Bài thơ “Bóng cây Kơ nia” và nhà thơ Ngọc Anh


          Bóng cây Kơ nia

          Trời sáng em lên rẫy

          Thấy bóng cây Kơ nia

          Bóng ngả che ngực em

          Về nhớ anh, không ngủ…

Buổi chiều mẹ lên rẫy

          Thấy bóng cây Kơ nia

          Bóng tròn che lưng mẹ

          Về nhớ anh, mẹ khóc…

Em hỏi cây Kơ nia:

-         Gió mày thổi về đâu?

-         Về phương mặt trời mọc

Mẹ hỏi cây Kơ nia:

-         Rễ mày uống nước đâu?

-         Uống nước nguồn miền Bắc

Con giun sống nhờ đất

Chim Phí sống nhờ rừng

Em và mẹ nhớ anh

Uống nước nguồn miền Bắc

Như bóng cây Kơ nia

Như gió cây Kơ nia

                                                             Ngọc Anh

Ngọc Anh, tên thật là Nguyễn Ngọc Anh, quê ở Quảng Nam. Ông lớn lên giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta nổ ra rất gian khổ và ác liệt. Với tuổi trẻ và lòng yêu nước, ông cùng bè bạn “lên ngàn”, lên Tây Nguyên để tham gia kháng chiến. Ông đi khắp mọi nẻo đường của cao nguyên đất đỏ. Khi trực tiếp cầm súng chiến đấu, khi làm rẫy cùng đồng bào các dân tộc, trải qua không biết bao nhiêu gian khổ và ác liệt để xây dựng các tổ chức du kích, vũ trang tuyên truyền… Kháng chiến chín năm thắng lợi, Ngọc Anh tập kết ra miền Bắc làm công tác nghiên cứu các dân tộc thiểu số ở Ban Dân tộc Trung ương. Ông sống thật lặng lẽ, khiêm nhường, suy ngẫm về đất và người Tây Nguyên. Vùng đất mà ông đã để lại cả tuổi thanh xuân cùng nỗi nhớ thương vợ con với xiết bao hy vọng. Ông lặng lẽ sáng tác thơ, dịch những bài dân ca của các dân tộc Tây Nguyên như Bru – Vân Kiều, Ba Na, Gia Ria, Xơ Đăng, Ê Đê, Xtiêng, Gié, Hrê... Trong nhiều tác phẩm của ông “Bóng cây Kơ nia” được sáng tác vào những năm 1957, 1958 là xuất sắc hơn cả. Bài thơ được đưa vào sách giáo khoa và các tuyển tập văn thơ, đều ghi “Bóng cây Kơ nia”, thơ dân tộc Hrê, Ngọc Anh dịch. Năm 1964, ông tình nguyện trở lại miền Nam chiến đấu và hy sinh năm 1965 tại chân núi Ngọc Linh, phía Bắc tỉnh Kon Tum.

Cây Kơ nia ở Tây Nguyên là một loại cây rất bình thường, đứng chon von trước cổng làng, đơn độc trên đỉnh núi hoặc lẻ loi ở bên rẫy. Hoa Kơ nia nhỏ li ti, màu nhạt, không hương. Thân Kơ nia thẳng vút, sù sì, thuộc nhóm gỗ bình thường, cao tới 20, 30 mét. Lá Kơ nia mặt trên xanh bóng, mặt dưới xanh nhạt. Hạt Kơ nia dùng làm thuốc chữa đầy bụng, no hơi, trừ sốt rét rừng rất tốt. Cây Kơ nia có sức sống mạnh mẽ, lâu bền, thủy chung như tình đất, tình người Tây Nguyên.

Ngọc Anh đã lấy cái dáng cây Kơ nia để kể câu chuyện tình yêu đầy vơi thương nhớ của đất nước khi còn chiến tranh, chia cắt hai miền:

Trời sáng em lên rẫy

Thấy bóng cây Kơ nia

Bóng ngả che ngực em

Về nhớ anh, không ngủ…

Buổi chiều mẹ lên rẫy

Thấy bóng cây Kơ nia

Bóng tròn che lưng mẹ

Về nhớ anh, mẹ khóc…

Cây Kơ nia cũng là biểu tượng của niềm tin và lòng thủy chung, sau trước, của ước mong đoàn tụ, thống nhất Bắc-Nam:

Em hỏi cây Kơ nia:

-         Gió mày thổi về đâu?

-         Về phương mặt trời mọc

Mẹ hỏi cây Kơ nia:

-         Rễ mày uống nước đâu?

-         Uống nước nguồn miền Bắc

Con giun sống nhờ đất

Chim phí sống nhờ rừng

Em và mẹ nhớ anh

Uống nước nguồn miền Bắc

Bài thơ ngắn, vẻn vẹn có 20 câu nhưng Tây Nguyên xa xôi hiện lên thật gần gũi, với những nhạc điệu trữ tình vốn có. Đây cũng là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết lên một bài ca đi cùng năm tháng “Bóng cây Kơ nia” năm 1971.

Bây giờ thì nhà thơ Ngọc Anh đã vĩnh viễn yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – quê hương; nhưng bài ca về cây Kơ nia, về mối tình Nam – Bắc, Tây Nguyên với cả nước, cả nước với Tây Nguyên thì còn mãi “Như bóng cây Kơ nia/ Như gió cây Kơ nia”…

                                                                       Tô Kiều Thẩm