NGƯỜI PHÁT TRIỂN LỐI ĐÁNH “ĐƯA PHÁO LÊN CAO, VÀO GẦN, BẮN THẲNG”


Đưa pháo “vào gần, bắn thẳng” là cách đánh truyền thống của Pháo binh Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Nhưng thời kỳ đó ta mới chỉ được trang bị loại pháo mang vác, chủ yếu là sơn pháo 75mm Nhật, trọng lượng mỗi khẩu khoảng 250kg, có thể tháo rời thành 4 bộ phận, mỗi bộ phận nặng dưới 100kg, dùng 4 người để khiêng một bộ phận khi hành quân và chiếm lĩnh trận địa. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo binh đã có lựu pháo 105mm Mỹ, hành quân và chiếm lĩnh trận địa phải dùng xe kéo (gọi là pháo xe kéo) và chủ yếu dùng lối bắn gián tiếp.

Đến kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Miền Nam, từ năm 1965 pháo binh ta đã có nhiều pháo xe kéo: lưu pháo 105mm Mỹ, lựu pháo 122mm Liên Xô, pháo nòng dài 85mm Liên Xô. Mỗi khẩu nặng trên dưới 2 tấn. Sau này còn có pháo nòng dài 122mm và 130 mm kéo bằng xe xích hoặc xe KRA3. Do hạn chế về đường xá, xăng dầu và đạn dược lại thường dùng lối bắn  gián tiếp, nên pháo xe kéo mấy năm đầu chưa phát huy được tác dụng.

Thiếu tá Tô Thuận quê ở thôn Thái Hòa, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, năm 1967 được điều vào chiến trường Tây Nguyên (B3) lúc đầu là Trung đoàn trưởng pháo binh, sau làm Chủ nhiệm pháo binh mặt trận dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh Hoàng Minh Thảo.

 Đầu năm 1972, thực hiện cuộc Tổng tiến công chiến lược toàn Miền,  mặt trận Tây Nguyên mở chiến dịch Xuân Hè. Trận mở màn là tấn công Tân Cảnh, nơi đóng quân của Trung đoàn 42, Sư đoàn 22 bộ binh ngụy. Trận này ta sử dụng 2 trung đoàn pháo xe kéo (40 và 675, trang bị các loại pháo lựu 122mm, pháo nòng dài Đ74 – 122mm và súng cối 160mm), 1 tiểu đoàn pháo nòng dài 85mm, 1tiểu đoàn pháo cao xạ 37 mm, 1đại đội tên lửa chống tăng B72, 1 tiểu đoàn xe tăng T54. Có hỏa lực mạnh, trận địa bố trí hiểm hóc, lại xuất hiện vũ khí mới B72 gây bất ngờ cho kẻ địch nên trận đánh thắng lợi ròn rã, đánh chiếm Đắc Tô - Tân Cảnh, tiêu diệt bắt sống toàn bộ trung đoàn 42 quân ngụy.

Nhân thắng lợi Đắc Tô - Tân Cảnh, Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định tấn công tiêu diệt Bến Hét - Plây Cần lần thứ ba. Lần này sử dụng số pháo đạn nhiều hơn và có cả xe tăng PT 76. Nhưng trận đánh khó khăn, thương vong nhiều mà không dứt điểm.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh mặt trận phát động một đợt sinh hoạt quân sự dân chủ, tìm cách đánh mới, tiêu diệt địch trong công sự vững chắc. Chi bộ Phòng Pháo binh bàn bạc thấy vừa qua sử dụng nhiều pháo đạn, nhưng đều là bắn gián tiếp, không phá được công sự vững chắc nên địch vẫn cố thủ và phản công. ĐKZ đi cùng bộ binh bắn trực tiếp nhưng đều bắn với góc tà dương, kém hiệu quả. Và đi đến kết luận là: đưa pháo xe kéo lên cao, ngang hoặc hơn độ cao mục tiêu, bắn ngắm trực tiếp ở cự ly gần để phá hủy lô cốt và công sự của địch.

