Những vần thơ của lính Trường Sa

Không ở đâu thời tiết lại khắc nghiệt như ở Trường Sa. Cũng là cái nắng nhưng hun da, hun thịt. Cũng là cái gió nhưng có vị mặn mòi của biển. Đứng trước gió mà ngứa ngáy khắp người, quần áo như bị ẩm. Cũng là nước nhưng tắm rửa, sinh hoạt và gieo trồng không được. Những khi mưa bão, sóng lừng thì không phải kể. Có lẽ sống trong điều kiện khó khăn thiếu thốn ấy mà tâm hồn người lính Trường Sa càng mênh mang, đằm thắm, với những vần thơ dung dị thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi và nỗi nhở đất liền khôn xiết. Những bài thơ như những bông hoa bờ dậu, chắt lọc từ sỏi đá khô cằn nhưng càng đọc, càng ngắm càng thấy hay, thấy đẹp:

          Lính đảo xa quê nhà

Biển ngân nga nỗi nhớ

Bờ cát dài sóng vỗ

Cánh hải âu chao nghiêng

Đảo là nhà, biển cả là quê hương

Nơi đảo xa nhớ người thương

Lính đưa vào câu hát

Với tiếng đàn ghi ta một dây

Thượng tá Đỗ Quốc Ánh, chính trị viên đảo Song Tử Tây, quê ở Chương Mỹ, Hà Nội, ra đảo tháng 7 năm 2009, một năm qua đã biên tập hàng trăm bài thơ cho các tờ báo tường của đảo. Anh cho tôi xem bài “Niềm tin” của chiến sĩ Văn Khải có những câu thơ trên. Cũng trên đảo này, anh lính Văn Chiến còn rất trẻ và chưa quen với cuộc sống trong quân ngũ nhưng đã xác định được nhiệm vụ vinh quang của mình trong bài “Trường Sa nhớ”:

Thay áo sinh viên bằng màu xanh áo lính

Thay thư tình bằng những dòng tâm sự

Khi sóng dữ vững vàng tay súng

Lòng kiên trung với hải đảo xa xôi

Còn trên đảo Sơn Ca, chiến sĩ Văn Phiên chỉ mới qua trung học phổ thông đã thổ lộ ước mơ:

Rời mái trường trung học

Tuổi mười tám, đôi mươi

Với khuôn mặt rạng ngời

Tôi vào nơi quân ngũ

Bao nhiêu năm ấp ủ

Được làm chú hải quân

Nay Đảng muốn, dân cần

Tôi sẵn sàng tiếp bước.

Là người Hà Nội nhưng Đại úy Nguyễn Tiến Tảo, chính trị viên phó đảo Sơn Ca, có hơn 10 năm công tác ở Vùng 4 Hải quân; năm 2005 anh đưa vợ con từ Phúc Thọ vào phường Cam Nghĩa, Cam Ranh, Khánh Hòa sinh sống, cũng là để gần với anh hơn hơn. Nguyễn Tiến Tảo giới thiệu bài thơ “Đẹp nhất” của chiến sĩ Dương Xuân Trịnh mà anh tâm đắc:

Trong cuộc sống chỉ một là đẹp nhất

Sự hy sinh vì tất cả mọi người

Trong một năm chỉ một mùa đẹp nhất

Sắc Xuân hồng tỏa sáng quê hương

Trong gian khổ chỉ một điều đẹp nhất

Sự luyện rèn cống hiến không nguôi

Trong chiến sĩ chỉ một là đẹp nhất

Lý tưởng vinh quang dẫn lối soi đường

Trong sắc áo chỉ một là đẹp nhất

Màu phong sương áo lính thao trường

Trên đảo Sinh Tồn Đông, trong một đêm anh lính Phan Thanh Tuyền đứng gác, nhớ về gia đình đã viết trong bài “Xa con” với những câu:

Đảo xa ba giữ nước non

Bóng con, hình mẹ ba còn in sâu

Cánh thư ba nối nhịp cầu

Gửi về đất mẹ những câu ân tình

Đêm nay đứng gác một mình

Có thêm cây súng với hình ông trăng

Ngoài khơi gió thổi mây giăng

Thương con, nhớ mẹ ba hằng làm thơ…    

Lên nhà dàn DK1/2, chúng tôi gặp Đại úy Đậu Đình Phú, 44 tuổi, quê ở Thanh Chương, Nghệ An, có trên 20 năm làm việc ở các nhà dàn. Anh kể: Ngày 23 tháng 12 năm 1991, do áp thấp nhiệt đới, sóng to, gió lớn, nhà dàn DK1/4 bị nghiêng, bồn nước ngọt bay theo gió, hai cầu thang bị vặn không lên xuống được. Chấp hành mệnh lệnh từ đất liền gọi ra, toàn thể cán bộ, chiến sĩ ôm vũ khí nhảy xuống biển rồi bám kết vào nhau. Sau đó tàu Vạn Hoa 794 đến cứu nên anh còn gặp chúng tôi hôm nay. Nhưng vần thơ của Nguyễn Tiên Lữ trong bài “Nhà dàn” thì cuộc sống của các anh lại yên ả đến vô cùng:

Như một nốt trầm trên khoang nhạc màu xanh của sóng

Nhà dàn của ta đóng giữa đại dương

Đứng giữa triều cường, đứng giữa sóng sôi

Chỉ một nốt trầm thôi

Trên khoang nhạc màu xanh dữ dội

Mãi mãi không thôi một ý chí kiên cường

Của ông cha giữa đại dương giữ nước

Ta, các nốt trầm trên màu xanh tiếp bước

Ta, vinh quang được làm lính nhà dàn

Trên sóng, trên gió, giữa ngàn trùng biển khơi…

 Còn Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Duy Long, quê Thạch Hà, Hà Tĩnh, viết thư gửi vào đất liền cho vợ, khi đang mang thai đứa con đầu lòng với những dòng cũng đẹp như một bài thơ: “Em à, nếu sinh con trai, em đặt tên là Nguyễn Phúc Tần, còn sinh con gái thì gọi là Nguyễn Huyền Trân. Đây là hai địa danh trên thềm lục địa của Tổ quốc, nơi anh đang cùng đồng đội mang tuổi xanh canh giữ ngày đêm. Như vậy biển đảo và con yêu luôn ở trong trái tim của vợ chồng mình”.

Chuẩn úy Mã Văn Quyền, đảo Trường Sa lớn, trong bài “Một chiều thu nhớ em” đã viết:

Em ở nhà vẫn một dạ thủy chung

Chiếc mùng đong đưa, ngọn đèn lặng lẽ

Sáng mờ sương lẻ gánh rau ngoài chợ

Trưa chang chang một bóng ở trên đồng

Đêm đông giá ánh lên hồng ngọn lửa

Của tình yêu đôi lứa chúng mình…

Tuổi thanh xuân đẹp biết bao khi được cống hiến cho đất nước, được góp phần bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Quanh năm sống giữa trùng khơi, quanh năm xa nhà vời vợi, thơ là người bạn tri âm, tri kỷ để tâm sự, để trải lòng mình, trải tâm hồn mình của lính Trường Sa.

                                                                         Tô Hoài An