CHI HỌ TÔ XÃ NGƯ LỘC, HUYỆN HẬU LỘC, TỈNH THANH HÓA


           Phát triển kinh tế biển là thế mạnh của xã Ngư Lộc (Ảnh TL)

          Theo tư liệu lịch sử và địa lý thì xã Ngư Lộc xưa, có tên là Diêm Phố hay Diêm Phả, do cư dân làm muối và đánh cá lập nên ở xứ Cồn Bò, cạnh cửa biển Lạch Trường, là một vùng dân cư đông đúc, làm ăn sầm uất. Năm 1925 Rô-bơ-canh – một học giả người Pháp có những công trình nghiên cứu về tỉnh Thanh Hóa, đã viết về Diêm Phố như sau: “Những ngôi nhà san sát chạy dài theo hướng Bắc Nam, dọc bờ biển Lạch Trường, mỗi ngày càng thêm ngoạn mục…”

          Làng Diêm Phố đã có lịch sử trên 8 thế kỷ. Năm 1927 (Đinh Mão), một trận bão khủng khiếp đổ vào Thanh Hóa, gây ra mưa to và lũ quét đã cuốn trôi mấy trăm nóc nhà của Diêm Phố. Nhân dân phải di dời về vùng đất ngày nay để lập làng mới. Hiện nay trên diện tích chưa đầy một kilômét vuông đã có trên 2 vạn dân của 87 dòng họ cùng nhau sinh sống. Do thiên nhiên làm thay đổi địa hình, nên nghề làm muối nay không còn, nhưng nghề cá vẫn phát triển so với nhiều nơi trong tỉnh.

          Thủy tổ Họ Tô xã Ngư Lộc, không biết từ đâu về Diêm Phố và vào thời gian nào. Chỉ biết là khoảng năm 1700, chi Họ Tô ở đây đã phát triển khá đông, đến năm 1756 xây dựng được từ đường thờ Thủy tổ. Trận lũ năm 1927 đã cuốn trôi hết cả. Hơn 10 năm sau mới làm lại được nhà thờ tại khu làng mới và viết được phả tộc. Ngày 15 tháng 10 năm 1952, tàu chiến của giặc Pháp ở ngoài biển bắn đại bác vào làng Diêm Phố làm cháy hơn 300 nóc nhà. Nhà thờ và gia phả của Họ Tô Diêm Phố cũng bị cháy.

          Thủy tổ Họ Tô xã Ngư Lộc là Tô Tường Vân, không rõ ngày, tháng năm sinh, năm mất. Thủy tổ mất ngày 25 tháng Hai. Thủy tổ bà không biết họ tên, cũng không biết ngày, tháng, năm sinh, không biết năm mất, ngày mất. Vì tộc phả bị cháy, nay viết lại chỉ ghi được 9 đời, còn từ cụ Tổ 9 đời đến Thủy tổ Tô Tường Vân không biết còn bao nhiêu đời và cũng không rõ Thủy tổ Tô Tường Vân về định cư lập nghiệp ở đất này từ bao giờ.

          Ở xã Hải Lộc, cùng huyện Hậu Lộc, cũng có một chi Họ Tô thờ Tô Tường Vân là Thủy tổ và cũng giỗ Thủy tổ ngày 25 tháng Hai. Từ những điểm trùng hợp đó, chúng tôi đã nhận ra nhau là hai chi họ anh em.

          Theo Họ Tô xã Hải Lộc thì Thủy tổ Tô Tường Vân là người miền ngoài vào đất Thanh Hóa khoảng giữa thế kỷ 12. Biết làng Vích (xã Hải Lộc ngày nay) là nơi sơn thủy hữu tình, trên bến dưới thuyền, có biển, có sông, có núi nên ngài quyết định đưa con cháu đến làm ăn, lập ra dòng Họ Tô huyện Hậu Lộc ngày nay.

          Đối diện với làng Diêm Phố xưa, phía Nam cửa biển Lạch Trường là làng Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa. Mấy trăm năm nay có một ngôi đền thờ Đức Tô Hiến Thành, do dân làng Diêm Phố xây. Tương truyền là trong một chuyến tuần du ven biển, Đức Tô Hiến Thành có vào đấy tránh bão và nhân dân đã lập đền thờ. Ngôi đền rất linh thiêng nên hàng năm nhân dân xã Ngư Lộc và nhân dân năm xã vùng biển Hậu Lộc đều về đây cúng lễ rất đông. Bà con Họ Tô xã Hải Lộc cũng về cúng lễ cùng bà con Ngư Lộc. Năm 1990, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thanh Hóa sau khi về khảo sát ngôi đền, đã lấy cuốn thần phả của ngôi đền từ Ban Quản lý Di tích xã Ngư Lộc, về nghiên cứu và xác định, vị thần được thờ ở đây là quan Thiên Bồng nguyên soái Đại tướng quân Bò Sơn đại thần Tô Hiến Thành, kỵ ngày 5 tháng Chín và ngài là người Họ Tô xã Diêm Phố. Từ thông tin này, Ban Quản lý Do tích xã Ngư Lộc đã giao cho Họ Tô xã Ngư Lộc, cúng giỗ hàng năm vào ngày 5 tháng Chín; nhưng Ban Quản lý vẫn về cùng làm giỗ với Họ Tô Ngư Lộc. Họ Tô Ngư Lộc đã cung tiến vào đến một pho tượng Đức Tô và xin rước chân nhang của đền về thờ ở nhà thờ chi Họ Tô Ngư Lộc.

