
Bộ đội công binh ngày đêm bám đường đảm bảo thông xe cho chiến trường miền Nam (Ảnh Lâm Tân Tài)
Cách đây tròn 50 năm, Bộ Chính trị đã quyết định mở đường xuyên Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi nhu cầu vận chuyển vũ khí, súng đạn, lương thực, thuốc men, xăng dầu cho chiến trường ở miền Nam ngày càng lớn, tháng 8-1964, Bộ Chính trị quyết định mở thêm một con đường mới chạy dọc phía Tây rừng Trường Sơn. Con đường cơ giới đầu tiên đã được ra đời với những kỷ lục trong lịch sử!
Một ngày làm xong 10km đường!
Gặp chúng tôi tại ngôi nhà bình dị nằm kín đáo trong khu tập thể Binh đoàn Trường Sơn (Đống Đa - Hà Nội), Thiếu tướng Tô Đa Mạn - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, sau là Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, người đã gắn bó suốt những năm tháng mở đường cơ giới, bồi hồi kể lại những kỷ niệm mà ông cùng hàng ngàn đồng đội đã trải qua bao khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào để làm nên một con đường huyền thoại.
Ông kể, Trung đoàn 98, khi đó đang đóng quân tại Trung Hà (Sơn Tây - Hà Nội) đã được giao đi tiên phong vào rừng Trường Sơn để mở đường cơ giới. Khi đi, vũ khí mà anh em chúng tôi mang theo chỉ là cuốc, xẻng, rìu, dao… Để bí mật, trung đoàn phải đổi tên thành Chi hội Bình Minh với tư cách là một đơn vị trồng rừng, đi làm kinh tế”. Đến đầu tháng 8-1964, trung đoàn vượt Đường 9 tới Sê Pôn, qua Dốc Thơm và dàn quân hạ trại.
Chưa kịp bổ nhát cuốc đầu tiên thì anh em nghe trên Đài Tiếng nói VN thông tin không quân Mỹ gây sự kiện vịnh Bắc bộ, ném bom phá hoại miền Bắc mà nhiều người cho rằng để ngăn chặn ý định mở đường thọc sâu vào miền Nam của quân dân ta. Trước tình hình đó, chỉ huy Trung đoàn 98 đã quyết định khẩn tốc ra quân, biến căm thù thành sức mạnh, bắt tay ngay mở đường.
Đúng ngày 9-8-1968 (ngẫu nhiên trùng với phiên hiệu của Trung đoàn), hàng ngàn chiến sĩ của trung đoàn đã hăm hở bổ nhát cuốc đầu tiên của đường cơ giới. Sa Đi - Mường Noòng đã được chọn làm nơi khởi đầu của công trình lịch sử. Thật kỳ lạ, chỉ ngay trong ngày đầu tiên, năng suất làm việc đã đạt 200%, một đoạn đường dài gần 10km đã làm xong, được ngụy trang dưới tán rừng lặng lẽ, chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Sau 4 tháng, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung đoàn đã hoàn thành một chặng đường dài 104km kéo từ Đường 9 Nam Lào đến sông Bạc. Ngày 8-12-1964, Đoàn xe cơ giới đầu tiên do đồng chí Nguyễn Nhạn - Phó Tham mưu trưởng công binh dẫn đầu đã tới được bờ Bắc sông Bạc trước sự reo mừng của hàng ngàn chiến sĩ, đồng bào địa phương.
Tuy nhiên, mục tiêu là phải mở một con đường thọc sâu vào tận Bắc Tây Nguyên và có thể đi sâu thêm vào tận Tây Nam bộ. Đầu năm 1965, Trung đoàn bắt đầu vượt sông Bạc. Trong lúc đó, Mỹ đã bắt đầu dùng máy bay để truy thám con đường, thả bom, bắn phá và đặc biệt là dùng chất độc hóa học để tận diệt những cánh rừng. Để tiếp sức cho Trung đoàn 98, Bộ Tổng tham mưu quyết định cử thêm Trung đoàn 279 vào cùng sát cánh mở đường cơ giới.
Sau đúng một năm, vào tháng 12-1965, con đường nối từ sông Bạc đã “mọc” sâu thêm vào tận Tà Xẻng mà nhiều người quen gọi là ngã ba biên giới! Đường mở tới đâu, các chuyến xe cơ giới cùng hàng hóa, vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực lăn bánh theo sau đến đó. Cuối năm 1965, một Đoàn xe lớn đã vào giao hàng tận tay các chiến sĩ giải phóng và đồng bào ở Tây Nguyên.
