Nuôi chí lớn, vững gan bền, xứng danh "người chiến sĩ thời bình"


     Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói chuyện với các đại biểu doanh nhân tiêu biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

          Chiều 11-10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp gỡ và chúc mừng đại diện doanh nhân tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024). Điều này tiếp tục khẳng định sự quan tâm, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đối với vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

          1. Tại cuộc gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá, đây chính là thời điểm để định hình lại vai trò của nhà lãnh đạo doanh nghiệp và sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân; đồng thời tin tưởng rằng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

          Trong những bài viết và phát biểu từ khi nhận trọng trách là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến nay, đồng chí Tô Lâm luôn quan tâm đến doanh nghiệp, doanh nhân và gửi gắm nhiều kỳ vọng.

          Trước đó, tại cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ngày 22-8-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ mong muốn toàn thể đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nuôi chí lớn, vững gan bền, phát huy tốt hơn nữa bản sắc văn hóa, tinh thần dân tộc, gặt hái thật nhiều thành công trong sự nghiệp cao cả của "người chiến sĩ thời bình", xứng đáng với niềm tự hào, sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

          Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn chỉ ra những định hướng lớn, có những chỉ đạo quan trọng yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đồng thời, truyền động lực, nhiệt huyết cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân không ngừng đổi mới sáng tạo và phát triển lớn mạnh.

          Đáng chú ý, ngay từ cuộc họp lãnh đạo chủ chốt để đánh giá kết quả công tác tháng 7 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 8-2024 vào sáng 6-8 (3 ngày sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bầu Tổng Bí thư), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ đạo: "Cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân có điều kiện phát triển, hoạt động đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất hiệu quả, tạo không khí phấn khởi đối với nhân dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt".

          Trong bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu phải đổi mới ban hành nghị quyết, trong đó nghị quyết của cấp ủy phải tạo sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân.

          Đặc biệt, trong bài viết "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: "Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất". Đồng chí Tô Lâm yêu cầu, cùng với người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, người dân thì doanh nghiệp cũng phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số.

          2.Trong những năm qua, đặc biệt qua gần 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tạo những điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động và phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng đã xác định rõ doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế. Ngày 10-10-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TƯ về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó nêu rõ: "Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh". Nghị quyết nêu rõ mục tiêu: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước".

          Có thể thấy, những chủ trương, đường lối lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà tiêu biểu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã, đang và sẽ là nguồn cảm hứng, khích lệ, động viên đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục vững tin vào vai trò, sứ mệnh cao cả của mình đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

          Để đáp ứng sự tin tưởng và kỳ vọng đó, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong đổi mới sáng tạo, đúng với tinh thần của "người chiến sĩ thời bình".

          Sau gần 40 năm đổi mới, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã có sự lớn mạnh vượt bậc với gần 1 triệu doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cùng với trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, hơn 14 nghìn hợp tác xã. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới và liên tục nhiều năm của đất nước; đã đóng góp khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 30% ngân sách nhà nước, thu hút 85% lao động xã hội... Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân còn chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; 98% doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.

          Các doanh nghiệp, doanh nhân cùng sự đồng hành của các cấp, ngành cần nhận thức sâu sắc 3 quan điểm, 3 mục tiêu và 7 nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 41-NQ/TƯ để biến thành những hành động cụ thể; nhất là "phát huy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, đề cao đạo đức kinh doanh, có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành mẫu mực của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn, có trách nhiệm; luôn giữ vững niềm tin đối với cơ nghiệp của bản thân, cơ đồ và tương lai đất nước" như lời nhắn gửi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

          Hiền Lương (Hanoimoi)