Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ

Nói đến những ca khúc cách mạng chúng ta không thể không nhắc đến bài hát “Hành khúc ngày và đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu:

Rất dài và rất xa

Là những ngày thương nhớ

Nơi cháy lên ngọn lửa

Là trái tim thương yêu,

Là trái tim yêu thương...

Anh đang mùa hành quân pháo lăn dài chiến dịch

Bồi hồi đêm xuất kích chờ nghe tiếng pháo ran.

Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ

Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào.

Ngày và đêm xa nhau đâu chỉ dài và nhớ,

Thời gian trong cách trở đốt cháy lửa tình yêu.

Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ,

Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ.

Cái chết cúi gục đầu,

Cuộc đời xanh tươi trẻ ngày đêm ta bên nhau,

Những năm dài chiến đấu,

Ngày đêm ta bên nhau những năm dài chiến đấu.

Đêm ngày trong chiến đấu, anh với em sống vẫn gần nhau.

Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều, "Hành khúc ngày và đêm" là một trong những tác phẩm được chính ông thừa nhận làđể lại nhiều ấn tượng sâu sắc”. Ông từng tâm sự về quá trình sáng tác nên ca khúc trứ danh này:

Năm 1972, tình cờ Phan Huỳnh Điểu đọc được trên tạp chí Văn nghệ Quân đội bài thơ của tác giả Bùi Công Minh. Đó là bài "Ngày và đêm". Nội dung bài thơ rất trùng hợp với hoàn cảnh của con trai ông lúc bấy giờ: Một anh bộ đội công binh, có người yêu là một cô giáo ở Hà Nội. Ngay lập tức, Phan Huỳnh Điểu quyết định phổ nhạc bài thơ như một món quà dành tặng cho con.

Bài hát kể về tình yêu lứa đôi của một người lính và một cô giáo trong những năm khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước gian khổ và ác liệt. Đoạn đầu là những giai điệu trữ tình, sâu lắng:

“ Rất dài và rất xa. Là những ngày thương nhớ.

 Nơi cháy lên ngọn lửa. Là trái tim thương yêu.

 Là trái tim yêu thương”.

Những lời ca ấy diễn tả nỗi nhớ thương dằng dặc, nỗi nhớ tha thiết của người con trai và người con gái, người ở quê hương và người nơi trận tuyến. Trong nỗi nhớ da diết của tình yêu thương ấy đã cháy lên ngọn lửa căm thù giặc Mỹ, kẻ chia cắt tình yêu đôi lứa. Để rồi từ giai điệu ngọt ngào sâu lắng đó, tác giả đã chuyển sang tiết tấu hành khúc:

Anh đang mùa hành quân pháo lăn dài chiến dịch.

Bồi hồi đêm xuất kích chờ nghe tiếng pháo ran…”

 Đây là đoạn có nhịp điệu trầm hùng và mạnh mẽ như bước hành quân của những người lính trên đường ra trận. Tuy nhiên trong những tiết tấu hành khúc mạnh mẽ, dứt khoát ấy vẫn ánh lên những hình ảnh rất gần gũi, thân thương:

 “Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ.

 Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào”.

Một sự so sánh tưởng tưởng rất chân thật mà cũng rất nên thơ. Nỗi nhớ em, nỗi thao thức vì quê hương đất nước mà mắt anh không ngủ. Ánh mắt anh ngời sáng, long lanh như những ánh sao đêm. Ở hậu phương em vẫn miệt mài bên trang giáo án, em vẫn dõi theo bước chân anh gian khổ nơi chiến trường. Vẫn trong mạch cảm xúc ấy, nhạc sĩ đã tạo nên hai hình ảnh:

Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ.

 Bục giảng dưới  hầm sâu em cũng là chiến sĩ”.

Nhớ về nhau nhưng cả anh và em đều không quên nhiệm vụ. Anh vẫn vững vàng bên mâm pháo trên đồi cao để đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc. Ở quê nhà em vẫn bám trụ với bục giảng dưới hầm sâu. Tác giả đã mượn sự đối lập giữa “lên đồi cao” với“dưới hầm sâu” để nói lên ý chí, quyết tâm của anh và em. Đó là vừa chiến đấu, vừa xây dựng quê hương, đất nước. Bài hát kết thúc vẫn giai điệu hành khúc nhưng chậm rãi, sâu lắng hơn:

Ngày đêm ta bên nhau những năm dài chiến đấu.

Đêm ngày trong chiến đấu anh với em sống vẫn gần nhau”.

Có lần nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu kể; sáng tác xong khi chuẩn bị thu âm “Hành khúc ngày và đêm" thì có người góp ý nên bỏ mấy chữ "Rất dài và rất xa", vì đang kháng chiến mà nói như thế sẽ làm nản lòng chiến sĩ. Phan Huỳnh Điểu buộc phải chấp nhận. Do vậy, ca sĩ Phan Huấn (người đầu tiên thể hiện bài hát để ghi âm cho Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng) đã phải thay bằng câu: "Hờ hờ hờ hớ hơ/ là những ngày thương nhớ…". Đến khi giải phóng miền Nam thì bài hát mới trở lại đoạn ban đầu“Rất dài và rất xa”.

Sau khi được phát sóng, "Hành khúc ngày và đêm" nhanh chóng trở thành bài hát nằm lòng của các bạn trẻ. Đó là trong cuộc chiến đầy cam go, khốc liệt ấy, dù xa nhau nhưng anh và em luôn mãi bên nhau. Vì tình yêu của anh và em đã hòa vào tình yêu đất nước.

                                                                         Tô Hoài An