(CATP) L.T.S:Thời gian vừa qua, trên một tờ báo phụ san có bài viết về thiếu tướng C.T, người có mặt trong dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, lúc Tổng thống Việt Nam cộng hòa (VNCH) Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng (lúc ấy ông C.T là đại tá). Bài báo cho rằng ông C.T là người thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, theo chỉ thị của tướng Nguyễn Hữu An - Tư lệnh Quân đoàn 2, đơn vị chiếm lĩnh dinh Độc Lập. Đây có thể có sự nhầm lẫn đáng tiếc của người viết bài về tướng C.T, bởi tác giả của “Bản thông cáo số 1” lại là người khác.
Ông Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí) sinh năm 1925 ở Gò Công. Cách mạng tháng Tám thành công, ông hoạt động trong ngành tình báo, từng giữ chức vụ Trưởng chi quân báo đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1953, ông được cài vào hoạt động bí mật trong Nha Công an tỉnh. Năm 1962, bị lộ, ông thoát ra chiến khu, tiếp tục hoạt động quân báo. Năm 1975, khi đang học Học viện Quân sự cao cấp ở Hà Nội, ông được đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cử vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 26-4-1975, ông bí mật vào nội thành Sài Gòn, ở nhà điệp viên mang bí số H.3 (tức Nguyễn Văn Lễ, nguyên Chủ tịch Ủy ban thương binh xã hội Hạ viện VNCH) để trực tiếp chỉ đạo các điệp viên đang hoạt động trong lòng địch. Đơn vị do ông chỉ huy là Đoàn J.22, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Trong đơn vị này có các nhà tình báo nổi tiếng như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Văn Lễ (Ba Lễ), Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Lê Văn Vĩnh (Bảy Vĩnh), kỹ sư Tô Văn Cang.
Thiếu tướng tình báo Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí, bên phải) và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang)
Ảnh do nhân vật cung cấp
Ngay sau khi vào Sài Gòn, ăn tối xong, Sáu Trí tranh thủ nhờ H.3 đưa đi gặp H.1 (tức Trần Bá Thành, nguyên Giám đốc Công an Nam Việt) lúc này ở khách sạn Hoàng Gia chỉ đạo một số công việc sau khi chiến dịch thắng lợi. Hôm sau, lần lượt gặp đại tá Lộc, đại tá Lê Quang Hiền, đại tá Đỗ Tấn Đức và một số cơ sở khác.
Trưa 28-4-1975, Sáu Trí đang đọc báo trên gác nhà H.3 khu Nguyễn Tri Phương - Chợ Lớn thì con của H.3 xuống kiểm tra xem khách lạ là ai. Một lát sau, H.3 lên báo cáo cho biết đó là kỹ sư Tô Văn Cang thuộc cụm A.24 của Hai Thắng, còn kỹ sư Giàu là cơ sở trí vận. Vậy là gặp được. Khi Sáu Trí và H.3 xuống phòng khách, kỹ sư Tô Văn Cang chào và tự giới thiệu anh và con trai đều hoạt động trong cụm A.24, xin lỗi vì đến gặp là vi phạm nguyên tắc bí mật, nhưng vì công việc khẩn cấp nên phải đến (do cụm trưởng Hai Thắng cho biết chỗ ở). Việc khẩn cấp đó là việc ông Dương Văn Minh nhờ Nguyễn Văn Diệp - Tổng trưởng Tài chánh trong nội các, là bạn thân của kỹ sư Cang - đi tìm đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng cấp trung ương để thương lượng. Diệp nhờ anh Cang đi tìm người đại diện này. Cang giải thích việc tướng Minh tìm người của ta vì trong nội các có hai phe, một phe chủ hòa chịu thương lượng để kết thúc chiến tranh với bất cứ giá nào, một phe chủ chiến do Nguyễn Bảo Kiếm cầm đầu, chủ trương tử thủ, kéo dài chiến tranh. Phe chủ hòa do Nguyễn Văn Diệp cầm đầu rất có ảnh hưởng với Dương Văn Minh. Sáu Trí trả