Luôn giữ lửa nghề nhưng không "mê sảng nghề"!


                    Nhà báo Tô Quang Phán- Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội

          “Theo quan niệm của tôi, yêu nghề, giữ lửa cho nghề phải như nấu bánh chưng theo phương thức truyền thống. Lửa to khi mới đun, lửa vừa khi đã sôi, lửa nhỏ ngâm lâu cùng chêm nước đủ độ để bánh chín đều, chín nhừ nhưng không nát, hoặc không sượng. Điều đó đòi hỏi người làm báo phải say sưa đủ độ, tỉnh táo đúng lúc”. Trong một lần trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, nhà báo Tô Quang Phán - Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội đã nói như vậy.

          Yêu nhưng không… mê sảng!

          Trong một lần nói chuyện về nghề báo với các phóng viên trẻ, nhà báo Tô Quang Phán nói: “Không có tình yêu với nghề báo thì không thể trở thành nhà báo theo đúng nghĩa, nhất là hiện nay khi mà sự sàng lọc ngày càng khắc nghiệt. Nhưng yêu không có nghĩa là thần thánh hóa nghề, bởi nghề nào trong xã hội cũng trân quý. Vấn đề là giữ tình yêu với nghề báo như thế nào để vẫn luôn đam mê, luôn có cảm xúc mà vẫn tỉnh táo giữa các lằn ranh…, để tiệm cận được sự thật, để truyền tải những thông điệp vì sự tiến bộ xã hội”.

          Khi được hỏi về bí quyết để có thể chung thủy với nghề suốt gần 40 năm qua, ông trả lời ngay rằng đó là tình yêu. Rồi ông giải thích:

          “Có tình yêu mới ham, ham mới kiên trì, nhẫn nại học, kiên trì thử nghiệm, kiên trì làm từ việc nhỏ nhất. Và yêu nên nhớ lâu, nhớ dai... Không yêu thì dễ chán, dễ quên. Yêu nghề nên mê nghề. Mà đã mê thì không dễ buông tay. Mỗi thành công (không phải to tát gì - ví như được đăng 1 bài báo hay được phát sóng 1 tác phẩm phát thanh, truyền hình mà ở đó ý tưởng, tâm huyết, công sức của mình bỏ ra nhiều) là mỗi lần xác lập sự tăng công một mức trong nghề, và đó cũng làm cho tình yêu nghề tăng lên”.

          Đối với ông, tình yêu nghề tăng lên làm cho mình trưởng thành. Tuy nhiên, luôn giữ cho mình trái tim nóng và cái đầu lạnh, nhà báo Tô Quang Phán phân định rõ: Tình yêu nghề cũng có giới hạn của nó; Tình yêu quá giới hạn dễ dẫn đến yêu thái quá, và dễ biến chất thành “thần thánh hóa” nghề báo, biến thành mê tín nghề, rồi tự coi nghề báo là số 1, là trên mọi nghề. Khi đó ông gọi là “mê sảng nghề”.

          “Khi mê sảng nghề báo, con người ta coi thường nghề khác, người ta trở nên trịch thượng, tinh tướng... Và khi lòng tham xuất hiện thì nghề báo bị một số người biến nó thành công cụ làm giàu bất chính. Không ít phóng viên đã dính vòng lao lý vì sự mê sảng, vì lòng tham” - nhà báo Tô Quang Phán nhấn mạnh.

          Câu chuyện tình yêu với nghề báo của nhà báo Tô Quang Phán vừa là một quá trình bền bỉ và nhẫn nại vừa là cái duyên. Rất bất ngờ khi tôi được biết, chàng sinh viên Khoa Văn Đại học Tổng hợp ngày ấy vốn có mộng văn chương, từng làm thơ, viết truyện nhưng sau đó nhận thấy mình không có duyên, không có tài (như ông nói) để đi tiếp con đường này. Có lẽ, cũng là bởi ông đã “trót” quá yêu nghề báo.

          Như ông từng tâm sự: “Tôi vốn là một cậu bé nhà quê, do bom Mỹ mà 4 tuổi phải đi sơ tán khắp nơi đến tận năm 1973 khi Hiệp định Pari ký kết mới về thành phố. Sau khi tốt nghiệp đại học, chưa xin được việc làm, tôi từng làm đủ nghề ở Hà Nội để có miếng cơm hàng ngày, như thợ mộc, thợ nề, quay ép dép nhựa tái chế, đạp xích lô thuê”.

          Sau quá trình ấy, với nhiều trải nghiệm đời sống, dù không được học báo ngày nào nhưng cũng giống như nhiều nhà báo trưởng thành từ cái nôi Khoa văn Đại học Tổng hợp, ông kiên trì “kinh qua” đến 4 tòa soạn báo trong hai năm. Cứ thử việc được vài tháng lại bị “ra rìa” vì cơ chế hồi đó phải có chỉ tiêu biên chế mới được vào làm việc. Mà chỉ tiêu biên chế khi ấy là chuyện “khó như lên trời”.

          Thế rồi, sau 2 năm lang thang làm đủ nghề để có miếng cơm hàng ngày, duyên cũng đến cùng với tình yêu nghề báo, được sự giúp đỡ của những người anh, người chị có tấm lòng tốt đã gặp khi đang làm đủ nghề đó, ông đã mãn nguyện khi chính thức được vào làm phóng viên phát thanh.

          Gần 40 năm làm báo không ngừng nghỉ, từng làm phát thanh, truyền hình, báo viết, báo điện tử…, ông tâm niệm việc giữ lửa tình yêu của mình với nghề báo như thế này: “Theo quan điểm của tôi, yêu nghề, giữ lửa cho nghề phải như nấu bánh chưng theo phương thức truyền thống. Lửa to khi mới đun, lửa vừa khi đã sôi, lửa nhỏ ngâm lâu cùng chêm nước đủ độ để bánh chín đều, chín nhừ nhưng không nát, hoặc không sượng. Điều đó đòi hỏi người làm báo phải say sưa đủ độ, tỉnh táo đúng lúc”.

          Đừng biến nghề báo thành công cụ làm giàu bất chính

          Trước tình trạng một số “nhà báo” bị bắt, chịu án vì lợi dụng nghề báo mà vi phạm pháp luật thời gian qua, ông nói: “Không ai làm giàu được từ nghề báo. Người làm báo chân chính chỉ giàu kiến thức, giàu tình bạn, giàu tình yêu với đời chứ không giàu về tiền. Ai coi nghề báo là công cụ làm giàu là hoàn toàn sai lạc. Muốn giàu thì đi kinh doanh. Nghề báo cao quý nhưng đừng tự thần thánh hóa nó, cũng đừng biến tướng nó”.

          Khi được hỏi có nhắn nhủ điều gì tới thế hệ làm báo trẻ và những người muốn theo nghề báo hiện nay, ông đã có những chia sẻ hết sức chân tình:

          “Tại sao nói với nghề báo phải say sưa đủ độ và cũng phải tỉnh giấc đúng lúc? Mỗi câu chữ, mỗi hình ảnh, mỗi đoạn clip... khi được đưa ra công chúng đều hàm chứa ý tưởng, thông điệp của tác giả, của cơ quan báo chí. Với thiên chức của báo chí, những câu chữ, hình ảnh, clip đó có lúc là những viên gạch góp vào xây nên ngôi nhà hành phúc, có lúc là lời động viên khích lệ con người đi về phía trước, có lúc là ánh sáng cuối đường hầm của người mắc kẹt trong bóng tối, có lúc là những hạt mưa giữa vùng khát cháy của ai đó... Nhưng không cẩn thận nó lại là thứ sát thương chết người, hoặc giết chết cả một khát vọng, một ước mơ…”.

                Nhà báo Tô Quang Phán có những gửi gắm hết sức chân thành đến thế hệ nhà báo trẻ

          “Có nhà báo tiền bối đáng kính từng nói rằng, người làm báo phải có trái tim nóng nhưng phải có cái đầu lạnh. Nhà báo trẻ có đầy nhiệt huyết nhưng thiếu sự tỉnh táo thì khó tránh khỏi thiên vị, dễ bị kích động mà đưa thông tin, nhận định, đánh giá sai lầm. Ngược lại nếu quá thiên lý trí thì vô tình trở nên vô cảm, băng giá trước số phận con người. Hãy nhớ phương thức nấu bánh chưng truyền thống: yêu ghét rành mạch nhưng cũng đầy nhân văn” - ông Tô Quang Phán gửi gắm.

          Dù vậy, ông vẫn “cảnh báo”: “Tình yêu nghề báo nếu được được nuôi dưỡng thường xuyên thì tình yêu đó không có tuổi. Nhà báo trẻ, nhà báo cao tuổi không có sự khác biệt về tình yêu nghề nhưng sẽ có sự khác biệt về cấp độ, sắc thái của tình yêu đó. Dù lứa tuổi nào, nếu không yêu nghề thì không thành công. Vì vậy theo nghề gì cũng phải đam mê, đam mê nhưng không mê sảng nghề”.

          Với những tâm huyết ấy, kinh nghiệm ấy, tin rằng, với cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, ông vẫn tiếp tục cống hiến sức mình cho công tác hội và truyền lửa cho thế hệ các nhà báo trẻ ở Thủ đô.

          Văn hóa (Tuổi trẻ Thủ đô)