Bài hát “Miền xa thẳm” và Thiếu tướng, Nhạc sĩ Đức Trịnh


                Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh

Thỉnh thoảng, trong tiềm thức người yêu nhạc lại vang lên giai điệu thân quen như từ đâu vọng về réo rắt: “Xa thẳm một miền xa thẳm. Tiếng gọi hồn thiêng núi sông…”. Đó là lời ca trong bài hát nổi tiếng “Miền xa thẳm” của Thiếu tướng. Nhạc sĩ, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học VHNT Quân độiNguyễn Đức Trịnh.

Xa thẳm một miền xa thẳm

Tiếng gọi hồn thiêng núi sông, hù hú hu hù hu...

Một tình yêu như cánh chim tử quy

Bay bay đi tìm nhau

Một tình yêu như bão giông khát khao

Đến bên nhau giữa đạn bom

Đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước

Đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh

Đi tìm nhau đi mãi mãi không về

Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài

                 Miền xa thẳm

“Miền xa thẳm” từ lâu đã là một bản tình ca da diết, thiết tha và ngậm ngùi cảm xúc chia ly của tình yêu thời chiến tranh với hình tượng “một tình yêu như cánh chim từ qui. Bay bay đi tìm nhau. Một tình yêu như giông bão khát khao. Đến với nhau giữa đạn bom”. Ca khúc được nhạc sĩ sáng tác với cả tâm hồn nhạy cảm tràn đầy cảm xúc suốt chiều dài thời gian mặc áo lính. Đức Trịnh đi bộ đội đầu năm 1974, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước sắp đến hồi kết thúc, trên chiến trường Tây Nam Bộ và Campuchia… nên anh cảm nhận được tình yêu và chia ly mãi mãi. Anh thường kể:

Bài hát anh viết theo đơn hàng cho một vở kịch có tên “Miền xa thẳm” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nhà văn Phạm Hoa. Rồi trong một đêm tĩnh lặng ở Hà Nội, anh chợt nhớ đến tiếng chim từ qui ở những cánh rừng mênh mông trong những lần hành quân của mình. Tiếng chim khắc khoải gieo vào lòng người chiến sĩ nỗi hoài cảm vô bờ bến. Là bài tình ca chiến trận nên dù rất ngắn gọn, nhẹ nhàng nhưng day dứt mãi khôn nguôi vì tất cả đều thành bất tử: “Đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước. Đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh. Đi tìm nhau mãi mãi không về. Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”. Là bài hát làm nền cho vở kịch bi tráng, lời ca cũng phải phù hợp nhưng giai điệu quá da diết, mượt mà nên “Miền xa thẳm” đã tách ra, vươn cao thành ca khúc độc lập với công chúng. Đây cũng trở thành bài hát mang “thương hiệu” Đức Trịnh, mặc dù anh có rất nhiều ca khúc nổi tiếng một thời như: “Ngược dòng Hương Giang”, “Hạt mưa mùa xuân”, “Nhà em ở lưng đồi”… Ca khúc này thường được biểu diễn vào những dịp trang trọng, vinh quang của Tổ quốc để tưởng nhớ sự hy sinh cao cả và bất tử của những người chiến sĩ trong chiến tranh. Ca khúc nhận được Giải A - giải thưởng Văn hóa nghệ thuật Bộ Quốc phòng 5 năm (2004 - 2009). Khán giả thường cảm nhận bài hát này qua những giọng ca nổi tiếng như: Hồ Quỳnh Hương, Lan Anh, Thanh Lam…

Nhạc sĩ Đức Trịnh sinh năm 1957 tại phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang) - vùng đất bên bờ sông Thương nằm trong cái nôi của miền Kinh Bắc hội tụ những làn điệu dân ca ngọt ngào sâu lắng. Kế thừa tinh hoa ấy cùng với niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng, con đường âm nhạc đã đưa tên tuổi nhạc sĩ Đức Trịnh sống trong lòng khán giả. 

