Thời con gái ngây thơ


                  Ảnh minh họa

Cứ mỗi lần về thăm quê là tôi lại tới nghĩa trang liệt sĩ xã nhà để thắp hương cho thầy, để tạ lỗi, để mong linh hồn thầy siêu thoát và tha thứ cho tôi, cô học trò ngây thơ, tội nghiệp…

Ngày ấy, cũng như các trường trung học phổ thông bây giờ, vào đầu năm học mới, học sinh cấp ba chúng tôi đều được học tập những kiến thức cơ bản về quân sự quốc phòng. Thầy giáo là các anh bộ đội của C5, trận địa pháo phòng không trên đồi Giang trong xã. Người giảng dạy khoa mục đội ngũ tay không của lớp tôi có tên là Thành - một trung sĩ còn trẻ nhưng rất nhiệt tình và nghiêm túc. Con Thủy, con Trinh công khai khen thầy đẹp trai đều bị thầy nghiêm mặt. Có điều thầy quê ở miền trong nên cứ mỗi lần thầy hô “Nghiêm” tôi nghe như là “Ngêm” và rất buồn cười. Mấy lần đầu thầy hô tôi bật cười khúc khích khiến những bạn xung quanh cười theo. Thầy thành thật:

- Thưa các đồng chí, tôi nói còn mang giọng địa phương, tôi xin lỗi, mong được mọi người thông cảm mà ủng hộ.

Những buổi tập sau, mỗi lần thầy hô “Nghiêm” mọi người nín được còn tôi vẫn cứ bật cười khúc khích. Rồi một lần, thầy hô cả lớp “Ngêm” và chỉ định:

- Đồng chí nữ, mặc áo xanh xi - lâm ra khỏi hàng. - Thày chỉ vào tôi rồi khẳng định: Đúng, tôi gọi đồng chí.

Tôi như ngợp thở, sợ xấu hổ định không ra. Nhưng những bạn sát bên đẩy nhẹ vào lưng tôi giục: “Ra đi, cười mãi chả chết à”.

Tôi ngượng ngùng bước ra khỏi hàng đứng gần thầy và cảm thấy mặt mình nóng ran trước con mắt của mọi người. Thật may cho tôi, thầy chưa kịp nói gì thì kẻng báo động phòng không vang lên. Chúng tôi được lệnh xuống hầm trú ẩn. Hôm ấy máy bay Mỹ vào ném bom ở xa. Chúng tôi chỉ nghe thấy một vài tiếng nổ ầm ì. Lớp tập trung trở lại, thầy như quên việc gọi tôi…

Những ngày sau, chúng tôi chuyển nội dung học tập, thầy cũng sang dạy cho lớp khác. Nhưng mỗi khi gặp thầy dù trong sân trường hay ngoài đường, tôi lại hô “Ngêm”. Tôi cố “trả thù” cho bõ tức vì thầy đã gọi mình lên trước hàng quân. Những lần đầu nghe được, thầy mỉm cười vui vẻ, mấy lần sau thầy nhìn tôi như ngạc nhiên. Lần cuối cùng, mắt thầy cụp xuống, lặng lẽ bước đi trước đám học trò, tôi cười vang thích thú.

Sẩm tối hôm ấy, máy bay Mỹ ném bom dữ dội xuống trận địa của C5. Lửa từ những nòng pháo bắn lên hòa với chớp bom sáng rực một vùng. Rồi suốt đêm người làng tôi chỉ nghe thấy tiếng hô, tiếng gọi nhau i ới lẫn với tiếng động cơ ô tô gầm rú. Sáng ra, đồi Giang chỉ còn là một bãi đất đỏ hoang, không còn một bóng người. Tôi tới lớp, cô giáo hiệu trưởng tập trung toàn trường và ngậm ngùi thông báo:

Các thầy cô, các em ạ, thời gian học quân sự đến hôm nay là kết thúc. Các thầy ở C5 đã chuyển đi rồi, trận địa bị lộ, chiều qua máy bay Mỹ vào ném bom ác liệt, thầy Minh và thầy Thành đã hy sinh anh dũng.

Nghe cô nói, tôi bàng hoàng trong giây lát và muốn hét thật to: “Không! Không phải thế”. Như bừng tỉnh, tôi vùng vằng chen lách, xô qua mọi người chạy ra khỏi hàng rồi gào lên nức nở “Thầy ơi”.

                                         Tô Kiều Thẩm