Đề xuất Quốc hội xem xét ban hành chính sách bảo hiểm lũ lụt


Đại biểu Tô Ái Vang đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xem xét ban hành chính sách bảo hiểm lũ lụt. Ảnh: Phạm Thắng

          Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang đề nghị sớm nghiên cứu, xem xét ban hành chính sách bảo hiểm lũ lụt.

          Chiều 4.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận phiên toàn thể về tình hình kinh tế - xã hội.

          Phát biểu ý kiến, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) kiến nghị 5 vấn đề trước tác động ngày càng sâu sắc của biến đổi khí hậu.

          Thứ nhất, Chính phủ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xem xét ban hành chính sách bảo hiểmlũ lụt.

          Thứ hai, đại biểu bày tỏ ủng hộ việc Chính phủ bổ sung đầu tư ngân sách cho 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và tỉnh Thanh Hóa để hỗ trợ khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống người dân; đồng thời đề nghị Chính phủ ưu tiên, quan tâm cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là thông qua hợp tác quốc tế.

          Thứ ba, phân công bộ, ngành chuyên môn tiến hành khảo sát, lập báo cáo về bản đồ, xác định, đánh giá những nơi có địa chất không ổn định để tiến đến phương án quy hoạch, cảnh báo nghiêm ngặt. Nghiên cứu đưa ra những quy chuẩn riêng trong thiết kế xây dựng phù hợp với địa chất, địa hình.

          Thứ tư, hiện nay, các quốc gia trên thế giới đã triển khai việc thu hoạch nước mưa. Vì thế, đại biểu đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn thuộc các bộ, ngành liên quan phân tích, đánh giá và ban hành các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy mô và điều kiện thích hợp ở từng vùng trong việc tích trữ và sử dụng nước mưa làm cơ sở để người dân an tâm thực hiện.

          Thứ năm, Đồng bằng sông Cửu Long rất cần Chính phủ, Quốc hội tạo cơ chế, chính sách tiếp sức mạnh mẽ hơn nữa, giúp cho vùng khơi thông dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để tạo ra bước đột phá trong đầu tư và phát triển trong thời gian tới.

                             Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà. Ảnh: Phạm Thắng

          Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) cho biết, thời gian qua, đất nước ta đã hứng chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, trong đó có cơn bão số 3 (Yagi) và cơn bão Trà Mi.

          Theo nữ đại biểu, Quảng Ninh là nơi tâm bão đi qua đã để lại khung cảnh hoang tàn, đổ nát; nhà máy, công trường, xí nghiệp đình trệ; nhiều ngôi nhà bị ngập, sập, chìm trong dòng nước lũ.

          Đại biểu cho rằng, sau khi những cơn bão đi qua, còn rất nhiều vướng mắc. Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo rốt ráo hơn nữa để khắc phục, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

          Hiện nay, các quy định, cơ chế, chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai được ban hành từ giai đoạn trước, chưa được cập nhật đầy đủ các đối tượng chịu ảnh hưởng cần được hỗ trợ; nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ còn thấp so với thiệt hại to lớn do cơn bão số 3 gây ra.

          Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề, xây dựng đề án tái thiết nền kinh tế sau bão.

          Thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, người dân bị ảnh hưởng thiệt hại; ưu tiên bố trí nguồn lực để sớm khắc phục các sự cố, hư hỏng về hệ thống giao thông, đê điều, hồ chứa thủy lợi.

          Đại biểu đoàn Quảng Ninh cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp để khôi phục sản xuất, cơ chế trục vớt tàu, thuyền bị đắm do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo an toàn trước những ảnh hưởng của thiên tai.

          Nhóm PV Báo Lao Động