Sắc tứ Quan Âm cổ tự: Vầng hào quang Phật giáo tại Cà Mau


                                                                                      Chùa Phật Tổ

Theo các sử liệu còn lưu lại, Hoà thượng Thích Trí Tâm, tục danh là Tô Quang Xuân, quê làng Tân Duyệt (nay thuộc huyện Ðầm Dơi), được coi là một trong những người khai sáng Phật giáo tại Cà Mau, người đặt nền móng xây dựng Sắc tứ Quan Âm cổ tự. Cũng kể từ đó, Phật giáo không ngừng phát triển, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của tỉnh Cà Mau.

Thượng toạ Thích Huệ Thành, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau, cho biết: “Các đệ tử, tín hữu đều nhớ đến công lao trời biển của tiền nhân đi trước, Phật giáo Cà Mau cũng từ Sắc tứ Quan Âm cổ tự mà pháp dương quang đại, phổ độ chúng sanh”.

Theo sách “Cà Mau xưa”, tác giả Nghê Văn Lương - Huỳnh Minh, thì vào khoảng năm 1840, có một vị thanh niên trẻ tuổi tên Tô Quang Xuân tìm đến bờ kinh Quản Lộ - Phụng Hiệp để dựng lên một ngôi am nhỏ thờ Ðức Quan Thế Âm. Vị này từ thuở bé đã có lòng mộ đạo, tương truyền ông tụng kinh Kim Cang cảm hóa được thú dữ, lúc dựng am, ông vừa tu vừa làm thuốc, xa gần thiên hạ nghe tiếng đến cầu thuốc và học đạo với ông rất đông. Trong số những đệ tử này có cả cọp dữ cũng đến để học đạo. Hiện nay tháp của con hổ ấy vẫn còn, đệ tử trong chùa gọi là tháp Sư Cậu.

Lúc bấy giờ, nhờ tiếng lành của ông, bà con trong vùng tìm đến rất đông, trong đó có tên Ðỗ Văn Viễn. Hắn là hương hào trong vùng, vì ghen ghét bèn đem chuyện làm thuốc của ông, cũng như chuyện dựng chùa tâu với quan trên tận Gia Ðịnh, nói rằng có tên Tô Quang Xuân, thế danh của Hòa thượng Trí Tâm, lâu nay nương nhờ cửa Phật, nhưng chính thật là đạo sĩ gian tà. Quan trên từ Gia Ðịnh đã phái quân lính xuống tận vùng Cà Mau để bắt ông. Họ đem ông về Gia Ðịnh quản thúc. Tại Gia Ðịnh, đạo hạnh của ông đã làm các quan trên kính phục và rất kinh ngạc, họ bèn giải ông về Huế, vì tại Gia Ðịnh họ không tìm thấy ở ông ý đồ phản nghịch như tên Ðỗ Văn Viễn đã báo.

Tại Huế, đức hạnh của ông được các vị cao tăng biết đến, họ báo lên vua nhà Nguyễn. Triều Nguyễn lúc bấy giờ đang là năm Thiệu Trị thứ II (1842). Vua thấy được sự đắc đạo của ông đã xuống chiếu sắc phong cho ngôi chùa của ông có tên gọi là “Sắc tứ Quan Âm cổ tự”. Sau khi viên tịch, vua sắc phong cho là Hòa thượng, ban gấm vóc và đưa về đến tận Cà Mau. Sau khi nhập tháp, dân trong vùng tôn kính ông nên đã gọi ngôi chùa ông trụ trì là Chùa Phật Tổ, xem ông như Phật Tổ.

Chùa hiện nay mặt chính quay về Rạch Chùa, cách trung tâm tỉnh Cà Mau khoảng 1,5 km về hướng Tây. Từ dốc cầu Phan Ngọc Hiển đi đến đường Lý Bôn, Phường 4 đến Rạch Chùa, khi qua khỏi chiếc cầu bằng xi-măng mà dân trong vùng gọi là Cầu Chùa thì đến tổ đình Sắc tứ Quan Âm cổ tự. Ông Dương Minh Vĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau, thông tin: “Du khách muốn đến chùa có thể đi bằng ô-tô, bằng xe máy hoặc đi bộ. Chùa có hai cổng được chia làm hai bên, cổng bên trái chùa có đề 4 chữ Hán viết theo lối chân: Quan Âm cổ tự”.

Ðứng từ ngoài nhìn vào, khuôn viên chùa khá rộng. Nét đặc sắc trong đường nét kiến trúc ở ngôi Tam bảo là việc dùng đồ sứ ốp vào các họa tiết có chất liệu bằng xi-măng tạo thành một án thờ có đường nét là hình ảnh các linh vật long - lân - quy - phụng (tứ linh) được gắn lên tạo thành bao lam bao quanh ngôi chánh điện như một chiếc lộng che lấy các tượng Phật. Chánh điện của chùa được dựng khoảng năm 1937, sau đó các hạng mục khác được xây dựng và phật tử góp công, góp tiền trùng tu.

Ngày 6-7/7 (nhằm ngày mùng 3 và 4/6, năm Bính Thân), Sắc tứ Quan Âm cổ tự long trọng tổ chức lễ huý kỵ lần thứ 174 cho đức Tổ sư Hoà thượng Thích Trí Tâm, thế danh là Tô Quang Xuân. Hàng ngàn tín đồ, đệ tử đã tề tựu về dự. Ghi nhớ công ơn của Hòa thượng Thích Trí Tâm, người khai sơn tạo tự ngôi Già lam Sắc tứ Quan Âm, buổi lễ đã lược thuật cuộc đời của đức Tổ sư, đức hạnh cao vời của vị chân tu và công ơn trời bể với sự hình thành, phát triển của Phật giáo Cà Mau. Ðại diện của các ban, ngành, địa phương cũng đã về dự và thành kính biết ơn bậc tiền nhân đã có công lao với quê hương.

Chùa Phật Tổ nói riêng và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Cà Mau nói chung đã thực sự thể hiện giáo lý của đạo Phật, đó là bác ái, luôn hướng đến để giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh. Thượng tọa Thích Huệ Thành cho biết: “Công tác từ thiện - xã hội là việc nên làm, cũng là noi gương tiền nhân, thực hiện đúng lời dạy của nhà Phật”. Trong hơn 5 năm qua, Phật giáo tỉnh Cà Mau đã vận động hàng chục tỷ đồng để góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện các chương trình thiện nguyện.

Theo thống kê, Ban Từ thiện - Xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau trong năm 2015 đã xây dựng 61 cây cầu bê-tông, 265 giếng nước sạch, 8 căn nhà tình thương. Hỗ trợ các em học sinh nghèo có điều kiện đến trường, như: xe đạp, trao học bổng, quà, tập… Hỗ trợ đồng bào nghèo trên toàn tỉnh, như: áo quan, khám bệnh, phát thuốc, châm cứu… Tổng kinh phí ước tính gần 15 tỷ đồng. Riêng hoạt động từ thiện của các cơ sở tự viện Phật giáo trong toàn tỉnh, trong đó có Chùa Phật Tổ, Phường 4, như: bếp ăn ở các bệnh viện; hỗ trợ viện phí; phát quà từ thiện; trại hòm từ thiện; Tuệ tĩnh đường các chùa trong tỉnh; khoan giếng nước sạch... gần 5 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm 2016, các chương trình, hoạt động của Phật giáo Cà Mau tiếp tục duy trì, đặc biệt mới đây nhất chính là hoạt động “Tiếp sức mùa thi”, cấp phát hàng ngàn suất ăn miễn phí cho các thí sinh Cà Mau. Ước tính kinh phí hoạt động từ thiện, xã hội của Ban Trị sự trong năm nay sẽ có phần tăng hơn so với năm trước. Thượng toạ Thích Huệ Thành bộc bạch: “Tất cả là nhờ vào đức độ, công lao của Tổ sư”. Chùa Phật Tổ đã toả rạng vầng hào quang của Phật giáo ở vùng đất Cà Mau.

                                                                 Bài và ảnh:Phạm Nguyên (Báo Cà Mau)