Bài hát "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" và nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý


Các mẹ thăm trận địa cao xạ đang bảo vệ thị xã Bắc Giang trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ và vá áo cho chiến sĩ (Ảnh TL).

"Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc

Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc

Quần nhau với giặc, áo con rách thêm

Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo.

Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo

Người mẹ nghèo trong áo rách, áo rách nên thương

Các con ra đi đã mấy chiến trường

Mang theo cả tình thương của mẹ.

Lạ kỳ thay con đi như thế

Bỗng khi nào chợt nhớ hậu phương

Thì đường đang xa mà đôi chân thêm khoẻ

Trái tim này rực cháy yêu thương.

Mọi gian nan mẹ con ta san xẻ

Nhắm chân trời rạng rỡ ánh dương".

                                                Nguyễn Văn Tý

Người mẹ trong “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” với giọng hát của các ca sĩ làm rung động hàng triệu trái tim chiến sĩ và thế hệ thanh niên từ thời chống Mỹ cứu nước cho đến ngày nay. Hình bóng bà mẹ, tảo tần, bình dị đã sinh thành và chăm sóc cho con lồng với hình bóng cao cả của bà mẹ Tổ quốc. Ở đâu mẹ cũng chia sẻ, nâng giấc cho con, lo toan cho từng đứa con từ nắm cơm muối đến mảnh áo mẹ vá đêm đêm với cả tình yêu thương không bờ bến. Tấm áo mà mẹ đã gửi gắm đường kim, mũi chỉ, miếng vá bên ngọn đèn dầu trong đêm hè nóng bức hay mùa đông giá lạnh. Con đã mang đi khắp mọi miền Tổ quốc, sưởi ấm lòng con khi chiến trường khốc liệt, nơi ranh giới giữa cái sống, cái chết mong manh. Tấm áo của mẹ là quê hương, là đất nước, là nguồn động viên vô tận của chúng con trên mọi nẻo đường chiến đấu.

Với giọng đô thứ, chất liệu dân ca quan họ, và đặc biệt tác giả Nguyễn Văn Tý đã dùng chất ngâm vịnh của làn điệu lới lơ, ngâm sổng trong làn điệu chèo làm câu mở đầu và cũng là âm hưởng chính của cả bài. "Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc...", giữa hai nét nhạc chỉ thay đổi âm sắc của ca từ. Ở đoạn II, ông chuyển sang điệu tính trưởng, giữ nguyên âm hưởng nhưng giai điệu rất đằm thắm, không đối lập mà phát triển trong một chủ đề: "Lạ kỳ thay con đi như thế... nhắm chân trời rạng rỡ ánh dương". Một lần nữa khẳng định được niềm tự hào, sự hy sinh của người mẹ miền quê quan họ Hà Bắc.

Xã Đa Mai (nay là phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) nằm bên bờ sông Thương, có cây cầu nối Quốc lộ số 1 từ biên giới Lạng Sơn, dọc theo đất nước chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam ruột thịt. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cầu Sông Thương trở thành tâm điểm đánh phá của kẻ thù, hòng cắt đứt tuyến đường vận chuyển huyết mạch này. Suốt  8 năm với hơn 200 trận đánh, giặc Mỹ trút xuống miền quê ven sông nơi đây hàng ngàn tấn bom, đạn, hàng trăm quả  tên lửa cùng hàng vạn bom bi, nhưng không làm lung lay được ý chí của người Đa Mai. Bà con vẫn một lòng bám đất, bám làng, vừa tăng gia sản xuất chi viện cho miền Nam vừa phục vụ Trung đoàn Phòng không 216 (Sư đoàn Phòng không 365) đóng quân trên địa bàn bảo vệ quê hương. Trước cuộc sống đầy gian khổ, ác liệt của quân và dân Đa Mai ngày ấy, Hội Phụ nữ có sáng kiến thành lập Hội Mẹ chiến sĩ vá áo cho bộ đội vào cuối năm 1965, ban đầu có 5 tổ với hơn 300 bà mẹ tham gia. Đến 1967-1968 phát triển thành 9 tổ, thu hút tới 453 bà mẹ nhận vá áo cho bộ đội. Phụ trách Hội Mẹ chiến sĩ lúc đó là bà Lương Thị Liên ở xóm Sẫu. Các mẹ có nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú với các hình thức như: Góp 6.650 công cùng nhân dân xây dựng 7 trận địa pháo cao xạ 37mm và 100mm ở quanh thị xã Bắc Giang; đào đắp 7.000m3 đất; động viên 30 chị em tham gia dân quân tự vệ, luyện tập quân sự sẵn sàng thay thế pháo thủ; vận động bà con đóng góp 318 cây tre cho bộ đội làm hầm tránh đạn, đan 387 áo rơm và 218 mũ rơm tránh mảnh đạn và bom bi; đan đệm rơm cho bộ đội nằm; quyên góp 965kg rau xanh; 714kg đỗ, lạc; 650kg khoai lang, khoai sọ; 80kg lợn hơi để bộ đội cải thiện bữa ăn… Đặc biệt là sau mỗi trận chiến đấu, các mẹ chia nhau mang nước uống, lá ngụy trang lên các trận địa pháo, rồi vá áo cho bộ đội. Ngày cũng như đêm các chiến sĩ pháo thủ phải quần nhau với địch nên áo quần rách nhiều, các mẹ khâu vá tại chỗ cho anh em.

Đúng vào lúc cao điểm ấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về Hà Bắc (nay là hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh). Ông chứng kiến các mẹ, các chị trong Hội Mẹ chiến sĩ xã Đa Mai đã hy sinh tất cả để giúp đỡ, động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Pháo phòng không 216, bám địa bàn, trận địa, chiến đấu kiên cường, dũng cảm tiêu diệt máy bay địch để bảo vệ cầu sông Thương và bầu trời Hà Bắc. Chứng kiến những bà mẹ ngồi khâu áo cho các chiến sĩ trong đêm và được kể rằng đã khâu hết 2.500 lần tấm áo. Ông nhớ lại: “Tôi lắng nghe, vô cùng xúc động khi nhìn vào gương mặt các mẹ già, phần lớn đã sáu, bảy mươi tuổi, nhìn vào những cặp mắt kèm nhèm thế mà lại vá áo với những ngọn đèn dầu chỉ được phép sáng như những con đom đóm, với điều kiện che đậy thế nào cho máy bay địch không phát hiện ra ánh sáng. Mà đã vá là phải vá gấp để kịp đưa ra trận địa. Nhiều chiến sĩ mình trần, quần lại rách nhưng vẫn không ngơi tay đánh giặc. Thấy thế các mẹ đau lòng nên đường kim mũi chỉ phải vội vàng ngày cũng như đêm”. Bất chợt, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thấy một người có khuôn mặt rất giống mẹ ông. Chạnh lòng ông lại nhớ mẹ. Mẹ ông được ông mang về cho một chiếc áo trấn thủ ngày chống Pháp, và mẹ đã mặc năm này qua năm khác đến khi rách mảng vá lại rồi để mặc vào trong. Khoảnh khắc tràn ngập tình yêu thương ấy, bài hát “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” đã hình thành.

