Bà cụ bán xôi mê học tiếng Anh

76 tuổi, bà Tô Diệu Lan (Hàng Giấy, Hà Nội) vẫn miệt mài học tiếng Anh, đi bơi hàng ngày và tranh thủ luyện chữ đẹp. Bà cụ ước nếu còn trẻ sẽ đi làm giúp việc cho người nước ngoài hoặc ra hồ Gươm luyện tập ngoại ngữ.

Hàng ngày ra bán xôi, bà cụ luôn mang theo máy ghi âm và vở ghi từ mới, làm bài tập. Bà bảo vừa bán hàng vừa tranh thủ nghe tiếng Anh để nhớ từ mới. Ảnh: Bình Minh.

 

Nhanh nhẹn và vui tính, bà cụ vừa thoăn thoắt đơm xôi cho khách vừa trả lời họ bằng tiếng Anh. Thấy bà Lan đã lớn tuổi lại biết ngoại ngữ, vị khách thích thú hỏi lại giá tiền bằng tiếng Anh để kiểm tra. "Twenty five thousand Vietnam dong (25.000 đồng)", nghe bà Lan đáp tự tin, chàng trai thoáng bất ngờ bái phục. Lúc khách về, bà cụ không quên thực hành câu chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

Vãn khách, bà Lan nhét tai nghe cắm vào máy ghi âm để học bài. Vừa nghe, bà vừa phát âm theo giọng đọc mẫu của người cháu đang dạy ở trung tâm tiếng Anh. Vở bài tập đầy từ mới ghi bằng nét chữ nắn nót đặt trên đùi để bà thỉnh thoảng liếc qua ôn các cấu trúc cơ bản. Từ nào khó đọc, bà ghi phiên âm tiếng Việt sang bên cạnh cho dễ nhớ. Hành trang mang theo ra quán xôi của bà Lan không thể thiếu máy ghi âm, vở hay iPad.

Đam mê tiếng Anh, không muốn thua kém cháu chắt và để tự tin hơn lúc đi du lịch nước ngoài, bà Lan học ngoại ngữ 7 năm qua. Hồi ấy thấy bà tới trung tâm xin học, nhân viên bảo vệ ngạc nhiên ngỡ bà đến đăng ký cho cháu.

"Cậu bảo vệ thắc mắc 'bà già thế cần gì học tiếng Anh'. Tôi nói, biết thêm một ngoại ngữ nữa chả thích sao. Nhà vệ sinh ở sân bay, nhìn biển man, woman không biết mà vào nhầm thì nhục. Gặp người nước ngoài hỏi đường, mình chỉ cho họ, có phải lịch sự và hãnh diện không?", bà Lan giải thích.

Bà Lan đọc lưu loát những mẫu cấu trúc trong vở cho khách nghe. Ngồi bán xôi nhưng trông thấy vật gì, bà lại liên tưởng ngay ra từ tiếng Anh. Ảnh: Bình Minh.

 

Ngày đó, lớp có tới 20 học viên, chủ yếu là thanh niên, bà lớn tuổi nhất. Được vài buổi, số người học vơi dần, cuối cùng chỉ còn 4-5 học viên trong đó có bà Lan. Có hôm, lớp chỉ mình bà lọm khọm ngồi viết, thầy giáo đành ghép học sinh lớn tuổi này sang lớp khác. Theo được 3 tháng, người em chở bà đi học bận, bà cụ lại bị ốm nên đành ở nhà. Mãi tới tháng 5 năm ngoái, sức khỏe đã khá hơn, bà đi học lại cho đến nay.

Chia sẻ kinh nghiệm, bà chủ hàng xôi cho hay mỗi ngày học 5 từ, thu âm cách đọc vào máy ghi âm để thỉnh thoảng ôn luyện. "Mới đầu học cũng khó vì thầy nói nhanh nhưng mình cố gắng nhập tâm là được. Ra đường thấy cái nhà thì nhớ ngay từ house, màu trắng là white, màu vàng yellow, ôtô - car hay dog là con chó. Vào bệnh viện cũng vậy, trông thấy bác sĩ hay y tá thì hình dung ngay xem là từ gì", bà Lan nói.

