Bà Tô Thụy Diễm Quyên
Giáo viên phải nắm rõ mục tiêu, khung Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) thì mới có thể sáng tạo, “thoát ly” được sách giáo khoa (SGK). Ở chiều ngược lại, nếu phụ huynh không đồng ý việc giáo viên sáng tạo trong việc sử dụng SGK nghĩa là họ đang giới hạn quyền lợi của học sinh.
Đó là những chia sẻ của bà Tô Thụy Diễm Quyên - cố vấn giáo dục của Microsoft - Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và phát triển giáo dục Innedu (TP.HCM) với Báo Đồng Nai.
Không cho giáo viên sáng tạo ngoài SGK là hạn chế quyền lợi của học sinh
Thưa bà, giáo viên có quyền sáng tạo, không lệ thuộc vào SGK trong quá trình giảng dạy. Đó là ý kiến của các chuyên gia giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng cho phép điều này, đặc biệt trong thực hiện Chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, khi tiếp nhận thông tin này, nhiều phụ huynh lập tức phản ứng bằng câu hỏi: Vậy SGK dùng để làm gì?
Đầu tiên, SGK mang đến lợi ích là giáo viên dựa vào đó để “lấy” được khung, sườn, mục tiêu và phương pháp dạy học. Còn nguyên liệu dùng để dạy học, truyền tải mục tiêu kiến thức, năng lực mà mỗi bài học đề ra thì giáo viên có thể tự sáng tạo. Chẳng hạn, với môn Tiếng Việt, nếu trong sách dùng nhiều từ ngữ địa phương mà học trò không hiểu thì cô có thể tìm những từ ngữ khác có nghĩa tương tự để thay thế.
Nhiều kiến thức trong sách sẽ nhanh chóng bị lạc hậu theo thời gian. Vì vậy, giáo viên không nên phụ thuộc SGK mà nên đi vào thực tiễn, phải dạy học vừa đảm bảo khoa học, vừa đảm bảo thực tiễn.
Theo tôi, nếu không đồng ý việc giáo viên sáng tạo trong sử dụng SGK tức là phụ huynh đang giới hạn quyền lợi của con họ. Bởi vì nhiều khi dữ liệu, các ví dụ trong sách chưa đủ thì giáo viên phải lấy thêm dữ liệu bên ngoài.
Ví dụ, khi tôi còn là giáo viên dạy môn Hóa học ở trường trung học cơ sở (THCS), đến bài Dầu mỏ, trong SGK có hình vẽ cấu trúc của 1 túi dầu dùng để minh họa. Tấm hình này rất đơn sơ. Để học sinh dễ hiểu hơn, tôi đã lên mạng để tìm kiếm 1 video về khai thác dầu mỏ bằng tiếng Iran. Khi xem video đó, học sinh rất thích. Rõ ràng, tôi vẫn dạy về “dầu mỏ” nhưng không sử dụng nguyên liệu SGK cung cấp mà tự tìm kiếm một nguyên liệu khác hiệu quả hơn.
Tuy vậy, nếu giáo viên chưa đủ độ sáng tạo thì sẽ sử dụng nguyên xi những nguyên liệu mà SGK cung cấp.
Theo bà, có thể phân chia mức độ sáng tạo của giáo viên khi sử dụng SGK như thế nào?
Theo tôi, có thể đưa ra 5 mức sử dụng SGK, tùy vào năng lực, sức sáng tạo của giáo viên như sau:
Mức 1, mức an toàn nhất, là “bê” nguyên xi SGK. Tức là SGK có gì thì dùng nấy. Giáo viên chỉ sáng tạo trong cách tổ chức hoạt động hoặc bố cục lại nội dung.
|
Giáo viên Trường THCS THiện Tân (H.Vĩnh Cửu) đang hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm. |
Mức 2, giáo viên sử dụng nguyên nội dung trong SGK, chỉ thay một chút “nguyên liệu” (chẳng hạn như các ví dụ, dẫn chứng); hoặc thay thế một vài chi tiết tương đương với chi tiết đã có trong sách.
Mức 3, giáo viên sử dụng đúng kế hoạch giảng dạy nhưng thay luôn nội dung lớn, tức là bài học khác, miễn là đáp ứng được khung chương trình. Lúc này, việc thay thế nội dung của giáo viên cần sự cho phép của tổ chuyên môn. Ở đây không phải tổ chuyên môn giới hạn giáo viên mà là hỗ trợ để giáo viên lựa chọn đúng, đủ hàm lượng kiến thức, kỹ năng mà học sinh cần đạt được theo khung chương trình.
