Lớp lớp ca nương, kép đàn của Đông Môn vẫn bừng cháy đam mê và tâm huyết với nghệ thuật truyền thống (Ảnh TL)
Vẳng trong không gian tĩnh mịch của làng quê đêm hè, thanh âm da diết của “Hồng hồng tuyết tuyết,...” giọng ca nương lúc trầm, lúc bổng, quyện trong nhịp phách giòn tan, cảm giác như được trở lại với những kỷ niệm thân thương thời thơ bé. Ðó chính là nỗi bâng khuâng chợt đến mỗi khi về Ðông Môn nghe hát ca trù...
Cách trung tâm Thành phố Hải Phòng chừng hơn chục cây số, làng Ðông Môn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, đang trong quá trình đô thị hóa. Ngôi làng với những con đường bê-tông rộng rãi, những ngôi nhà hai ba tầng nhấp nhô đưa lại cảm giác về những con phố nhỏ. Vâng, làng giống phố nhưng vẫn không bị làm mất đi vẻ thơ mộng của một làng quê có dãy núi bao quanh, ôm ấp những cánh đồng xanh tốt, lại cả có vị mặn mòi của biển; và vẫn còn đó gốc đa, bến nước, sân đình. Từ lâu lắm rồi, Ðông Môn đã là cái nôi ca trù vùng duyên hải Bắc Bộ. Theo các bậc cao niên trong làng, ca trù xuất hiện ở Ðông Môn từ trước thế kỷ 19. Người có công đặt nền móng cho sự phát triển của ca trù trong làng là cụ kép đàn Tô Tiến Trọng - trùm phường của một giáo phường Kinh Môn, Hải Dương, thuộc ty giáo phường Bắc Thạch, Bắc Ninh. Tại đây, cụ đã truyền nghề cho con em các dòng họ ở địa phương. Từ đó, từng nhịp phách, tiếng đàn, những ngâm nga ư hự qua mỗi làn điệu đã ngấm vào tâm hồn người Ðông Môn và dần đưa làng trở thành một ca quán nổi tiếng. Thời còn thịnh, gần như mỗi gia đình ở Ðông Môn là một phường hát, và có thể khác với một vài nơi, ở đây bà con gọi cha là kép đàn, mẹ là ca nương. Người Ðông Môn lại được trời phú cho chất giọng đặc biệt, nên dù ca trù là loại hình nghệ thuật kén thanh, nhưng ca nương giỏi ở Ðông Môn lại có rất nhiều. Hồi tưởng về quá khứ, ông Trần Bá Sự, Trưởng làng văn hóa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Ðông Môn, tự hào và nuối tiếc:
- Những năm 30 - 40 của thế kỷ trước là thời kỳ vàng son của ca trù Ðông Môn. Ca trù không chỉ nuôi dưỡng tinh thần, mà còn là nghề kiếm cơm của hơn 80% số dân trong làng. Mỗi tối, có ba, bốn phường hát. Vậy mà về sau, ca trù dần bị mai một, lại biến tướng thành cô đầu rượu, ca nương bị coi là 'xướng ca vô loài'. Nhiều người đã bỏ hát, xa lánh, thậm chí không muốn nhận mình là ca nương. Từ tấm bé, đi theo bà cô, ông chú biểu diễn khắp nơi, ca trù đã thấm vào tôi tự nhiên như thể cơm nước hằng ngày, đến khi không còn nghe tiếng hát, đàn đáy đứt dây, trống chầu bỏ hỏng, tôi không khỏi chạnh lòng xót xa. Tới năm 1990, cùng với việc tu bổ đình chùa của làng, mấy cụ cao tuổi còn day dứt, nuối tiếc ca trù đã đề xuất ý tưởng khôi phục vốn văn hóa ông bà để lại, gìn giữ tinh thần làng quê.
