Đại tá, Nhạc sĩ Doãn Nho với ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”


                       Vợ chồng Nhạc sĩ Doãn Nho

Đại tá, Nhạc sĩ Doãn Nho sinh ngày 1 tháng 8 năm 1933 tại làng Cót (nay thuộc phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Thuở nhỏ, Doãn Nho đã sớm tiếp xúc với âm nhạc dân gian Bắc Bộ và âm nhạc phương Tây, bắt đầu học violon năm 10 tuổi. Năm 1945, ông tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, với nhiệm vụ tuyên truyền vận động trong thiếu nhi và phổ biến các bài hát cách mạng. Năm 1946, ông tham gia vào Đội tuyền truyền lưu động Bắc Giang, năm 1948 chuyển sang Đội Tuyên truyền xung phong Vĩnh Yên. Đến năm 1950, ông vào học Trường Lục quân Việt nam khóa 6, sau đó về Đội văn công của nhà trường, vừa chơi violon vừa sáng tác những ca khúc đầu tay như “Bà mẹ nuôi”, “Tiến theo gương La Văn Cầu”... Năm 1954, ông công tác tại Đoàn văn công Tổng cục chính trị (nay là Đoàn Nghệ thuật Quân đội), viết bài hát “Vui giải phóng”, hợp xướng “Sóng Cửa Tùng” và những ca khúc như "Chiếc khăn rơi", "Tiến bước dưới quân kỳ".

Từ 1962-1964, Doãn Nho được cử đi học sáng tác tại Nhạc viện Kiev (Liên Xô). Trở về nước, ông đi vào chiến trường ở Khu 4, Nam Lào, Quảng Trị. Ở đây ông sáng tác những tác phẩm: "Quả bom câm", "Tây Nguyên chiến thắng", "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" (thơ Hữu Thỉnh), "Người con gái sông La" (thơ Phương Thúy), "Hát mừng quê ta giải phóng"...  

Ngoài những sáng tác thanh nhạc, ông còn viết thanh xướng kịch “Trẩy hội đền Hùng” và một số tác phẩm khí nhạc như Thơ giao hưởng số 1 Tháng Tám lịch sử, Khúc tưởng niệm cho soprano và dàn nhạc, Concertino cung la thứ cho violon và dàn nhạc, Liên khúc giao hưởng ba chương Chiến thắng, Thơ giao hưởng số 2 Thánh Gióng, Thanh xướng kịch Hoa Lư - Thăng Long (chương 1), nhạc cho vở balê Một thời và mãi mãi… Ông còn viết nhạc cho kịch, kịch múa và nhạc phim. Năm 1982, ông nhận bằng Tiến sĩ nghệ thuật học tại Nhạc viện Kiev và đã có nhiều bài tiểu luận, tham luận, phê bình âm nhạc.

Nhạc sĩ Doãn Nho được phong quân hàm Đại tá và tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng 3, Huân chương Lao động hạng 3, Huân chương Quân công hạng nhất, và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 2 năm 2001.Năm 2017, Nhạc sĩ Doãn Nho được trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho các ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Người con gái sông La”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”…

Đối với bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ” Đại tá, Nhạc sĩ Doãn Nho thường kể: Năm 1958 quân đội ta bước vào thời kỳ xây dựng chính quy hiện đại. Hè năm 1958 đoàn ca múa Tổng cục Chính trị nhận nhiệm vụ trở lại chiến trường Điện Biên. Nhạc sĩ được phân công đi tiền trạm với hai nhiệm vụ: Chuẩn bị cho Đoàn biểu diễn và đi thực tế để sáng tác.

Hòa bình về với Tây Bắc đã bốn năm nhưng lòng chảo Điện Biên vẫn còn những tàn tích của chiến tranh. Xác xe tăng, xe cơ giới, những khẩu đại bác vẫn còn nằm ngổn ngang ở chiến trường. Những hàng rào kẽm gai chưa được tháo gỡ. Công binh đang tập trung gỡ bom mìn còn sót lại để lấy đất sản xuất và xây dựng. Thỉnh thoảng vẫn ầm vang tiếng nổ, trên đỉnh đồi A1 có hai mộ liệt sĩ vô danh nằm không xa xác một chiếc xe tăng đã gục nòng.

Trở lại chiến trường xưa, nhất là khi mặt trời lặn về phía Tây, sương chiều bay là là mặt đất, trong lòng nhạc sĩ thấy bâng khuâng, nôn nao nhớ đến bao đồng đội đã vĩnh viễn không trở về. Trên từng tấc đất Điện Biên đã thấm máu bao chiến sĩ. Bấy giờ một số đơn vị từng chiến đấu tại Điện Biên đã ở lại chuyển thành Nông trường quân đội Điện Biên; cán bộ chiến sĩ giờ là công nhân nông trường trồng trọt cây lúa, trồng chè, chăn nuôi bò công nghiệp. Tiếng máy cày ngày ngày rộn rã trong lòng chảo.

