ANH HÙNG TÔ NÀO


Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc trao bằng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của đồng chí Tô Nào cho người bạn đời của đồng chí - Ảnh: X.HIẾU

          Ngày 27/4/2010, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tổ chức trọng thể lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể và cá nhân vừa được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng. Liệt sĩ Tô Nào (Thanh Tấn) nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 85 được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong đợt này.

          Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc

          Đồng chí Tô Nào sinh ra trong một gia đình bần nông ở làng Phước Hậu, xã Bình Kiến (nay thuộc phường 9), TP Tuy Hòa, một làng quê giàu truyền thống cách mạng, đúng vào năm Đảng ta vừa được thành lập. Mười bảy tuổi, với sự dìu dắt của những đàn anh đi trước như Huỳnh Nựu, Đỗ Tương, Nguyễn Quốc Thoại, Nguyễn Chấn…, đồng chí giác ngộ và tham gia cách mạng tại địa phương. Năm 19 tuổi, đồng chí nhập ngũ vào Đại đội 377; 20 tuổi vinh dự đứng vào hàng ngũ những người Cộng sản. Năm 1954, sau hiệp định Geneve được ký kết, đồng chí Tô Nào tập kết ra Bắc, được Đảng, Nhà nước và quân đội phân công đi học sĩ quan lục quân ở Trung Quốc, sau khi ra trường về làm trợ lý huấn luyện Sư đoàn 324. Sau khi có Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, đồng chí Tô Nào là một trong 32 người con đầu tiên của Phú Yên tập kết ra Bắc xung phong trở về miền Nam chiến đấu và lần lượt nhận các trọng trách: Đại đội phó Đại đội 375; Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Huyện đội phó rồi Huyện đội trưởng Huyện đội Tuy Hòa kiêm Đại đội trưởng Đại đội 377; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 85.

          Ông Võ Văn Ký, nguyên Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 85 nói về người tiểu đoàn trưởng của mình năm xưa với lòng kính phục: Chúng tôi nghe nói nhiều về anh Tấn, anh Thanh Râu (tức đồng chí Tô Nào - PV) trước khi anh về làm tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 85. Anh từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Át Lăng khi ở Đại đội 377 (huyện Tuy Hòa) là một trong những đồng chí rất nhiệt tình, năng nổ, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc và được bầu là Chiến sĩ thi đua của Liên khu 5 năm 1953. Sau khi từ miền Bắc trở về Nam công tác, trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Phú Yên, anh đã đem hết kiến thức, kinh nghiệm học tập ở nước ngoài về góp phần tham gia xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng địa phương; khẩn trương tổ chức huấn luyện quân sự cho số thanh niên mới thoát ly để chuẩn bị thành lập đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh. Từ lúc còn là chiến sĩ Đại đội 377 đến Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 85, ở cương vị công tác nào anh Tấn cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Anh luôn thể hiện rõ tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, linh hoạt, sáng tạo, chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, kiên định vững vàng trong mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia cách mạng, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và binh vận, đưa phong trào cách mạng ngày càng phát triển, đồng chí Tô Nào đã trực tiếp chiến đấu, chỉ huy chiến đấu lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần lập nên những chiến công hiển hách, tô thắm trang sử vàng của lực lượng vũ trang Phú Yên.

          Những thành tích nổi bật

          Đồng chí Trần Văn Mười, nguyên trinh sát Tiểu đoàn 85 trong kháng chiến chống Mỹ, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nói về đồng chí Tô Nào cũng bằng tấm lòng thành kính, nể phục: “Đồng chí Tô Nào chỉ huy đánh trận rất tài tình, gần như “trăm trận trăm thắng”. Trước mỗi trận đánh, đồng chí thường đắp một mô đất làm mô hình trận địa và xác định rõ đâu là vị trí của địch, đâu là hướng tiến công của ta và hưóng dẫn cách đánh rất cụ thể, dễ hiểu”. Thành tích nổi bật đầu tiên của đồng chí Tô Nào được ghi trong sổ vàng truyền thống của lực lượng vũ trang Phú Yên là chỉ huy trung đội vũ trang của tỉnh mới thành lập (tháng 1/1961) tổ chức hoạt động ở Phước Lãnh (huyện Đồng Xuân) nhằm tiêu diệt lực lượng dân vệ, phá rã ngụy quyền xã, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Mặt trận dân tộc giải phóng, phát động quần chúng. Đợt hoạt động đã thu nhiều thắng lợi, trung đội vũ trang của tỉnh đã bao vây đánh đồn dân vệ Phước Lãnh buộc địch phải tháo chạy. Đây là trận đánh đầu tiên của lực lượng vũ trang Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ.

          Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang tỉnh, Tỉnh ủy chủ trương thành lập đại đội tập trung của tỉnh - Đại đội 375. Trên cương vị Đại đội trưởng, đồng chí Tô Nào đã thể hiện bản lĩnh của người chỉ huy “Vừa đánh vừa xây - Lấy súng giặc đánh giặc”, chỉ huy đánh hàng chục trận đạt hiệu suất chiến đấu cao. Như trận phục kích đánh địch ở Cây Đu - Đá Chẹt ngày 2/2/1961, ta tiêu diệt hai trung đội bảo an, thu 26 súng các loại và nhiều quân trang quân dụng. Thắng lợi của trận đánh có ý nghĩa chính trị to lớn làm nức lòng quân và dân trong tỉnh tin tưởng đến thắng lợi của cách mạng. Hay trận tập kích quận lỵ Củng Sơn ngày 19/6/1961 nhằm giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ lần thứ nhất, sau 20 phút chiến đấu ta làm chủ trận địa, tiêu diệt 50 tên, thu 47 súng các loại, đưa giáo sư Nguyễn Văn Hiếu và bác sĩ Phùng Văn Cung ra chiến khu. Trận tập kích tổng đoàn dân vệ ở Trại Cháy (xã Sơn Xuân, Sơn Hòa), tiêu diệt 57 tên, bắt sống 15 tên, thu 18 súng các loại…

          Từ  năm 1961 đến năm 1964, trên cương vị là Thường vụ Huyện ủy, Huyện đội trưởng kiêm Đại đội trưởng Đại đội 377, đồng chí Tô Nào đã vận dụng hết sức linh hoạt các chức trách của mình để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Với chức trách Đại đội trưởng, đồng chí đã tổ chức, chỉ huy đơn vị đánh 25 trận toàn thắng tiêu diệt các đồn bót, mở rộng vùng giải phóng, lấy vũ khí địch trang bị cho đại đội tập trung và lực lượng du kích. Trên cơ sở đó, phát triển lực lượng du kích, giữ vùng giải phóng, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang, tích cực tiến công địch bằng cả “hai chân, ba mũi giáp công”, góp phần đưa phong trào cách mạng của huyện Tuy Hòa lên thành cao trào sôi nổi, rộng khắp, đánh bại chiến dịch “Hải Yến” và kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược của địch. Trong ba tháng cuối năm 1963, có 379 lính ngụy đào rã ngũ, 545 tên ngụy quyền thôn, xã đầu thú nhân dân. Cũng trong thời gian này, Tuy Hòa được coi như là hậu phương của tỉnh: là nơi cung cấp nhân tài, vật lực cho tỉnh và cả chiến trường Khánh Hòa.

          Từ năm 1965-1967, với cương vị là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 85, đồng chí Tô Nào đã chỉ huy đánh 17 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn rơi hai máy bay phản lực F100D, một máy bay trinh sát L19, bốn máy bay trực thăng, thu nhiều vũ khí, trang bị của địch. Trong đó, trận tập kích ấp chiến lược Phú Cần ngày 15/7/1964, diệt gọn Đại đội 945 bảo an, một trung đội biệt kích, một tổng đoàn dân vệ, loại khỏi vòng chiến đấu 145 tên, giải phóng hơn 2.000 đồng bào bị địch dồn vào ấp chiến lược, giải phóng xã An Thọ. Trận phối hợp tiến công ba mục tiêu của địch ở Phú Mỹ, đồi A Mang, Sơn Chà ngày 20/11/1964, diệt gọn Đại đội 201 bảo an, giải phóng năm xã bắc Tuy An. Trận đánh một tiểu đoàn hỗn hợp của Trung đoàn 47 địch càn quét lên khu Nho Hạnh Lâm ngày 20/9/1965, loại khỏi vòng chiến đấu 50 tên, bắn cháy một xe M113, bắn hỏng hai chiếc khác. Trận đánh hai đại đội bảo an càn quét khu vực Thọ Vức (Hòa Kiến) ngày 5/10/1965, đánh thiệt hại nặng một đại đội, diệt 60 tên, bắn rơi hai máy bay phản lực F100D, một máy bay trinh sát L19, thu bốn khẩu 12,7 ly… Trận tập kích ấp chiến lược Hòa Đa đêm 4/12/1965, tiêu diệt một đại đội bảo an và năm trung đội dân vệ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên. Nhân dân nổi dậy phá tan ấp chiến lược Hòa Đa. Trận  đánh quân viễn chinh Mỹ tại đồi Động Chính, Động Gió, đồi Cây Gạo, diệt hơn 100 tên Mỹ, bắn rơi bắn hỏng bốn máy bay. Trận đánh cứ điểm đồi Ông Trợ ngày 16/5/1967, diệt gần hết hai đại đội lính Nam Triều Tiên loại khỏi vòng chiến đấu hơn 150 tên…

          Trong trận đánh chốt Hòn Bứa (xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân) ngày 27/12/1967, do công tác chuẩn bị của ta chưa kỹ, địch phát hiện và có chuẩn bị kỹ từ trước nên quân ta gặp nhiều khó khăn. Lần tập kích này, đồng chí Tô Nào đã mưu trí, linh hoạt chỉ huy đơn vị chiến đấu dũng cảm, kiên cường, kiên quyết tiêu diệt đồn địch, nhưng trận đánh không thành và đồng chí đã anh dũng hy sinh.

          Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, đồng chí Tô Nào được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng ba; Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhì, ba; Chiến sĩ thi đua Liên khu 5 (trong kháng chiến chống Pháp) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngày 23/2/2010, đồng chí được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

          Xuân Hiếu (Báo Phú Yên)