76 tuổi, bà Lan vẫn quyết tâm học tiếng Anh đến khi nào có thể giao tiếp thành thạo với người nước ngoài. Ảnh: Bình Minh.

 

Chưa học các kỹ năng, bà mới chỉ thuộc chữ cái sau đó ghép từ. Hiện tại, bà Lan bắt đầu làm bài tập, viết đoạn văn tả ngôi nhà, gia đình có bao nhiêu người hoặc trong nhà có những đồ vật gì. Thầy giáo cho học từ, câu rồi bắt viết đi viết lại vài trang, nghe, nhắc lại, viết ra giấy. Có hôm, thầy giao bài tập về nhà, bà mê đến mức ngồi cặm cụi viết từ đêm tới sáng mà không hay biết.

Lý giải cho đam mê của mình, bà Lan cho biết, ngày còn nhỏ đã thích tiếng Anh nhưng gia đình đông con, không có điều kiện học.Sau này lấy chồng rồi làm ở cửa hàng lương thực, bà được đi học bổ túc. Bà Lan khoe, lúc còn sống bố của bà biết 4 thứ tiếng và từng làm quan ở Nam Định. Khi mất, ông vẫn còn cầm quyển sách trên tay. Tính ham học của bố đã ngấm vào bà từ đó.

"Đứa chắt mới 3 tuổi đi học mẫu giáo đã được cô dạy tiếng Anh, mình chẳng nhẽ không học được như nó. Chắt về hỏi mà mình không biết để hướng dẫn cũng ngượng. Sau này chắt lớn lên nói chuyện với cụ chả vui à", bà Lan vui vẻ nói.

Khi chưa tiếng biết Anh, bà Lan đưa máy tính để báo giá cho người nước ngoài mỗi khi họ vào quán ăn xôi, giờ thì bà có thể giao tiếp với khách. Để chứng minh cho khả năng ngoại ngữ của mình, bà Lan miêu tả tình huống mấy vị khách ngoại quốc vào quán rồi ngó nghiêng. Trong trường hợp này, bà sẽ chào "hello" rồi mời ngồi "please sit down" và hỏi xem họ cần gì "can I help you". Chỉ vào những đĩa thức ăn bày trên bàn, bà Lan minh họa, "egg" là trứng, "meat" là thịt còn "chicken" gà.

Nhận mình có trí nhớ tốt nên không chỉ tiếng Anh, bà còn có thể nói được chút tiếng Pháp và tiếng Trung. Bà cụ khoe, cháu nội từng đi du học, con dâu và các chắt cũng giỏi tiếng Anh nên chỗ nào không biết, bà lại hỏi. Thỉnh thoảng cuối tuần ra chợ đêm chơi, đi đường gặp khách nước ngoài, bà cụ cũng chủ động nói chuyện để thực hành tiếng.

Đi bơi và luyện chữ đẹp cũng là niềm vui của bà. Bị bệnh xương khớp, 28 năm qua bà Lan đều đặn bơi 1.000 m mỗi ngày. Nhờ vậy, bà cảm thấy sức khỏe cải thiện và chân bớt đau. Trước đây, không được học nhiều nên chữ xấu, giờ bà quyết đi rèn chữ. Sau khóa 10 ngày, bà sung sướng khi chữ của mình đã "ra hồn".

Nhắc tới mẹ, con dâu bà Lan tâm sự, cả gia đình đều ủng hộ khi biết bà thích học tiếng Anh và luyện chữ đẹp. Việc bà đam mê học tập là tấm gương cho các cháu, chắt trong nhà noi theo. Chiều ý mẹ, các con còn trang bị đầy đủ thiết bị giúp bà học tốt hơn. Lúc bà mới học, con mua kim từ điển, easy talk rồi iPad và laptop. Sau thấy mẹ ham quá, sợ ảnh hưởng tới sức khỏe, họ phải giấu bớt laptop đi.

 

Bình Minh