Đóa Thùy Dung thùy mị


               Cô giáo Tô Thị Thùy Dung trong buổi lễ 20/11

          Chín tháng là khoảng thời gian ngắn ngủi trong chặng đời của mỗi con người. Nhưng, đôi khi nó lại trở thành những phút giây đầy ý nghĩa để từ đó ta có thêm những mối quan hệ mới. Ở ngôi trường THCS Đức Thắng này, tôi đã gặp và có cơ hội được làm việc chung với cô giáo Tô Thị Thùy Dung.

          Cô giáo Tô Thị Thùy Dung sinh năm 1987 ở làng Giàn (nay là Tổ dân phố Trung – phường Xuân Đỉnh – quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Xuân Đỉnh là một vùng đất cổ nằm ở phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long xưa. Làng lớn ngày nay bao gồm hai làng cổ là: Xuân Tảo “Cáo” và Giàn “Cáo Đỉnh” hợp nhất từ thời kháng chiến chống Pháp 1948 đến nay.  Người dân nơi đây đôn hậu, hay lam hay làm, sống thân thiện, chân thành, đoàn kết. Từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống quân xâm lược Hán khôi phục nền độc lập đến những chiến công hiển hách của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ đều có sự đóng góp của nhân dân Xuân Đỉnh.  Nơi đây còn nổi tiếng  về truyền thống văn hóa lễ hội, tiêu biểu như Hội làng Giàn. Lễ hội được  tổ chức hàng năm từ mồng 9 đến 11 tháng 2 âm lịch.         Ngày 27-12-1990, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình Giàn là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Sinh ra từ mảnh đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, trưởng thành trong một gia đình có truyền thống hiếu học, cô Dung đã vượt bao khó khăn để tiếp nối và phát triển truyền thống của gia đình, quê hương.

          Ấn tượng đầu tiên về cô đó là một người con gái nhỏ nhắn, dịu dàng. Nhưng từ khi còn công tác tại trường THCS Thượng Cát, Dung đã tạo được dấu ấn riêng bởi bản lĩnh của một người tổ trưởng giỏi chuyên môn, giàu lòng nhân ái. Về trường mới, người đồng nghiệp của tôi đã nhanh chóng bắt nhịp và tạo được nền móng đầu tiên trong sự nghiệp trồng người. Tôi nhớ, trước khai giảng, thấy Dung cầm mấy bộ đồng phục trên tay, tôi có hỏi:

          - Em chưa phát xong đồng phục à?

          Dung nói với một giọng trầm ấm:

          - Dạ, chị! Em phát xong cho các con rồi ạ! Mấy bộ này, các con chơi bị nhàu và bẩn, em cầm về giặt cho sạch.

          Hành động nhỏ nhưng điều mà em làm cho các con khiến tôi thấy cảm phục. Đôi khi, vì áp lực nghề nghiệp mà chúng ta chỉ tập trung vào việc giảng dạy trên lớp với mong muốn học sinh của mình sẽ đạt được thành tích tốt. Nhưng người đồng nghiệp của tôi vẫn quan tâm tới tụi nhỏ cả những điều nhỏ nhất. Thế mới thấy “Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi tới trái tim”. Học sinh của em đang ở tuổi có sự khủng hoảng về mặt tâm lí.  Bên cạnh đó, việc phải thay đổi môi trường học khi chỉ còn vài tháng nữa là rời xa trường cấp hai khiến các con có những hành động phản ứng lại giáo viên. Rất nghiêm khắc mà nhẹ nhàng, Dung hướng dẫn học sinh mọi điều trong cuộc sống. Em cùng các con quét lớp, chăm sóc chậu cây của trường… Cứ kiên nhẫn như thế, em đã giúp học sinh của mình có những chuyển biến tích cực hơn. Vì có chuyên môn vững nên các bài dạy của Dung khiến học trò yêu thích. Em áp dụng các kĩ thuật dạy học tích cực một cách tinh tế nên tiết văn của em đã tạo được hứng thú  cho học sinh. Vì vậy chỉ một thời gian ngắn mà kết quả học tập của lớp 9A2 đã có nhiều tiến bộ…Kết quả thi vào 10 của tập thể lớp do em chủ nhiệm và dạy văn là một minh chứng. Điểm trung bình môn Văn của lớp 9A2 là 6,7 – một con số chưa hẳn ấn tượng với nhiều người nhưng là sự nỗ lực hết sức của cả cô và trò. Những cô cậu học sinh đã từng lười học, không có thói quen học bài về nhà, có thái độ chống đối giáo viên… Ấy vậy mà, cô Dung đã cảm hóa được các em không chỉ bằng năng lực của bản thân mà còn bằng tấm lòng của người mẹ. Nhiều khi, sau mỗi giờ tan học, người ta vẫn thấy ánh điện sáng tại phòng học lớp 9A2. Trong đó, có một người giáo viên với tầm vóc bé nhỏ đang say sưa giảng bài cho 12 học trò gặp khó khăn trong học tập để các em theo kịp với cả lớp.  Đến cuối năm học, cô đã dạy 50 buổi phụ đạo cho các con với tổng số tiền là 8.000.000 đồng. Toàn bộ kinh phí được cô miễn phí hoàn toàn giúp con đường tiếp cận tri thức của các con bớt khó khăn hơn. Trong năm học 2018 – 2019, cô đã dạy miễn phí các buổi học thêm  cho 02 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền là 3.744.000 đồng. Đặc biệt hơn, ở lớp 9A2 có 02 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đột xuất là em Trần Thu Trang và Đinh Trọng Hiếu. Cô Dung cùng các đồng nghiệp của mình đã trích từ quỹ “Cùng bạn đến trường” số tiền 3.600.000 đồng để các em bước chân đến trường của các em bớt gian nan.

