
Đường hoa nông thôn mới huyện Yên Khánh (Ảnh TL)
Ở tỉnh Ninh Bình, người mang Họ Tô không nhiều. Song, con cháu Họ Tô sống rải rác ở tất cả 8 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Tuy nhiên, nơi con cháu Họ Tô sống tập trung nhất là hai huyện Yên Khánh và Gia Viễn.
Họ Tô huyện Yên Khánh có mặt ở đất Ninh Bình đến nay đã được 15 đời, ước chừng gần 400 năm. Song thật đáng tiếc, gia phả gốc và những hoành phi, câu đối, đồ thờ tự cổ của các chi họ hầu hết đã bị thất lạc và hư hỏng hết trong thời kỳ Pháp thuộc. Vì vậy không còn ghi chép nào và không còn ai nhớ được cụ Thuỷ Tổ của các chi Họ Tô huyện Yên Khánh tên là gì, từ đâu đến và đến đây chính xác vào thời gian nào.
Sau quá tình tìm hiểu nhiều năm qua từ các cụ cao niên trong dòng họ, qua các bản gia phả được biên soạn lại sau này của các nhánh Họ Tô trong huyện… chúng tôi đã xâu chuỗi, chắp nối lại và bước đầu có thể giới thiệu về Họ Tô huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình như sau :
Cách đây khoảng 400 năm, khi vùng bãi bồi Yên Khánh được khai khẩn, chiêu dân, lập ấp… có hai vợ chồng một người Họ Tô đã về sinh cơ, lập nghiệp trên đất làng Vân Lai (thuộc xã Khánh Vân) huyện Yên Khánh bây giờ - xưa kia còn có các tên khác là Yên Ninh, Yên Khang thuộc phủ Trường Yên. Ông bà sinh được ba người con trai, sau khi các con trưởng thành, ông bà cho các con đi sinh cơ, lập nghiệp ở ba nơi khác nhau trong vùng.
Người con cả là Tô Nghĩa Minh đi mở đất, lập nghiệp tại xóm Thượng (nay thuộc xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh - cách làng Vân Lai khoảng 2km), nay trở thành chi Cả. Nhà thờ gốc của chi họ vẫn còn giữ được cùng với một số bài vị, đồ thờ tự cổ, trong đó có bản sắc phong của vua Lê Hiển Tông (năm Cảnh Hưng thứ 7 - 1746) cho cụ Tô Văn Quyền vì đã có công giúp Vua dẹp loạn ở Thanh Hoá. Con cháu của chi Cả sinh sống chủ yếu ở xã Khánh Lợi, một bộ phận di cư lập nghiệp tại xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh).
Người con trai thứ hai là Tô Phúc Tín đi sinh sống, lập nghiệp tại làng Hương Dự (nay là xóm Hương, xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh - cách làng Vân Lai chừng 4km). Nhà thờ chi Hai được xây dựng từ lâu đời tại làng Hương Dự, nhưng đến những năm 70 (thế kỷ trước) do hư hỏng đã không được sửa chữa mà bị tháo dỡ, song may mắn một số đồ thờ, bát hương, bài vị cổ vẫn còn được giữ lại. Đến năm 1995, nhà thờ được con cháu trong họ xây dựng lại trên nền đất cũ. Con cháu của chi Hai hiện nay chủ yếu sinh sống tại xã Khánh Hội. Đến thế kỷ 19 và sang đầu thế kỷ 20, hai nhánh của chi đi khai hoang vùng đất bãi bồi ven biển và sinh cơ lập nghiệp tại xã Khánh Thùy - Khánh Mậu - Yên Khánh (trước đây cùng nằm trong một xã chung là xã Cống Thủy) và 1 số xã phía Đông - Bắc huyện Kim Sơn. Một số nhánh của chi Hai đã xây dựng được nhà thờ riêng để thờ tự tổ tiên. Theo một bản gia phả được lập từ năm Tự Đức thứ 32 (1880) còn lưu giữ tại một nhánh của chi họ thì cuối thế kỷ XIX có một nhánh của chi này đã chuyển vào Thanh Hoá sinh cơ lập nghiệp nhưng không ghi rõ tại địa phương nào và nay cũng không còn liên hệ gì.
Người con trai út thì không còn ai nhớ được tên đã ở lại Vân Lai (xã Khánh Vân) với bố mẹ và hình thành chi Ba của họ Tô Yên Khánh. Chi Ba được giao thờ phụng cụ Thủy tổ của dòng họ. Con cháu chi Ba hiện đang sinh sống hầu hết ở xã Khánh Vân. Mộ cụ Thủy tổ hiện nay được an táng tại chùa Vân - Pháp Vân Tự. Nhà thờ chi bị hư hỏng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nay mới được xây dựng lại tại làng Vân Lai (nay thuộc Xóm 1, Vân Tiến, xã Khánh Vân) vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước để thờ phụng tổ tiên, nhưng đáng tiếc là bài vị các bậc tiền nhân và đồ thờ, câu đối cổ đã bị thất lạc hết, không còn lại gì.
Từ khi cụ Thủy tổ về khai cơ, lập nghiệp trên vùng đất phù sa trù phú này đến nay, các đời con cháu Họ Tô không ngừng phát triển, số lượng ngày càng đông thêm, phạm vi sinh sống ngày càng mở rộng. Theo số liệu thống kê sơ bộ của các chi họ, ước tính con cháu Họ Tô của các chi Họ Tô Yên Khánh hiện nay có khoảng 600 hộ, hơn 2000 nhân khẩu, gần 900 đinh.
