Chi Họ Tô làng Vân Hợp phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh


                    Các cháu học sinh Trường mầm non Vân Dương (Ảnh TL)

          Họ Tô phường Vân Dương chủ yếu sống ở 2 làng Vân Hợp và Vân Mẫu (thường gọi là Hai Vân). Quê hương Vân Mẫu là nơi phát tích của Đức Thánh mẫu Tam Giang, người có công giúp Triệu Quang Phục đánh quân Lương xâm lược. Bên cạnh phường Vân Dương là quần thể chùa Hàm Long, chùa Dạm, chùa Tấm Cám, chùa Bụt Mọc với các cụm di tích lich sử rộng lớn.

          Theo các cụ cao niên trong dòng họ kể lại thì Họ Tô về lập nghiệp tại làng Vân Hợp phải đến 19 - 20 đời, đã cùng các họ khác trong làng như họ Lưu, họ Vương… xây dựng làng từ buổi sơ khai, cùng làm đình, làm chùa, đắp đê mở đất….Nhưng gia phả chỉ ghi lại được từ cụ Tổ Tô Văn Đình đến nay mới có hậu duệ đời thứ 11. (Rất tiếc, cuốn gia phả đó, khi đưa lên Hà Nội thuê dịch đã bị mất cắp, nên thông tin chính xác không có đủ). Còn Thủy tổ tên là gì, không rõ từ đâu đến vùng Vân Hợp.

          Từ cụ Tổ Tô Văn Đình sinh ra 3 cụ hình thành 3 chi độc lập của họ Tô làng Vân Hợp. Từ đường Chi I của Họ Tô Vân Dương được xây dựng khá lâu đời, các cụ nói đã trên dưới 200 năm với bức hoành phi cổ khảm ngọc trai 4 chữ Hán “Đức Thịnh Lưu Quang”. Tộc trưởng của Chi I dòng họ cũng là Tộc trưởng của toàn Họ Tô Vân Dương là ông Tô Tiến Bình, 60 tuổi. Nhà thờ chính của toàn chi họ đến nay vẫn chưa xây dựng được.

          Toàn chi họ hiện nay có 88 hộ với 394 nhân khẩu. Trong đó có 74 hộ với 339 nhân khẩu sống tại phường Vân Dương. Còn 14 hộ với 55 nhân khẩu sống tại các tỉnh khác như : Nam Định, Đồng Tháp, Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 2 - 3 hộ.

          Đời sống của bà con Họ Tô Vân Dương có khoảng 30%  khá giả về kinh tế, không có hộ nghèo. Nguồn sống chính của chi họ vẫn là làm ruộng. Trong thời kỳ mở cửa kinh tế nhiều gia đình tự mở các doanh nghiệp tư nhân để kinh doanh, nhiều người làm việc tại các khu công nghiệp, thoát ly làm cán bộ Đảng, cán bộ ngân hàng, lương thực, làm giáo viên….

          Trong thời kỳ phong kiến, đế quốc, chống Pháp, chống Mỹ, việc học trong dòng họ không được đầy đủ, nhưng hầu như không có người mù chữ. Đến nay dòng họ có 45 người có bằng đại học, nhiều kỹ sư, bác sỹ và cử nhân trong các ngành kinh tế, giáo dục, có 1 người là Phó giáo sư - Tiến sỹ, Nhà giáo Nhân dân.

          Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chi họ có 58 người tham gia các lực lượng quân đội, công an. Có 6 người là liệt sỹ, 8 người là thương binh. Có 1 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là bà Nguyễn Thị Gái có 1 con trai duy nhất là liệt sỹ Nguyễn Văn Hồng (Bằng phong tặng số 522/K PCTN, ngày 18/7/1995). Liệt sỹ Họ Tô nhưng mang họ Nguyễn vì theo họ mẹ. Cụ Nguyễn Thị Gái hiện nay sống tại thôn Đặng Xá, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

          Trong các thời kỳ phong kiến, đế quốc nhiều cụ trong dòng Họ Tô đã làm chánh tổng, lý trưởng, bá hộ, trong đó có 6 cụ làm chánh tổng, nhưng không có ai có nợ máu với nhân dân mà đều là những người có đạo đức, có tâm huyết giúp đỡ người nghèo, nhiều người tích cực tham gia cách mạng.

          Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều cụ như cụ Tô Văn Thái, Tô Văn Chinh, Tô Văn Lạc, Tô Văn Trác, Tô Văn Cẩn, Tô Văn Tín đều tham gia cách mạng, đều là những đảng viên đầu tiên của địa phương. Qua các thời kỳ toàn dòng họ có 38 người là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

          Những người tiêu biểu của dòng họ có cụ Tô Văn Trác 93 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Bát Xát, Lào Cai, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng; cụ Tô Văn Trắc 80 tuổi, nguyên Giám đốc Lương thực huyện Thuận Thành, Bắc Nình; Phó Giáo sư - Tiến sỹ Tô Ngọc Hưng, Nhà giáo Nhân dân, Giám đốc Học viện Ngân hàng …

          Mấy năm qua, mối quan hệ mật thiết giữa 3 chi trong dòng Họ Tô Vân Hợp còn yếu, ngày giỗ Tổ mỗi chi làm riêng. Sau khi chắp nối với dòng Họ Tô Việt Nam, toàn thể bà con trong dòng Họ Tô Vân Hợp quyết tâm đoàn kết một lòng cùng tổ chức Lễ Giỗ cụ Tổ vào ngày kỵ nhật của cụ Tổ Tô Văn Đình là ngày 28 tháng Giêng, và ngày 28 tháng Năm là ngày mất của Tổ Bà.

          Trong Lễ Giỗ cụ Tổ mùa Xuân năm Giáp Ngọ 2014, toàn chi họ đã thống nhất thành lập một Ban liên lạc chung của dòng họ gồm 11 vị, do ông Tô Tiến Bình làm Trưởng ban, 2 cụ cao niên là Tô Văn Trắc 80 tuổi và Tô Văn Phúc 78 tuổi làm cố vấn. Nhiệm vụ của Ban liên lạc là xây dựng mối đoàn kết 3 chi như một của Họ Tô Vân Hợp để thực hiện tất cả mọi công việc liên quan đến hoạt động của dòng họ như: giáo dục truyền thống, việc hiếu, việc hỷ, tổ chức giỗ chạp, xây dựng quỹ khuyến học….

                       Tô Xuân Thưởng