Huyền thoại bên dòng sông Pô Kô


Tôi có hai lần vào tỉnh Kon Tum và đều đến dòng sông Pô Kô huyền thoại. Dòng sông bắt nguồn từ dãynúiNgọc Linh, huyện biên giới Đắk Glei, chảy qua các vùng đất Ngọc Hồi, Đắk Tô, Đắk Hà, giữa Sa Thầy với thành phố Kon Tum rồi hợp với sông Đắk Bla tạo thành sông Sê San chảy sang nước bạn Căm pu chia. Lần thứ nhất tới Pô Kô tôi là chiến sĩ giải phóng quân của Mặt trận Tây Nguyên. Trong một đêm vượt sông, ánh trăng mở tỏ, tổ chiến đấu chúng tôi được người dẫn đường đưa lên một chiếc thuyền độc mộc. Lái thuyền là người đàn ông tuổi trung niên, mặc quân phục Tô Châu và đội chiếc mũ tai bèo như đã sờn rách. Anh khéo léo cho chiếc thuyền quay mũi rồi như cánh tên lao ra giữa dòng nước xiết. Sang bờ bên, người dẫn đường nói nhỏ: Mình qua sông Pô Kô đó. Chúng tôi giật mình thảng thốt: Có phải A Sanh đó không? Và câu hát trong bài “Người lái đò trên sông Pô Kô” thơ của Mai Trang do nhạc sĩ Cẩm Phong soạn nhạc lại ngân lên:


Hỡi Pô Kô ơi! Dòng sông mênh mông.
Đôi bờ cây xanh biếc, nước chảy xiết sâu thẳm.
Qua tháng ngày hỏi sông ơi có biết
Anh lái đò tên gọi A Sanh?

Ngày đêm anh lái đò trên sông
Dù gian nguy vẫn vững tay chèo
Đò anh đưa bao người đi đánh Mỹ, bao năm ròng
Chiến tuyến đây thầm lặng nhịp chèo lập công.

Giữa sông sâu đẩy lùi sóng dữ
Mắt sáng ngời ngọn lửa căm thù
Mỗi chuyến đò một trận chiến thắng
A Sanh ơi đẹp mãi chiến công.

Dòng Pô Kô sáng ngời tên anh
Làng buôn ca hát gọi tên anh
Dù sông kia có cạn
Dù non kia có khi mòn
Tấm gương anh không mờ, đời đời rực sáng.

Những tháng ngày gội mưa tắm nắng
Với con đò một lòng đánh giặc
Đôi tay chèo cùng dòng sông kháng chiến.
Nước mênh mông lời thề A Sanh.

Non cao đâu bằng,
Sông sâu đâu sánh
Hờn căm chất nặng tim anh
Thề quyết giữ núi rừng Tây Nguyên

Hỡi Pô Cô ơi!
Dòng sông mênh mang
Đôi bờ cây xanh biếc
Nước chảy xiết sâu thẳm
Qua tháng ngày hỏi sông ơi nhớ hết
Bóng dáng người lái đò A Sanh

A Sanh tên thật là Puih San, con trai làng Nú, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Năm 1958, mới 11 tuổi, A Sanh trốn cha mẹ lên núi theo cán bộ làm cách mạng rồi được giữ chức Tiểu đội trưởng du kích xã. Trong trận đánh đồn Chư Nghé, Tiểu đội do anh chỉ huy tiêu diệt 40 tên địch, phá hủy 3 xe GMC vận tải, được anh em trong đơn vị và dân làng yêu mến và tin cậy. A Sanh nhập ngũ năm 1961 làm chiến sĩ giao liên đơn vị T2C07, Mặt trận Tây Nguyên (B3), với nhiệm vụ lái đò chở bộ đội, vũ khí, lương thực thực phẩm qua sông Pô Kô, một nhánh của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Tám năm cầm chèo, có đêm anh chở tới 30 chuyến đò đưa hàng trăm lượt quân giải phóng và hàng hóa qua sông dưới bom đạn ngăn chặn của kẻ thù. A Sanh được kết nạp vào Đảng ngày 21-1-1965, đi báo cáo điển hình tại Đại hội chiến sĩ thi đua của Mặt trận và của Miền. Năm 1969 anh ra miền Bắc đào tạo sĩ quan quân đội rồi lại trở về Tây Nguyên khi cuộc kháng chiến bước vào thời kỳ ác liệt nhất. Giặc càn vào làng, bắt vợ con anh tra tấn dã man rồi giết hại vì anh theo cộng sản.  A Sanh dồn nén căm thù vào lồng ngực vạm vỡ của mình, chỉ huy chiến đấu, quản lý và giáo dục tù binh rồi tham gia các chiến dịch trên biên giới Tây Nam, anh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ngày 22-8-1998 Trung úy A Sanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Xứng đáng là người con của núi rừng Tây Nguyên:

         Dòng Pô Kô sáng ngời tên anh

         Làng buôn ca hát gọi tên anh

         Dù sông kia có cạn

         Dù non kia có khi mòn

         Tấm gương anh không mờ, đời đời rực sáng…

                                                  

