Truyện bây giờ mới thổ lộ nhân ngày lễ Valentine "Thuý và Tôi"

Ngày Valentine (14-2) còn gọi là Ngày lễ tình yêu, là ngày mà cả thế giới tôn vinh tình yêu đôi lứa, các đôi trai gái bày tỏ tình yêu của mình bằng cách gửi cho nhau thiệp Valentine, hoa hồng, sô-cô-la và một số loại quà tặng đặc biệt khác. Có một truyền thuyết cho rằng Valentine là tên của một vị thánh tử vì đạo vào cuối thế kỷ thứ ba sau Công nguyên dưới thời cai trị của Hoàng đế La Mã Claudius II (214-270). Lúc đó, nước La Mã đang trong thời điểm chiến tranh. Hoàng đế ra lệnh tổng động viên mọi nguồn lực vào cuộc chiến và cấm mọi ngừơi yêu nhau vì nó sẽ làm giảm sức chiến đấu của binh sĩ. Bất chấp lệnh cấm, các đôi nam nữ vẫn yêu nhau. Là một vị Giám mục-Thánh Valentine đã ủng hộ và chứng giám cho cho những cuộc tình này. Vì vậy ông bị hành hình cùng các lứa đôi kia vào ngày 14-2-273. Từ đó đến nay, ngày 14-2 hàng năm được gọi là ngày Valentine, Ngày lễ tình yêu…

Nghe truyền thuyết này, tôi chợt nhớ đến câu chuyện tình của ông Phạm Văn Bình, nguyên Trưởng ban Tác chiến Trung đoàn 1 (Sư đoàn 341, Quân đoàn 4) trong mùa xuân 1975 lịch sử. Ngày ấy – Phạm văn Bình kể: Sau khi đập tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc và chi khu quân sự Trảng Bom thì Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Sư đoàn được chi viện xe tăng, xe bọc thép cùng nhiều binh khí kỹ thuật nhận lệnh bằng mọi cách tiến vào Sài Gòn trong thời gian nhanh nhất. Ban Tác chiến đang loay hoay tìm đường trên bản đồ thì được tin có một cô gái xin gặp chỉ huy. Trung đoàn trưởng Lê Văn Trực giao cho tôi ra tiếp. Mừng quá, cô chính là nữ biệt động Sài Gòn, rất quen thuộc địa bàn và xin cho dẫn đường. Tôi và Thúy (tên cô gái) liền được phân công ngồi trên xe chỉ huy đi trước. Nhờ đi qua những con đường tắt của Thúy, đội hình chiến đấu tránh được những điểm kháng cự lớn của địch và đúng 12 giờ trưa ngày 30-5-1975 đội hình cơ bản của Sư đoàn 341 vào tới dinh Độc Lập, sau đó làm nhiệm vụ quân quản tại Sài Gòn.

          Khi chia tay trưa 30-4, Thúy chào mọi người rồi dúi vào tay tôi mảnh giấy ghi sẵn địa chỉ của mình và hẹn hôm sau trở lại. Đến lúc này tôi mới kịp nhìn em lâu hơn. Đúng là biệt động thành có khác, tác phong nhanh nhẹn, dáng hình dắn giỏi và duyên quá. Nhất là ánh mắt nhìn sao quyến rũ lạ lùng. Hôm sau, rồi hôm sau nữa, sau nữa, tôi cứ thấp thỏm chờ đợi. Trung đoàn trưởng cũng hỏi tôi: Sao Thúy không đến nhỉ? Không riêng gì tôi và Trung đoàn trưởng, mà ai trong đơn vị đã gặp Thúy cũng mong chờ. Rồi một hôm tôi được báo có cô gái tìm gặp. Tôi mừng quá vì biết ngay là Thúy. Ngồi tâm sự, Thúy đã kể cho tôi nghe về hoàn cảnh gia đình và tuổi thơ đầy gian khổ của em. Giọng Thúy đều đều, có lúc hai mắt đỏ hoe vì xúc động:

