Những mùa hoa cỏ tranh


Nhà hai đứa chúng mình cách nhau một hàng rào dâm bụt tím. Thuở nhỏ, em thường chui qua sang xem anh mổ cá, mổ chim để làm bài sinh vật. Mặt em dán những cánh hoa đỏ thẫm giả làm “Ông Ngáo” để dọa anh. Miền Sóc Sơn, Hà Nội quê ta có bầu trời cao xanh, tròn như một vòng tay, ôm những xóm nghèo khuất trong chòm tre, bên dòng sông Công màu ngọc bích. Những con đường tung hạt bụi hồng, quanh co, lên xuống theo những triền đồi sỏi, mọc đầy cỏ tranh như mái tóc mượt mà của đất. Cứ mùa mưa đến, trời kéo mây đen, tranh lại nở những bông hoa màu trắng, trang điểm thêm cho đất, cho quê. Như bao cuộc đời bình dị, khi có giặc thì đi đánh giặc. Giặc tan về lại thôn làng, cần mẫn làm ăn, chăm lo dòng giống.

          Ngày anh tòng quân, quê mình trắng hoa tranh, tựa mây trời rơi xuống, em cùng bạn bè mặc áo mới, mang cờ và trống ếch tiễn anh đi, thôn làng náo nức. Từ đấy, anh không có một lần về lại thăm quê. Em lớn lên cùng trang sách học trò, mến người chiến sĩ từ bao giờ cũng không biết nữa. Chỉ nhớ tới anh qua nỗi thấp thỏm của bà mẹ già bên kia hàng dâm bụt tím.

          Rồi anh trở về khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ây là một buổi chiều tranh cuối mùa hoa, lác đác vườn giậu, bãi bờ điểm thêm đốm sáng. Như có con chim trắng bay qua lả cánh cho lông rơi xuống. Anh xiết chặt ba lô chạy ùa vào sân gọi “ Mẹ ơi”, mà không thấy có một người con gái đang nhìn…Dân làng đến thăm chật cả cửa nhà, em cũng lại rẽ hàng dâm bụt bước sang, nhưng chỉ nép vào bóng tối. Nghe trò chuyện mà nhìn anh như nước chảy. Những năm tháng chiến đấu đã làm cho da anh xạm nắng, đôi môi tái xanh. Chỉ có nụ cười vẫn nở tung như bình minh và ánh mắt nồng nàn như nắng hạ. Anh kể: Sau tết Mậu Thân năm 1968, địch ở Công Tum đánh ra vùng giải phóng. Anh chỉ huy đại đội phòng ngự trên một điểm cao giữa rừng cây sau sau. Nhiều ngày chiến đấu anh dũng, đẩy lui các đợt tiến công của địch. Rồi một buổi chiều tự nhiên yên tĩnh đến lạ thường, đại đội anh vui vẻ ra ngoài công sự, tranh thủ tiếp đạn, tiếp lương chuẩn bị chiến đấu. Bất thần, một tốp máy bay địch ào tới, ào đi, để lại cho bầu trời một màu trắng đục. Màu trắng chùm lên núi rừng, trận địa, bám vào từng chiến sĩ. Cả đại đội quằn quại trong đau đớn. Pháo địch cũng liền bắn tới, mở đầu cho một đợt tiến công mới. Đại đội vẫn giữ vững trận địa nhưng hy sinh một nửa, anh cũng bị thương…

Những ngày sau bỗng dưng em thấy nhớ. Thấy con tim như mách bảo một điều gì. Đến sáng ấy, em cố ý bước qua hàng dâm bụt tím, gặp mẹ già và chợt thấy mẹ gầy đi. Mẹ bảo rằng dạo này về đêm ít ngủ. Rằng nó chẳng thương tôi…

          Đám cưới như không có họ nhà trai và họ nhà gái vì em và anh ở quá gần nhau. Khách đến chia vui, bao thuốc, miếng trầu đều qua lại hàng dâm bụt tím. Ngôi nhà của chúng mình cất lên lợp tranh còn lẫn cả hoa như những chiếc lược ngà cài vào mái tóc. Anh thường đi đào rễ tranh về nấu nước cho cả nhà cùng uống.

          Những mùa hoa cỏ tranh qua đi. Hai con chúng mình lần lượt sinh ra, nhưng con gái đầu lòng có kiếp mà không được làm người. Ban đầu em nghĩ, kiếp trước ăn ở sao đây nên trời bắt tội. Đến khi chạy chữa mới biết con bị di chứng chất độc màu da cam do anh bị nhiễm. Mười tuổi con không biết nói, không có bạn bè, không biết đến trường đi học. Mười lăm tuổi mà không biết búi tóc đuôi gà, con cao chưa đầy một mét. Khi người lạ đến nhà phải giấu con đi…

          Còn anh, cũng vào một mùa hoa cỏ tranh thì đổ bệnh. Tê liệt toàn thân, nằm bất động do chất độc ngấm sâu tổn thương màng não, thần kinh. Gần 50 tuổi em tập làm hộ lý, tập đẩy xe lăn, dìu anh tập bước. Bón thìa cơm, thìa nước em cũng phải há mồm cho anh bắt trước. Một nhà hai người dị tật. Hơn mười năm mình hạc thân lươn em trọn nghiã vợ chồng. Linh thiêng anh khôn tỏ. Ngôi nhà tranh đã dược xóm làng làm lại. Đồi cỏ tranh anh vẫn dẫn em đi dạo trước nay là khu công nghiệp. Không còn những mùa hoa cỏ tranh. Nhưng thứ hoa màu trắng, dung dị, chắt lọc từ khô cằn sỏi đá vẫn nở mãi trong lòng em.

                                                                          Tô Kiều Thẩm