…Mùa xuân này tôi trở lại dòng sông Pô Kô sau hơn 40 năm xa cách, khi những rặng hoa cúc quỳ nở vàng trên bờ nước. Hai bên sông, những mảnh rừng cao su với những thân cây trắng mốc, thẳng hàng, thẳng lối chạy tít tắp tới chân núi phía xa, tạo nên một không gian xanh mênh mông dưới bầu trời cao nguyên. Đại tá Hoàng Lê, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum tâm sự: Sau chiến tranh, Kon Tum còn hàng chục tấn bom đạn nằm trong lòng đất, ô nhiễm nặng nề, hàng trăm người chết hoặc mang thương tật suốt đời do bom mìn gây ra. Khắc phục hiểm họa đó, cán bộ, chiến sĩ Đại đội công binh đã không quản hiểm nguy, dò tìm, thu gom hàng ngàn quả bom đạn, giải phóng hơn 1.600 héc-ta đất, bàn giao cho địa phương đưa vào sản xuất và xây dựng các dự án phát triển kinh tế, xã hội... Những vùng đất một thời được coi là “chiến địa” chỉ nghe nói đã ớn lạnh như Sạc Ly, Mo Ray, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đắk Tô, Tân Cảnh, Đắk Glei, Kon Plong…dọc tuyến biên giới tiếp giáp hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia rồi Trung tâm cửa khẩu quốc tế Bờ Y nay đã trở thành “đất sạch”, không còn bom mìn, vật nổ. Bên dòng sông Pô Kô lại xuất hiện nhiều A Sanh của thời kỳ đổi mới dựng xây đất nước. Đó là bốn sĩ quan trẻ gồm Trung úy Hồ Thanh Việt, Thiếu úy Vũ Hữu Nam, Thiếu úy Lê Mạnh Hân và Thiếu úy Lê Quang Tư chỉ trong bốn ngày của tháng 6- 2010, tại thành phố Kon Tum, đã cùng nhau tháo gỡ, vận chuyển và xử lý an toàn 387 quả đạn pháo các loại; trong đó có 2 quả rốc-két, 2 quả tên lửa vác vai, 58 quả đạn 105 ly, 8 quả 155 ly…Một ẩn họa lớn giữa thành phố đông dân cư và người qua lại.

Đại tá Dương Văn Tĩnh, Phó Tham mưu trưởng, người chỉ huy trực tiếp “trận đánh” này vui vẻ chia xẻ thêm: Bốn đồng chí Việt, Nam, Hân và Tư là những người có nhiều kinh nghiệm dò tìm và vô hiệu hóa bom mìn được Bộ Chỉ huy quân sự tin tưởng, lựa chọn để “tác nghiệp”. Chúng tôi tổ chức canh gác các ngả đường, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người, rồi mua nhiều thùng xốp có thể tích cả mét khối để xếp những quả đạn và chèn cát khô thật chặt tránh sự cọ sát gây nguy hiểm. Bom mìn vật nổ nằm dưới lòng đất càng lâu thì độ nguy hiểm càng lớn do các yếu tố đảm bảo an toàn đã han rỉ, mất tác dụng. Người xử lý phải nắm chắc cấu tạo, nguyên lý hoạt động của từng loại đạn cùng với một tinh thần dũng cảm và niềm tin vào ngày mai nơi đây sẽ được xây dựng to đẹp hơn, đáp ứng cho yêu cầu phát triển của quân đội, quê hương và hạnh phúc của nhân dân. Khi những thùng xốp đựng đạn đã chất cả lên ô tô, cán bộ, chiến sĩ công binh lên một chiếc ô tô khác. Chúng tôi chọn lúc 3 giờ sáng, là khi đường xá vắng người qua lại nhất mới lặng lẽ rời thành phố, đi xa 40 cây số và hủy nổ an toàn. Đêm hôm ấy, trong nỗi mừng vui khôn xiết, tôi đã nhớ tới bài hát “Người lái đò trên sông Pô Kô” có những câu:

         Ngày đêm anh lái đò trên sông

         Dù gian nguy vẫn vững tay chèo

         Đò anh đưa bao người đi đánh Mỹ, bao năm ròng

         Chiến công đây thầm lặng nhịp chèo lập công…

         mà sao giống với nhiệm vụ hiện nay của chúng tôi đến thế.

Tối hôm trước, ngồi nói chuyện với Đại tá Võ Thanh Chín, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, tôi đã được biết. Sau khi rà phá bom mìn, giải phóng đất đai, bộ đội Kon Tum lại giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt trong xóa đói giảm nghèo, các đơn vị, cơ quan đưa bộ đội về tận gia đình cùng bà con phát nương, làm rẫy trồng sắn, cà phê và các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Với cách này, đã có 5 gia đình trồng sắn thu được hàng chục triệu đồng. Bộ đội lại bày cho đồng bào mua trâu, bò, lợn vừa giữ vốn, vừa phát triển chăn nuôi. Với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, năm 2012 huyện Đắk Hà có tổng giá trị ước đạt gần 1.400 tỷ đồng (tăng 15,2% so với năm 2011). Hơn thế nữa, trong huyện còn có xã A Môn, là cơ sở đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đầu tiên của các tỉnh Tây Nguyên, thu nhập bình quân đầu người trong năm là 35 triệu đồng. Chúng tôi đứng trước một rừng cà phê xanh mát mắt. Gió chiều thổi nhẹ, hắt ánh nắng loang loáng trên ngọn cây tạo nên những lớp sóng dài bất tận. Bên kia, dòng Pô Kô như một huyền thoại cũng trong xanh in cả những đám mây trắng đang thong thả trôi về phía xa. Trong tôi như ngân lân câu hát:

        Những tháng ngày gội mưa tắm nắng

         Với con đò một lòng đánh giặc

         Đôi tay chèo cùng dòng sông kháng chiến

         Nước mênh mông lời thề A Sanh

         Non cao đâu bằng

         Sông sâu đâu sánh

         Hờn căm chất nặng tim anh

          Thề quyết giữ núi rừng Tây Nguyên…

 

                                                              Tô Kiều Thẩm