HỌ TÔ QUANG LÀNG TƯỜNG XÁ, XÃ TÙNG CHÂU, HUYỆN ĐỨC THO, HÀ TĨNH


              Đền Tường Xá, làng Tường Xá, xã Tùng Châu (ảnh TL)

1.     Quá trình hình thành và phát triển:

          Tường Xá là một làng thuộc tổng Thịnh  Qủa, phủ Đức Thọ. Làng nằm ngay bên bờ Nam sông Lam, đối diện với núi Thành, thuộc huyện Hưng Nguyên, Nghệ An – nơi có nhiều dấu tích lịch sử của nghĩa quân Lam Sơn Lê Lợi, chiến thắng giặc Minh lừng lẫy một thời. Làng nằm giữa Ngã Ba Phủ, nơi hai dòng sông Lam Giang và La Giang hiền hòa trong xanh, bốn mùa sóng vỗ hợp lại, xuôi dòng gặp non xanh Hồng Lĩnh.

          Phổ ký Họ Lê, Họ Phạm trong làng đều viết: “Làng Tường Xá được hình thành từ những năm 1293 – 1313, gồm 6 gia đình Họ Lê, Họ Phạm, Họ Nguyễn, Họ Trần, Họ Bùi, Họ Bạch từ ngoài Bắc vào ở dưới chân Rú Rum (núi Thành bây giờ) họp lại. Thấy vùng đất màu mỡ, cây cỏ tốt tươi mà còn hoang vắng, họ bèn cùng nhau dãn ra lập nghiệp. Bước đầu họ dựng trại nuôi dê, nên cái xóm nhỏ này được gọi là Dương Xá (xóm nuôi dê). Đến nắm  Bính Dần, niên hiệu Đoan Khánh đời Lê (năm 1506), khi trong làng đã có nhiều người học hành đỗ đạt, tên Dương Xá mới được đổi thành Tường Xá (nhà học)”. Riêng Họ Tô đến định cư tại Dương Xá muộn hơn 6 họ trên, nhưng phải có mặt từ đầu thế kỷ 17, khoảng gần 400 năm.

          Họ Tô Quang ở Tường Xá, Tùng Châu, Đức Thọ, Hà Tĩnh cho đến nay vẫn chưa xác định được xuất xứ từ đâu đến. Nhưng nhờ dựa vào đức lương thiện làm ăn sinh sống để truyền đời, nên con cháu ngày càng đông đúc phồn thịnh.

          Theo một tài liệu được Hiển Tổ khảo thứ chi Họ Tô tại xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ cụ Tô Văn Khang viết tháng 10 năm thứ 13, triều Bảo Đại (năm 1938) có di chúc: “Hoàng thỉ xuất yên tương truyền, lịch vạn dư niên kỳ thỉ cư vu Trường Cát xã, chí vu Tường Xá thôn sinh hạ tử tôn, vĩnh vĩnh quy quy, thế phái tương truyền sao vi Tô tộc đồng sinh vu hậu niệm”. Vậy Trường Cát là xã nào và thuộc huyện, tỉnh nào ở Việt Nam? Đó là điều mà con cháu Họ Tô Tường Xá, Tùng Châu đang tìm hiểu.

          Với vị trí địa lý và thông tin như vậy, rất có khả năng dòng Họ Tô Quang ở Tường Xá, Tùng Châu cũng có xuất xứ là con cháu Họ Tô từ các tỉnh phía Bắc, di cư vào lập nghiệp dọc theo bờ sông Lam dưới thời Hậu Lê.

          Làng Tường Xá ngày xưa có Bãi Phủ, trên đó có Chợ Phủ sầm uất thuyền bè buôn bán. Nhưng lũ lụt làm cho làng bị lở dần xuống sông Lam, nhất là trận lụt lớn năm 1954 đã cuốn trôi, làm lở hết Bãi Phủ, làm mất khu mộ của Tổ tiên Họ Tô. Gần hết làng Tường Xá bị lở xuống sông Lam, Tường Xá phải chuyển đến dặm dân vào thôn Châu Đài cùng xã. Gia phả chính của dòng Họ Tô Quang ở Tùng Châu cũng bị cuốn trôi trong trận lụt đó. Đến nay chỉ duy nhất còn lại một bản “Tiểu Gia phả” của một nhánh Họ Tô, thuộc con cháu ông Tô Quang Triều (Cao tổ Tô Quang Triều), nhưng cũng bị rách nát, mất mát không còn nguyên vẹn.

          Khi dịch và biên tập lại cuốn Gia phả này, nhà văn hóa có tiếng của Hà Tĩnh, đồng thời là con rể Họ Tô – ông Thái Kim Đỉnh có viết trong lời mở đầu:

          “Cuốn gia phả Họ Tô ở làng Tường Xá, nay thuộc xã Đức Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, chủ yếu là sao lại từ một bản gốc chữ Hán, trong đó có đề ngày sao lại là một niên hiệu: Gia Long thập lục niên, nhị nguyệt, thập ngũ nhật (rằm tháng Hai năm thứ mười sáu, đời Gia Long, triều Nguyễn, tức 01 – 3- 1817)”.

          Bản này có phần I, chép về phổ hệ. Hai vị đứng đầu đều được chép cùng một vị hiệu “Thế tổ” là: Cố Ló (Lúa) Tô Quang Ló; Cố Chắc – Tô Quang Chắc, nhưng không chép các vị từ đâu đến làng Tường Xá, Đức Châu và đến vào thời gian nào; cũng không chép các vị sinh hạ được những ai. Do đó, tính từ vị Thượng cao cao Tổ húy Chúng (Tô Quang Chúng) đến nay đã có 11 đời con cháu truyền tử lưu tôn.

          Ông Tổ đứng đầu Tô Quang Chúng, ngày kỵ là 23 tháng Mười âm lịch. Ngày này được Họ Tô Quang Tường Xá lấy làm ngày giỗ Tổ hằng năm.

          Thượng cao cao Tổ Tô Quang Chúng, Tổ bà là Nguyễn Thị Toàn sinh được 3 con trai là: Tô Quang Mai, Tô Quang Triều và Tô Quang Thiết. Sau Tô Quang Thiết chuyển xuống Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và thất lạc.

          Cao cao Tổ Tô Quang Mai, Tổ bà tên húy là Bằng (không rõ họ gì) sinh được 6 con trai, nhưng chỉ tồn người thứ 5 là Tô Quang Siêu.

          Cao Tổ Tô Quang Siêu, Tổ bà là Phạm Thị Luống sinh được 6 con trai và 1 con gái. Từ đây hình thành 2 chi trưởng của dòng Họ Tô Quang Tường Xá.

          Cao cao Tổ Tô Quang Triều, Tổ bà (không rõ tên gì) sinh hạ 3 con trai là Tô Quang Có, Tô Quang Bảo và Tô Quang Hiền.

          Cao Tổ Tô Quang Có ở lại quê hương Tường Xá, từ đây hình thành 2 chi thứ của dòng Họ Tô Quang Tường Xá.

          Cao Tổ Tô Quang Bảo, là Quốc Tử Giám giám sinh nên xiêu cư đi lập nghiệp ở nơi khác, nay vẫn chưa tìm được.

          Cao Tổ Tô Quang Hiền chuyển lên vùng Đông Sơn (nay là xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) lập nghiệp, khai sinh ra Họ Tô Bá ở Khánh Sơn.

          Theo số liệu thống kê, tổng số hộ của Họ Tô Quang Tường Xá đang sinh sống và làm việc ở các nơi trong cả nước, có 85 hộ, 407 nhân khẩu, 187 đinh.  

         Trong đó:

          Tại quê Tùng Châu và các vùng lân cận thuộc Nghệ - Tĩnh: 40 hộ, 208 nhân khẩu.

          Tại Thủ đô Hà Nội: 09 hộ, 42 nhân khẩu

           Tại Thành phố Hồ Chí Minh: 08 hộ, 33 nhân khẩu

          Tại Bà Rịa – Vũng Tàu: 05 hộ, 25 nhân khẩu

          Tại Biên Hòa (Đồng Nai): 12 hộ, 66 nhân khẩu

           Tại Nha Trang (Khánh Hòa): 02 hộ, 10 nhân khẩu

          Tại Đà Lạt (Lâm Đồng): 02 hộ, 10 nhân khẩu

          Tại Thành phố Huế và Quảng Bình: 02 hộ, 9 nhân khẩu

          Tại Bắc Cạn: 01 hộ, 4 nhân khẩu.

          Con cháu Họ Tô Quang Tường Xá đã cố gắng học tập, có những gương vượt khó học giỏi để vươn cao, vươn xa làm cho cả làng nể trọng. Dòng Họ Tô Quang Tường Xá ngày xưa đã có 4 vị là Quốc Tử Giám giám sinh. Ngày nay cũng đã có 4 cháu có trình độ trên đại học, có 1 cháu bảo vệ xong học vị Tiến sĩ Luật năm 2014 là cháu Tô Mai Thanh, sinh năm 1979, đời thứ 10, nữ giảng viên Khoa Tài chính công Học viện Tài chính; 1 cháu đang học Tiến sĩ Kinh tế; có 80 người có trình độ đại học; có 1 cán bộ cấp Vụ trong cơ quan thuộc Chính phủ.

