TÔ BỬU GIÁM NGƯỜI TẬN TỤY VỚI CÁCH MẠNG – MỘT NGƯỜI HẾT LÒNG VÌ DÒNG HỌ


                           Cụ Tô Bửu Giám (Năm Giám)

          1.Gia đình và hoạt động của một nhà cách mạng chuyên nghiệp. Ông sinh năm Bính Dần 1926 tại Sóc Trăng trong một gia đình có truyền thống yêu nước và ông đến với cách mạng như một lẽ tự nhiên: ông có hai người anh (con cô, con cậu ruột sống chung một nhà), là Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1936, hai người bị bắt và đày đi Côn Đảo những năm 1939 – 1940. Một người hi sinh ở Côn Đảo năm 1944. Một người sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 được trở về đất liền và hi sinh trong kháng chiến chống Pháp. Gia đình ông có sáu anh em thì năm anh em trai đều tham gia kháng chiến chống Pháp và đều là Đảng viên Cộng sản, một người em gái hoạt động bị giặc bắt và giết năm 1957 ở miền Nam. Bà mẹ thân sinh ra ông được trao tặng Huân chương kháng chiến hạng III và bằng Tổ quốc ghi công “Gia đình vẻ vang” vì có năm người con tòng quân. Một điều luôn làm ông đau xót khi nhớ lại bà mẹ mất mà không có người con trai nào có mặt vì đi kháng chiến, chỉ có người em gái lo tang lễ cho mẹ.

          Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, người đoàn viên Thanh niên cứu quốc Tô Bửu Giám hăng hái gia nhập đội tự vệ chiến đấu, trinh sát của bộ đội Sóc Trăng, sau đó ông công tác tại Ban Tuyên huấn Khu ủy, là huấn luyện viên Trường Mác-xít Khu ủy IX sau đó làm Trưởng ban chính trị Phòng Quân giới Nam Bộ đóng ở rừng U Minh. Thời kì 1950 – 1955, ông công tác tại Sở Công an Nam Bộ, Bộ Tư lệnh miền Đông, Ban Liên hiệp Đình chiến Nam Bộ. Trong những năm này, ông là thư kí của đồng chí Phạm Hùng, nguyên Phó giám đốc Sở Công an Nam Bộ, Phó Bí thư Trung ương Cục Bí thư Khu ủy miền Đông Nam Bộ, một trong những lãnh đạo chủ chốt của cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.

          Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ông tập kết ra Bắc và công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương rồi làm giảng viên Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Hà Nội. Sau đó từ năm 1957, ông tốt nghiệp lớp chính trị cao cấp trong nước rồi được cử làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô cũ trong thời gian 5 năm. Thời kì 1964 – 1967, ông trở về miền Nam chiến đấu, công tác tại Văn phòng Trung ương Cục, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục đóng ở Tây Ninh, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 về Sài Gòn. Thời kì này ông được phân công về Văn phòng Trung ương Đảng phụ trách bộ phận Văn phòng Trung ương tại miền Nam, sau đó lại trở thành người trợ lí thân cận của đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục từ năm 1967.

          Trong kháng chiễn chống Pháp cũng như chống Mĩ, ông đều sống trong rừng thời gian dài ở miền Đông, chiến trường gian khổ của Nam Bộ. Dù ăn cháo với rau tàu bay, “thịt cọp” (muối hột đâm nghe cộp cộp), bị rắn rít, ve mò, dội bom đạn (B-52 và pháo bầy) nhưng ông luôn lạc quan và yêu đời. Có lần đùa vui, ông khoe: “Diêm Vương luôn tha mình không gọi đâu vì trên dưới mười lần, mình thoát chết khi đi chiến trường, thoát khỏi bom đạn (cả B-52), chín lần bị sốt rét ác tính mà vẫn sống nhăn”. Trong cả hai cuộc kháng chiến, Trung ương Cục luôn là mục tiêu săn đuổi đánh phá của kẻ thù, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. Chúng đã tổ chức hàng trăm trận biệt kích và cuộc càn tấn công căn cứ Trung ương Cục, đáng kể nhất là trận càn Gian-xơn Xi-ti. Có lúc tình hình khó khăn quá, Trung ương Cục phải dời sang đất bạn Campuchia. Văn bản các cuộc họp, soạn các điện mật, văn bản, các chủ trương chỉ đạo cho cách mạng miền Nam, với đức tính tận tụy, cẩn thận và làm việc có hiệu quả của một cán bộ vừa có nhiều kinh nghiệm, vừa được đào tạo chính quy cơ bản nên ông đã hoàn thành xuất sắc công việc phức tạp và đa dạng của người phụ trách Văn phòng Trung ương Cục. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp rất tín nhiệm ông nên đã chọn ông làm trợ lí lâu dài như đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Nguyễn Văn Linh,…

          Thời kì 1977 – 1992, ông về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang và sau đó năm 1992 – 1993, ông làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng. Từ năm 1993, ông được điều về làm trợ lí cho đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư, cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng cho đến khi đồng chí Nguyễn Văn Linh qua đời và sau đó là trợ lí cho đồng chí Lê Khả Phiêu. Ông nhận quyết định nghỉ hưu từ 1/10/2002 khi ông 76 tuổi.