lời ngay với kỹ sư Cang là anh vào đây với công việc riêng của ngành chớ không đại diện cho cách mạng, còn nếu Dương Văn Minh muốn gặp Chính phủ cách mạng lâm thời thì đến cơ quan đại diện bốn bên tại Tân Sơn Nhất, ở đó luôn có người thường trực. Kỹ sư Cang chuyển câu hỏi thứ hai của ông Diệp là trong hoàn cảnh bức bách thì nội các Dương Văn Minh nên xử trí thế nào thì Sáu Trí trả lời thêm: “Đại tướng Dương Văn Minh là một nhà quân sự có thừa khả năng để đánh giá tình thế trước mắt của Sài Gòn đang bị các quân đoàn Quân giải phóng bao vây, nhân dân Sài Gòn sẵn sàng xuống đường khởi nghĩa, pháo binh Quân giải phóng sẵn sàng đập nát mọi sự đề kháng và đã bắn cảnh cáo vào phi trường Tân Sơn Nhất. Quân đội Sài Gòn không còn lực lượng chống đỡ. Mỹ đã rút quân do bị thất bại và bị áp lực phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ, nên Mỹ không thể đưa quân trở lại và cũng không còn thời gian để tiếp cứu Sài Gòn. Các ông đừng có ảo tưởng về sự cứu viện của Mỹ cũng như bất kỳ một cường quốc nào. Quân dân Việt Nam sẽ đập tan mọi sự đề kháng. Sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn tính từng ngày, từng giờ. Chính phủ Dương Văn Minh không còn thái độ nào có đầy đủ lương tri hơn là chấp nhận đầu hàng vô điều kiện như lời kêu gọi của Chính phủ cách mạng lâm thời đã loan báo trên các đài phát thanh. Nếu hành động khác để kéo dài chiến tranh, chế độ Sài Gòn cũng sẽ sụp đổ. Thời gian không lâu, có thể tính theo ngày, nhưng sự kéo dài ấy sẽ gây tác hại khôn lường, đồng bào thành phố sẽ bị thương vong nhiều, thành phố Sài Gòn sẽ đổ nát. Hậu quả đau thương này, nội các Dương Văn Minh nếu chọn giải pháp tử thủ Sài Gòn, sẽ chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước lương tâm và trước nhân dân. Nhân dân sẽ không dung thứ thái độ vô trách nhiệm đó. Đại tướng Dương Văn Minh là người thức thời nên thấy rõ tình hình thực tế để chọn thái độ khôn ngoan, đúng đắn, không phạm sai lầm, không cứu vãn được lúc cuối đời. Đầu hàng ngay và đầu hàng vô điều kiện là thái độ có trách nhiệm trước sinh mạng của nhân dân Sài Gòn đó”. Kỹ sư Cang ghi chép cẩn thận những lời của Sáu Trí và cảm ơn về cuộc gặp gỡ ý nghĩa này, hứa sẽ phản ánh đầy đủ với ông Diệp để ông này tác động với tướng Minh và nội các của ông ta biết rõ chủ trương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí)
Thực hiện lời hứa, kỹ sư Cang báo cáo với ông Diệp và ông này nói lại với bộ ba Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền và Vũ Văn Mẫu. Cố gắng cuối cùng của họ là cử chuẩn tướng Hạnh, phụ tá Tổng tham mưu trưởng, cùng Tổng trưởng Diệp và Nguyễn Đình Đầu là trí thức có nhiều ảnh hưởng tới tướng Minh, nhờ ông Cang dẫn đi vào trại Đa-vít ở Tân Sơn Nhất gặp đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Lúc đầu, họ từ chối không tiếp, ông Cang phải nói là cán bộ TB nội thành của tướng Ba Trần, họ mới tiếp và cũng nói rõ nội các Dương Văn Minh nên đầu hàng vô điều kiện ngay chứ không có thương lượng gì hết. Sau khi thảo luận với ông Diệp, đoàn có sáng kiến đề nghị với mặt trận nên xem chính phủ Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện nếu chiều 29-4. Lúc 16 giờ, Phó tổng thống Huyền lên đài phát thanh tuyên bố “Sẵn sàng thương thuyết hòa bình với mặt trận”. Phải tuyên bố như vậy để bọn Mỹ và bọn ngụy hiếu chiến rút hết.