          Ba má Thúy quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Năm 1954, ba em là bộ đội được tập kết ra Bắc. Má và em ở lại, cuộc sống rất vất vả trong sự kìm kẹp của ngụy quyền. Khi Thúy được 3 tuổi, má gửi em ra vùng giải phóng cho tiện hoạt động. Để lừa địch, má đắp một ngôi mộ giả, coi như em đã chết rồi. Năm năm sau, tổ chức thấy má có thể bị lộ, liền đưa ra cứ. Tuy má con được ở gần nhau nhưng má bận công việc, chăm sóc em vẫn là những cô chú trong cơ quan. 15 tuổi, Thúy làm giao liên. Từ làm giao liên mà Thúy tìm hiểu được qua các chú bộ đội về người ba kính yêu của mình. Ông đã vào Nam chiến đấu và hy sinh trên chiến trường Tây Nguyên. Khi biết tin này, em đau đớn vô cùng, mỗi khi vắng người, em lại khóc gọi “Ba ơi”. Thời gian đầu em cố giấu má, nhưng rồi do linh tính má em cũng biết và khuyên: “Nếu con thương ba thì hãy đứng dậy mà đi, mạnh mẽ lên con”. Thời gian dần trôi và em đã trưởng thành. Theo nguyện vọng, tổ chức cho em vào một đơn vị biệt động trở về Sài Gòn hoạt động ở khu vực ngã tư Bảy Hiền – nơi có nhiều bà con người Quảng Nam vào làm ăn sinh sống; trong đó có dì và cậu của em. Cậu và dì em cũng là cơ sở cách mạng nên hoạt động thuận lợi hơn. Cuối tháng 4-1975, em cùng một số đội viên được phân công ra thành phố Biên Hòa tìm và dẫn đường cho các hướng tiến công của quân giải phóng nên đã gặp Trung đoàn 1 của chúng tôi. Sau ngày giải phóng, má Thúy về làm việc ở Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố.

Kể từ đó trở đi, hôm thì Thúy tới thăm tôi, buổi thì tôi về gia đình Thúy; tình yêu đến với chúng tôi lúc nào không hay. Mặc dù nhà chỉ có hai mẹ con nhưng cứ ngày nghỉ là cánh lính chúng tôi lại quây quần đông vui. Ai cũng vun vén cho tôi và Thúy. Đã có lúc tôi vuốt mái tóc dài và đen của em mà kể về ngày cưới. Em cũng tựa đầu vào vai tôi mà nói tới tương lai. Nhưng rồi, chiến tranh biên giới Tây nam bùng nổ, Sư đoàn 341của tôi được lệnh tiến ra phía trước. Thời gian đầu ở Tây Ninh và Kiên Giang chúng tôi gửi thư cho nhau đều đặn. Lá thư đầu tháng 12-1978 Thúy viết: “Anh thương yêu, Tại sao bọn Pôn Pốt lại độc ác thế, chúng chia cắt cả tình yêu chúng mình. Ở chốn đô thành em mong anh bình an trở về”. Khi đơn vị tiến sâu vào đất bạn Camphuchia thì chúng tôi bặt tin nhau. Tháng 9-1979, được về nước để đi học, tôi có dịp gặp lại má và Thúy, nhưng em đã có chồng. Thấy tôi, Thúy òa khóc và kể: “Năm ngoái, nghe tin anh hy sinh, má và em phát ốm… Sao bây giờ anh mới về. Anh thứ lỗi cho em…” Trái tim tôi hụt hẫng, đau nhói: “Thúy ơi, anh đâu có quyền trách em. Tất cả bởi tại chiến tranh em ạ. Chiến tranh cho chúng mình gặp nhau, rồi chính chiến tranh lại chia lìa đó thôi”...

                                                                          Trúc Phương