Nghĩ là làm, họ vận động người yêu ca trù trong làng lập đoàn “kính tế nữ quan” (học hát) và “kính tế nam quan” (học đàn, trống); cử người đi tìm nhạc cụ. Phách, trống có rồi, còn đàn đáy khó quá, phải gần hai năm dò hỏi, mới kiếm được cây đàn đã hỏng, mang về nhờ người sửa chữa, rồi ra xã Thủy Ðường xin tơ làm bộ dây; lại mời cụ Tô Nghị dạy chơi đàn, trống, cụ Tô Thị Chè dạy hát. Ông Tô Văn Thiệp, một trong những người luôn đau đáu nỗi niềm làm sao gìn giữ được vốn di sản quý báu của làng quê, đã động viên con trai là Tô Văn Tuyên theo học nhạc cụ dân tộc để trở thành kép đàn chính trong Câu lạc bộ. Ông Thiệp bày tỏ, mỗi khi nghe một làn điệu, cảm giác như thấy lại cảnh thanh bình của làng quê xưa, với đường đất và lũy tre, với những con người mộc mạc hồn quê chân chất, giàu nét trữ tình. Khác các môn âm nhạc dân gian khác, nghệ thuật ca trù, không chỉ học hát, học đàn, học gõ phách, mà còn phải học cả cách thưởng thức. Người thưởng thức, còn gọi là quan viên, phải là người am hiểu ca trù, say mê thơ phú, biết gõ trống cầm chầu. Quan viên vừa là người nghe, vừa là nhạc công, tay cầm roi chầu, hòa mình cùng làn điệu để biết câu thơ ấy hợp với khổ chầu, nhịp trống nào.
Khi mới thành lập, Câu lạc bộ vẫn còn những giọng ca nổi tiếng một thời như cụ Nguyễn Thị Chính, Tô Thị Ngần, Tô Thị Chè..., nhưng nay các cụ đã về với tiên tổ. Cũng may, trước khi về với ông bà, các cụ đã kịp truyền lại cho con cháu trong làng những kỹ thuật cơ bản như cách ém hơi, nhả chữ, khi hát không mở rộng khuôn miệng nhưng vẫn tròn vành, rõ tiếng. Ðào nương không chỉ học hát mà còn phải học gõ phách. Nhịp phách có vững, giai điệu mới mượt mà. Bà Tô Thị Ninh, ca nương chính trong CLB ca trù Ðông Môn, chân truyền và cũng là cháu gái của nghệ nhân Tô Thị Chè, vừa minh họa vài câu trong Tự cổ hồng nhan, vừa kể với tôi: Khi câu lạc bộ mới thành lập, bà cũng chưa thích ca trù. Rồi nghe bà cô hát hằng ngày, bà dần cảm nhận cái hay, cái đẹp trong từng giai điệu, lời thơ, rồi bà mê lúc nào không rõ. Khi mê rồi thì ở đâu, lúc nào cũng ngân nga, ư hự. Tay gõ gõ xuống sàn làm nhịp phách. Có năm khổ phách: nhập đề, khổ giữa, dóc, lá đầu, kết phách mà học mãi mới gõ được. Câu lạc bộ cũng tổ chức khôi phục và truyền dạy được gần chục làn điệu: hát nói, bắc phản, miễu, tỳ bà, cung bắc, gửi thư, xẩm,... Nhưng cái khó của ca trù là không có tư liệu nào dạy hát mà chỉ học theo lối truyền khẩu, các nghệ nhân lần lượt giã biệt trần thế, thì ca nương bây giờ chỉ còn học qua băng, đĩa họ để lại, nên còn rất nhiều làn điệu vẫn chưa tiếp thu hết được. Ví như thét nhạc, một làn điệu đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện, phải dùng cả năm cung bậc - năm âm luật của ca trù: nam, bắc, huỳnh, pha, lao, khi hát phải chuyển liên tục cả năm cung, tạo thế đối lập trong âm, giọng. Vì khó mà giờ không mấy người hát được, ca nương ở làng lại không có điều kiện 'tầm sư', nên để dần mai một, thật là điều vô cùng đáng tiếc.