Sáng 30-4-1975, khoảng 9 giờ 30 phút, Sáu Trí ở nhà H.3 nghe trên Đài phát thanh Sài Gòn lời phát biểu của Dương Văn Minh kêu gọi quân đội Sài Gòn buông súng, chấp nhận những điều kiện của Chính phủ cách mạng lâm thời. Vài giờ sau, kỹ sư Tô Văn Cang đến mời Sáu Trí và H.3 (Ba Lễ) vào ngay dinh Độc Lập chứng kiến sự đầu hàng của nội các Dương Văn Minh và để tránh mọi hành động đáng tiếc có thể xảy ra khi quân ta vào tiếp quản dinh Độc Lập. Anh Cang còn cho biết do tác động của anh với anh Diệp cầm đầu phe chủ hòa trong nội các Dương Văn Minh nên ông Minh ngã theo phương án đầu hàng vô điều kiện, dù ngày 29-4 và sáng 30-4, tướng tình báo người Pháp tên Vanuxem (từng là tù binh của ta ở Điện Biên Phủ tháng 5-1954) - dưới vỏ bọc “nhà báo quốc tế” - còn đến dinh Độc Lập thuyết phục Dương Văn Minh cố gắng tử thủ Sài Gòn 48 giờ, đồng thời kêu gọi quốc tế can thiệp thì sẽ có một cường quốc giúp chặn đứng bước tiến Quân giải phóng và tìm giải pháp thương lượng có lợi cho chính phủ Dương Văn Minh. Nhưng Dương Văn Minh đã bác bỏ ý kiến của Vanuxem vì ông ta không muốn bán nước một lần nữa và quyết định chấp nhận đầu hàng vô điều kiện.
Sáu Trí cùng H.3 lên xe anh Cang do kỹ sư Giàu lái. Đầu xe có cờ Mặt trận Giải phóng do anh Cang chuẩn bị sẵn, nên việc vào dinh Độc Lập được thuận tiện vì quần chúng kéo ra đường đông nghẹt, phấn khởi hò reo, thấy xe có cờ Giải phóng, họ tự giác dạt ra nhường đường xe chạy.
Vào dinh, Sáu Trí thấy cánh bộ đội ta đòi bắt toàn bộ nội các Dương Văn Minh làm tù binh. Anh vội đến giải thích nội các tướng Minh, đã chấp nhận điều kiện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, đã có thông báo đầu hàng trên đài phát thanh, chắc các đồng chí bộ đội thiết giáp đang tiến hành nên không nắm được tin này. Thấy Sáu Trí mặc thường phục, một số bộ đội tỏ vẻ không tin, anh phải xưng danh là đại tá Sáu Trí, sĩ quan Bộ tham mưu B2 vào Sài Gòn công tác đặc biệt chiến dịch Hồ Chí Minh. May sao, lúc đó xuất hiện đồng chí Lữ đoàn phó Lữ đoàn thiết giáp là đại tá Công Trang, bạn học cùng khóa, khi học lớp quân sự cao cấp ở Hà Nội. Thấy Sáu Trí, đại tá Công Trang đến bắt tay tươi cười thân mật: “Đi đâu cũng gặp thằng cha tình báo này!”.
Đồng chí Nguyễn Văn Lễ (Ba Lễ), đồng chí Tô Văn Cang (Bảy Cang)
Sau đó, Sáu Trí gặp thiếu tướng Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn 2, tướng Nam Long cùng bàn bạc và nhất trí nên có lời công bố chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trên đài phát thanh và vì quân ta đã vào Sài Gòn tiếp quản được dinh Độc Lập, cơ quan đầu não ngụy quyền, tướng Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, để đồng bào cả nước và người nước ngoài biết, đồng thời làm tan rã tinh thần bọn ngụy quân ở những nơi ta chưa giải phóng, để chúng buông súng đầu hàng nốt. Tướng Nguyễn Hữu An phân công Sáu Trí soạn thảo gấp văn bản này. Lập tức anh cùng Ba Lễ, kỹ sư Tô Văn Cang bắt tay bàn bạc soạn thảo “Bản thông cáo số 1” do anh Cang chấp bút. Viết xong, Sáu Trí đến gặp tướng An và đề nghị ông đứng tên bản thông cáo này. Nhưng tướng An sau khi thông qua, đã tế nhị từ chối đứng tên và đề nghị không để tên đơn vị do ông chỉ huy mà đề là Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Kỹ sư Cang cùng anh Giàu được Sáu Trí phân công đọc “Bản thông cáo số 1” này trên Đài phát thanh Sài Gòn. Cang đọc trước, Giàu đọc sau, cứ năm phút lặp lại một lần. Toàn văn “Bản thông cáo số 1” như sau:
“Thông cáo số 1 của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Quân giải phóng đã chiếm dinh Độc Lập và làm chủ tình hình. Tất cả Sài Gòn lúc 12 giờ trưa hôm nay, ngày 30-4-1975.
Bắt đầu từ giờ phút này, yêu cầu tất cả nhân dân thi hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng:
- Lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 18 giờ đến 6 giờ sáng.
- Tất cả quân đội Sài Gòn, nhân dân tự vệ, cảnh sát của ngụy quyền Sài Gòn phải đến trình diện nộp vũ khí tại các ủy ban Quân giải phóng các quận.
