
(Ảnh minh họa)
Tháng ba
Mùa con ong đi lấy mật,
Mùa con voi xuống sông hút nước,
Mùa em đi phát rẫy làm nương,
Anh vào rừng đặt bẫy cài chông.
Tháng ba sớm sớm mẹ ra rừng
Theo dấu chân rùa đi tìm nấm mối.
Chiều chiều cha chọn một góc vườn
Dạy con trai phóng lao trị hổ báo
Tháng ba mùa hoa vông đang nảy nở
Cho con công múa, cho con cá bơi,
Bông không rụng xuống lòng suối nhỏ,
Tung lên trời vạn cánh sao rơi.
Hoa lách bay để lại nụ cười.
Tháng ba
Rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ,
Làng buôn vang tiếng chiêng múa hát,
Bầy chim muông cất cánh rợp trời,
Sông từng đàn con cá lội bơi.
Tháng ba tay em dệt khăn hồng
Theo cánh chim trời cho người em mến.
Chiều chiều anh dựng lại nếp nhà
Phòng khi qua những đêm ngày giông bão.
Tháng ba
Trời trong xanh như suối ngàn,
Cho em múa hát cho anh đánh chiêng,
Chiêng anh rộn núi rừng buôn làng,
Em ca giọng vút mây xanh,
Chim hót theo nghe sao ngọt lành.
Tháng ba người Tây Nguyên chan chứa tình,
Con tim xao xuyến đôi môi hé cười,
Tháng ba
Mùa núi rừng sôi sục,
Tháng ba
Mùa hạnh phúc Tây Nguyên,
Ôi tháng ba tô thắm cuộc đời.
Thân Như Thơ
Thân Như Thơ sinh ngảy 20 tháng 5 năm 1931, tại thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam và mất ngày 5 tháng 11 năm 2001. Nói đến Thân Như Thơ ta thường nhớ ngay tới bài hát “Tháng ba Tây Nguyên” là bài thơ của ông viết năm 1963 do nhạc sĩ Văn Thắng phổ nhạc. Những tác phẩm của ông để lại về thơ có các tập: “Đêm tiếp vận” (1961), “Mùa sao sáng” (1970), “Tháng ba Tây Nguyên” (1972); về văn xuôi có “Những anh hùng chiến đấu miền Nam” (1962), “Vượt lên phía trước” (1971). Nhưng ấn tượng nhất là bài “Tháng ba Tây Nguyên”.
Tây Nguyên, vùng đất của không gian văn hóa cồng chiêng, của Sử thi Đam San, Sinh Nhã… cũng chính là “đất lành” cho các thế hệ văn nghệ sỹ “thăng hoa”. Đã có biết bao nhiêu bài văn, vần thơ, lời hát, bức ảnh… được sáng tạo ra ở mảnh đất này; trong đó bài “Tháng Ba Tây Nguyên” một tiếng ca mùa xuân của Thân Như Thơ, được nhạc sĩ Văn Thắng phổ nhạc là tác phẩm “đi cùng năm tháng” và càng được thăng hoa sau Chiến dịch Tây Nguyên, tháng ba năm 1975.
Tháng Ba
Mùa con ong đi lấy mật
Mùa con voi xuống sông hút nước
Mùa em đi phát rẫy làm nương
Anh vào rừng đặt bẫy cài chông
Tháng Ba
Sớm sớm mẹ ra rừng
Theo dấu chân rùa, đi tìm nấm mối...
“Tháng ba Tây Nguyên” được Thân Như Thơ viết trong những năm gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Tây Nguyên.Vẫn chỉ là những công việc thường nhật của con ong, con voi, hổ, báo, rùa, nấm mối… và của con người ngỡ như cũ kỹ từ ngàn đời, nhưng với sự hồi sinh kỳ diệu của mùa xuân, mà những vần thơ trở nên tràn trề sức sống của tạo vật, bỗng nồng nàn và tươi tắn như vừa được tiếp thêm nguồn sinh lực mới.
Chiều chiều cha chọn một góc vườn
Dạy con trai phóng lao, trừ hổ báo
Chiều chiều anh dựng lại nếp nhà
Phòng khi qua những đêm ngày giông bão.
Những vun vén cho một cuộc sống no đủ và bình yên, ấm cúng và hạnh phúc trong bối cảnh cuộc sống vừa thơ mộng vừa tự do khiến người đọc cảm thấy yên lòng với một Tây Nguyên hùng vĩ, phên dậu của Tổ quốc thân yêu.
Tháng ba
Rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ,
Làng buôn vang tiếng chiêng múa hát,
Bầy chim muông cất cánh rợp trời,
Sông từng đàn con cá lội bơi.
Tháng ba tay em dệt khăn hồng
Theo cánh chim trời cho người em mến...
Thân Như Thơ trở lại chiến trường Tây Nguyên năm 1961, là một chiến sĩ pháo binh. Cuộc sống và chiến đấu gian nan, nguy hiểm cho ông nhiều cảm xúc, nhiều chất liệu để ông sáng tạo nên những trang viết đầy phong vị cao nguyên và hướng tới một cuộc sống hòa bình và hạnh phúc cho mỗi con người, mỗi gia đình Tây Nguyên.
Tháng ba người Tây Nguyên chan chứa tình,
Con tim xao xuyến đôi môi hé cười,
Mỗi lần nhớ tới Tây Nguyên, là mỗi lần ta lại mong muốnđược đến mảnh đất thân thương ấy. Và dù tháng ba Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới của đất nước đã giàu đẹp và no ấm, không còn như năm tháng anh lính pháo binh Thân Như Thơ chịu đựng. Nhưng Tây Nguyên mãi mãi vẫn là:
Tháng ba
Mùa hạnh phúc Tây Nguyên,
Ôi tháng ba tô thắm cuộc đời.
Tô Bảo Minh
- VƯỜN NHÀ
- Vùng đất cổ này ở Cao Bằng có hang Dơi đẹp như thần tiên, cùng truyền thuyết về nàng "Tô Thị Hoạn"
- CÔ HÀNG RAU
- CUỘC HÀNH HƯƠNG
- Cô giáo vùng cao, và sự ra đời của một bài ca
- Bài hát “Tình ca Tây Bắc”
- QUÊ HƯƠNG TÔI
- Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và bài hát "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn"
- Trang thơ TÔ HOÀN
- Bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” và Nguyễn Mỹ
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- DANH SÁCH TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐÃ GÓP TIỀN LÀM SÁCH HỌ TÔ VIỆT NAM TRONG QUÝ IV-2013
- Chúc văn mừng Hội nghị Họ Tô Hà Nội



