HÀ NỘI – MỘT THỜI CHIẾN TRANH, MỘT THỜI HÒA BÌNH


                          Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long, Thủ đô Hà Nội

          Nằm ở khu vực đồng bằng sông Hồng trù phú, Hà Nội đã sớm trở thành một trung tâm chính trị và tôn giáo ngay từ buổi đầu của lịch sử nước ta. Năm 1010, Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của nhà Lý đã quyết định xây dựng kinh đô ở vùng đất này với cái tên Thăng Long. Từ đó, qua các triều đại Lý, Trần, Lê,… kinh đô Thăng Long liên tục được mở mang, phát triển, là nơi buôn bán sầm uất. Khi nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế, Thăng Long được mang tên Hà Nội. Thời kỳ thực dân Pháp chiếm nước ta, Hà Nội là kinh đô của Liên bang Đông dương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta đã khởi nghĩa dành chính quyền. Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, tài chính, đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

          Việt Nam là một trong 27 nước trên thế giới có thủ đô trên 1000 năm tuổi trở lên. Nét đặc trưng, độc đáo là từ khi có kinh đô Thăng Long - Hà Nội, đất nước đã hai lần ra lời Tuyên ngôn độc lập. Đó là bài thơ thần “Nam Quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt (1019 - 1105), trong cuộc kháng chiến chống quân Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt (1075 - 1077):

          Nam quốc sơn hà Nam đế cư

          Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

          Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

          Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

 và Bản tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Hà Nội, ngày 2-9-1945, có đoạn:

          “Hỡi đồng bào cả nước,

          Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

          Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do…"

          Thăng Long - Hà Nội luôn đan xen “một thời chiến tranh” và “một thời hòa bình” hay là Thủ đô chiến đấu và xây dựng. Trước thế giặc mạnh, triều đình và Chính phủ ta đã bốn lần tạm thời rút ra khỏi Thủ đô rồi lại trở về.

            Lần thứ nhất, kháng chiến chống quân Nguyên lần đầu, vào năm Nguyên Phong thứ bảy, dưới sự chỉ huy của vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông, quân ta dùng thuyền đánh một trận tập kích lớn, mang tính quyết định, tại Đông Bộ Đầu (nay là dốc Hàng Than) khiến quân giặc tan rã, chạy về nước. Mồng một tháng Giêng năm Mậu Ngọ (5-2-1258), vua Trần mở buổi thiết triều đầu tiên sau chiến thắng, tại Kinh thành Thăng Long. Sau này vua Trần Nhân Tông làm bài thơ “Xuân nhật yết Chiêu Lăng”, có bốn câu:

          “Nghìn cửa, nghiêm từ hổ

           Bảy phẩm, đủ cân đai

           Lính bạc đầu còn đó

          Chuyện Nguyên Phong, kể hoài”(Trần Lê Văn dịch).

          Hai mươi bảy năm sau, kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai. Ngày 6 tháng 6 năm Ất Dậu (9-7-1285), quân và dân ta đã đánh thắng các trận Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên), Chương Dương (Thường Tín, Hà Nội), vua Trần Nhân Tông trở về Kinh thành Thăng Long trong tiếng reo vui của muôn dân và cờ xí rợp trời. Thượng tướng Trần Quang Khải, phò giá vua trở về đã có bài thơ: “Tung giá hoàn kinh sư” (Phò giá về Kinh):

          “Chương Dương cướp giáo giặc

          Hàm tử bắt quân thù

           Thái bình nên gắng sức

           Non nước ấy nghìn thu” (Trần Trọng Kim: Việt Nam lược sử).

          Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, kết thúc bằng chiến thắng trên sông Bạch Đằng do Ngô Quyền chỉ huy. Ngày 28-4-1288 (tức 27 tháng 3 âm lịch) các vua Trần về lại Thăng Long, Trần Nhân Tông có hai câu thơ:

         “Xã tắc hai phen bon ngựa đá

           Non sông nghìn thuở vững âu vàng”.