          Hằng năm, cùng với giỗ Thủy tổ Tô Tường Vân vào ngày 25 tháng Hai, giỗ Đức thánh bà vào ngày 3 tháng Ba, chi họ còn làm giỗ Đức Tô vào ngày 5 tháng Chín. Và từ đó trong tâm tư dân họ dấy lên một nỗi niềm vừa nghi vấn, vừa hy vọng: Phải chăng Họ Tô Ngư Lộc là dòng dõi Đức Tô Hiến Thành.

          Cuối năm 2013, Đoàn đại biểu Thường trực Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam đã về thăm Họ Tô Ngư Lộc. Theo đề nghị của Đoàn, chi họ đã làm lễ xin phép được mở các hộp thần chủ. Trong một hộp bằng bìa cứng có 3 tờ giấy hoa tiên, trong đó có những dòng chữ Hán.

          Tờ thứ nhất viết: Khởi tổ khảo đệ đại đại tướng quân Tô Quý Công tự Hiến Thành hóa nhật sơ ngũ cửu nguyệt. Tạm dịch là: Ông Tổ đầu đời (sáng lập) của dòng họ là Đại tướng quân Tô Quý Công tên chữ là Hiến Thành, hóa ngày 5 tháng Chín.

          Tờ thứ hai viết: Thánh mẫu hiệu Ngọc Dung công chúa Quế Hoa nương Thánh bà Tô quý chi hiệu Tự Loại nhụ nhân, hóa nhật sơ tam, tam nguyệt. Tạm dịch là: Thánh mẫu hiệu là công chúa Ngọc Dung, Thánh bà Quế Hoa nương, vợ của Đức ông Họ Tô hiệu là Tự Loại hóa ngày 3 tháng Ba.

          Tờ thứ ba viết: Thủy tổ khảo đệ nhất Tô Quý Công tự Tường Vân hóa nhật nhị thập ngũ nhị nguyệt, Dịch là: “Thủy tổ là Tô Quý Công tên chữ là Tường Vân hóa ngày 25 tháng Hai”.

          Tờ thứ nhất ngoài tên chữ là Hiến Thành, thì ngày hóa trùng với ngày lễ hội (cũng là ngày hóa của Đức Thành) của đình Hoằng Trường. Điều này khẳng định đó là viết về Đức Tô Hiến Thành và Họ Tô Ngư Lộc chính là hậu duệ của ngài.

Còn tờ thứ hai có lẽ viết về phu nhân của Đức khởi tổ khảo.

Tờ thứ ba rõ ràng viết về Thủy tổ Tô Tường Vân.

          Đức Tô Hiến Thành đi tuần du ven biển và vào đây tránh bão năm 1161. Còn Thủy tổ Tô Tường Vân về đây định cư lập nghiệp vào giữa thế kỷ 12. Phải chăng Người vào đây tránh bão thấy đất đai màu mỡ đã đưa con cháu (Tô Tường Vân) vào thực hiện chủ trương khai hoang lấn biển do Người đề ra và kiên trì thực hiện trong cả cuộc đời. Hoặc là chính Thủy tổ Tô Tường Vân có mặt trong đoàn quân tuần du của Người và sau đó xin phép Người vào đây lập nghiệp.

          Như vậy, chi Họ Tô xã Ngư Lộc ở đất này cũng gần 800 trăm năm. Hiện nay chi họ có 3 phân chi với khoảng 265 hộ, với 563 đinh và 1.450 nhân khẩu. Nghề nghiệp chính là đánh cá và chế biến hải sản; đời sống khá nhưng vẫn có khoảng 1,5% số hộ nghèo.

          Chi Họ Tô xã Ngư Lộc đã hai lần xây dựng nhà thờ (khoảng năm 1756 và 1940) nhưng cả hai lần đều bị thiên tai (trận bão lịch sử năm 1927) và địch họa (tàu chiến của giặc Pháp bắn đại bác vào làng ngày 15 tháng 10 năm 1952) tàn phá.

          Khoảng năm 1990, Hội đồng gia tộc chi họ đã vận động con cháu xây dựng quỹ họ, mỗi hộ mỗi năm đóng góp cho họ 60 ngàn, thực hiện trong 5 năm. Năm 1996, chi Họ Tô Ngư Lộc đã xây lại nhà thờ và khánh thành vào ngày  22 tháng 12 năm 1996.

          Hằng năm vào ngày 22 tháng Giêng, kỷ niệm ngày sinh Đức Tô Hiến Thành, chi Họ Tô xã Ngư Lộc đều cử Đoàn về làm Lễ dâng hương ở đền Văn Hiến, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Đoàn về dự Lễ của chi Họ Tô Ngư Lộc luôn là Đoàn đông nhất và năm 2012 Đoàn còn cử Đội tế về tham gia Lễ hội.

          Từ mấy năm nay, hai chi Họ Tô xã Ngư Lộc và xã Hải Lộc đã nhận nhau là hai chi họ anh em, hậu duệ của Thủy tổ Tô Tường Vân và Khởi tổ Tô Hiến Thành. Vì không còn gia phả nên không phân được chi trên dưới, mà thống nhất xưng hộ ai lớn tuổi là anh. Hai chi họ đến thăm hỏi nhau vào ngày lễ tết và chi Họ Tô xã Ngư Lộc mời chi Họ Tô xã Hải Lộc đến dự ngày giỗ Thủy tổ Tô Tường Vân ngày 25 tháng Hai.

          Tô Văn Luấn (Phó trưởng Ban Hội đồng gia tộc chi Họ Tô Ngư Lộc)