Danh hiệu “Trung đoàn thần tốc”
Đầu năm 1966, Trung đoàn nhận được lệnh làm tiếp con đường cơ giới vượt Tây Nguyên vào Sê-rê-pok. Cả Trung đoàn đang chuẩn bị vào chặng gian lao mới thì bất ngờ nhận được lệnh không làm đường vượt Tây Nguyên nữa mà cấp tốc làm con Đường C4 “lật cánh”, đi thẳng từ phía Tây sang Lào rồi xuôi về Campuchia - nối liền ngã ba Phi Hà -Tà Xẻng với Siêm Pạng của Campuchia.
Ông Mạn nói: “Mặc dù con đường cơ giới chạy dọc Trường Sơn từ Mường Noòng đã thọc thẳng vào tận Phi Hà - Tà Xẻng (chạm chiến trường, sào huyệt địch) nhưng đang bị máy bay Mỹ bắn phá dữ dội, chỉ sau vài loạt bom là đường lại tắc, xe không thể vào liên tục. Do đó, trên đã đưa ra một quyết định vô cùng sáng suốt là mở ngay một con đường máu từ Phi Hà -Tà Xẻng sang Siêm Pạng để vận chuyển hàng hóa, lương thực ở đây ngược trở về ngã ba biên giới nhằm chi viện cho chiến trường”.
Mùng 2 Tết Bính Ngọ (1966), chưa nghỉ trọn vẹn cái tết cổ truyền thì cả Trung đoàn lại lao vào mở con đường C4. Từ Phi Hà đến hết đất Lào, việc làm đường khá dễ dàng nhưng từ Tà Ngâu (biên giới giữa Lào và Campuchia), cả ngàn chiến sĩ của Trung đoàn phải mặc áo đen, ngụy trang thành những “cửu vạn” làm thuê cho một ông chủ ở Siêm Pạng có tên Đức Phương - người có máu mặt, giàu có và nổi tiếng trong cả vùng Siêm Pạng. Ông Phương là người của ta cài sang. Trách nhiệm của ông là thu mua toàn bộ lương thực, thực phẩm, quân trang, xăng dầu ở Siêm Pạng… để đưa về các kho chứa ở Tà Xẻng.
Cả Trung đoàn lại quên ăn quên ngủ, lao vào mở đường. “Khi đó đang là mùa khô. Anh em chúng tôi xác định phải mở đường trong thời gian ngắn nhất, bởi chậm trễ thì mùa mưa sẽ đến, không có đường để chi viện từ Siêm Pạng ra thì cả ngàn anh em chiến sĩ sẽ thiếu lương thực”. Sau đúng 38 ngày, tức chỉ hơn 1 tháng, cả một con đường dài 204km đã hoàn thành, vượt khỏi sức tưởng tượng của nhiều người, một kỷ lục trong lịch sử làm đường Trường Sơn huyền thoại. Nhận được tin, Bộ Tư lệnh 559 đã tặng ngay cho Trung đoàn danh hiệu “Trung đoàn thần tốc” và cho đến nay, nói đến Trung đoàn thần tốc chính là nói Trung đoàn 98.
Ông Mạn kể tiếp: “Giữa năm 1966, Trung đoàn chia làm 3 mũi. Một mũi tiếp tục đi sâu vào Tây Nguyên, vượt qua Ăng Bum hiểm trở tới Sa Thầy. Vào ngày 30-8-1968, chúng tôi đã mở con đường vượt Pô Cô vào thẳng Sê-rê-pok, điểm sâu nhất của đường cơ giới và cắm lá cờ thần tốc!”.
Văn Phúc Hậu (Sài Gòn Giải Phóng)
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải khẳng định vai trò của xã trong không gian phát triển mới
- Đa dạng thức uống có nguồn gốc tự nhiên
- Anh hùng liệt sỹ Tô Minh Xuyến
- Tổng Bí thư: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sắp xếp cán bộ, tổ chức bộ máy
- Anh hùng Tô Đức Thắng Kiên cường, bản lĩnh, nhân văn trên trận tuyến phòng, chống tội phạm
- Đừng khoác lại “chiếc áo” chật hơn cho xuất khẩu gạo
- Sinh viên Tô Thị Hà Vy, Lớp DHKT17A9HN – Một tấm gương sáng trong CLB Tuyên truyền và thực hiện Văn hóa học đường sinh viên.
- Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi vận hành bộ máy mới
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Cán bộ phải đặt mình trong niềm phấn khởi chung của nhân dân
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” và nhà thơ Lê Anh Xuân
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- Đất nước và người mẹ trong thơ Tạ Hữu Yên
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”



