Bài hát “Bài ca trên núi” trong phim “Vợ chồng A Phủ”


Hơ hơ….ơ ơ…….hơ hơ….
Đầu trời có sao chiều sao sớm
Đầu núi kia có ớ ơ hai người
Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi
Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau

Hơ hơ ơ ớ ơ…. hơ hơ….
Đầu trời có sao chiều sao sớm
Đầu núi kia có ớ ơ hai người
Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi
Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau

Hơ… rừng chiều có tiếng khèn ai đó
Khèn hát lên những lời mong chờ
Đường đi về rừng, đường đi xuống núi
Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau
Đường đi về rừng, đường đi xuống núi
Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau

                             Lời: Tô Hoài; nhạc: Nguyễn Văn Thương

          Theo nhạc sĩ, nhà văn, nhà tâm lý học Nguyễn Đình San thì “Bài ca trên núi” là bài hát cực kỳ ngắn gọn:“Bầu trời có sao chiều, sao sớm. Đầu núi kia có hai người, dù đi cùng trời, dù đi khắp núi. Trời chỉ có sao sớm sao chiều, núi chỉ có hai người yêu nhau”. Đó là toàn bộ lời bài hát. Tất nhiên, người hát có thể hát đi hát lại nhiều lần, hoặc lặp lại một hai câu nào đó theo ý thích riêng. Bài hát ít lời, cực kỳ hàm súc, cô đọng như thế này chỉ có thể bắt gặp trong kho tàng dân ca (ví như “Cây trúc xinh” hoặc “Hoa thơm bướm lượn”).

Bài hát ra đời trong hoàn cảnh, đạo diễn Mai Lộc mời nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương làm nhạc cho bộ phim truyện “Vợ chồng A Phủ”, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Tô Hoài. Bộ phim đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Ngoài hai nhân vật khá thành công, được thể hiện qua diễn xuất của hai nghệ sĩ tài năng là Đức Hoàn vai Mỵ và Trần Phương vai A Phủ (ảnh), người xem còn không thể quên được một bài hát vang lên trong bộ phim. Đó là“Bài ca trên núi”. Giọng hát ngọt ngào, mượt mà của một ca sĩ thành danh lúc đó đã lôi cuốn người nghe, giúp họ cảm nhận sâu sắc thêm nội dung phim.

Mối tình thắm thiết của đôi trai gái tủi cực, cơ hàn người Mông được khắc họa khá thành công, càng khiến người xem cảm động khi bài hát vang lên. Đặc biệt ở trong trường đoạn A Phủ và Mỵ cùng bỏ trốn khỏi nhà thống lý Pá Tra, nương náu trong một hang đá. Bài ca là lời hẹn ước son sắt, thủy chung của cặp uyên ương. Mà đã là lời nguyền thì chỉ có thể ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu. Lối nói của nhạc sĩ cũng là lối nói của người vùng cao: Ví von, ám chỉ, giàu biểu cảm. Bầu trời thì có sao chiều, sao sớm, còn đầu núi thì có hai người yêu nhau. Và họ thề nguyện sẽ“đi cùng trời, khắp núi” với nhau. Tha thiết, mãnh liệt và dứt khoát biết bao khi cặp trai gái chỉ thấy có “sao sớm, sao chiều”“hai người yêu nhau” giữa bầu trời và núi rừng này. Sức sống mạnh mẽ, khát vọng cháy bỏng đòi được tự do, ấm no, hạnh phúc của người dân miền núi trong xã hội cũ - là chủ đề tư tưởng của bộ phim - cũng được thể hiện trọn vẹn trong “Bài ca trên núi”. Về mặt âm nhạc, tác giả xử lý rất tài tình. Chất liệu dân ca Mông hiện rõ trong bài hát, với âm hưởng xa gần ẩn hiện, văng vẳng vang vọng cho ta cảm giác đúng là nghe giọng hát ở trong hang đá, đến tiếng “có” trong câu “trời chỉ có sao sớm sao chiều” âm thanh được vút lên khá đột ngột. Có cảm giác khát vọng trái tim của đôi trai gái mạnh đến mức vượt ra khỏi hang đá chật hẹp, vang vọng giữa bầu trời vô tận, không gì có thể
cản ngăn, kìm nén được.

Giai điệu uyển chuyển, uốn lượn, tiết tấu mang tính ngâm ngợi, kết cấu cực kỳ chặt chẽ, ngắn gọn, lại có những quãng thú vị đã khiến bài hát đầy vẻ lãng mạn, được công chúng nhanh chóng ưa thích và thế hệ trẻ xem phim ngày ấy nhớ đến bây giờ./.

Chuyện về bài thơ duy nhất: Bài ca trên núiTruyện "Vợ chồng A Phủ" được rút ra từ tập "Truyện Tây Bắc" và là truyện ngắn xuất sắc nhất trong tập sách này của nhà văn Tô Hoài. Truyện có hai phần: Phần đầu kể chuyện Mỵ và A Phủ ở Hồng Ngài; phần sau là thời kỳ của Phiềng Sa, hai người gặp cách mạng và trở thành du kích. Ông cũng tiết lộ rằng, câu chuyện trong “Vợ chồng A Phủ” là câu chuyện hoàn toàn có thực. Tức là có nguyên mẫu ở ngoài đời sống. Đó là chuyến công tác Tà Xùa (nay thuộc huyện Bắc Yên) sang Phù Yên (Sơn La). Ở Tà Xùa, ông gặp một cặp vợ chồng người Mông vào đúng dịp tết truyền thống của họ. Ông đã ở lại đây ăn Tết rồi nghe anh chồng kể chuyện. Anh kể về cuộc đời anh, cuộc đời chị vợ, về chuyện thống lý (tương đương với lý trưởng, chánh tổng) ở bản anh làm tay sai cho Pháp, rất tàn ác, cho nên anh phải đưa vợ chạy trốn đi nơi khác. 

