Cuộc thi viết chính luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lần thứ tư năm 2024: PHÁT HUY VAI TRÒ NÊU GƯƠNG CỦA CÁN BỘ ĐẢNG VIÊN


Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Ảnh TL)

          Nêu gương là giá trị đạo đức nhân văn sâu sắc, văn minh của nhân loại, là truyền thống đạo lý của dân tộc. Nêu gương chính là hành động của mình tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội, có tính thuyết phục, thuận lòng người. Nêu gương có vai trò dẫn dắt mọi người làm theo. Đảng ta đã dùng sự gương mẫu, nêu gương của cán bộ đảng viên để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nêu gương vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng, vừa là phương pháp giáo dục có sức thuyết phục tốt nhất, hiệu quả nhất.

          Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về “nêu gương”

          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Theo Người, cần phải nêu gương là do đặc thù của nền văn hóa, đạo đức phương Đông luôn coi trọng tình cảm, luôn lấy cái tốt đẹp của người khác để làm tấm gương soi mình. Người viết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1). Ngay từ khi bắt tay vào công tác huấn luyện cán bộ, Người đã luôn nhắc nhở mỗi cán bộ phải nêu cao tinh thần gương mẫu. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (năm 1927), Người đặt lên hàng đầu tư cách một người cách mệnh với 23 điểm. Theo Bác, người cách mạng tư cách phải chuẩn mực; thật sự là tấm gương trong các mối quan hệ: với chính mình, với người khác, với công việc. Bác đã nêu rõ những yêu cầu có tính chuẩn mực đó: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối vớiBí mật. Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”.

          Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(3). Đặc biệt, Người luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải đề cao phát huy vai trò nêu gương trước quần chúng, trước hết là nêu gương về tư tưởng, đạo đức, lối sống.

          Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nêu gương luôn là một phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, dù phải chịu tra tấn, tù đày, án chém, bom đạn, đói khát... đảng viên của Đảng là những tấm gương hy sinh tất cả, vì thắng lợi của cách mạng. Trong hòa bình xây dựng đất nước, nhiều đảng viên của Đảng cũng phải lao tâm khổ trí, chịu nhiều thiệt thòi, quyết tìm tòi con đường đổi mới; gắn vận mệnh đổi mới với vận mệnh đất nước, gia đình, bản thân; sướng khổ, vui buồn cùng những thăng trầm của đất nước, của sự nghiệp đổi mới.

          Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên.

          Ngày 07-6-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 101-QÐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Trong đó, quy định rõ bảy nội dung nêu gương: 1- Về tư tưởng chính trị; 2- Về đạo đức, lối sống, tác phong; 3- Về tự phê bình, phê bình; 4- Về quan hệ với nhân dân; 5- Về trách nhiệm trong công tác; 6- Về ý thức tổ chức kỷ luật; 7- Về đoàn kết nội bộ. Tiếp theo Quy định số 101-QÐ/TW, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25-10-2018(2) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải “gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”. 

          Trong Quy định số 08-QĐ/TW, không quy định theo từng lĩnh vực, nhưng quy định thành các điều, nêu rõ: Để thực hiện trách nhiệm nêu gương, cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải đi đầu thực hiện trách nhiệm nêu gương, phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các hiện tượng tiêu cực, như chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, lạm quyền, trục lợi...

          Thực trạng trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên hiện nay

          Hội nghị trung ương 8, khóa XII, đánh giá về kết quả đã đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn và kịp thời đó, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng”.

          Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn cho rằng, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan toả lớn. “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

           Đảng và Nhà nước ta đang tập trung triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó có nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045. Tuy nhiên, Đảng ta cũng đang đứng trước những thách thức gay gắt, phức tạp hơn. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những phức tạp trong xã hội; các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng và Nhà nước ta.

          Trong thực tế, có không ít cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị thiếu sự gương mẫu, chỉ dừng lại ở việc “hô hào”, hoặc “nói một đàng, làm một nẻo”, “nói nhiều, làm ít”… Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn chỉ rõ: “Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. Thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao”.

          Trước tình trạng đó, công tác kiểm tra, giám sát các cấp được tăng cường. Cụ thể, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 264.091 tổ chức đảng và 1.124.146 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15.920 tổ chức đảng và 47.701 đảng viên (trong đó có 23.432 cấp ủy viên). Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên. Riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 60 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 169 đảng viên (trong đó có 53 đồng chí là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý). Điều đó chứng tỏ rằng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lê”.

          Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên

          Để hoàn thành tốt nhiệm vụ và hạn chế, khắc phục tình trạng yếu kém trên thời gian tới chúng ta cần phải phát huy vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên:

          Một là: Các cấp ủy đảng căn cứ đặc điểm của mình xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể theo từng thời gian để thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặt biệt là: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII; các quy định về trách nêu gương, nhất là Quy định 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII; Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Về việc kiểm soát quyền lực…”.

          Thứ hai, Phải coi trọng và nâng cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó tập trung vào 3 vấn đề cơ bản là: (1) Về tư tưởng chính trị, phải chủ động, tự giác đi đầu học tập, nghiên cứu và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. (2) Về đạo đức, lối sống, phải gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm; có lối sống trong sạch, giản dị, gần gũi quần chúng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. (3) Về tác phong sinh hoạt và công tác, phải tự giác nêu gương về đức tính khiêm tốn, giản dị, sâu sát thực tế, lắng nghe tâm tư và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những mong muốn, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân.

          Thứ ba, Hàng năm, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện theo cương vị công tác của mình và báo cáo với chi bộ, cấp ủy nơi công tác để được góp ý, giúp đỡ, giám sát, tạo điều kiện thực hiện.

           Thứ tư, Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, tự điều chỉnh mình, tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, lợi ích nhóm... Nghiêm túc thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm”. Thực hiện tốt phương châm nêu gương “Trên trước, dưới sau”, “Trong trước, ngoài sau”, “Nói đi đôi với làm”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới.

          Thứ năm, Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt; đồng thời, tạo điều kiện và phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể và quần chúng nhân dân trong việc giám sát thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên./.

                                                                                  Tô Kiều Thẩm

         Đoạt giải Ba cấp quận, Thành phố chọn dự thi cấp Trung ương

 

                 Ghi chú:

(1)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 284

(2)  Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh