Người đẹp thành Tuyên


                                         Á hậu Tô Hương Lan từng được tôn vinh với biệt danh “nhất kinh kỳ, nhì cả nước”.

Thời xa xưa Tuyên Quang đã là phên dậu cho nhiều triều đại. Vua cha thường gả công chúa cho các tù trưởng địa phương mỗi khi đất nước có biến. Vùng đất mến khách này là nơi gặp gỡ sinh tồn của trai anh hùng, gái thuyền quyên đa sắc tộc. Có giai đoạn dài nhà Thanh với tư cách bảo hộ nhà Nguyễn chống Pháp, binh lính người Hoa và gia đình họ hoạt động và sinh sống ở đất Tuyên. Trong kháng chiến chín năm, Tuyên là nơi hội tụ trai tài gái sắc cả nước. Họ xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái cả một thế hệ tinh hoa trên đất này. Các trường nghệ thuật nhạc, hát, múa, họa, Trường Đại học Y khoa cùng khởi thủy từ đây.

Thiên thời địa lợi nhân hòa đã biến Tuyên Quang là miền nhan sắc có tiếng của Việt Nam. Chẳng thế mà đã có rất nhiều giai nhân xứ Tuyên đã đi vào tâm trí của người Việt. Có thể kể đến tên tuổi của một số người đẹp nổi tiếng từng “làm mưa gió” trên màn ảnh nhỏ như: Diễn viên điện ảnh Thu Hà cành vàng lá ngọc nhà ở Trung Môn và các diễn viên trẻ Mai Huê, Thu Nga. Người đẹp xứ Tuyên còn được vinh danh trong các cuộc thi sắc đẹp với tên tuổi như: Á hậu 1992 Nguyễn Minh Phương con gái ông Nguyễn Kỳ người Xuân Hòa;  á hậu 1994 Tô Hương Lan con gái ông Tô Hà y sĩ gây mê, nhà ở cây số 4 Ỷ La. Tô Hương Lan được coi là Á hậu đẹp nhất trong các cuộc thi Hoa hậu từ trước tới giờ của Việt Nam. 

Trong lĩnh vực âm nhạc có giải nhất thính phòng Sao Mai 2017 Đỗ Tố Hoa, nhà ở phường Tân Hà, gần hồ Cove, NSƯT Kim Tiến ở xã Trung Môn. Đặc biệt NSND Thu Hiền có giọng hát âm hưởng dân ca hay nhất Việt Nam 100 năm trở lại đây cũng là người được sinh ra ở suối khoáng Mỹ Lâm. Phát thanh viên có giọng đọc chuẩn và ăn hình có Thu Hiền, Tùng Lâm. Người mẫu có: Thủy Hương, Mĩ Hạnh, Dương Thanh Chấn. 

Đấy là những người con gái xứ Tuyên đã thành danh. Còn nhiều người đẹp thành Tuyên không có danh nhưng tiếng để mãi đến bây giờ. Trong kháng chiến chị em cô Xuân, cô Hạ Bảo Khuê làm nổi danh cả một vùng Cây Đa Nước Chảy. Bao người trai lính, bao sĩ quan anh hùng nơi chiến địa, chí ít mơ một lần được ghé chơi thăm, chiêm ngưỡng sắc đẹp hai bông hoa rừng. Ngày hòa bình, bao cán bộ trẻ của Văn phòng Ủy ban tỉnh và các cơ quan sáng nào cũng xếp hàng đông nghịt trước quán Xôi bắp bà Xông ở cổng Ủy ban nhân dân tỉnh. Chủ yếu thèm nhìn no mắt các cô con gái đẹp con bà Xôi bắp. Mãi sau này các cô đi lấy chồng thì xôi bắp bà Xông cũng hết ngon.

Giai nhân Hạ Bảo Khuê thời kháng chiến chống Pháp 1946 - 1950.

Những năm 70, thị trấn Na Hang hiu hắt thế bỗng trở nên nhộn nhịp những ngày nghỉ lễ. Nhiều khách tỉnh xa đến Tuyên cũng cố ngồi ô tô cả ngày đường xe lắc, ù tai qua đèo Cổ Yểng, để lên Nà Hang nhìn thấy chị Pắc Cú một lần. Sau này chị lấy anh Hưng - Giám đốc Nhà văn hóa tỉnh. Gia đình chuyển về ở cạnh nhà tôi trong Tân Hà. Chị đã nhiều tuổi, mà thỉnh thoảng vẫn có người từ xa lên hỏi nhà chị, chỉ để ngắm 1 lần. Còn nhiều người đẹp thành Tuyên như hoa nở lặng lẽ nơi phố nghèo.

Ở xóm Đạo Đường xóm nghèo nhất thành Tuyên những năm 60 có chị Hồi em chị Trang con dâu cụ Phùng là người đẹp có tiếng của Cửa hàng ăn số 1 cùng với chị Trang Tứ nhà gần chợ Tam Cờ. Nhiều người lên thành Tuyên có thú đi ăn kem ngắm người đẹp.

Trường Thống Nhất sau là Trường Tân Trào nhiều nữ sinh đẹp có tên tuổi mãi ghi danh cùng năm tháng. Những năm 50 - 60 chị Oanh Cẩm, chị Vân Chi, chị Vũ Chung..., những năm 60 - 70 các bạn Kim Hạnh, Thìn Đạm, Thanh Ngạc...

Từ năm 1960, Tuyên Quang là nơi cư ngụ của kiều bào Tân Đảo, Tân Thế giới, kiều bào Thái Lan sau khi về nước. Chính kiều bào và phong thái lối sống văn minh đã biến đổi Thành Tuyên khác xa các đô thị cả nước. Cùng thay đổi trong sản xuất công nghiệp, thời trang ăn mặc kiểu tóc của thanh niên làm đẹp hơn cho phụ nữ thành Tuyên: những người đẹp: Bản Luân, Khánh, Huệ, Yến, Dịu, Doanh Dương, Hồng Trường... tóc bồng áo mỏng thong thả đạp xe Peugot vàng chanh xanh cốm trên đường vương cát, thoảng bay trong gió chiều đông thơm nhẹ mùi Tây, cùng hương hoa Di Lăng mộng mị là nét rất riêng, là niềm tự hào để tiếng thơm mãi đến giờ của con gái Thành Tuyên.

Ngoài cái đẹp dáng vóc hình thể, để có được người đẹp toàn diện thì rất cần cái đẹp của làn da suối tóc. Làn da con gái Tuyên trắng hồng mịn màng tự nhiên. Suốt tóc dầy đen mướt mát. Nhờ thiên thời địa lợi nhân hòa, riêng điều này đã khẳng định yếu tố khác biệt của đất Tuyên.

Người đẹp Thành Tuyên những năm 70 - 80 qua ống kính của nhiếp ảnh gia Hải Hà.

Chẳng thế mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo một lần “Qua miền gái đẹp” ấy cũng đã phải rung động mà thốt lên:

          “Người đẹp Tuyên Quang cổ mang vòng bạc

          Môi đỏ như ớt vừa ngọt vừa cay

          Da trắng chân dài đèo cao áo bay…

          Người đẹp vít cần nồng hơn rượu mạnh

          Đàn hát chao ôi nghe chạnh lòng nhau…

          Xe rời thành Tuyên xa miền gái đẹp

          Còn vọng lời chào dính hơn xôi nếp

         Còn xanh lá tếch ai cầm trên tay…”.

Chắc sau này sẽ còn sinh ra nhiều người đẹp làm rạng danh cho đất nước và quê Tuyên yêu quý.

               Nguyễn Bá Thắng (Tuyên Quang cuối tuần)