Họ Tô ở Cà Mau và những giai thoại thời khai hoang mở cõi


          GIAI THOẠI ĐẦM THỊ TƯỜNG

          Đầm Thị Tường hay Đầm Bà Tường hiện nay là vùng đầm nông, rộng nằm giáp trên địa bàn 3 huyện Trần Văn Thời, Cái Nước và Phú Tân, có diện tích mặt nước khoảng 700 ha, chiều dài hơn 10km, rộng khoảng 2km, gồm 3 đầm chính: Đầm trên, Đầm giữa và Đầm dưới. Đầm Thị Tường là một trong những đầm tự nhiên lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đầm được mệnh danh là “biển hồ giữa đồng bằng”. Từ bao đời nay, những sản vật từ đầm đã nuôi sống biết bao thế hệ con người.

TỪ NHÀ VI

Tên Đầm Thị Tường có lẽ bắt đầu từ khi dòng Họ Tô vào Nhà Vi mở đất. Theo ông Tô Văn Tiểu, kể lại: Khi hai ông Sờ Tô Hòa và Tô Thuận vào đây, vùng đất này còn rất hoang sơ hẻo lánh. Hành trình mở đất của tổ tiên đến nay cũng chỉ là những câu chuyện rời rạc thông qua truyền miệng của con cháu trong họ: Lúc đầu chỉ có một mình ông Tô Hòa vào đây. Khi nhận thấy khung cảnh hẻo lánh, sản vật thiên nhiên phong phú mới rước vợ và ông Tô Thuận vào cùng. Sở dĩ gọi là Nhà Vi vì khi Tô Hòa và Tô Thuận vào đây đã có một, hai ngôi nhà người Khmer làm nghề đặt xà vi bắt cá, từ “Xà Vi” nói trại thành “Nhà Vi”. Con cháu trong họ bao đời xem đây như là nơi chôn nhau cắt rốn, phát triển dòng họ, đóng góp tích cực cho nền hòa bình của đất nước. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, con cháu trong họ nhiều người trở thành liệt sĩ. Bản thân ông Tô Văn Nhặt, sinh năm 1922 (anh của ông Tô Văn Tiểu) có bằng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký ngày 28.6.1997.

Gia phả dòng Họ Tô ở Nhà Vi, ghi lại: “Tô Hòa có 11 người con đặt tên là: Như, Đạo, Dị, Thiền, Thị (tức Thị Tường), Trạng, Nghiêm, Điểm, Ngỡi, Rốn và Rẫy (trong Họ Tô nay gọi là 11 ông, bà sơ). 11 người con này sau có con cộng lại 75 người (trong Họ Tô gọi là 75 ông, bà cố)”. Ông Tô Văn Nhặt, đời thứ 6 của họ Tô ở Nhà Vi cho biết: “Dòng Họ Tô nhánh Tô Hòa hiện đang cư trú ở Trần Thới (huyện Cái Nước), Thanh Tùng (huyện Đầm Dơi); Phú Tân, Phú Thuận, Tân Hưng Tây và Phú Mỹ (huyện Phú Tân)”. Trong 11 người con của Tô Hòa, người con cả là Tô Như (các cụ lớn tuổi hiện nay gọi là Sơ cả) và người con thứ có tật ở chân nhưng rất giỏi võ nghệ, tên là Tô Quý Thị, thường gọi là Thị Tường.

ĐẾN ĐỊA DANH ĐẦM THỊ TƯỜNG

Thị Tường được cha cử sang khai thác và giữ đầm lớn mà sau này thành địa danh là Đầm Thị Tường. Giai thoại về Đầm Thị Tường được các bậc cao niên trong họ kể lại: “Bà Thị Tường đã kiên cường dũng cảm ngày đêm đứng ra xua đuổi bầy chim do Chúa Hổ sai lấy đá lấp biển, vì giận vua Thủy Tề từ chối sính lễ cầu hôn lấy Công Chúa của Chúa Hổ. Những khoảng trống do bà Tường canh giữ vẫn còn nguyên vẹn không bị đá che lấp, để cá tôm sinh sản nuôi sống con người ...”. Bà Thị Tường không lập gia đình, khoảng cuối những năm 1700, về Nhà Vi lập một am nhỏ để tu hành. Sau khi bà qua đời, các Hòa Thượng Bửu Quới, Tâm Sơn, Bửu Đức, Trí Quảng... tiếp tục trùng tu, xây dựng am thờ của bà thành ngôi Chùa Mỹ Cổ ngày nay. Theo cư sĩ Huệ Ân (Nguyễn Văn Triệu), Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Cà Mau: “Chùa Mỹ Cổ là một trong những ngôi chùa được sáng lập đầu tiên và có thể xem là cái nôi của Phật giáo ở Cà Mau”.

Đầm Thị Tường với địa hình tự nhiên, đã trở thành tấm chắn cản trở tàu giặc càn vào căn cứ Tỉnh ủy và là nơi che chở cán bộ của khu căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước (1960-1975) an toàn, góp phần rất lớn trong việc lãnh, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, đem lại hòa bình độc lập ngày 30.4.1975. Ngày nay, bà con nơi đây đã thành lập HTX Đầm Thị Tường - Cà Mau nhằm khai thác tiềm năng du lịch của đầm nước thiên nhiên này.

Địa danh Đầm Thị Tường như sự ghi nhận công đức của bà Tô Quý Thị trong quá trình khai mở đất ở Cà Mau. Hiện nay ở Nhà Vi còn lưu giữ tháp tổ, mộ tổ là mộ của Tô Hòa và vợ. Hàng năm, đến ngày rằm tháng giêng, dòng Họ Tô từ mọi nơi quy tụ về Nhà Vi và làm giỗ bà Sơ Năm - Tô Qúy Thị (Thị Tường) tại Chùa Mỹ Cổ (do bà sáng lập). Cũng theo ông Tô Văn Nhặt: ông sơ Tô Thuận (em của ông sờ Tô Hòa) có người con tên là Tô Quang Xuân, người lập am nhỏ thờ Quan Âm (Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự - Chùa Phật Tổ ngày nay). Vậy, Tô Quý Thị tự Thị Tường gắn với địa danh Đầm Thị Tường là bà con chú bác với Tô Quang Xuân được nhân dân tôn gọi là “Phật Tổ”. Sách Cà Mau Xưa ghi: “Đức Phật Tổ sư, vị Đại Đức chơn tu được sắc phong Hòa thượng, là người đầu tiên đã sáng lập ra ngôi chùa Quan Âm tự tại Cà Mau”.

Trúc Thị - Minh Vĩnh (baoanhdatmui.vn)