Phần lớn con cháu, chắt Họ Tô Yên Khánh hiện nay sinh sống tại các xã Khánh Vân, Khánh Lợi, Khánh Hội, Khánh Thuỷ, Khánh Nhạc, Khánh Mậu huyện Yên Khánh; nhưng cũng có không ít người đã rời quê hương đi sinh sống lập nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước, trong số đó có cả những người vì lý do đi làm ăn, học tập, công tác… đã ở lại gắn bó với những miền đất mới như quê hương thứ 2 của mình, có cả một số người định cư ở nước ngoài.
Các thế hệ Họ Tô Yên Khánh đã có nhiều người hy sinh, cống hiến xương máu và sức lực cho sự nghiệp giữ nước và dựng nước:
- Dưới thời vua Lê Hiển Tông (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 7- 1746 ) cụ Tô Văn Quyền là người thuộc chi Cả Khánh Lợi đã được vua ban sắc phong vì có công dẹp loạn ở Thanh Hoá (Bản sắc phong đến nay vẫn còn giữ được).
Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, con cháu họ Tô Yên Khánh có hơn 200 người đi bộ đội, 22 người là liệt sĩ, và có một Bà mẹ Việt Nam anh hùng; nhiều người là sỹ quan các lực lượng vũ trang.
- Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hàng trăm con cháu, chắt Họ Tô Yên Khánh đã tiếp bước cha ông, chăm chỉ học tập, rèn luyện trở thành cán bộ khoa học, cử nhân, bác sỹ, kỹ sư… đang tích cực cống hiến cho quê hương trên mọi miền đất nước. Nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước tại tỉnh Ninh Bình hoặc doanh nhân trong hoạt động kinh tế :
+ Ông Tô Xuân Toàn (chi Ba Khánh Vân) - Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình.
+ Ông Tô Văn Hoạt (chi Hai Khánh Hội) - Nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình.
+ Ông Tô Văn Động (chi Hai Khánh Hội) - Nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình.
+ Ông Tô Văn Từ (chi Ba Khánh Vân) - Tỉnh uỷ viên, Bí thư huyện ủy Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
+ Ông Tô Quốc Việt (chi Hai Khánh Hội) - Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Ngoài ra còn nhiều người đi công tác, đi làm ăn xa ở các địa phương trong và ngoài nước đã thành đạt nhưng do chưa có đủ thông tin nên chưa thể liệt kê.
Như đã nói ở trên, do việc thống kê, ghi chép của các chi họ còn sơ khai, chưa có hệ thống và thường xuyên, người viết bài giới thiệu này cũng thực sự chưa có nhiều thông tin cần thiết nên đây chỉ dám coi là lời giới thiệu ban đầu. Rất mong được bà con trong họ trên mọi miền đất nước (nhất là con cháu Họ Tô Yên Khánh đã rời quê hương đi sinh sống nơi khác) ai còn lưu giữ được gia phả, các tài liệu, thông tin khác về Họ Tô Yên Khánh, Ninh Bình xin thông báo về cho chúng tôi để cùng góp phần phục dựng lại cuốn gia phả đầy đủ của dòng họ. Và trên cơ sở đó, mong rằng bài viết sau sẽ đầy đủ, chính xác hơn.
Chúng tôi cũng kính mong các vị trong Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam (nay là Hội đồng Họ Tô Việt Nam), các bà con Họ Tô trong cả nước nếu có thông tin về mối liên hệ của các chi Họ Tô khác với Họ Tô Yên Khánh xin được thông tin, trao đổi để chúng tôi tiếp tục tham gia chắp nối dòng họ.
Xin chân thành cảm ơn!
Tô Văn Thịnh
- HỌ TÔ HUYỆN THỐNG NHẤT, TỈNH ĐỒNG NAI
- HỌ TÔ HUYỆN SƠN DƯƠNG, TỈNH TUYÊN QUANG
- HỌ TÔ HUYỆN DẦU TIẾNG, TINH BÌNH DƯƠNG
- HỌ TÔ HUYỆN CÁI NƯỚC, TỈNH CÀ MAU
- HỌ TÔ HUYỆN BẢO LÂM, TỈNH CAO BẰNG
- HỌ TÔ GIA XÓM BẪU CHÂU, XÃ LỤC BA, HUYỆN ĐẠI TỪ, TỈNH THÁI NGUYÊN
- HỌ TÔ DUY THÔN CHÂU TRÚC, XÃ MỸ CHÂU, HUYỆN PHÙ MỸ, TỈNH BÌNH ĐỊNH
- HỌ TÔ DUY GỐC MẠC, XÃ QUỲNH NGHĨA, HUYỆN QUỲNH LƯU, TỈNH NGHỆ AN
- HỌ TÔ ĐỨC THÔN CHẤN, XÃ ĐÔNG BÀI, HUYỆN CÁT HẢI, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
- HỌ TÔ ĐỨC THỊ TRẤN THIÊN CẦM, CẨM XUYÊN, HÀ TĨNH
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” và nhà thơ Lê Anh Xuân
- Đất nước và người mẹ trong thơ Tạ Hữu Yên
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”