Ngày 11-10-1972, ta tiến công Plây Cần lần thứ tư. Trung đoàn pháo binh 40 chi viện cho trung đoàn bộ binh 66 cùng xe tăng tiến công tiêu diệt địch. Trung đoàn tổ chức tháo pháo, khiêng và kéo 2 khẩu pháo lựu 105mm và 2 khẩu pháo nòng dài 85mm lên cao, bắn ngắm trực tiếp cự ly 1200m đến 1700m, bắn sập hầu hết lô cốt, công sự của địch, chi viện cho bộ binh, xe tăng đánh chiếm hoàn toàn cụm cứ điểm.

Sau trận đánh thắng ở Plây Cần, cách dùng pháo xe kéo “lên cao, vào gần, bắn thẳng” đã được vận dụng để tiêu diệt gọn một loạt cứ điểm: Đắc Siêng, Đắc Pét, Chư Nghé, Đức Cơ…

Cuối năm 1972, Thượng tá Tô Thuận được điều về làm Chủ nhiệm (Trưởng phòng) Pháo binh Quân khu 5 dưới quyền chỉ huy của đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu.

Giữa năm 1974, Quân khu mở đợt hoạt động lớn. Lối đánh “đưa pháo lên cao, vào gần, bắn thẳng” của Tây Nguyên đã được ông Tô Thuận đưa sang vận dụng ở Quân khu 5 thu nhiều thắng lợi. Điển hình là trận đánh cứ điểm Nông Sơn.

Nông Sơn là một cứ điểm có từ năm 1963. Cứ điểm ở trên điểm cao 380m, có công sự hầm ngầm kiên cố, đường vào hiểm trở, lại có sông Thu Bồn bao quanh. Nguyễn Văn Thiệu đã từng khoác lác: “Việt Cộng mà đánh được Nông Sơn thì nước sông Thu Bồn chảy ngược”.

Ta đã hai lần tiến công Nông Sơn nhưng thương vong nhiều mà không dứt điểm. Lần này ngoài tiểu đoàn lựu pháo 122mm chi viện chung (bắn gián tiếp) ta đã khắc phục mọi khó khăn, tháo rời 2 khẩu pháo nòng dài 85mm, khiêng kéo lên dãy An Châu Đao cao 420m, bắn trực tiếp ở cự ly tương đối gần 2000m và 4000m (vì không có điểm cao nào gần hơn). Ngoài ra còn dùng súng cối 160mm bắn phá hủy công sự. Trận đánh diễn ra ngày 18-7-1974, đồng chí Tư lệnh Quân khu trực tiếp theo dõi, quan sát pháo bắn vào từng mục tiêu. Kết quả đã phá hủy 38/41 lô cốt và hàng loạt hỏa điểm tiền duyên. Sau đó tập trung hỏa lực pháo binh, súng cối bắn vào trung tâm, bảo đảm cho bộ binh xung phong tiêu diệt địch. Trận đánh diễn ra theo đúng kế hoạch, tiêu diệt và bắt sống 2 tiểu đoàn địch, giải phóng và đưa được hơn một vạn dân trong hệ thống ấp chiến lược Trung Phước về quê cũ. Đồng chí Mai Thuận, Phó chính uỷ sư đoàn 2 bộ binh xúc động nói: “Tô Thuận ơi, hai lần trước thương vong hơn 400 mà không dứt điểm, lần này tốt quá, thương vong có hơn 10 người”. Đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu trực tiếp quan sát trận đánh đã khen: “Pháo binh táo bạo, độc đáo, bắn giỏi bảo đảm cho bộ binh xung phong tiêu diệt gọn 2 tiểu đoàn bộ binh địch trong công sự vững chắc”. Đồng chí còn nói vui: “Tôi sẽ thưởng cho mỗi cán bộ, chiến sĩ pháo binh trong trận đánh này một bát phở và một vé vào xem bóng đá ở sân Hàng Đẫy, nhưng… để đến khi về Hà Nội”.

Cuối năm 1976, ông Tô Thuận được điều về Bộ Tư lệnh Pháo binh, bổ nhiệm làm Tham mưu phó rồi Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng binh chủng, được thăng quân hàm Thiếu tướng. Năm 1988, ông nghỉ hưu. Ông mất ngày 22-4-2011, hưởng thọ 86 tuổi.

Bài viết có sử dụng tư liệu trong Hồi ký

của Thiếu tướng Tô Thuận

Đại tá: Tô Bỉnh