Cũng là may mắn cho nghiệp ca trù Ðông Môn, là nhiều em nhỏ đã bén duyên và yêu thích ca trù. Nhà bà Ninh có ba thế hệ ca nương. Cô con gái Trịnh Thị Ngát, tuy đã lập gia đình, ở nhà làm nội trợ nhưng đam mê đã thấm, nên hễ có dịp đi hát là cô chẳng thể bỏ qua, từng đoạt Huy chương Bạc trong Liên hoan ca trù toàn quốc. Vừa đi học về, vai vẫn đeo khăn quàng đỏ, mồ hôi còn ướt áo, cô bé Trịnh Thị Thanh không từ chối lời đề nghị của chúng tôi, cất giọng ca: “Hồng hồng tuyết tuyết... ư... hự, mới ngày nào còn chưa biết chi chi,...”. Giọng cô bé 11 tuổi, chưa đủ độ nhấn nhá, luyến láy, chưa nắm bắt âm luật vững vàng nhưng chất chứa tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống, đã đủ để lay động người thưởng thức.
Nguyễn Thị Duyên đang học lớp 11, cũng là thành viên của câu lạc bộ kể rằng: “Lúc đầu, em đến với ca trù chỉ là tò mò, nhưng giờ đây tình yêu ấy đã không thể nói bằng lời, lâu lâu không hát lại nhớ tiếng phách, tiếng đàn. Trở thành ca nương không chỉ cần giọng hát, khả năng thẩm âm, mà cần cả tình yêu thơ ca để hiểu được lời hay, ý đẹp trong mỗi câu hát. Qua câu lạc bộ, em đã học được một số làn điệu như hát nói, hát miễu, xẩm,... và thường xuyên biểu diễn trên sân khấu của nhà trường. Có bạn thích, có bạn không, nhưng em muốn mọi người biết đến ca trù nhiều hơn và hãy lắng nghe, mọi người sẽ yêu thích”. Còn kép đàn Tô Văn Tuyên thì dù còn phải lo toan cho gia đình nhỏ của mình, nhưng tuần nào anh cũng dành một buổi đến nhà bà Ninh hoặc ra đình làng tập đàn, nắn phách cho các em. Mỗi ngày như thế lại biết thêm nhiều cái mới, cái hay trong tiếng đàn của chính mình...
Rời Ðông Môn khi trời đã ngả sang chiều, chân đã bước xa nhưng tâm hồn còn day dứt. Ca trù của Việt Nam, trong đó có ca trù của Ðông Môn đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Người Ðông Môn không còn nỗi lo thiếu người kế thừa di sản, nhưng để bảo tồn, phát huy những giá trị đích thực của ca trù và có tính bền vững, trách nhiệm này thuộc vào cấp ủy, chính quyền địa phương mà trực tiếp là cơ quan quản lý văn hóa. Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Thủy Nguyên Phùng Văn Mạnh,vừa qua, Phòng Văn hóa huyện đã tham mưu tổ chức ngày giỗ Tổ ca công, qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị quý báu của di sản ca trù, và dịp này tổ chức lớp dạy đàn hát ca trù tại Nhà Văn hóa huyện. Nhưng có lẽ vấn đề cụ thể trước mắt là cần một cơ chế, chính sách hỗ trợ, động viên các nghệ nhân, phường hát, để họ có thêm động lực giữ nghề trước nguy cơ thất truyền di sản quý giá của một làng quê Việt Nam có truyền thống văn hóa lâu đời...
Tiểu Phương (Báo Nhân dân)
- MÙA THU HÀ NỘI
- Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung thu
- Phẫn nộ câu nói “Thà đền một lần còn hơn nuôi suốt đời” của giới tài xế xe tải
- Cúng rằm tháng 7 năm 2024 vào ngày nào, giờ nào tốt nhất?
- Nhà thơ Tô Hà và “mối tình si” với Thơ
- Tết Đoan ngọ 2024 là ngày nào?
- “Sông Tô” kể chuyện ngày xửa ngày xưa
- Chùa Tam Thanh và nàng Tô Thị làm du lịch
- Tết Thanh minh năm 2024 là ngày nào?
- Gặp Nàng Tô Thị ngỡ người làng ta
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- DANH SÁCH TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐÃ GÓP TIỀN LÀM SÁCH HỌ TÔ VIỆT NAM TRONG QUÝ IV-2013
Hôm nay : 358
Tháng hiện tại : 21665
Tổng lượt truy cập : 2664735