Để dòng Tô thắm xanh (Bài dự thi 70 năm giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào)


                                Cảnh quan sông Tô Lịch ngày nay. Ảnh: Nguyễn Văn Học

          Thủ đô Hà Nội trầm tích nghìn năm với nhiều điều kỳ diệu. Tô Lịch - nhánh của sông Hồng hội tụ trong mình nhiều vẻ đẹp. Qua thời gian, con sông đậm chất thơ biến đổi nhiều, song giá trị thì nguyên vẹn. Trong tương lai không xa, cùng những nỗ lực của thành phố Hà Nội, Tô Lịch hoàn toàn có thể trở thành con sông gắn với du lịch, văn hóa.

          Bài đầu: Sông nhắn nhủ về những giá trị

          Dẫu có khúc chỉ còn dấu tích, có đoạn đã thành phố phường, nhưng Tô Lịch vẫn uốn mình chảy qua bao phố, qua bao làng để hội tụ với sông Nhuệ, sông Đáy. Trong ký ức người Hà Nội, dòng sông từng đi vào thơ ca vẫn đang nhắn nhủ rất nhiều điều về những giá trị xa xưa, hôm nay và cả mai sau.

          Nghìn năm hội tụ

          Yêu Hà Nội, tôi thương cả những con sông chảy qua lòng thành phố. Nhất là Tô Lịch, con sông gắn bó với biết bao thế hệ người dân mà cứ mỗi lần đi qua, trong lòng lại ùa về bao nỗi niềm.

          Theo sử sách xưa, Tô Lịch vốn là một phân lưu của sông Hồng, đưa nước từ sông Hồng sang sông Nhuệ. Cửa sông Tô xưa nằm ở khu vực phố Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm), dẫn nước lên khu vực phố Hàng Lược (Cống Chéo), men theo đường Phan Đình Phùng (phía ngoài mặt Bắc thành Hà Nội) rồi chảy dọc theo hai phố Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám đến đường Bưởi và gặp sông Tô Lịch (lộ thiên).     Trước thế kỷ XI, sông Tô có hai cửa khẩu, cửa thứ nhất nối với sông Hồng gọi là Hà Khẩu (Giang Khẩu) và cửa thứ hai nối với hồ Tây gọi là Hồ Khẩu.

          Trong nhiều tài liệu địa chí, lịch sử đều viết rằng, sông Tô là một tuyến đường sông quan trọng, hằng ngày người dân đánh cá, vận chuyển hàng hóa từ sông Hồng tỏa đi các nơi. Sông Tô bao quanh kinh đô Thăng Long xưa, là một cạnh của “Tứ giác nước Thăng Long”. Sông Tô có giá trị về mặt giao thông đường thủy và gần như là ranh giới tự nhiên của kinh thành Thăng Long. Vào thời Nguyễn, Tô Lịch vẫn còn là một dòng sông quan trọng. Theo biến đổi tự nhiên, sông Hồng dần chuyển dòng sang phía tả ngạn, cửa sông Tô bị bồi tụ dần, nước sông Hồng không vào được, dần dần sông Tô mất đi vị thế đường thủy của mình. Năm 1889, người Pháp lấp một phần sông để quy hoạch ra 36 phố phường. Hiện nay, men theo đường Hoàng Hoa Thám và Thụy Khuê vẫn còn dấu tích, là những đoạn kênh nhỏ...

          Tô Lịch ngày nay bắt đầu từ đầu đường Hoàng Quốc Việt, chảy cùng hướng với đường Láng và đường Kim Giang về phía nam tới sông Nhuệ. Đến cầu Tó (địa phận xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì), sông chia hai nhánh, nhánh phụ nối vào sông Nhuệ (đoạn xã Hữu Hòa), nhánh chính đi men theo xã Tam Hiệp, thị trấn Văn Điển, xã Vĩnh Quỳnh, xã Ngũ Hiệp, xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì), rồi tiếp tục đổ về huyện Thường Tín qua các xã Duyên Thái, Nhị Khê, Nguyễn Trãi, rồi lại “gặp” sông Nhuệ ở thôn Quần Hiền, xã Hòa Bình.

                       Cổng làng Lủ, quận Hoàng Mai nhìn ra sông Tô Lịch. Ảnh: Nguyễn Văn Học

          Địa danh quan trọng nhất bên bờ là ngã ba sông Thiên Phù - Tô Lịch có bến Hồng Tân (vùng chợ Bưởi bây giờ), trên đường từ Hoa Lư về thăm quê ở Cổ Pháp, vua Lý Công Uẩn đã dừng thuyền và nhận ra thế đất “dựng nghiệp đế vương cho muôn đời”. Và cũng chính tại đây, mùa thu năm Canh Tuất (1010), các thuyền ngự với chiến thuyền cùng bá quan văn võ hộ tống vua Lý Thái Tổ từ Hoa Lư (Ninh Bình) đã ngược dòng cập bến Đại La, tức bến Hồng Tân. Dân vùng Bưởi đón nhà vua với lụa là, gấm vóc và nhiều sản vật quý, sau được nhà vua ban tặng tên làng Nghĩa Đô và Bái Ân. Từ ngày Lý Thái Tổ định đô Thăng Long và trải qua các triều Lý - Trần - Lê, sông Tô Lịch có một sức sống mạnh mẽ, phong phú.

