CHI HỌ TÔ THÔN THỦY TÚ PHƯƠNG, XÃ VĨNH TÚ, HUYỆN VĨNH LINH, TỈNH QUẢNG TRỊ


              Mô hình trồng dưa lưới, dưa hấu trong nhà màng ở xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh (Ảnh TL)

          Chi Họ Tô thôn Thủy Tú Phương, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị xưa kia tổ tiên có viết gia phả để lại cho con cháu đời sau. Nhưng trong kháng chiến chống Pháp, địch đốt nhà nhiều lần, gia phả không còn, chỉ nghe các cụ cao tuổi kể lại, khoảng cuối thế kỷ 19, có ba anh em Họ Tô ở Nghệ An, Hà Tĩnh vào đất Vĩnh Tú (tên cũ là làng Phường Rượu) làm ăn.

          Một người đi lính cho Pháp, một người đi buôn bán đều không trở về.

          Còn một người là Tô Ngọc Bích, kết hôn với người con gái địa phương (không rõ họ tên) sinh ra con cháu thành Chi Họ Tô xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Từ cụ Tô Ngọc Bích đến nay là đời thứ 8 với 71 hộ và 124 đinh (nhân khẩu không thống kê được). Chi Họ Tô xã Vĩnh Tú từ đời cụ Tô Ngọc Bích đến nay chỉ đệm một chữ Ngọc.

          Do điều kiện kinh tế và trải qua hai cuộc chiến tranh người Họ Tô Vĩnh Tú ly tán mhiều nơi.

          Tính ra có đến 60 hộ với 100 đinh đi làm ăn, định cư ở các xã trong huyện, các huyện trong tỉnh, vào cả Huế, Gia Lai, Phan Thiết; còn ở quê gốc xã Vĩnh Tú hiện nay chỉ còn 11 hộ với 24 đinh.

          Số ở quê chủ yếu là làm ruộng, đời sống trung bình và khá, không còn hộ nghèo.

Chi Họ Tô xã Vĩnh Tú có truyền thống yêu nước và cách mạng: Trước Cách mạng Tháng tám năm 1945, có ông Tô Ngọc Sắt, sinh viên Trường Quốc học Huế. Năm 1925 – 1926 tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930. Bị Pháp bắt đi tù và chết ở trong tù, được truy tặng là liệt sĩ.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhiều thanh niên trong chi Họ Tô Vĩnh Tú tham gia lực lượng vũ trang, có 7 liệt sĩ và 3 thương binh. Có 1 cán bộ cao cấp quân đội là Đại tá Tô Ngọc Lực…

Chi họ mới lập được gia phả ghi lại từ cụ Tô Ngọc Bích đến 8 đời con cháu. Và huy động con cháu được 90 suất đinh đóng góp xây dựng lại mộ Tổ.

Chi họ chưa có nhà thờ, đến nay vẫn thờ Tổ ở nhà ông Trường tộc. Trước đây chi họ đã mua đất làm hương hỏa được 5 mẫu, để một năm có 5 ngày kỵ lớn, con cháu không phải đóng góp, nhưng trong cải cách ruộng đất đã bị tịch thu để chia cho nông dân, nên ngày nay giỗ chạp con cháu phải đóng góp.

                       Tô Ngọc Sành (Trường tộc)