Sản phẩm của các chàng trai thông minh


          Nhóm tác giả (từ trái qua: Lê Yên Thanh, Phạm Việt Khôi, Nguyễn Hải Đăng, Tô Hữu Quân) - Ảnh: nhân vật cung cấp

Hệ thống Bảo tàng tương tác thông minh, giúp học sinh tha hồ “sờ mó” hình ảnh, nghe, xem video và học hỏi những điều hay…

Hệ thống này là sản phẩm của nhóm sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM): Lê Yên Thanh, Phạm Việt Khôi, Nguyễn Hải Đăng, Tô Hữu Quân.

Chia sẻ về ý tưởng hình thành sản phẩm, Phạm Việt Khôi nói: “Học sinh trong giờ học thường rất chán vì chỉ học với tấm bảng và hình ảnh bất động trong sách vở, nên nhóm muốn tạo ra sản phẩm để học sinh có thể tương tác được. Điều đó sẽ làm cho học sinh cảm thấy thú vị hơn khi học tập”.

Nghĩ là làm, chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi hình thành ý tưởng, sản phẩm đã ra đời.

Hệ thống này gồm: Máy chiếu, màn chiếu, tấm kiếng có giá đỡ, máy tính... Máy tính được cài sẵn ứng dụng. Máy chiếu được đặt phía sau tấm kiếng để hình ảnh không bị người dùng che mất khi sử dụng. Kinect là một camera hồng ngoại có chức năng thu lại vị trí mà người dùng chạm trên tấm kiếng. Thông tin thu lại được chuyển đến ứng dụng trên máy tính để xử lý thuật toán, kết quả trả lại là thông tin về đối tượng hiển thị trên màn chiếu đồng thời dịch chuyển theo đối tượng. Hai ứng dụng nhóm đã xây dựng là bảng tương tác và video tương tác.

Việt Khôi cho hay hiện nay ở Việt Nam, bảng tương tác rất ít người làm còn video tương tác thì “chưa thấy nó ở đâu bao giờ”. Trong quá trình thực hiện, nhóm phải tham khảo các tài liệu từ nước ngoài để xem xét về độ chính xác.

Video tương tác cho phép người dùng chạm vào một đối tượng bất kỳ trên màn hình tương tác và nhận thông tin về đối tượng đó trong khi video không bị dừng và các đối tượng vẫn di chuyển bình thường. “Màn hình tương tác giúp cung cấp thông tin trực quan, thân thiện cho người dùng”, tiến sĩ Lê Quốc Cường - thành viên Ban Giám khảo Hội thi Tin học trẻ TP.HCM lần thứ 23 đánh giá.

Ứng dụng đầu tiên của hệ thống phải kể đến lĩnh vực giáo dục. Bảo tàng tương tác thông minh có thể sử dụng trong giảng dạy cho tất cả các cấp học, đặc biệt là bậc mầm non, tiểu học vì hệ thống rất thích hợp với tính hiếu động ưa khám phá của trẻ. Sự tương tác trực tiếp: Chạm và tiếp nhận thông tin giúp học sinh hứng thú trong việc học, từ đó kiến thức được lĩnh hội một cách dễ dàng, kích thích sáng tạo.

Nhà trường có thể tận dụng hệ thống máy chiếu, máy tính sẵn có, chỉ cần cài ứng dụng và mua thêm kinect (giá  khoảng 3 triệu đồng) là đã sở hữu một phương pháp dạy học mới.

Đoạt giải đặc biệt trong Hội thi Tin học trẻ TP.HCM năm 2014, Hệ thống Bảo tàng tương tác thông minh được Ban Giám khảo đánh giá là sản phẩm có tính ứng dụng cao.

                                                        Lê Quý (Thanh niên)