Bố mất sớm, người mẹ lam lũ, làm đủ nghề nuôi thủ khoa khối C ăn học


                 Ngôi nhà cấp 4 rộng khoảng 30m2, được quây tôn kín mít là nơi mà 3 mẹ con Diệu sinh sống. Ảnh: Đình Minh

          Tô Thị Diệu – thủ khoa khối C00 kỳ thi THPT năm 2024 có lẽ là hoàn cảnh đặc biệt nhất trong các thủ khoa toàn quốc. Năm 13 tuổi, Diệu mất bố, mẹ phải làm đủ nghề, từ bán đi bán cá, bán bún phở, phụ bếp… để cóp nhặt từng đồng, nuôi hai chị em ăn học.

          Tuổi thơ cơ cực

          Tô Thị Diệu – cựu học sinh Trường THPT Quảng Xương 4 (Thanh Hóa) trở thành thủ khoa khối C00 năm nay với 29,75 điểm. Đây là lần đầu tiên, mái trường Diệu theo học có thủ khoa một kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vẫn còn nguyên tâm trạng hồi hộp ấy, Diệu kể: “Đúng 7h sáng nay, em cùng mẹ ngồi trước máy tính để theo dõi số điểm đạt được tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trước đó, khi vừa thi xong, em cũng check qua đáp án và tự tính được mình sẽ đạt 2 con 10 môn sử và địa. Với môn văn, em không dám đoán trước vì đây là môn viết, số điểm còn phải phụ thuộc vào người chấm. Khi màn hình sáng lên, hiện điểm số, em và mẹ rất bất ngờ với con số 29,75 điểm. Trong mơ, em chưa từng nghĩ mình sẽ đạt điểm cao như vậy”.

                     Khi mẹ vắng nhà, Diệu là 'người mẹ' thứ 2 của em. Ảnh: Đình Minh

          Chưa kịp định thần vì “cú sốc” điểm số, chỉ vài giờ sau, điện thoại của Diệu gần như ‘cháy máy’ với những lời chúc qua tin nhắn, cuộc gọi của người thân, bạn bè, thầy cô. Diệu nói cảm xúc lúc đó rất xúc động, rưng rung nước mắt vì đã mang lại niềm tự hào cho mẹ.

          Khi được hỏi về cảm xúc của bản thân trước thành tích của con gái, cô Tô Thị Nguyệt (50 tuổi, trú thôn 3 Quảng Thái – mẹ của Diệu) không giãy bày nhiều mà chỉ lặng đi khi nhìn về đứa con bé bỏng. Năm 1996, cô Nguyệt khi đó 22 tuổi, kết hôn cùng chú Tô Ngọc Hùng là bố của Diệu. Đến với nhau từ hai bàn tay trắng, 2 vợ chồng xác định không có gì ngoài sức khỏe nên ra sức “cày ngày, cày đêm”, những mong cuộc sống sau này sẽ đổi khác. “Ngày đó ở quê nghèo lắm nên 2 cô chú quyết định phải đi buôn. Từ Bắc vào Nam, từ Hà Nội cho đến Hà Tiên (Kiên Giang), cung đường đất nước gần như nơi nào cũng có dấu chân của 2 vợ chồng”, cô Nguyệt nhớ lại.

     Hai mẹ con Diệu xúc động trước kết quả mà em đã đạt được trong kỳ thi vừa qua. Ảnh: Đình Minh

          Đến năm 2004, sau 6 năm ròng lang bạt tứ phương, cô Nguyệt mang thai Diệu nên nghe lời chồng về quê sinh sống.

          Về nhà, do không có một nghề nào tủ nên để mưu sinh, 2 vợ chồng làm đủ loại nghề, ai bảo gì làm nấy, miễn là có tiền để lo cho đứa con sắp chào đời là được. Năm 2005, Diệu cất tiếng khóc chào đời, đến năm 2010, gia đình đón thêm cháu Tô Thị Hiền, là em gái của Diệu. Ngôi nhà nhỏ từ đó vang vọng tiếng cười, 2 vợ chồng nỗ lực làm việc hơn để lo cho con cái.

          Mọi thứ cứ thế êm đềm trôi, rồi đến năm 2014, sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, bố Diệu qua đời. Gánh nặng lúc ấy đè hết lên vai người mẹ, khi chị lớn mới chỉ 9 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi còn chưa cai sữa. “Lúc đấy cô khá tuyệt vọng, không biết mình có lo nổi cho 2 đứa không. Nhìn chúng nó, lại thấy thương, rồi mình lại quyết tâm hơn, phải cho con ăn học bằng người, còn mình dù có thiếu đói cũng được. Nghĩ được vậy, cô lại có thêm động lực để chiến đấu”, cô Nguyệt hồi tưởng lại.