Năm 1973, tốt nghiệp trung học phổ thông, Nguyễn Đức Trịnh lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Những năm tháng đạn bom khốc liệt, gian nan mà hào hùng đã cho ông nhiều trải nghiệm, vốn sống của những người lính nơi tuyến đầu. Đức Trịnh coi đó là quãng thời gian sống động nhất trong cuộc đời làm nên chất lính trong các ca khúc của ông. Ngày cầm súng, đêm cầm bút, chàng thanh niên xứ Bắc ấy làm thơ, viết nhạc và coi đó như một sứ mệnh của mình.

Chiến tranh kết thúc, Đức Trịnh ở lại Thành phố Hồ Chí Minh công tác. Dẫu sống trên đất phương Nam nhưng lòng ông luôn mong mỏi, đợi chờ dịp trở về xứ Bắc. Cơ hội đến khi ông tham gia học tập tại Khoa sáng tác của Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật (VHNT) quân đội (nay là Trường Đại học VHNT quân đội). Kết thúc khoá học, ông tiếp tục theo học tại Khoa Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội. Vừa học tập vừa tham gia biểu diễn trong Ban nhạc Hoa Sữa nổi tiếng ở Hà Nội, nhạc công Đức Trịnh là cái tên được giới chuyên môn nhắc đến rất nhiều lúc đó.

Từ năm 1991, người lính nghệ sĩ giảng dạy tại Trường Đại học VHNT quân đội. Gắn bó với sự nghiệp "trồng người" gần 30 năm qua, Đức Trịnh đã dành hết tâm huyết cho những lớp sinh viên tài năng trưởng thành. Nhiều học trò của ông đến nay đã định hình được tên tuổi trong làng nhạc Việt như các ca sĩ: Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Lệ, Kasim Hoàng Vũ, Phương Anh, Lưu Thiên Hương - Lưu Hương Giang, Thanh Thuý…

Nếu trên cương vị giảng dạy, người ta thấy một Nguyễn Đức Trịnh tâm huyết và hết lòng cho sự nghiệp ươm mầm tài năng âm nhạc thì trong sáng tác, ông lại là một nghệ sĩ đầy đam mê, cháy bỏng trên từng nốt nhạc. Những sáng tác của ông thường chau chuốt về câu từ, giản dị về giai điệu và gần gũi về ý tứ. Điều đó thể hiện rất rõ qua các ca khúc như: "Ngược dòng Hương Giang", "Mùa xuân em - Mái trường", "Chiều chia xa", "Tình yêu của lính", đặc biệt là tác phẩm "Miền xa thẳm". Giai điệu da diết, lắng đọng của ca khúc "Miền xa thẳm" từng lay động biết bao người nghe nhạc. Đó là câu chuyện của một cô gái đi tìm người yêu trong bom đạn chiến tranh, bước chân suốt dải Trường Sơn những năm tháng ấy không chỉ bởi tiếng gọi của tình yêu mà còn là tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ở hai đầu nỗi nhớ, ở hai đầu trận đánh là hai nửa trái tim đang thổn thức yêu thương, khi sự sống và cái chết liền kề vẫn không làm tình yêu nguôi bớt những khát khao mãnh liệt. Và câu chuyện ấy đã được ông thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc da diết nhưng đầy lạc quan và hy vọng.

Nguyễn Đức Trịnh đã nhận những giải thưởng chính: Giải Nhất, Nhì, Ba của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1994; Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật của Bộ Quốc phòng (1994-1999); Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2012. Ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010; được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 2012 và giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học VHNT Quân đội nghỉ hưu năm 2017.  

Nguyễn Đức Trịnh còn là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng được công chúng yêu mến như: "Mưa xuân", "Ngược dòng Hương Giang"... Dù trong thời chiến hay thời bình, dưới góc nhìn của người lính, cuộc sống vẫn luôn tốt đẹp, tình yêu vẫn luôn nồng nàn cháy bỏng. Tất cả cảm xúc ấy đã được ông chuyển thành giai điệu và lời ca, tạo ra những tác phẩm sống mãi cùng thời gian. Với quê hương Bắc Giang, người nghệ sĩ luôn trân trọng và mong muốn có cơ hội tri ân. Ông chia sẻ: “Quê hương mỗi người chỉ một nên tôi muốn dành trọn tâm huyết cho mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Tôi nhủ lòng mình phải sáng tác được những ca khúc hay về quê hương và thời gian tới, sẽ cố gắng thực hiện tâm nguyện này”.

                                         Tô Kiều Thẩm (tổng hợp)