CHI HỌ TÔ THÔN PHÁP CHẾ, PHƯỜNG THẤT HÙNG, THỊ XÃ KINH MÔN, TỈNH HẢI DƯƠNG


 

              Trong 5 năm, phường Thất Hùng đã xây dựng được khu chuyển đổi trồng cây ăn quả rộng 61,4 ha (Ảnh TL)

          Chi Họ Tô thôn Pháp Chế, phường Thất Hùng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương tính đến nay mới có 4 đời, với 9 gia đình.

          Chi họ có gốc thuộc thôn An Khang, xã Tiểu Hoàng, nay là thôn Hồng Phong, xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Chi Họ Tô đại tông ở Tây An, Tiền Hải hiện nay còn rất đông con cháu, nhiều hộ sống tập trung cùng làng. Nghề nghiệp chính là nghề rèn kết hợp nghề nông. Con cháu trong chi họ cũng đã xây Lăng mộ cụ Tổ các đời trang nghiêm đẹp đẽ.

          Với sự giúp đỡ của Hòa thượng Thích Thanh Hiển, một người trong họ xuất gia tu hành và sự đóng góp tài chính, nhân công của con cháu trong họ gần xa, Họ Tô đại tông ở Tây An đã xây dựng được nhà thờ họ chung cho nhiều cành khá khang trang bề thế.

          Họ Tô ở Tây An là một trong bốn họ đầu tiên về lập ấp ở Tây An cùng Họ Mai, Họ Hà, Họ Nguyễn. Theo một phần gia phả của một nhánh do một người trong họ chép thì Thủy tổ của Họ Tô Tây An là Tô Minh Lương. Cụ từ huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa di cư về An Khang, Tây An lập nghiệp đem theo nghề rèn truyền cho con cháu và cho các dòng họ khác trong xã.

          Nếu tính đến chi Họ Tô thôn Pháp Chế, phường Thất Hùng là 12 đời, thì Thủy tổ từ Thạch Thành, Thanh Hóa ra Tây An có thể đã 300 năm.

          Thủy tổ Tô Minh Lương có 2 người con trai:

          Về người con trưởng, trong gia phả chỉ ghi vắn tắt: “Cụ thứ nhất là Thủy tổ ngành trên, sinh ra con cháu nay còn một cháu hậu duệ đời thứ 10 là Tô Tiến Hà ở xã Trần Lãm, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình”.

          Người con thứ hai của Thủy tổ có tên là Tô Văn Lãng.

          Cụ Tô Văn Lãng sinh được một con trai tên là Tô Lương Thiệu.

          Cụ Tô Lương Thiệu sinh được hai con trai là Tô Thế Võng và Tô Thế Lọng.

          Trong gia phả không ghi gì về con cháu cụ Tô Thế Võng. Phần con cháu cụ Tô Thế Lọng thì ghi khá đầy đủ. Con cháu cụ Lọng nay đã đến đời 9 và nếu tính đến Thủy tổ Tô Minh Lương đã là đời 12.

          Ông Tổ Họ Tô Pháp Chế là Tô Văn Chuyện, hậu duệ đời 9 của Thủy tổ Tô Minh Lương và là dòng dõi cụ Tô Thế Lọng. Theo ông Tô Kim Trọng – nguyên Trưởng ban Liên lạc Họ Tô tỉnh Hải Dương thì ở An Khang xưa, Tây An ngày nay làm nghề rèn nhưng đất chật người đông, không đủ việc làm, nên phải tổ chức thành các gánh thợ 3 – 5 người là thợ giỏi đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Có người gặp được nơi mới, dễ làm ăn đã ở lại, kết duyên với con gái địa phương sinh, con đẻ cháu thành chi họ mới. Trường hợp cụ Tô Văn Chuyện cũng như vậy. Cụ ra Pháp Chế, phường Thất Hùng đã 80 năm làm nghề rèn, kết duyên với người con gái địa phương là Nguyễn Thị Cà. Chi Họ Tô Pháp Chế từ cụ Chuyện nay mới đến đời thứ tư, với 9 hộ và 27 nhân khẩu.

          Ông Tô Anh Thái, đời thứ 2, Họ Tô Pháp Chế (con cụ Tô Văn Chuyện), cán bộ giảng dạy ở Trường đại học Hàng hải, Hải Phòng rất tích cực trong việc tìm về cội nguồn và rất muốn dựng lại tộc phả Họ Tô Tây An, vì còn nhiều khoảng trống. Ông cũng là người hăng hái tham gia công việc của dòng Họ Tô Việt Nam ngày từ đầu. Ông đã cùng ông Tô Văn Chung, Tô Kim Trọng xây dựng Ban Liên lạc Họ Tô ba tỉnh Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh; cùng với Thái Bình là hai địa phương đầu tiên thành lập được Ban Liên lạc ngay sau khi dự cuộc tọa đàm Hạ Mỗ.

          Ông Tô Anh Thái cũng rất nhiệt tình giúp đỡ Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam xuất bản 3 số báo Thông tin Họ Tô Việt Nam (số 2, số 3 và số 4) chuyển từ in potocopy sang in máy, từ bìa đen trắng sang bìa 4 màu; số lượng phát hành nhiều hơn, chất lượng tốt hơn và hầu như không tốn kinh phí.

              Tô Anh Thái