Những công việc nhà như nấu ăn, rửa bát, quét nhà, giặt quần áo... được Diệu thực hiện mỗi ngày. Ảnh: Đình Minh

          Sau những ngày chồng rời xa nhân thế, cô Nguyệt vừa là mẹ, vừa là cha, làm đủ mọi việc, mọi nghề, từ buôn đồng nát, bán hàng cá, bán bún phở, phụ bếp ở khu du lịch… để có tiền lo cho 2 chị em. Là chỉ cả trong nhà, Diệu ý thức được trách nhiệm phải lo cho em mỗi lúc mẹ đi vắng. Vì vậy, mỗi khi tan học, với đồ ăn mẹ đã mua sẵn buổi sáng, Diệu sẽ nấu nướng cho em ăn. Thời gian rảnh, Diệu cũng dạy em học và dạy em cách nấu nướng, cắm cơm…

          “Từ khi bố mất, Diệu nó chưa từng được ăn ngon, cũng chưa từng được uống sữa. Biết mẹ khổ nên nó cũng cố gắng hơn để ăn học thành tài. Trước khi thi tốt nghiệp, nó nói sẽ cố gắng đậu trường tốt, có học bổng, sau ra ngành sẽ lo cho mẹ và em gái. Thấy con gái hiểu chuyện, nhiều lúc mình không kìm được nước mắt”, cô Nguyệt bộc bạch.

                      Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, nơi 3 mẹ con đã sinh sống gần 20 năm qua. Ảnh: Đình Minh

          Ước mơ làm cô giáo

          Suốt 12 năm đi học, Diệu chưa từng làm mẹ thất vọng khi đều đạt học sinh giỏi. Từ cấp 1, Diệu đã tỏ ra là một học sinh có tố chất về văn học khi được đi thi luyện viết chữ đẹp nhiều lần. Sang cấp 2, lớp 7 thì em đạt giải 3 môn văn cấp huyện; lớp 8 đạt thì đạt giải Nhì môn vật lý và Nhì môn văn cấp huyện. Đến lớp 9, Diệu bứt phá khi được đi thi cấp tỉnh môn văn và đạt giải Nhì. Kỳ thi vào 10, em đạt 41 điểm, hoàn toàn đủ năng lực để học trường THPT tốt nhất huyện Quảng Xương hoặc thậm chí là nếu thi, có thể đậu trường chuyên Lam Sơn. Nhưng rồi, biết cảnh nhà khó khăn, nếu học xa sẽ vô cùng tốn kém trong khi sức lực của mẹ có hạn nên cô gái ấy chọn học gần nhà, Trường THPT Quảng Xương 4.

                Việc học đối với Diệu diễn ra mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm. Ảnh: Đình Minh

          “3 năm học tại đây, Diệu được thầy đánh giá là học sinh ít nói, ngoan ngoãn, có năng lực quản lý lớp, học giỏi, đạt được giải Khuyến khích môn văn lớp 12. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tôi cũng như các thầy cô rất kỳ vọng ở Diệu vì thành tích trong các lần thi thử trước đó của em là rất tốt. Kết quả, em ấy đã không phụ niềm tin của mọi người. Có một học trò là thủ khoa toàn quốc, còn gì vui sướng hơn”, cô Nguyễn Thị Hè, giáo viên chủ nhiệm lớp 12D1 của Diệu cười nói.

                  Bà Uông Thị Khoát - 86 tuổi tự hào về cháu ngoại của mình. Ảnh: Đình Minh

          Chia sẻ về bí quyết học tập của bản thân, Diệu cho biết, đối với các môn xã hội, em thường nắm kiến thức cơ bản qua sách vở và tài liệu tham khảo. Lên lớp, em xác định phải học và hiểu kiến thức nên không ngại đặt nhiều câu hỏi cho thầy cô.

          “Trước ngày thi, em khá áp lực nên nhiều hôm ôn bài tới 3 - 4h sáng hoặc thậm chí không ngủ. Em nghĩ, việc kết hợp đề trên mạng và đề thầy cô giao là rất quan trọng, vì nó giúp học sinh thu thập thêm nhiều mảng kiến thức, sẵn sàng ứng phó được với mọi tình huống”, Diệu nói.

Ngôi trường THPT Quảng Xương 4, nơi nuôi dưỡng giúp ước mơ vào sư phạm của Diệu thành hiện thực. Ảnh: Đình Minh

          Về dự định tương lai, Diệu nói sẽ nộp hồ sơ nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội vì đây là ước mơ từ ngày cấp 2 của em. Cùng với đó, theo Diệu, khi học tại trường sư phạm sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí, được ưu tiên ở kí túc xá đối với các học sinh có thuộc hộ nghèo, cận nghèo như gia đình em nên em nghĩ, đây là lựa chọn khả dĩ với hoàn cảnh gia đình hiện tại.

                 Hai mẹ con Diệu gặp mặt PV tại Trường THPT Quảng Xương 4. Ảnh: Đình Minh

          Thầy Lê Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 4 cho biết: Sau 36 năm thành lập, đây là lần đầu tiên trường có thủ khoa. “Gia đình Diệu là hộ cận nghèo, em ấy có hoàn cảnh rất khó khăn khi mồ côi bố từ sớm, mẹ vất vả nuôi 2 chị em ăn học. Vượt lên gian khó, Diệu cố gắng học tập, rất nổi trội ở các môn khoa học xã hội. Là thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi của trường, Diệu được các thầy cô quan tâm, bồi dưỡng nên kiến thức của em ấy ngày một được nâng cao. Với vị trí thủ khoa, em ấy không chỉ mang lại thành tích cho bản thân mà còn giúp trường rất vinh dự và tự hào”, thầy Tuấn khẳng định.

           Sau khi học xong đại học, Diệu ước mơ sẽ trở về địa phương để làm cô giáo. Ảnh: Đình Minh

          Đình Minh (Đại đoàn kết)