Tuy vậy ở Điện Biên vẫn còn những đơn vị đang trong mùa huấn luyện. Sáng sáng khi mặt trời vừa xua tan sương đêm, từ cổng doanh trại những gương mặt chiến sĩ trẻ măng, vai đeo súng trong hàng ngũ đang bước đều ra thao trường. Đi đầu là một chiến sĩ mang lá cờ đỏ sao vàng và dòng chữ “Quyết thắng” tung bay nổi bật trên màu xanh của núi rừng. Xen lẫn trong họ là những khuôn mặt già dặn của những anh lính cựu được giữ lại làm cán bộ khung. Hình ảnh này đã gây cho nhạc sĩ ấn tượng về một đội ngũ trùng điệp có các thế hệ trẻ - già nối tiếp nhau giữ vững truyền thống "Quyết chiến quyết thắng" của quân đội ta.

Những gương mặt anh lính trẻ "mặt còn lông tơ" mới bước vào quân ngũ được diễn tả thật trong sáng trẻ trung với hình ảnh của bình minh đang lên:

"Vừng đông đã hửng sáng

 Núi non xanh ngàn trùng xa

 Tổ quốc bao la hiền hòa

 Tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao

 Muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca trong sóng lúa

 Lấp lánh sao bay trên quân kỳ!".

Còn hình ảnh người chiến sĩ từng trải trong trận mạc ác liệt được ông miêu tả qua đoạn giữa của bài hát:

"Nghe rung núi đồi từng bước ta đi

Nhắc đến chiến công ngàn năm xưa

 Nhìn cờ hồng bay rực rỡ

Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim!"

Họ chính là nòng cốt cùng thế hệ trẻ xây dựng nên một đội quân chính quy hiện đại… Ông viết nhanh chỉ trong 2 ngày và xử lý khéo léo giữa Trưởng và Thứ trong ngôn ngữ âm nhạc, làm cho bài hát trần hùng, chất anh hùng ca sâu sắc. Người nghe cảm nhận rất rõ những bước đi hào hùng của lớp lớp các cán bộ chiến sĩ, đồng thời cũng thấy được chiều sâu đó chính là tình yêu quê hương, đất nước.

“Vừng đông đã hửng sáng

núi non xanh ngàn trùng xa

Tổ quốc bao la hiền hòa tươi thắm

bóng cờ vờn bay trên cao

Muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca

trong sóng lúa lấp lánh sao bay trên quân kỳ.

 

Nghe rung núi đồi từng bước ta đi

nhắc tới chiến công ngàn năm xưa

Nhìn cờ hồng bay rực rỡ

gương bao anh hùng bừng cháy trong tim

Quên thân mình một niềm tin

trong phong ba tô thắm tươi thêm màu cờ

Giữ vững hòa bình dựng xây tương lai

chân trời mới sáng ngời quân ta đi.


Ghi sâu trong lòng từng bước ta đi

Mãi mãi vững tin Đảng tiền phong

Bộ đội của ta đã mạnh lớn

Lớp lớp sóng người vững bước dưới cờ vinh quang

này là đoàn quân đã chiến thắng

đây ánh quân kỳ chiếu sáng ngời”.

Khi cả đoàn vừa hành quân lên đến Điện Biên thì bài hát được Tổ sáng tác gồm Minh Tiến (biên đạo múa), Mạnh Thắng (nghệ sĩ đàn bầu), nhạc sĩ Lê Lan... thông qua và chỉnh sửa xong lại lời sau đó triển khai ngay cho tốp ca nam tập.

Và trên mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử năm ấy, ngay đêm biểu diễn đầu tiên của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, cán bộ và chiến sĩ ta đã được nghe tốp ca gồm các ca sĩ Trần Chất, Thanh Phúc, Chí Hiếu biểu diễn lần đầu tiên tác phẩm để đời của ông.

Đại tá, Nhạc sĩ Doãn Nho tâm sự: "Nếu những hành khúc "Vì nhân dân quên mình" (Doãn Quang Khải), "Qua miền Tây Bắc" (Nguyễn Thành), "Hành quân xa" và "Chiến thắng Điện Biên" (Đỗ Nhuận) mang hơi thở của thời kỳ chống Pháp thì "Tiến bước dưới quân kỳ" mang dấu ấn của giai đoạn quân đội ta tiến lên chính quy hiện đại. Sau này một lần duyệt binh trong những ngày lễ lớn ở Quảng trường Ba Đình lịch sử, khi nghe quân nhạc cử hành bài hát này, tôi vô cùng xúc động...".

“Tiến bước dưới quân kỳ” được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân chọn là một trong 10 ca khúc truyền thống của quân đội. Ngày 9 tháng 11 năm 2021 “Tiến bước dưới quân kỳ" được tác giả trao tặng cho quân đội và do Bộ Quốc phòng quản lý.

                                                             Tô Kiều Thẩm