Câu chuyện của đôi vợ chồng này cộng với vốn hiểu biết của ông về đời sống của người Mông, đã làm cho cốt truyện cứ sáng tỏ dần. Cũng thời gian này, Tô Hoài đã gặp và làm bạn với thống lý Hồng Ngài (Bắc Yên) khi đó là Mùa Chống Lầu, người này theo và giúp đỡ cách mạng rất nhiều, bởi ông có tầm ảnh hưởng rất lớn với đồng bào người Mông ở đây. Và "Vợ chồng A Phủ" ra đời từ đó. Ban đầu, nhà văn Tô Hoài viết truyện ngắn“Vợ chồng A Phủ”, hầu như các tên nhân vật đều được lấy thật. Sau đó, dưới sự góp ý của ông Đinh Văn Tôn, nhà văn Tô Hoài có cắt đi một số đoạn, đồng thời đổi tên các nhân vật, thứ nhất để không ảnh hưởng đến ông Mùa Chống Lầu, thứ hai để tôn niềm tự hào của đồng bào người Mông làm cách mạng. Mặt khác, theo ông Tôn, lúc này chúng ta đã thành lập chính quyền ở đây và đã có Ủy ban hành chính. Ông Mùa Chống Lầu lúc bây giờ đang là ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc khu.

Nguyên mẫu nhân vật thống lý Pá Tra là ông Mùa Chờ La, còn cái tên Pá Tra là của một thống lý có thật, nhưng ở tận Mù Cang Chải (một huyện của Yên Bái ngày nay). Thời nhà văn Tô Hoài viết truyện này thì thống lý Pá Tra đang phải chịu án tù do tội ác mà hắn gây ra.

Ông Đinh Văn Tôn cho biết, lúc đầu, tên thật của ông cũng được nhà văn Tô Hoài sử dụng. Nhưng ông có góp ý rằng, như vậy cũng không hay, vì cần phải gắn liền vào đồng bào dân tộc. Sau khi bàn lên, bàn xuống, ông cùng nhà văn Tô Hoài thống nhất lấy cái tên chung chung của đồng bào Mông và không lấy họ, chỉ có tên đệm là A đằng trước thôi. Thế là cái tên A Phủ (tên này người Mông không có), A Sử, A Châu, A Mỵ... được đặt lại trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”.

Lúc tôi (Nguyễn Đình San) hỏi về bộ phim “Vợ chồng A Phủ”, hình như Tô Hoài bừng tỉnh khi ông kể về những ngày trên Tây Bắc. Ông kể, ông từng đi Tây Bắc ở lại trên ấy năm, sáu năm. Rồi lại đi Việt Bắc với cả Nguyên Ngọc. Tô Hoài kể chuyện ông viết lời cho bản nhạc phim “Bài ca trên núi” của Nguyễn Văn Thương gắn với bộ phim “Vợ chồng A Phủ”: Dạo ấy Đoàn phim đi thực tế ở Sơn La, về nơi xuất xứ câu chuyện của tôi. Lần ấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương có người nhà vào vai phim A Phủ, nên anh ấy nhận lời viết nhạc phim. Chuyến đi Tây Bắc ấy, anh Thương gợi ý tôi viết lời cho bài hát. Tôi không làm thơ nhưng câu chuyện của người Mông trên núi cứ ám ảnh tôi, đến khi ngồi trên xe tôi buột miệng đọc:

Đầu trời có sao chiều sao sớm.Đầu núi kia có hai người. Trời chỉ có sao sớm sao chiều. Núi chỉ có hai người. Hai người yêu nhau... Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi. Trời chỉ có sao sớm sao chiều... Hỏi rừng chiều có tiếng khèn ai đó. Khèn hát lên những lời mong chờ. Đường đi về rừng đường đi xuống núi. Trời chỉ có sao sớm sao chiều. Núi chỉ có hai người. Hai người yêu nhau...

Vâng! Không làm thơ nhưng lời bài hát ấy, với giai điệu dân ca Mông tuyệt hay. Và ca từ ấy đã là một bài thơ tình hoàn chỉnh, một bài thơ tình tuyệt bút. Bộ phim “Vợ chồng A Phủ”  đã tròn 50 tuổi. Thế mà tác giả văn học vẫn còn nhớ như in những ngày đi thực tế viết văn, làm báo và những chuyến về lại Hồng Ngài quê hương A Phủ..

Với cốt truyện hấp dẫn, cảm động, phim “Vợ chồng A Phủ” còn lôi cuốn người xem bằng hình ảnh đẹp của miền Tây Bắc, cùng với phần âm nhạc xuất sắc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương là bài hát nổi tiếng “ Bài ca trên núi”, qua giọng hát tuyệt vời của nghệ sĩ Kiều Hưng. Ca khúc đơn ca được ghi âm đầu tiên của Kiều Hưng là bản“Bài ca trên núi”, trong phim “Vợ chồng A Phủ” (1961). Ông cũng trở thành nghệ sĩ hát đơn ca từ đó.

                                                                                                                    Tô Trúc Phương