          Ông được tặng thưởng nhiều huân chương trong đó có Huân chương Giải phóng, Huân chương Kháng chiến chống Mĩ hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất… Năm 2007, ông được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

          Sau khi nghỉ hưu, công việc của ông không kém phần bận rộn vì ông vẫn được yêu cầu tham gia các cơ quan khoa học xã hội và nhất là một loạt các công việc tình nghĩa:

          + Ông là thành viên Ban biên soạn viết bộ sử kháng chiến Nam Bộ do đồng chí Võ Văn Kiệt chủ trì, tham gia các đề tài của Hội đồng khoa học xã hội miền Nam, là nòng cốt trong Ủy ban xét giải thưởng Trần Văn Giàu,…

          + Ông làm Trưởng Ban liên lạc Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Văn phòng Trung ương Cục: Cùng với các anh em khác hiện đang xây dựng khu tưởng niệm của Văn phòng Trung ương Cục (sau khi Khu Lưu niệm căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã xây dựng xong) phối hợp giải quyết chính sách cho nhiều anh em sau chiến tranh trở về đời thường gặp nhiều khó khăn về đời sống; tham gia lãnh đạo Hội đồng hương Sóc Trăng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

          2. Linh hồn của Ban liên lạc Họ Tô Nam Bộ.

          Ông rất phấn khởi khi được biết Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam được thành lập năm 1998 tại Hà Nội, do cụ Tô Gĩ làm Trưởng ban. Năm 2000, ông cùng với một số anh em tâm huyết với dòng họ thành lập Ban liên lạc lâm thời Họ Tô Nam Bộ. Đến ngày 1/4/2001, Đại hội Họ Tô Nam Bộ lần thứ nhất được nhóm họp và Ban liên lạc Họ Tô Nam Bộ chính thức ra đời và đi vào hoạt động. Ông không chỉ làm nòng cốt mà còn là chỗ dựa tinh thần của Ban liên lạc Họ Tô Nam Bộ. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe đã yếu nhiều, nhưng ông vẫn xông xáo đi xuống các địa phương như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Dương… để gặp gỡ anh em, hướng dẫn công việc chắp nối dòng họ, động viên khuyến khích các cháu Họ Tô học giỏi, các công việc hiếu hỉ. Vốn là cán bộ cựu trào, có uy tín và tác phong bình dân sâu sát nên đi đâu ông cũng được cán bộ lãnh đạo các địa phương, anh em trong dòng họ quý mến, tạo điều kiện cho hoạt động dòng họ. Ông tâm đắc với với nhiều mô hình của các chi họ hoạt động tốt và mong muốn nhân rộng các mô hình điển hình như chi Họ Tô Bình Mỹ (Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh); chi Họ Tô xã Châu Hưng (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng); chi Họ Tô Dĩ An (Bình Dương)... Ông cho rằng hoạt động dòng họ chỉ có thể bền vững nếu có các hoạt động thiết thực, dựa vào Họ Tô ở cơ sở, các chi họ địa phương; nhân tố quyết định đối với việc duy trì và phát triển hoạt động dòng họ theo ông là cán bộ, là nhân sự. Điều ông lo lắng là những người còn trẻ và những cán bộ đương chức đương quyền, vì bận rộn việc cơ quan ít chịu công tác cho dòng họ. Công việc dòng họ thuần túy không phục vụ danh lợi cho cá nhân nào, vì mục tiêu cao cả cho nên rất cần những người hoạt động cốt cán phải có tâm huyết.

          Vốn là một nhà nghiên cứu, một cán bộ lãnh đạo, ông đánh giá cao vai trò của Tờ Thông tin Họ Tô và liên tục có bài gửi đăng trên Tờ Thông tin Họ Tô từ năm 2001 đến nay. Cùng với anh em trong Ban liên lạc Họ Tô Nam Bộ, ông đã đề xuất việc dựng tượng danh nhân Tô Hiến Thành và được Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam chấp thuận và phát động toàn dòng họ đóng góp vào công việc có ý nghĩa này. Bài viết vào năm 2003 của ông về danh nhân Tô Hiến Thành được các học giả đánh giá là một bài viết công phu, đầy đủ, súc tích về danh nhân này.
Năm nay 83 tuổi, sức khỏe đã yếu nhiều, ông chỉ băn khoăn không biết có đủ thời gian, sức lực để hoàn thành các công việc tình nghĩa của Ban liên lạc Văn phòng Trung ương Cục, mà ông là Trưởng ban, hoàn tất bộ sử kháng chiến Nam Bộ. Đối với công việc họ, ông mong tổ chức tốt đẹp Đại hội Họ Tô Nam Bộ lần thứ ba, theo hình thức mở để tập hợp bà con Họ Tô, đồng thời bàn giao chức vụ Trưởng ban cho người kế nhiệm xứng đáng.