Mức 4, giáo viên sáng tạo đến mức tích hợp kiến thức nhiều môn học để tạo thành chủ đề tích hợp liên môn, dự án học tập.
Mức 5, nghiên cứu khoa học. Đối với mức độ này, SGK chỉ là một trong các kênh để tham khảo.
Cần phân biệt Chương trình giáo dục phổ thông với SGK
Vậy muốn “thoát ly” SGK, giáo viên cần phải làm gì, thưa bà?
Trước tiên, giáo viên cần phải nắm rất rõ mục tiêu, khung Chương trình GDPT. Đó chính là khung sườn mà giáo viên bám vào để phát triển nội dung dạy học. Hơn ai hết, giáo viên cần phải phân biệt được mục tiêu, khung Chương trình và sách giáo khoa. Từ mục tiêu của GDPT, Bộ GD-ĐT mới ban hành khung Chương trình. Các nhà biên soạn SGK dựa vào khung Chương trình này để viết SGK.
Tôi thường xuyên tập huấn cho giáo viên ở nhiều tỉnh, thành và nhận thấy số lượng người nắm rõ mục tiêu, khung Chương trình GDPT chưa nhiều. Vì không hiểu rõ nên không sáng tạo được; thậm chí họ không dám thay đổi thứ tự, cấu trúc của bài học. Từ đó, nhiều người dạy một cách máy móc…
Muốn sáng tạo, “thoát ly” SGK, giáo viên thậm chí phải biết cả mục tiêu, khung Chương trình của những môn học khác để có thể tích hợp kiến thức cho học sinh trong mỗi bài học.
Hiện nay, giáo viên đang hiểu về Chương trình GDPT mới một cách máy móc chứ chưa nhìn thấy được lộ trình phát triển của chương trình qua từng lớp học, bậc học; họ không tìm được điểm logic, liên kết giữa các bài học với nhau. Do đó, họ khó có thể tạo được chủ để tích hợp trong dạy học.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục tập huấn các module tiếp theo để thực hiện Chương trình GDPT mới. Theo tôi, chính hình thức tập huấn cũng cần được cải thiện để lôi cuốn, hấp dẫn giáo viên hơn. Điều này không chỉ giúp họ tiếp thu tốt nội dung tập huấn mà còn tạo động lực để họ tìm hiểu kỹ hơn về chương trình GDPT mới.
Theo bà, các tổ, nhóm chuyên môn có vai trò như thế nào trong sự sáng tạo của giáo viên?
Chương trình GDPT mới được thiết kế theo hướng mở. Bộ GD-ĐT không quy định cụ thể số tiết học trong từng buổi, từng tuần cho mỗi môn học mà chỉ quy định tổng thời gian cả năm cho mỗi môn học. Do vậy, nhà trường được quyền chủ động xây dựng kế hoạch cho cả năm học. Các tổ chuyên môn trực tiếp tổ chức xây dựng kế hoạch dạy học cho từng môn. Việc lập kế hoạch phải dựa vào mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các môn học quy định trong chương trình (không phải là dựa vào SGK). Đồng thời, kế hoạch này cũng phải phù hợp với đặc điểm học sinh, các điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường.
Rõ ràng, giáo viên là người trực tiếp soạn giảng, lên lớp và có quyền sáng tạo nhưng đòi hỏi họ phải vững về năng lực chuyên môn. Trách nhiệm, sứ mệnh của tổ nhóm chuyên môn là hỗ trợ đề giáo viên làm được điều đó.
Xin cảm ơn bà!
Hải Yến (Báo Đồng Nai)
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, chúc tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương
- Phát triển Gia Lai trở thành tỉnh khá của khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên
- Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới
- KỶ NIỆM SÂU NẶNG VỚI ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN TÔ QUYỀN
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Đội ngũ trí thức, nhà khoa học tạo bứt phá mạnh mẽ cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững đất nước
- Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số
- Chàng trai không chân Tô Đình Khánh nhận mức lương khủng nhờ câu chuyện truyền cảm hứng
- Tô Kim Hồng, người đẹp cải lương một thời trở lại sàn diễn
- Quân đội nhân dân Việt Nam - Niềm tự hào dân tộc
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- Đất nước và người mẹ trong thơ Tạ Hữu Yên
Hôm nay : 237
Tháng hiện tại : 20195
Tổng lượt truy cập : 2793993