          Hiền hòa làng cổ

          Xuôi theo sông là rất nhiều làng cổ, di tích cổ. Vùng Bưởi xưa (ở phía Tây Bắc Thủ đô) có nhiều làng nghề, trong đó có hai nghề thủ công nổi tiếng là dệt lĩnh (làng Bái Ân, Trích Sài) và làm giấy dó (làng Hồ Khẩu, Yên Thái). Không biết nghề làm giấy dó ở vùng này xuất hiện từ bao giờ, nhưng khi xuất hiện ở Yên Thái thì phát triển mạnh mẽ. Đất xưa giờ là phường Bưởi, gồm 6 làng cổ: An Thọ, An Thái, Hồ Khẩu, Ðông Xã, Võng Thị, Trích Sài. Bây giờ, những làng nghề thủ công nổi tiếng một thời chỉ còn tồn tại trong trí nhớ và những di tích lịch sử còn lại.           Người dân phường Bưởi tự hào, dù đô thị hóa đã làm bộ mặt các làng cổ biến đổi nhưng hiếm có nơi nào trong thành phố còn có đủ các loại hình di tích lịch sử, từ đình, chùa đến am, miếu, đền, văn chỉ, trong đó có nhiều di tích gắn với lịch sử triều đại nhà Lý như chùa Thiên Niên, đình Trích Sài...

          Vì vùng Bưởi có nghề dệt lĩnh cổ, nên có câu: “The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên”. Trai làng Bưởi xưa chịu khó với nghề làm giấy, dáng đi của anh nào cũng vẹo một bên do gánh nguyên vật liệu làm giấy. Bởi thế mới có câu ca dao: “Giã nay rồi lại giã mai/ Ðôi chân tê mỏi, dó ơi vì mày/ Xeo đêm rồi lại xeo ngày/ Ðôi tay tê buốt vì mày giấy ơi!”.

                               Di tích chùa Bằng bên dòng sông Tô Lịch. Ảnh: Nguyễn Văn Học

          Bên sông Tô, vùng Nhân Mục xưa có tên nôm là Kẻ Mọc. Vùng Kẻ Mọc gồm 7 làng: Thượng Đình, Hạ Đình, Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Khoang, trong đó, 5 làng Mọc gồm Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Khoang đã kết chạ. Sau này, 2 làng Cự Lộc và Chính Kinh được sáp nhập thành làng Cự Chính. Ngày nay, các làng Giáp Nhất, Cự Chính, Quan Nhân thuộc phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân), còn làng Phùng Khoang thuộc phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm). Tuy nhiên, lễ hội 5 làng Mọc (diễn ra từ mùng 10 đến 12 tháng Hai âm lịch) vẫn được tổ chức, các làng thay phiên đăng cai.

          Ở bên này sông, làng Láng với đặc trưng thổ nhưỡng và nguồn nước khiến nhiều loại rau gia vị được trồng cho hương vị thơm ngon đặc biệt, trong đó quý nhất là rau húng. Húng Láng có húng thơm, húng lủi và húng dổi. Nhưng nói đến húng Láng, thường là nói đến cây húng thơm, thứ rau hàng đầu trong các loại rau gia vị.

          Xuôi xuống nữa là Kẻ Lủ theo phiên âm Hán - Việt là Kim Lũ, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Từ khi lập làng đến đầu thế kỷ XX, Kim Lũ có 5 người đỗ Tiến sĩ và 15 người đỗ Trung khoa. Khai khoa cho làng là Hồng Hạo (1677-1748), đỗ Tiến sĩ năm 1710. Tiếp đó là Nguyễn Công Thái (1684-1758), Nguyễn Văn Siêu (1799- 1872) đỗ Tiến sĩ năm 1815. Kế đến là Nguyễn Trọng Hợp (1834- 1902) và Nguyễn Sĩ Cốc (1888-?). Những người đỗ đại khoa của Kim Lũ đều giữ chức vụ quan trọng trong các triều đình phong kiến và có đóng góp lớn cho đất nước. Đặc biệt là "thần Siêu" tức Nguyễn Văn Siêu.

                 Đền thờ tiên triết Chu Văn An ở làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Ảnh: Nguyễn Văn Học

          Vùng Thanh Liệt, Hoàng Liệt gắn liền với danh tướng Phạm Tu, võ tướng trong cuộc khởi nghĩa Lý Bí (thế kỷ VI). Nơi đây còn là quê hương nhà hiền triết, danh nhân văn hóa Chu Văn An (1292-?). Ở làng Cung Hoàng (Thanh Liệt) xưa, bên bờ sông Tô, Chu Văn An đã từng mở trường dạy học.

          Đền thờ tiên triết Chu Văn An ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1989. Đền được xây dựng năm Ất Dậu (1765). Suốt những năm qua, đình không ngừng được trùng tu. Hiện nay, ngôi đình được xây dựng với quy mô Thủy đình, Đại bái, Trung cung, Hậu cung, Tả - Hữu vu. Đối diện với đền thờ Chu Văn An, bên này sông Tô là miếu Xạ Can (miếu trừ nạn hạn hán), gọi Nôm là miếu Gàn, thờ người học trò thủy thần của Chu Văn An. Nghe lời thầy, người học trò này đã dùng bút mực cầu đảo trời mưa chống hạn, cứu lúa cho cả vùng. Truyền thuyết về người học trò thủy thần đã trở thành tín ngưỡng văn hóa của dân cả vùng.

(Còn nữa)

          Nguyễn Văn Học (Hanoimoi)