          Toàn tâm toàn ý cho công việc cách mạng, ông gần như quên hạnh phúc của cá nhân mình, mãi đến năm 1975, ông mới có con đầu lòng, lúc đó ông đã 50 tuổi. Ông xây dựng gia đình trễ với người bạn đời cùng hoạt động kháng chiến nhưng ở xa nhau. Ông bà nay sống thanh bạch giản dị trong một ngôi nhà nhỏ trong hẻm đường Sư Vạn Hạnh nối dài, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh cùng cô con gái duy nhất và con rể (cùng là bác sĩ) với hai cháu ngoại xinh xắn, dễ thương. Ngôi nhà này do ông được sự giúp đỡ của bạn bè chí cốt mua khi từ Sóc Trăng trở lại Thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Năm 1977, trước khi xuống làm việc tại Hậu Giang, ông trả lại ngôi biệt thự rộng tại làng đại học Thủ Đức. Một số quan chức cùng thời với ông nói: Sao ông dại thế, việc gì phải trả lại nhà. Ông chỉ nghĩ đơn giản: Nhà của nhà nước, mình không còn làm việc tại thành phố thì đương nhiên phải trả. Lo bòn rút của công vơ vét cho cá nhân mình có lẽ là một điều xa lạ, không thể chấp nhận được với ông.

          Xuống Cần Thơ, ông cùng gia đình ở nhà công vụ. Ngôi biệt thự ông trả lại nay có giá vài ngàn lượng vàng. Những năm đó, tỉnh Hậu Giang cũ rất lớn, bao gồm hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng (tỉnh Hậu Giang mới hiện nay được tách ra từ tỉnh Cần Thơ năm 2004). Chỉ làm việc ở đây vài ba năm với vị trí là Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách tuyên huấn nhưng ông đã để lại dấu ấn đậm nét, được người dân và cán bộ địa phương rất quý mến. Cách đây mấy năm, ông đưa cho tôi một tài liệu mà ông nói ông muốn giữ bí mật, chỉ công bố khi ông đã mất. Tài liệu kể lại câu chuyện tháng 1 năm 1989, ông nhận được một lá thư không đề tên người gửi. Thư viết tay một bài thơ nhan đề “Gương sáng của Anh Năm”, toàn văn như sau:

          Gương sáng của Anh Năm!

          Ngỏ lời tâm sự với Anh Năm,

          Bửu Giám “gương trong” bóng nguyệt rằm

          Trăng khuyết lúc tròn khi tỏ rạng

          Gương trong phản chói khắc minh tâm.

          Hiền tài ngọc ẩn nhiên hương xạ

          Khiêm tốn kiệm cần đức tính chăm

          Liêm chính chuyên sâu lời chỉ giáo

          Tinh thông uyên bác bậc Hàn Lâm

                                              Ngày 14/1/1989

                                (Một Đảng viên hưu trí ở Cần Thơ)

          Sau khi nhận được bài thơ trên với nội dung ca ngợi mình, với bản tính khiêm tốn, ông giữ bí mật, không cho người ngoài biết. Sau vài tháng, ông viết vài dòng tâm sự và họa vần bài thơ sau:

          Đôi lời cảm tạ

          Đi công tác về, nhận được thư nặc danh, không biết ai gửi, nét chữ không quen, tôi có họa lại nguyên văn nhưng để đó không biết gửi cho ai và cũng không tiện đem thơ này để hỏi bạn bè xem chữ viết của ai.

          Nay, tuổi cũng cao, việc sống chết chưa biết ngày nào (cũng có thể đột tử) nên ghi lại bài thơ họa cùng với bài thơ tặng, giao cho gia đình để khi tôi qua đời, may ra tác giả còn sống đến viếng sẽ đọc được bài thơ cảm tạ. Tôi mới được yên tâm.

          Về quê phục vụ cũng nhiều năm

           Cuộc sống đôi phen khuyết với rằm.

          Nghĩa Đảng, tình Dân luôn khắc cốt

          Ơn Nhà, nợ Nước mãi ghi tâm

          Việc giao, tiếc, tức làm chưa tốt,

          Học tập, thẹn, buồn chẳng được chăm

          Cô bác chưa rầy là phước lớn

          Tạ lòng đâu dám sánh Hàn Lâm

                                      Ngày 22 tháng 5 năm 1989

                                                Tô Bửu Giám

                                                                      Tô Quyết Tiến