đền Đông và được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2014. Ngày nay di tích Đền Đông đã được phục dựng, tôn tạo khang trang, được đông đảo người dân và du khách thập phương về tham quan cầu lễ, với 2 lễ chính trong năm: Lễ Khai hạ được tổ chức vào ngày 6 và7 tháng Giêng Âm lịch và lễ Lục Ngoạt được tổ chức vào ngày 6 tháng Sáu Âm lịch. Trên chiếc chuông đồng cổ có bài thơ:

Bồng lai phương thảo diệp thanh thanh

Nam Bắc Tây Đông nhật vị hành

Xuân tiết hương đề hoa diễm sắc

Thủ lai phương thủy nguyệt sơ sinh

Hạ tùng trì thượng liên khai ảnh

Đông chí đào hoa phước tiểu nghinh

Bát thạch tiên ông lưu vị thủy

Tứ thời phong cảnh tứ thời xuân

                          Tự nhiên tiên

Xã Đồng Môn có tên từ thuở Lê Triều, thuộc tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà. Đến năm 1954 chia xã Đồng Môn thành 2 xã Thạch Đồng và Thạch Môn thuộc huyện Thạch Hà. Năm 2004 Thạch Đồng và Thạch Môn thuộc địa phận Thị xã Hà Tĩnh (nay là Thành phố Hà Tĩnh). Đến ngày 2-1-2020 2 xã Thạch Đồng và Thạch Môn nhập lại thành xã Đồng Môn như thuở đầu. Xã Thạch Môn được công nhận về đích Nông thôn mới năm 2014, xã Thạch Đồng được công nhận về đích năm 2019. Nay xã đang phấn đấu xã đạt Nông thôn mới nâng cao năm 2021.

Sau hai ngày làm việc khẩn trương và sôi nổi, cuộc hành trình mùa xuân Tân Sửu của những con dân đất Việt, bên dòng Họ Tô đã tạm dừng. Để lại trong mỗi người một niềm vui, ấm cúng. Ở đâu cũng thấy đất trời bình yên, cảnh vật tươi xanh, con người hòa ái. Phải chăng đó là anh linh của người xưa và cái nghĩa đồng bào thân thuộc.   

                                                                                                                                    

Ông Bùi Tất Thêm – Bí thư Đảng ủy xã Hạ Mỗ tặng sách cho Chủ tịch xã Lưu Vĩnh Sơn Dương Anh Dũng

Ông Tô Văn Thặm – Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Tô Việt Nam tặng sách cho bà Trần Thị Hồng – Hiệu trưởng và các giáo viên Trường Phổ thông cơ sở Tô Hiến Thành.

Ông Tô Văn Thặm – Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Tô Việt Nam tặng sách cho bà Trần Thị Hồng – Hiệu trưởng và các giáo viên Trường Phổ thông cơ sở Tô Hiến Thành.

Đại diện Họ Tô Việt Nam và xã Hạ Mỗ tặng sách cho Trường THCS Tô Hiến Thành

Đại diện Họ Tô Việt Nam và xã Hạ Mỗ tặng sách cho Trường THCS Tô Hiến Thành

Đoàn cán bộ xã Lưu Vĩnh Sơn, xã Hạ Mỗ và Hội đồng Họ Tô Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với giáo viên Trường PTCS Tô Hiến Thành

Đoàn cán bộ xã Lưu Vĩnh Sơn, xã Hạ Mỗ và Hội đồng Họ Tô Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với giáo viên Trường PTCS Tô Hiến Thành

Thăm vườn chè thôn Kim Sơn

 

Thăm vườn chè thôn Kim Sơn

Thăm cánh đồng lúa cơ giới thôn Xuân Sơn

Thăm cánh đồng lúa cơ giới thôn Xuân Sơn

Đoàn Họ Tô Việt Nam, xã Hạ Mỗ, xã Đồng Môn cùng Ban Di tích Đền Đôngchụp ảnh lưu niệm

Đoàn Họ Tô Việt Nam, xã Hạ Mỗ, xã Đồng Môn cùng Ban Di tích Đền Đôngchụp ảnh lưu niệm

   Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm