Đất nước trọn niềm vui và nhạc sĩ Hoàng Hà


       Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15/05/1975) (Ảnh TL)

Nói về những bài hát ca ngợi thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nói về sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày vui giải phóng miền Nam, thống nhất non sông, được nhiều người yêu thích không thể không kể đến bài Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà:

Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay!

Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây.

Sài Gòn ơi!

Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng.

Ta nghe vang như tiếng Bác Hồ dậy từ non sông!

Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân.

Thành Đồng ơi!

Sắt son đã vang khải hoàn.

Ôi! hạnh phúc vô biên!

Hát nữa đi em, những lời yêu thương.

Hò ơ...ớ hò...ớ hò...ớ hò....

Hội toàn thắng náo nức đất nước,

Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang,

Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam, Tổ quốc anh hùng!

Ôi quê hương dẫu bao lần giặc phá điêu tàn mà vẫn ngoan cường

Giành một ngày toàn thắng.

Đẹp quá!

Đời rực sáng những ánh mắt lấp lánh,

Ta muốn ôm hôn mỗi tấc đất quê hương,

Ta muốn ca vang bước chân những người chiến sĩ giải phóng kiên cường!

Đêm hoa đăng, những môi cười là bó hoa đời tươi thắm tuyệt vời,

Đẹp niềm tin mãi mãi Tổ Quốc muôn đời,

Trọn vẹn cả non sông thống nhất Rạng rỡ Việt Nam.

Đây là bài hát nổi tiếng và thành công nhất của Hoàng Hà. Bài hát được viết lời, phổ nhạc và thu âm trong ngày 26 tháng 4 năm 1975 (bốn ngày trước khi quân ta vào giải phóng Sài Gòn). Điều này cho thấy lúc bấy giờ hoàn toàn chưa có “muôn ánh sao vàng” hay “rừng cờ tung bay” cũng như rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây như nhạc sĩ đã viết. Nhưng đã chứng tỏ những cảm nhận về sự nhộn nhịp, sôi nổi của tác giả ban đầu chỉ là trong tâm hồn, suy nghĩ và trí tưởng tượng mà thôi.

Sinh thời nhạc sĩ Hoàng Hà thường chia sẻ: Sáng ngày 26 tháng 4 đáng nhớ ấy, khi nghe được tin về các cánh quân của ta bao vây chuẩn bị tiến công vào dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, thế là bao nhiêu hình ảnh chiến thắng, những ý tứ nhạc, ca từ... hiển hiện trong trí óc tôi một cách liên tục. Những hình ảnh thời tôi theo đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội (tháng 10 năm 1954) với rừng cờ, rừng người náo nhiệt tái hiện như một cuốn phim tư liệu sắc nét. Sài Gòn bừng bừng hiện ra trong tâm trí tôi như một ảo ảnh sống động với những câu chuyện tôi đã nghe, những dũng sĩ kiên cường, những sĩ quan quân đội Sài Gòn thảm hại tôi đã thấy, ký ức về những trận chống càn thắng lợi, về ngày giải phóng Thủ đô... Từng nét nhạc, từng ý, từng lời, cứ bật ra từ trong sâu thẳm lòng mình, phơi phới:

"Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay!

 Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông...

Ôi, hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương!"

Cảm xúc dào dạt lên tới cao trào, bỗng bật ra giọng Hò Đồng Tháp của chị văn công Giải phóng năm nào, hình tượng tiêu biểu của con người miền Nam tôi vẫn hằng ấp ủ trong tim, cứ vút cao đưa tâm hồn tôi bay lên và  say trong không gian của non sông ngày hoàn toàn giải phóng.

Cảm hứng lãng mạn trong nghệ thuật, niềm tin vào chiến thắng, những trải nghiệm trong cuộc sống, những điều ấy đã hô ứng với nhau giúp nhạc sĩ kết tinh cảm xúc để hoài thai ra một tác phẩm bất hủ. Bài hát được giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân, ca sĩ nổi tiếngTrung Kiên thể hiện lần đầu tiên. Sinh thời Hoàng Hà cho biết: “Tôi dự buổi thu thanh, nghe mà cảm phục anh Trung Kiên sao lại có sự đồng cảm đến thế. Giọng hát của anh đã thực sự chắp cánh cho bài hát của tôi bay lên, hoàn toàn như tôi đã tưởng tượng một ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và đất nước thống nhất...”. 

Ban đầu tác giả ký bút danh là Cẩm La, nhưng nhạc sĩ Triều Dângthấy ca khúc này rất hay, có tính thời sự và khái quát cao nên đã đề nghị "Bài này phải ký tên Hoàng Hà.". Bài hát được nhân dân cả nước đón nhận nồng nhiệt hơn bất cứ ca khúc nào viết về ngày chiến thắng lúc bấy giờ. Bởi lẽ ca từ thể hiện đúng bối cảnh đương thời của nhân dân, của đất nước:

Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang. 

Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam.

Ôi! hạnh phúc vô biên!

Hát nữa đi em, những lời yêu thương.

Sau đó ca khúc được phát trên Đài phát thanh Giải phóng lần đầu vào ngày 1 tháng 5 năm 1975, cùng với tiếng hò reo và hát theo của quần chúng nhân dân trong niềm vui chiến thắng. Cho đến nay, đã có hàng chục nghệ sĩ tham gia trình bày và phối lại ca khúc này, tiêu biểu là các nam nghệ sĩ như NSND Quang Thọ, ca sĩ Đăng Dương, NSƯT Tạ Minh Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Nguyễn Phi Hùng... Hơn bốn mươi bốn năm qua, Đất nước trọn niềm vui đã in dấu ấn sắc nét về nhạc sĩ Hoàng Hà trong lòng khán giả, tác phẩm như một tuyên ngôn về niềm hạnh phúc ngày thống nhất. 

                                     Nhạc sĩ Hoàng Hà (1929 - 2013)

Nhạc sĩ Hoàng Hà tên khai sinh là Hoàng Phi Hồng, nguyên quán Hà Nội. Bố mất khi ông được 9 tuổi, năm 1942 ông vào làm việc trong một xưởng in để đỡ đần cho gia đình. Cách mạng tháng Támthành công, tháng 10 năm 1945 Hoàng Hà thoát ly gia đình tham gia cách mạng và trở thành Tổng phụ trách thiếu niên toàn huyện Yên Lãng (Phúc Yên). Cùng năm đó ông chuyển sang tỉnh Đảng bộ Phúc Yên và bắt đầu sáng tác nhạc. Sinh thời, ông tâm sự: Năm 1947, tôi sáng tác một loạt bài còn rất nghiệp dư như "Căm hờn", "Nhớ mái chùa yên ấm", "Bao giờ trở lại"... Sau khi in xong, tôi gửi cho các đàn anh xem hộ. Duy nhất có nhạc sĩ Lưu Hữu Phước hồi âm. Biết tôi còn trẻ, trình độ i tờ, ông đã thường xuyên viết thư dạy tôi học nhạc. Mãi đến năm 1951, khi dự trại văn nghệ ở Thái Nguyên, tôi mới được gặp ông”.

Năm 1956 khi bài "Ánh đèn cầu Việt Trì" ra đời, tên tuổi của Hoàng Hà mới được nhiều người biết đến. Đến thập niên 1960, tên tuổi và tài năng âm nhạc của Hoàng Hà được khẳng định trong làng âm nhạc cách mạng Việt Nam, với những ca khúc có tiếng thời bấy giờ như "Tiếng hát ngày thứ bảy cộng sản", "Làng ta làm thuế",... Hoàng Hà cũng là một trong số những người tham dự Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957) với tư cách người sáng lập. Tấm thẻ hội viên hội Nhạc sĩ của Hoàng Hà lúc đó mang số hiệu là 01 - theo Hoàng Hà thì có lẽ vì ông là người ở xa nên mọi người ưu tiên phát cho ông tấm thẻ đặc biệt đó. Năm 1962, dưới sự vận động của thầy Lưu Hữu Phước, Hoàng Hà ra Hà Nội theo học khoa sáng tác – lý luận hệ đại học ở Trường Âm nhạc Việt Nam(nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Namvới vị trí biên tập viên. Trong một thời gian dài sau đó, Hoàng Hà ít viết nhạc mà chủ yếu tập trung vào công tác biên tập và giới thiệu tác phẩm của đồng nghiệp.

Tuy nhiên đến giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hoàng Hà bắt đầu sáng tác trở lại và cho ra lò một số nhạc phẩm nổi tiếng với bút danh Cẩm La. Ông dùng bút danh này như là một sự tri ân với những người dân làng Cẩm La đã cứu ông thoát chết trong một trận càn của quân Pháp khi xưa. Trong các ca khúc của Hoàng Hà, những người lính tham chiến tại Mặt trận Trường Sơncó một vị trí đặc biệt - đến mức có ý kiến cho rằng "Thơ Trường Sơn chỉ có Phạm Tiến Duật, nhạc Trường Sơn chỉ có Hoàng Hà." Hoàng Hà cũng sáng tác nhiều bài hát thiếu nhi nổi tiếng như "Con mèo ra bờ sông", "Hoa lá chào xuân", ông lý giải rằng tình yêu trẻ con và động vật đã giúp ông sáng tác ra những bài hát này. Năm 1977, Hoàng Hà mới vào Thành phố Hồ Chí Minhlần đầu tiên, trong một dịp công tác chuẩn bị tổ chức Hội diễn "Hoa Phượng đỏ" cho thiếu nhi. Từ năm 1985 ông vào định cư ở Bà Rịa - Vũng Tàu và tiếp tục sáng tác nhạc, một trong các nhạc phẩm gần đây của ông là bản giao hưởng hợp xướng gồm 4 chương mang tên "Côn Đảo" viết cùng với con trai là nhạc sĩ Hoàng Lương. Bên cạnh việc sáng tác nhạc, Hoàng Hà cũng nghiên cứu về các mảng Kinh dịch, Phật giáo... và ông xem đó như là thú vui tuổi già của mình. Hoàng Hà cũng nhanh chóng bắt kịp với khoa học công nghệ hiện đại và thành thạo về việc sử dụng máy vi tính. Chính ông là người đã khuyến khích con trai Hoàng Lương học sử dụng máy vi tính và tiếp cận với công nghệ thông tin. Ông qua đời ngày 4 tháng 9 năm 2013, tại bệnh viện Lê Lợi, Vũng Tàu, vì tuổi cao sức yếu.

Những tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Hà Ánh đèn cầu Việt Trì, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Cùng hành quân giữa mùa xuân, Đất nước trọn niềm vui, Côn Đảo (đồng sáng tác với nhạc sĩ Hoàng Lương). Các giải thưởng của Hoàng Hà: Giải A Ủy ban Thiếu niên - Nhi Đồng (1967): Bài "Con mèo ra bờ sông"; Hạng A nhạc Phim truyện (1973): nhạc phim nhựa "Người về đồng cói"; Giải B Ủy ban Thiếu niên - Nhi Đồng (1982) về loạt ca khúc và nhạc dành cho lứa tuổi thiếu nhi, Giải Nhì Ca khúc Giải thưởng Âm nhạc Hội nhạc sĩ Việt Nam (1997) với bài "Mang theo mùa đông" (phổ thơ Hoàng Quý); Giải đặc biệt giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam(1999): Giao hưởng hợp xướng Côn Đảo; Giải Nhất giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2002) với bài "Tiếng rừng dương"; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (2017) cho các tác phẩm: Hợp xướng "Côn Đảo" và các ca khúc: "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn", "Cùng hành quân giữa mùa xuân", "Đất nước trọn niềm vui", "Tiếng rừng dương".

                                                                                                      Tô Trúc Phương