          Lần thứ tư là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chính phủ và Bác Hồ lại rời xa Hà Nội, xây dựng thủ đô kháng chiến trên Việt Bắc, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 10-10-1954, quân ta trở về tiếp quản thủ đô. Nhà thơ Tạ Hữu Yên trong bài thơ “Cảm xúc tháng mười” có những câu:

          Tháng Mười - ấy là khúc ca say

          Khúc ca chở những chiến công đầy

          Ôi, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội

          Nghìn năm vẫn một trái tim này.

          Chúng ta còn ba lần tiến đánh vào kinh đô. Đó là cuộc chiến đấu chống quân Minh, Lê Lợi đem quân vây hãm thành Đông Quan (Thăng Long), buộc giặc phải đầu hàng, ngày 15-4-1428 Lê Lợi chính thức lên ngôi vua tại điện Kinh thiên. Trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi có câu:

          “Xã tắc từ đây bền vững

           Giang sơn từ đây đổi mới

          Càn khôn bĩ rồi lại thái

           Nhật nguyệt hối rồi lại minh

          Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu

           Muôn thuở nền thái bình vững chắc” (bản dịch của Ngô Tất Tố).

          Mồng 5 tết năm 1789, Quang Trung đại phá quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long, mở ra một thời kỳ mới cho đất nước. Thi sĩ Ngô Ngọc Du đã có bài thơ xúc động: “Long thành quang phục kỷ thực” với những câu:

          “Mây tạnh mù tan trời lại sáng

           Đầy thành già trẻ mặt như hoa

           Chen vai tích cánh cùng nhau nói

           Cố đô vẫn thuộc núi sông ta”.

          Và 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 trong chiến dịch: “Hà Nội - Điện Biên Phủ” trên không, đế quốc Mỹ cho ta trở lại thời kỳ đồ đá. Thủ đô Hà Nội cùng quân và dân miền Bắc chiến đấu anh dũng, bắn bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay chiến lược B-52 của đế quốc Mỹ, khiến chúng phải ký Hiệp định Pa ri, rút quân khỏi Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu trong bài “Việt Nam máu và hoa” có những câu:

          "Chúng muốn đốt ta thành tro bụi

          Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm

          Chúng muốn ta bán mình ô nhục

          Ta làm sen thơm ngát giữa đầm".

          Lịch sử còn chứng minh, Thủ đô của chúng ta luôn luôn mang nặng lòng nhân nghĩa sâu sắc của dân tộc “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn”, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Thể hiện từ trong truyền thuyết vua Lê trả gươm cho Rùa Vàng tại hồ Hoàn Kiếm, hay chính Lê Lợi khi Vương Thông nhà Minh đầu hàng đã cấp cho 500 chiến thuyền và hàng ngàn con ngựa cùng lương thảo để quan quân về nước. Sau chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa, vua Quang Trung truyền lệnh gom xác quân Thanh chôn cất tử tế, cho xây chùa để hương khói cho những oan hồn. Trong thời đại Hồ Chí Minh chúng ta đánh thắng nhiều đế quốc to, nhưng cũng tận tình giúp đỡ họ khắc phục hậu quả chiến tranh, rồi khép lại qúa khứ, muốn làm bạn với tất cả các nước. Đó là lòng nhân nghĩa, tình yêu hòa bình, ngoại giao cây tre và một nét đẹp văn hóa trong ứng xử quốc tế. 

          Sau mỗi trận chiến đấu, chúng ta cùng nhau xây dựng lại thủ đô, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, điều này thể hiện rõ trong thành quả của công cuộc đổi mới hiện nay. Hà Nội là thủ đô Anh hùng, ngàn năm văn hiến được công nhận là thành phố vì Hòa Bình và Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa của thế giới.

          Tô Kiều Thẩm

               Báo Hà nội ngày nay đăng tháng 9 năm 2024