          Họ Tô Quang làng Tường xá có 50 người trong dòng họ tham gia chiến đấu trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có 6 người trưởng thành là cấp tá (có 1 Đại tá, 1 nữ Thượng tá) quân đội; 5 người đi thanh niên xung phong; 5 người là công an nhân dân; có 4 liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc. Hiện nay toàn chi họ có 41 đảng viên cộng sản, có đảng viên hơn 65 tuổi Đảng.

          2. Vị hiệu các tiên linh:

          Trong phần II của cuốn (Tiểu Gia phả) chép các vị hiệu của các tiên linh và Bài văn tế Tổ dịp trung nguyên (rằm tháng Bảy).

          Trong phần này, vị hiệu các tiên liệt trong Gia phả có đầy đủ. Ở đây chỉ nêu lên một số vị hiệu tiên liệt đặc biệt để tham khảo, mong sao những thông tin này giúp ích cho việc  chắp nối dòng họ Tô chúng ta.

         1. Thế Tổ Cố Ló cùng Tổ bà lại tư nhụ nhân

          2. Thế Tổ Cố Chắc cùng Tổ bà lại tư nhụ nhân

          3. Thường cao cao Tổ hiệu sinh bản phủ Tô Quang Chúng và Tổ bà.

          4. Cao cao Tổ hiệu sinh bản phủ Tô Quý Công, tự Quang Mai và Tổ bà.

          5. Thần tổ bá ngũ đại Mạnh Đại tướng quân khâm sai Lê triều sắc phong nhị đạo dực đái bổ quốc gia trụ diệu, Dực Bảo trung hưng, Tô Tướng công tự Quang Cân thần vị.

          6. Tổ cô bảy đời Tô Thị Ngọc Nữ hoa nương

          7. Tổ cô ba đời Tô Thị Hiệu Quế hoa nương

          8. Cao cao Tổ hiệu sinh bản phủ Quốc Tử Giám giám sinh Tô Quang Triều

          9. Cao cao Tổ Tô Quang Thiết cùng Tổ bà dời xuống Nghi Xuân

          10. Cao cao Tổ Hiệu sinh bản phủ Tô Quang Có cùng Tổ bà Phan Thị Dẹn.

          11. Cao cao Tổ Quốc Tử Giám giám sinh Tô Quang Bảo cùng Tổ bà

          12. Cai cao Tổ Hiệu sinh bản phủ Tô Quang Hiền cùng Tổ bà

          13. Tổ thức Viên tử Tô Quang Tá (dời xuồng huyện Nghi Xuân, thất lạc).

          Thông qua các vị hiệu các tiên liệt, ta cần chú ý mấy vị có chức sắc khả năng do công cán mà sinh sống ở nơi khác.

          Vị số 5: “… Thần tổ bá ngũ đại…”. Với vị hiệu như vậy, trong quá trình tìm hiểu về dòng Họ Tô ở các nơi, nếu có phát hiện sự trùng lặp xin quý vị thông báo cho chúng tôi biết, để góp phần chắp nối cội nguồn.

          Vị số 11 Tô Quang Bảo là Quốc Tử Giám giám sinh, có thể là đi làm việc ở chỗ khác và lập nghiệp ở đó.

          Vị số 12 Tô Quang Hiền cũng có chức sắc, trong Gia phả có ghi về Khánh Sơn, Nam Đàn.

          Các vị Tô Quang Thiết, Tô Quang Tá trong Gia phả ghi dời xuống Nghi Xuân.

          3. Hoạt động dòng họ:

          Họ Tô Quang Tường Xá có Nhà thờ họ Đại tôn từ lâu đời, đã trải qua mấy lần di chuyển và tôn tạo do sự biển đổi khắc nghiệt của thiên nhiên (3 lần di chuyển). Nhà thờ cũ được tôn tạo, tu sửa, mở rộng vào năm Giáp Thân 2004. Năm 2013 con cháu đã công đức, xây thành Nhà thờ mới  to đẹp, với hơn 100% bằng gỗ lim, trên diện tích gần 1000m2.

          Hằng năm, Họ Tô Quang Tường Xá, Tùng Châu tổ chức cúng Tổ tiên tập trung vào ngày giỗ Tổ 23 tháng Mười, ngày rằm tháng Giêng và rằm tháng Bảy, theo hình thức cỗ lượt, mỗi lượt 10 cỗ. Con cháu từ mọi miền Tổ quốc đều cố gắng thu xếp thời gian và điều kiện để về  dâng hương cho Tổ tiên. Sau khi dâng cúng Tổ tiên, con cháu sum họp đông đủ để họp họ, bàn các vấn đề quan trọng của dòng họ. Những ngày này thực sự là những ngày hội lớn và thiêng liêng - ngày gặp mặt nghĩa tình ruột thịt của con cháu dòng họ Tô Quang Tường Xá, Tùng Châu.

           Tô Qúy (Cố Tộc trưởng, đời 8)

           và Tô Quang Sơn (Tộc trưởng, đời 9)