![](/data/2023-05-07NGƯỜI HỌ TÔ ĐỒNG HÀNH.jpg)
Đoàn Họ Tô Việt Nam dự Lễ Cáo yết Thủy tổ Tô Lịch tại Điện Kính thiên, Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, ngày 19/9/2020 (Ảnh TL)
Là những thành viên tích cực của đại gia đình Việt Nam, trong thế kỷ nhiều biến động vừa qua, người Họ Tô luôn luôn tham gia vào các sự kiện trọng đại của dân tộc, cùng vui niềm vui chung, cùng buồn nỗi buồn chung với các dòng họ khác. Biết bao người con trai, con gái Họ Tô đã phải chịu nỗi nhục mất nước, quằn quoại dưới roi vọt của bọn thực dân, đế quốc, phong kiến, chết đói, chết rét thảm thương. Từ khi có sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, lớp lớp thanh niên nam nữ của họ nhà đã đứng lên tham gia sự nghiệp vĩ đại giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, lập công xuất sắc. Dưới đây xin giới thiệu một số sự kiện lịch sử có sự đóng góp nổi bật của người HọTô. Trong số họ, nhiều người đã thành danh, cũng có người đã phấn đấu, hy sinh thầm lặng hoặc đã trở về với đời thường.
Chịu chung cảnh ngộ của hơn hai mươi triệu đồng bào Việt Nam, bà con Họ Tô đã sớm ý thức được thân phận nô lệ, bị áp bức, bóc lột và cũng đã sớm tham gia các phong trào yêu nước, góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong số đó có cụ
Tô Bá Ngọc (tên khai sinh là Tô Việt Trác), sinh năm 1838, họ Tô làng Đông Yên, tổng Vân Tụ, nay là xã Minh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một điền chủ giàu lòng nghĩa hiệp, sẵn sàng bán toàn bộ gia sản để giúp nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa của cụ nghè Nguyễn Xuân Ôn ở Diễn Châu (Nghệ An) và cuộc khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh) do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo. Nhà Cụ còn là nơi lưu trú, gặp gỡ của cụ nghè Nguyễn Xuân Ôn cũng như của cụ Phan Đình Phùng với các nghĩa quân đang lập căn cứ tại khu vực miền núi Nghệ An. Sự giúp đỡ tận tình của cụ Tô Bá Ngọc cả về sức người và sức của đã góp phần làm nên nhiều chiến thắng quan trọng của nghĩa quân. Ngày 18.5.1887, thực dân Pháp đã cho lính đến nhà, bắt cụ Tô Bá Ngọc và tịch thu toàn bộ tài sản. Sau đó bọn chúng đem Cụ đi xử bắn tại chợ Rỏi thuộc xã Minh Thành. (Nguồn: Mạnh Hà-Phan Hùng, Ban Quản lý DTDT Nghệ An. www. hotovietnam.org.vn).
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, sau đó đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta bước sang một giai đoạn mới với những cuộc đấu tranh diễn ra trên cả nước. Đầu năm 1930, ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nổi lên phong trào cách mạng sôi sục của công nhân và nông dân, đánh đổ bọn thực dân, phong kiến, lập nên chính quyền Xô viết (Xô viết Nghệ Tĩnh). Cuộc đấu tranh quyết liệt đó đã thu hút nhiều người Họ Tô tham gia. Họ Tô xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An có Tô Văn Song (tức Trung) bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man và đã anh dũng hy sinh ngày 26-03-1931, được suy tôn là Liệt sỹ. Họ Tô xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã sinh ra Tô Tiu là đội viên Tự vệ Đỏ, hy sinh năm 1931 và cũng được suy tôn là Liệt sỹ. Ở đây còn có Tô Thị Em đã luôn luôn cầm cờ đỏ búa liềm đi đầu trong các cuộc biểu tình. Tô Văn cũng là người họ Tô xã Đồng Văn, đảng viên ngay từ năm 1930, tham gia cách mạng, bị giặc Pháp bắt bổ tù 10 năm. Khi ra tù, ông lại tiếp tục hoạt động cách mạng, làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân Nghệ -Tĩnh đã nhận được sự hưởng ứng của các dịa phương. Ngày 14-10-1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nông dân huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã biểu tình rầm rộ, chống áp bức, bóc lột, chống sưu cao, thuế nặng và ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh. Trong cao trào “Tiếng trống Tiền Hải”, tại xã Tây Giang trong một gia đình Họ Tô đã có cả hai cha con, cha là Tô Trang và con là Tô Hinh, cùng hăng hái tham gia cuộc đấu tranh quyết liệt ấy.
Tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên có bốn anh em Họ Tô đã dấn thân vào cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đó là hai anh em ruột Tô Chấn và Tô Hiệu cùng với Tô Gĩ và Tô Điển. Họ hoạt động trên nhiểu lĩnh vực, vào các thời điểm và tại những địa bàn khác nhau, nhưng đều cùng chung một lý tưởng, đều vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, chiến đấu kiên cường và trở thành những cán bộ cách mạng tiền bối. Năm 1936, Tô Chấn hy sinh ở tuổi 32 trong cuộc vượt ngục Côn Đảo. Tám năm sau, Tô Hiệu hy sinh cũng ở tuổi 32 tại nhà tù Sơn La. Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Tô Gĩ và Tô Điển trở thành những cán bộ quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tô Gĩ, còn có tên là Lê Giản, làm Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương (tương đương Bộ trưởng Bộ Công an ngày nay), còn Tô Điển với tên gọi Tô Quang Đẩu làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Vào thời gian này còn có các cán bộ tiền bối khác mang Họ Tô. Tô Ký sinh năm 1919, Họ Tô Bình Mỹ, huyện Củ Chi, Gia Định, năm 1935 giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, năm 1937 bị thực dân Pháp bắt và giam cầm nhiều năm, sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tô Kim Thuyên, họ Tô xã Vĩnh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên thời kỳ 1938-1939, sau này là quyền Chủ tịch Ủy ban Hành chính-Kháng chiến tỉnh Thừa Thiên-Huế trong những năm 1953-1954. Tô Thúc Dịch, Họ Tô xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1931 nhận nhiệm vụ ám sát Tông đốc Thái Bình, bị địch bắt và đày đi Côn Đảo, sau này là Chánh Văn phòng Bộ Y tế.
Đầu thập niên 40 của thế kỷ 20, thực dân Pháp đã đàn áp khốc liệt cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Hàng nghìn cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương bị bắt, tra tấn, giam cầm, đày ải hoặc sát hại. Một trong những thủ đoạn man rợ của bọn thực dân và bè lũ tay sai là dùng dây kẽm xuyên qua bàn tay các chiến sỹ cách mạng thành từng xâu, rồi đem dìm họ xuống sông. Trong số những chiến sỹ cách mạng đấu tranh kiên cường và bị sát hại theo cách tàn ác đó có hai anh em ruột Tô Nếp và Tô Thanh, cha và chú của Thiếu tướng Tô Ký.
Anh hùng, liệt sĩ Tô Căn Rự, xã Đông Hoàng, huyên Đông Hưng, tỉnh Thái Bình (Ảnh TL)
Theo Chỉ thị của Hồ Chí Minh, ngày 22.12.1944, tại một khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, Đội Việt Nam
Tuyên truyền Giải phóng Quân được thành lập dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Võ Nguyên Giáp. Đội gồm 34 người (trong đó có ba đội viên nữ). Theo những tư liệu còn lưu lại thì trong số 31 đội viên nam có hai người mang Họ Tô đã tham gia các trận đánh đầu tiên, từ Phai Khắt, Nà Ngần đến Đồng Mu. Đó là cụ Tô Vũ Dậu, người dân tộc Tày ở xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, sống trên 90 tuổi, nay đã mất. Người thứ hai là cụ Tô Văn Cắm, còn có tên là Tô Tiến Lực, Tô Đình Lực, cũng người dân tộc Tày sinh năm 1922 tại bản Ùm, xã Tam Kinh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Trong trận đầu ra quân đánh chiếm đồn Phai Khắt, cụ Tô Văn Cắm đã bắt sống tên Phù là xã đoàn trưởng, một kẻ khét tiếng khủng bố cách mạng, lúc đó là kẻ duy nhất không chịu ra hàng mà chui vào chuồng lợn, hòng lẩn trốn. Cụ Tô Văn Cắm sống qua tuổi 90 và cũng đã tù trần.
Sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta thiết tha mong muốn hòa bình để khắc phục vô vàn khó khăn, tiến hành muôn ngàn công việc, xây dựng lại đất nước đã kiệt quệ sau hơn 80 năm nô lệ, lại vừa mới vượt qua nạn đói có một không hai. Nhưng thực dân Pháp không ngừng lấn tới vì chúng âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Trước sức ép ngày càng tăng của quân xâm lược đến mức không thể chịu đựng được nữa, đêm 19.12.1946, quân và dân ta đã phải nhất tề đứng lên chiến đấu, thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. 20h03 ngày lịch sử ấy, 8 khẩu pháo 75mm của Đại đội Pháo binh Thủ đô từ các trận địa Pháo đài Láng, Pháo đài Xuân Canh, Pháo đài Xuân Tảo, Pháo đài Thủ Khối và của Trung đội cơ động Ba Dê đã đồng loạt bắn vào các vị trí trọng yếu của thực dân Pháp ở nội và ngoại thành Hà Nội. Tham gia chỉ huy trận pháo kích đó có Tô Na, Chính trị viên Đại đội Pháo binh Thủ đô.
Lúc này, một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan đầu não kháng chiến, đảm bảo an toàn hành trình lên chiến khu Việt Bắc. Trách nhiệm nặng nề đó được đặt lên vai lực lượng công an nhân dân, đặc biệt là lực lượng bảo vệ tiếp cận Người. Lực lượng này được thành lập vào tháng 12 năm 1945 và gồm 8 cán bộ, chiến sỹ là Nguyễn Văn Lý (tức Hoàng Hữu Kháng), Ngọc Hà (tức Chu Phương Vương), Võ Chương, Nguyễn Hữu Văn, Trần Đình, Văn Lâm, Vũ Long Chuẩn (tức Vũ Kỳ) và Lê Thị Thanh (tức Tô Thị Ngọc). Cuối năm 1946, thực hiện Chỉ thị của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, một số cán bộ, chiến sỹ của lực lương bảo vệ tiếp cận, trong đó có Tô Thị Ngọc, đã đi tiền trạm với nhiệm vụ tìm đường trở lại chiến khu. Đầu năm 1947, Tô Thị Ngọc là một trong số các cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở và làm việc tại chùa Một Mái trên núi Thầy thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội), trước khi lên đường tới Thủ đô Gió Ngàn. (Nguồn: Trần Văn Nghị: “Bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày toàn quốc kháng chiến ở Hà Đông và Sơn Tây”. In trong sách “Kỷ yếu hội thảo “60 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, 19.12.1946-19.12.2006”. Sở Văn hóa và Thông tin Hà Tây xuất bản năm 2006, tr.50).
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội ta đã phải tiến hành một công việc hiếm thấy trong lịch sử quân sự. Đó là dùng sức người kéo hàng chục khẩu pháo, mỗi khẩu nặng vài tấn, vượt qua các đỉnh núi cao, tiến vào trận địa bao vây tập đoàn cứ điểm. Trong số những chiến sĩ chân đồng vai sắt ấy có Tô Vĩnh Diện, người xã Nông Trường, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, hậu duệ đời thứ 15 Họ Tô làng Bao Hàm, xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ngày 1-2-1954, Anh chỉ huy khẩu đội kéo khẩu pháo cao xạ 37 ly vượt qua dốc Chuối. Đang lúc khẩu pháo ở trên sườn núi thì dây tời bị đứt và khẩu pháo lao xuống dốc, Tô Vĩnh Diện hô lớn: “Hãy cứu lấy pháo!”. Anh lao tới, lái càng cho pháo húc vào ta-luy dương của đường kéo pháo. Khẩu pháo khựng lại, nhưng do bị đế kích pháo đè lên đầu, Tô Vĩnh Diện đã anh dũng hy sinh. Anh được truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
(Còn nữa)
Tô Bá Trọng (Theo “HỌ TÔ VIỆT NAM”, tr.242-253)
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị của Ban Bí thư đánh giá công tác tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025
- Rạng rỡ Việt Nam
- Người đàn ông không chân ở TPHCM: Vợ đẹp con ngoan, đổi đời sau cú sốc
- Tiểu sử tóm tắt, tên đường Anh hùng lực lượng vũ trang Tô Thị Tẻ
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Nỗ lực hơn nữa để đất nước sánh vai các cường quốc năm châu
- Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới
- Nặng lòng với những hoàn cảnh khó khăn
- Doanh nghiệp CNS hãy tận dụng thế mạnh cùng hào khí Việt Nam để phát triển đất nước
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- Đất nước và người mẹ trong thơ Tạ Hữu Yên
![](/images/users.png)
![](/images/today.png)
![](/images/month.png)
![](/images/hits.png)