           35 học sinh lớp 9A2  là 35 hoàn cảnh gia đình khác nhau. Bên cạnh những em có số phận  may mắn thì vẫn còn một số em gặp bất hạnh trong cuộc sống. Em thì mồ côi bố, em thì cả bố mẹ đều đi tù, em thì sống với ông bà do bố mẹ li hôn…     Rất khéo léo, cô Dung đã kết nối tất cả thành viên trong lớp bằng tinh thần đoàn kết, yêu thương, hòa đồng. Cô giúp đỡ các em một cách tinh tế để các em không mặc cảm. Vì vậy từ chỗ “xù lông nhím”, các em đã mở lòng và cố gắng học tập hơn.

                                  Cô giáo Tô Thị Thùy Dung và tập thể lớp 9A2

          Bên cạnh hình ảnh dịu dàng của một người mẹ thứ hai, Dung cũng chứng tỏ được sự cứng rắn, nghiêm túc của một người giáo viên. Với các con học sinh, Dung vừa mềm mỏng, vừa nghiêm khắc dạy dỗ, chỉ bảo. Những câu chuyện mà tôi nghe được về Dung thật cảm động. Học sinh lớp 9A1 trường THCS Thượng Cát đứng chờ bằng được Dung ở trường cũ để có thể chia tay Dung, đưa Dung về trường mới. Thế mới thấy, tâm huyết của Dung đã thực sự khiến những đứa trẻ cảm động và yêu mến Dung đến chừng nào. Với công việc chung ở trường, Dung hoàn thành trách nhiệm một cách chỉn chu, trọn vẹn. Còn với đồng nghiệp, Dung luôn đối xử, giao tiếp hòa nhã. Trường THCS Đức Thắng là ngôi trường trẻ, giáo viên vì thế mà cũng rất trẻ. Dung với kinh nghiệm của một người  đi trước, đã trong nghề được 10 năm, hướng dẫn các em hoàn thành công việc. Tôi chưa bao giờ thấy Dung nặng lời trách mắng ai. Khi góp ý, Dung nói nhẹ nhàng, tình cảm mà khiến đối phương tự biết lỗi và sửa chữa.

          Tô Thị Thùy Dung – người con của mảnh đất Bắc Từ Liêm  - vẫn luôn biết cách tỏa sáng bằng sự vững chắc trong chuyên môn. Là học trò của cô Nguyễn Thị Thịnh – Hiệu trưởng Trường THCS Đức Thắng, dường như Dung cũng mang đến sự cầu toàn, chính xác trong chất lượng chuyên môn. Những thành tích mà Dung đạt được trong 10 năm giảng dạy của mình cũng phải khiến những giáo viên khác ngưỡng mộ.

          Tô Thị Thùy Dung – đóa hoa tươi đẹp ấy là minh chứng rõ nhất cho câu danh ngôn: “Dưới ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”.

          Trần Thị Huyền Trang (Trường THCS Đức Thắng)