- Anh chị em công nhân phải giữ gìn, bảo vệ các xí nghiệp, nhà máy.
- Công chức các cấp trên lĩnh vực điện nước, viễn thông, vệ sinh công cộng... phải tiếp tục điều hành và tuyệt đối không được hủy hoại tài sản nhà nước.
Bộ Tư lệnh Quân giải phóng sẽ nghiêm trị hành động trộm cướp, gây xáo trộn, làm mất trật tự. Nghiêm cấm gây tiếng nổ, bắn súng bừa bãi gây hoang mang trong dân chúng.
Sài Gòn ngày 30-4-1975.
Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”.
“Bản thông cáo số 1” này là bản tin đầu tiên của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định loan báo với đồng bào cả nước và thế giới: Quân giải phóng đã giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, thủ đô của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Bản tin chính thức này được đọc kế tiếp vài giờ sau tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh.
Để trấn an nội các Dương Văn Minh còn đầy đủ trong dinh Độc Lập, tướng An đã cử Sáu Trí đến nói chuyện với họ vì “cậu là dân trong này, cậu làm tình báo, cậu biết tâm lý, tình cảm của họ. Cậu nói họ sẽ an tâm. Đối xử với họ thế nào còn chờ chỉ thị cấp trên, nhưng ta nên gặp họ!”. Vậy là Sáu Trí đến nói chuyện với nội các tướng Minh với nội dung đã trao đổi với tướng An. Sau cuộc nói chuyện của Sáu Trí, các thành viên nội các tướng Minh vui mừng ra mặt vì lúc quân ta mới vào họ rất lo sợ. Bây giờ, họ rất an tâm. Sáu Trí là sĩ quan cao cấp đầu tiên của Quân giải phóng mà họ tiếp xúc, ghi nhận công lao của họ góp phần sớm chấm dứt cuộc chiến, đỡ biết bao xương máu cho đồng bào, chiến sĩ.
Công tác của Sáu Trí vào Sài Gòn còn rất nhiều việc quan trọng khác không kể hết và cũng không thể công khai được, nhưng riêng sự có mặt của anh ở dinh Độc Lập ngày 30-4 cùng với nhiều nhà tình báo khác của quân đội và công an nhân dân được gài vào bộ máy địch trong giờ phút lịch sử đó, đã xác nhận công lao những người tình báo trong “mặt trận thầm lặng” đã góp phần đáng kể vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong mùa xuân lịch sử: 30-4-1975.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đầu năm 1980, ông Dương Văn Minh được Chính phủ nước ta cho ra nước ngoài chữa bệnh và thăm gia đình. Trước khi đi, ông tự lái xe lên Ngã năm Bình Hòa (quận Bình Thạnh) đến nhà thăm kỹ sư Tô Văn Cang. Tiếc rằng hôm đó kỹ sư Cang có việc đi vắng nên không gặp được. Với thái độ vui vẻ thân mật, ông Minh nói với vợ kỹ sư Cang: “Tôi được như thế này cũng nhờ có sự góp ý rất tốt của anh Cang đó chị”.
Năm 1999, kỹ sư Tô Văn Cang qua đời. Rồi đầu năm 2008, ông Ba Lễ - Nguyễn Văn Lễ cũng ra đi vì một tai nạn giao thông ở quận 10. Vậy là tổ soạn thảo “Bản thông cáo số 1” gồm ba người - chỉ còn lại thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm (tức Sáu Trí) năm nay đã 88 tuổi, hiện cư ngụ tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn tin từ http://www.congan.com.vn
- Công bố các, Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình
- Trà Vinh: Bổ nhiệm nữ Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu, thăm, tặng quà các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam
- Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tiếp xúc cử tri huyện Kế Sách
- Đồng chí Tô Xuân Hiển - TVHU, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện tặng quà người có công tiêu biểu tại xã Hồng Thuận, Giao Lạc, Giao An huyện Giao Thủy, Nam Định
- Quảng Ninh: Biểu dương nữ cán bộ, đoàn viên công đoàn, cán bộ Hội LHPN tiêu biểu
- Đồng chí Tô Xuân Lợi, Phó Chủ tịch UBND (huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) kiểm tra việc khắc phục các thiết chế văn hóa sau bão số 3 và kiểm tra phòng truyền thống các trường học trên địa bàn
- Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu dự Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Quảng Trị
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- DANH SÁCH TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐÃ GÓP TIỀN LÀM SÁCH HỌ TÔ VIỆT NAM TRONG QUÝ IV-2013
Hôm nay : 126
Tháng hiện tại : 44867
Tổng lượt truy cập : 2687936