Ngay từ khi ra đời, bài hát gây được sự xúc động đặc biệt cho người nghe với những câu thơ: “Các con ra đi đã mấy chiến trường/ Mang theo cả tình thương của mẹ” như khái quát hết tâm trạng của hàng triệu người con ra trận. Hoặc câu “Tấm áo ấy con quý hơn cơm gạo, đời mẹ nghèo trông áo rách, áo rách nên thương”, theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ông sáng tác bài này trong cơn xúc động dâng trào và đến câu này, cụ thể là ở đoạn, “đời mẹ nghèo trông áo rách” thì ông không kìm được nước mắt. Lúc ấy một giọt nước mắt rơi đúng vào đoạn đó và ông quyết định để một dấu lặng (đoạn nghỉ) rồi mới đến câu tiếp “áo rách nên thương”. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết: Bài “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của tôi sáng tác từ năm 1973 đã đi vào lòng bộ đội ta như một khúc hát ân tình thấm mãi tình Đảng, tình dân, tình giai cấp, cho đến bây giờ nó vẫn còn được nhiều ca sĩ,chuyên nghiệp khắp nơi hát mãi qua nhiều hội diễn mà người nào hát cũng vẫn thành công. Là tác giả mà nghe bao giờ tôi cũng xúc động vô cùng”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có quê gốc ở Sóc Sơn, Hà Nội. Ông sinh ngày 5 tháng 3 năm 1925 tại Vinh (Nghệ An), trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Thuở nhỏ, ông học ở trường Quốc học Vinh và được hai thày giáo người Pháp và người Hoa, cha cố người Tây Ban Nha dạy hát, dạy nhạc và hát thánh ca. Từ năm 1944, ông đi hát trong phòng trà ở Vinh kiếm sống. Năm 1945, Nguyễn Văn Tý tham gia phong trào Việt Minh, sáng lập và xây dựng Đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Ông cho rằng mình bắt đầu sáng tác vào năm 1947 khi là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương, nhưng lại coi tác phẩm đầu tay là bài  Ai xây chiến lũy viết năm 1949. Năm 1948, Nguyễn Văn Tý ở Đoàn văn hóa tiền tuyến, thuộc Quân huấn cục. Từ năm 1950, ông nhận nhiệm vụ xây dựng Đoàn Văn công của Sư đoàn 304 và làm Trưởng đoàn. Đến 1951, Nguyễn Văn Tý ra quân, chuyển về công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Năm 1952, ông quen biết với bà Nguyễn Thị Bạch Lệ (em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương) và sau đó hai người thành hôn. Cuối năm 1957, Nguyễn Văn Tý cùng với Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao được chỉ định thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, rồi ông làm Ủy viên Ban chấp hành khóa đầu tiên của Hội. Về già, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào sống trong căn nhà nhỏ ở phường Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Những tác phẩm chính của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Ai xây chiến lũy (1949), Bài ca năm tấn (1967), Bài ca Phụ nữ Việt Nam (1970), Chim hót trên đồng đay (1963), Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (1976), Mùa xuân cô đi nuôi dạy trẻ (1980), Dáng đứng Bến Tre (1981), Dòng nước quê hương (1963), Dư âm (1950), Em đi làm tín dụng (1971), Mẹ yêu con (1956), Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh (1974), Múa hát mừng chiến công (1966), Ru người trăm năm (1999), Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (1973), Tiễn anh lên đường (1964), Vượt trùng dương (1952), Huyền diệu (1970), Màu áo chú bộ đội (1980), Thành phố Hồ Chí Minh (1969)…

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Mẹ yêu con, Vượt trùng dương, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre năm 2000. Ngoài ra, ông còn giành được một số giải thưởng như: Giải nhì (không có giải nhất) của Hội văn nghệ Việt Nam cho bài Vượt trùng dương; Giải nhất Cuộc thi vận động sáng tác về đề tài phụ nữ với bài Tiễn anh lên đường (1964); Giải nhất sáng tác về đề tài nông nghiệp với ca khúc Bài ca năm tấn (1967); Giải Ngân hà với bài Em đi làm tín dụng.

Nguyễn Văn Tý là một trong những nhạc sĩ nhạc đỏ thành công với chất liệu dân ca. Những sáng tác của ông được chắt chiu và nghiền ngẫm qua những chuyến đi thực tế trong thời gian dài, nhiều sáng tác đã sử dụng khéo léo chất liệu dân ca của nhiều vùng miền. Âm nhạc của ông giàu chất trữ tình được thể hiện qua lời ca trau chuốt cùng với giai điệu mượt mà và bản sắc dân tộc.

                                                                     Tô Bảo Minh